Ngày 29-7, tờ Tin tức thế giới đăng bài báo Ảo tưởng chiến
tranh sai trái: Những lời lẽ hiếu chiến về Nam Hải (Biển Đông) giống như
châu Âu trước Thế chiến thứ nhất, kịch liệt phê phán những phần tử diều
hâu ở Trung Quốc chủ trương dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp
trên biển.
Varyag, tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc tu sửa sau khi mua lại từ
Ukraine, sáng 30-7 kết thúc hành trình thử nghiệm lần thứ chín và trở về
cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Nguồn: CNTV.cn.
Bài báo được rất nhiều báo mạng Hoa ngữ trong và ngoài Trung Quốc đăng
lại. Bài báo viết: “Gần đây, với việc vấn đề Nam Hải và tranh chấp lãnh
thổ đảo Điếu Ngư tiếp diễn, trên mạng bắt đầu lan truyền ngày càng nhiều
những lời lẽ hiếu chiến; thậm chí trên một số phương tiện truyền thông,
hình như bàn phím máy tính được nối với tuyến thượng thận, chứ không
phải nối với đại não của một số người… Dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, một
số kẻ nôn nóng có lẽ đã chán cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào. Họ
muốn thay đổi bằng cách phá vỡ tất cả, chờ đợi những sự kiện bùng nổ như
chiến tranh chẳng hạn…”.
Tác giả bài báo so sánh tình hình đó giống như ở châu Âu đầu thế kỷ
XX đêm trước cuộc Thế chiến thứ Nhất, gây nên thương vong khủng khiếp và
khiến châu Âu sa vào thảm họa.
Tác giả cảnh báo: “Vậy mà ngày nay, những sự hối hả, gấp gáp chuẩn bị
gây chiến lại đang hiện ra trong tầm mắt chúng ta. Những kẻ lớn tiếng
cổ suý cho chiến tranh ấy lại có tâm thái của kẻ yếu. Lòng tự trọng giả
dối và mong manh ấy không thể tạo nên thành công… Chúng ta cần phải thấy
rằng, tinh thần hiếu chiến vô vị chỉ đem lại sự sai trái”.
Ngày 29-7, ông Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hiện
là Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, khi trả lời
phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu đã phê phán và bác bỏ chủ trương của
một số người Trung Quốc muốn gây chiến tranh để giải quyết tranh chấp ở
Biển Đông.
Ông Tề nói: “Trong vấn đề Nam Hải, có người nói “phải đánh”, tôi cho
rằng khả năng đó rất nhỏ. Đó là vì hai nước Trung – Việt đều muốn khu
vực này hòa bình, ổn định, đều chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ
thông qua đàm phán. Cho đến nay, lập trường của Trung Quốc chưa thay
đổi”.
Sau khi kể lại quá trình ông tham gia đàm phán về phân định biên giới
trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ, ông Tề khẳng định, từ khi các hiệp định
được ký kết, tình hình biên giới hai nước ổn định, mang lại lợi ích
thiết thực cho nhân dân hai nước, nhất là dân chúng hai bên biên giới.
Ông tin rằng, vấn đề Biển Đông dù lập trường hai bên còn khác nhau,
“nhưng chỉ cần nhất trí về mục tiêu đàm phán, tức là đàm phán hoà bình,
cuối cùng sẽ tìm được biện pháp giải quyết cơ bản và lâu dài mà hai bên
có thể chấp nhận được”.
Ông Tề Kiến Quốc nói: Tại Diễn đàn Nhân dân Việt – Trung lần thứ hai,
phía Việt Nam bày tỏ lo ngại về những thông tin tiêu cực về Việt Nam và
quan hệ hai nước đăng trên báo chí Trung Quốc, ông đã trả lời đó không
phải là báo chí chủ lưu (chính thống).
Ông cũng khẳng định: Những luận điệu như “dạy cho Việt Nam một bài
học nữa” chỉ là “quan điểm cá nhân, không đại diện cho chính sách của
Đảng và chính phủ Trung Quốc, cần phải thấy rõ điều này”.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều những ý kiến phản đối việc thành lập cái
gọi là “thành phố Tam Sa”, phản đối chủ trương sử dụng vũ lực để giải
quyết tranh chấp ở Biển Đông trong giới học giả, nghiên cứu và truyền
thông Trung Quốc cho thấy: Những kẻ chủ trương đi ngược lại xu thế hoà
bình, phát triển, đi ngược lại lợi ích của nhân dân các nước trong khu
vực nhất định sẽ thất bại thảm hại.
Theo Tiền Phong
0 comments:
Post a Comment