Tuesday, August 7, 2012

Hãy cám ơn Trung Quốc

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm TQ.
Trong mấy năm vừa qua, một trong những quốc gia được thế giới chú ý nhiều nhất chắc chắn là Trung Quốc. Ở Trung Quốc, có hai vấn đề được chú ý nhất: sự phát triển và âm mưu bành trướng.
Sự phát triển của Trung Quốc bao gồm hai khía cạnh chính: tích cực và tiêu cực.
Tích cực: đó là tốc độ phát triển cao và khá ổn định trong suốt cả hai chục năm khiến Trung Quốc, từ một nước nghèo và lạc hậu đã trở thành quốc gia có tổng lượng sản xuất thuộc loại cao nhất thế giới, hơn nữa, còn có triển vọng vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới trong một hai thập niên sắp tới.
Tiêu cực: để có sự phát triển ấy, Trung Quốc phải trả nhiều giá rất đắt: một, nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi; hai, khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt giữa thành thị và nong thôn, giữa cán bộ đảng viên và thường dân càng ngày càng lớn; ba, nạn ô nhiễm môi trường đến mức khủng khiếp không những là nguy cơ cho sức khỏe của dân chúng mà còn là một hiểm họa có tính toàn cầu; bốn, sự suy thoái trầm trọng về đạo đức, trong đó nổi bật nhất là nạn vô cảm: sống, người ta chỉ biết chạy theo tiền, bất chấp mọi thủ đoạn và những đau khổ gây ra cho người khác; năm, nạn làm hàng giả, hàng nhái, hàng chứa đầy những độc tố giết người, và nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ của người khác đến mức không còn kiểm soát được nữa; và sáu, quan trọng nhất, khác với hầu hết các nước phát triển khác, Trung Quốc vẫn là một quốc gia độc đảng và độc tài.
Gần đây, khía cạnh thứ hai được chú ý nhiều nhất, thường chiếm trang đầu của những tờ báo lớn: âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Trước, trong giai đoạn đầu để phát triển, Trung Quốc chủ trương che giấu hết nanh vuốt, chỉ tập trung vào chuyện làm ăn buôn bán. Bây giờ, có vẻ như đã tự tin, Trung Quốc bắt đầu muốn chứng tỏ với cả thế giới mình là một siêu cường số một nếu không phải của cả thế giới thì ít nhất cũng ở châu Á. Có vẻ như họ đã quyết định chuyển sang giai đoạn thứ hai: vừa phát triển vừa bành trướng.
Bành trướng trên cả ba phương diện:
Thứ nhất, về văn hóa, họ thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, giúp đỡ các trung tâm văn hóa và giáo dục khắp nơi trong việc dạy tiếng Hoa, tổ chức vô số các cuộc triển lãm và trình diễn nghệ thuật để quảng bá hình ảnh một nước Trung Quốc có truyền thống văn hóa rực rỡ và hiếu hòa lâu đời. Họ cũng mua nhiều cơ sở truyền thông lớn hoặc mua chuộc nhiều ký giả Tây phương để giúp họ trong việc chinh phục tình cảm của dân chúng thế giới.
Thứ hai, về chính trị, họ tung tiền bạc ra viện trợ cho rất nhiều quốc gia nghèo, đặc biệt ở châu Phi và châu Á, để tranh thủ sự ủng hộ của các nước ấy trong ván cờ chính trị toàn cầu trong tương lai.
Cuối cùng, thứ ba, về lãnh thổ và lãnh hải, họ ra sức giành và lấn đất cũng như biển của các nước láng giềng. Với Nhật Bản, họ đưa tàu bè đến khiêu khích ở vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với Philippines, họ gây hấn ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đến mức có thể làm bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang. Với Hàn Quốc, họ giành chủ quyền trên đảo đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu (cách đảo Marado của Hàn Quốc 149 cây số, trong khi nó cách hòn đảo gần nhất thuộc Trung Quốc, đảo Đồng Đảo, đến 247 cây số.) Với Việt Nam, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và hăm he giành cả quần đảo Trường Sa vốn được cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền. Nhưng nổi bật nhất là chính sách con đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò, đường chữ U – Trung Quốc gọi là “cửu đoạn tuyến”) bao phủ toàn bộ bốn nhóm quần đảo và các bãi đá ngầm trên Biển Đông (Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa và bãi Macclesfield) chiếm khoảng 75% diện tích mặt biển (25% còn lại chia cho năm nước liên hệ: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam!)
Trong mấy năm vừa qua, Trung Quốc từng bước hiện thực hóa chính sách xâm chiếm biển và đảo trong khu vực ấy: Năm 2007, họ thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi đá ngầm Macclesfield. Năm 2010, họ thành lập các cơ quan chính quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Mới đây, họ tiến thêm một bước nữa, tổ chức linh đình buổi ra mắt tân thị trưởng thị xã Tam Sa trên hòn đảo Phú Lâm (Woody) vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị họ đánh chiếm vào năm 1974. Trong suốt thời gian này, Trung Quốc không ngừng uy hiếp và sách nhiễu các quốc gia trong vùng bằng cách cấm ngư dân các nước ấy đánh bắt cá. Không ít ngư dân Việt Nam bị họ tịch thu cá, đánh chìm tàu, bắt bớ và đòi tiền chuộc; thậm chí, có người còn bị giết chết một cách man rợ trên biển cả.
Lâu nay, chúng ta xem những hành động bành trướng biển và đảo của Trung Quốc là một đe dọa lớn tiềm tàng khả năng làm bùng nổ chiến tranh trong khu vực. Nhưng, nhìn từ một khía cạnh khác, những hành động ngang ngược và hung hãn của họ lại có lợi không ít.
Thứ nhất, nó bộc lộ rõ ràng bản chất đế quốc của Trung Quốc, điều mà lâu nay, họ cố giấu giếm. Khi bản chất ấy bị lộ tẩy, những âm mưu bành trướng về văn hóa và chính trị cũng bị mất hoặc ít nhất, giảm tác dụng: Những quốc gia được Trung Quốc o bế, cung cấp viện trợ một cách hào phóng, trở thành dè dặt trước nguy cơ bị Trung Quốc nuốt chửng. Chính vì vậy, Kishore Mahbubani, một học giả Singapore, đã xem với các hoạt động gây hấn gần đây, Trung Quốc đang tự hủy hoại uy tín của họ và tự phá vỡ kịch bản ngoại giao do họ thiết kế và theo đuổi trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt với các nước Đông Nam Á.
Thứ hai, nó cũng quốc tế hóa những căng thẳng trong khu vực: Con đường lưỡi bò không những xâm phạm vào chủ quyền của Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á mà còn là một uy hiếp nghiêm trọng đối với thế giới. Đó không phải chỉ là vùng biển hay đảo hoang vu mà còn nơi có trữ lượng dầu khí và nhiên liệu hóa thạch rất lớn (ước tính khoảng 23-30 triệu tấn dầu và khoảng 50 ngàn tỉ mét khối khí tự nhiên); hơn nữa, đó cũng là một trong những con đường hàng hải quan trọng, chiếm đến 1/3 khối lượng hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển trên thế giới (riêng nước Úc có khoảng 54% lượng thương mại được chuyển chở ngang qua vùng biển này).
Hậu quả là thế giới không thể khoanh tay đứng ngó. Không phải ngẫu nhiên mà những tranh chấp chung quanh con đường lưỡi bò ấy đã thu hút sự chú ý của rất nhiều quốc gia: mỗi nước cảm thấy mình bị đe dọa một cách khác nhau.
Thứ ba, trong chiều hướng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nổi bật nhất là sự tham dự của Mỹ. Nếu sự phát triển và bành trướng nói chung của Trung Quốc khiến Mỹ e ngại, chính những tham vọng điên cuồng của họ trên Biển Đông là yếu tố trung tâm dẫn đến quyết định trở lại châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ một hai năm gần đây. (Trị giá số lượng hàng hóa của Mỹ được chuyển chở ngang qua Biển Đông mỗi năm là 1200 tỉ đô la!)
Có thể nói, không phải do Mỹ tự ý và cũng không phải do bất cứ nước nào khuyến khích, chính Trung Quốc mới là nước mời gọi Mỹ trở lại với châu Á. Và trở lại một cách gấp gáp, đầy quyết liệt.
Thứ tư, trước sự đe dọa của Trung Quốc, một số lớn các quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương đều quyết định ngả hẳn sang Mỹ. Trước, trong chiến tranh lạnh, và đặc biệt, sau sự sụp đổ của Liên xô, không ít nước hờ hững với Mỹ. Bây giờ, hầu như nước nào cũng thấy chỉ có Mỹ mới bảo vệ được họ. Quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và Mỹ bỗng dưng trở thành đầm ấm hẳn lên. Hết hiệp ước này đến hiệp ước khác được ký kết. Có thể nói, không kể khoảng thời gian ngắn ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chưa bao giờ Mỹ được chào đón một cách nồng nhiệt như vậy tại châu Á – Thái Bình Dương. Ngay chính Việt Nam, dưới sức ép của Trung Quốc, từng đưa ra chủ trương “Ba không” (Không cho nước nào khác lập căn cứ quân sự ở Việt Nam; không liên minh quân sự với nước nào khác; và không dùng nước này để chống lại nước kia), cũng đã bắt đầu ve vãn Mỹ (dù một sự hợp tác thực sự giữa hai nước, do nhiều nguyên nhân, từ quá khứ cũng như trong hiện tại, vẫn còn lắm gập ghềnh).
Riêng với Việt Nam, những hành động bành trướng ngang ngược của Trung Quốc cũng mang lại nhiều cái lợi:
Thứ nhất, nó cho người ta thấy: đối với một quốc gia, quyền lợi quan trọng hơn ý thức hệ. Thật ra, đó là điều mọi người trên thế giới đã thấy từ lâu, và đáng lẽ người Việt cũng đã thấy rõ ít nhất từ năm 1978 và 1979, lúc cả Camphuchia và Trung Quốc đều tấn công Việt Nam: Cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội, đều đề cao tinh thần quốc tế, như Việt Nam. Điều này đã được Benedict Anderson phân tích rất rõ ngay trong những trang mở đầu cuốn chuyên luận nổi tiếng, Imagined Communities, xuất bản lần đầu năm 1983. Thế nhưng, sau này, ít nhất trong guồng máy tuyên truyền của đảng và nhà nước, giới lãnh đạo lại xem, hoặc muốn dân chúng xem, sự tương đồng trong ý thức hệ sẽ là yếu tố quan trọng nhất nối kết Việt Nam và Trung Quốc lại với nhau, từ đó, xem Trung Quốc như người bạn chiến lược quan trọng và đáng tin cậy nhất của Việt Nam.
Thứ hai, nó cũng buộc chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam phải có một thái độ và hướng chiến lược rõ ràng. Trước, họ cứ im lặng hoặc né tránh. Gần đây, khi thái độ và hành động xâm lấn của Trung Quốc càng ngày càng trắng trợn, họ bị buộc phải lên tiếng. Sự lên tiếng ấy còn khá rụt rè và còn thiếu nhất quán. Nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi khi cường độ xâm lấn của Trung Quốc càng tăng.
Thứ ba, nó trở thành một tiêu chí chính để dân chúng đánh giá chính quyền. Thường, ở các nước dân chủ, cả chính quyền và dân chúng đều đồng thuận với nhau về một số tiêu chí định giá trong một giai đoạn nhất định nào đó, nhiều nhất là về phương diện kinh tế, chủ yếu tập trung vào một số khía cạnh chính như chỉ số lạm phát, chỉ số tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội (GDP) và chỉ số thất nghiệp. Các nước độc tài, ngược lại, thường làm nhòa đi các tiêu chí để chỉ đề cập đến những lý tưởng chung chung với những thành tựu chung chung, những tiến bộ chung chung, những đánh giá chung chung so với quá khứ, có khi là quá khứ xa xôi thời tiền-“cách mạng”. Bây giờ, sự gây hấn và uy hiếp trắng trợn của Trung Quốc, dù muốn hay không, cũng trở thành một tiêu chí để dân chúng đánh giá chính quyền. Người ta so sánh chính quyền hiện nay với chính quyền miền Nam trước đây trong việc đối phó với cuộc xâm lăng của Trung Quốc ở Hoàng Sa vào năm 1974. Người ta so sánh chính quyền Việt Nam với chính quyền các nước khác trong khu vực cũng hiện đương đầu với Trung Quốc (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và đặc biệt, Philippines). Rõ ràng sự đe dọa từ Trung Quốc đang là một cuộc trắc nghiệm của chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam trước mắt người dân: Họ có yêu nước hay không, có dũng cảm và sáng suốt trong cuộc đương đầu với Trung Quốc hay không sẽ được bộc lộ rõ ràng.
Trước cuộc trắc nghiệm ấy, các sáo ngữ mòn rỗng đều trở thành vô nghĩa.
Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

0 comments:

Powered By Blogger