Tuesday, November 11, 2014

Trần Đĩnh và Đèn Cù

Đến nay, những người cộng sản ở Hà Nội viết về chế độ của họ và những người lãnh đạo chế độ ấy vẫn còn quá ít ỏi. Mỗi người phơi bày những điều họ nghe thấy hoặc chứng nghiệm khi họ là nạn nhân của chế độ. Nghe, thấy và chứng nghiệm thường bị giới hạn nên những điều được tiết lộ vẫn còn là một phần cực nhỏ của một bộ máy kìm kẹp, gian ác khổng lồ bao trùm kín mít toàn xa hội từ hơn nửa thế kỷ nay.

Chỉ có tên Hồ Chí Minh mà cho tới nay, nhiều sử gia đã mất bao nhiều thì giờ, công sức vẫn chưa biết được hết về con người này một cách rõ ràng. Riêng một chi tiết cực nhỏ là ngày sinh của ông ấy, cũng chưa dứt khoát được. Hay ông có bao nhiêu tên giả? Lấy bao nhiêu phụ nữ, có bao nhiêu con rơi, thủ tiêu bao nhiêu người? Hãy còn trong bóng tối dầy đặc!

Trần Đĩnh trong Đèn Cù hơn 600 trang giấy cũng chỉ ghi lại được đây đó một số sự việc của chế độ, tức về người,và việc trong phạm vi quan hệ với ông. Nhưng ông đã nói hết chưa?

Cách Trần Đĩnh kể chuyện làm cho người đọc dễ nghe, dễ ghi nhận. Như có gì chân chất.

Trần Đĩnh và Hồ Chí Minh

Trần Đĩnh là một nhà báo, nhà văn của đảng cộng sản Hà Nội. Ông viết từ báo Sự Thật, copy của Nga, tiền thân của Nhân Dân, nay là copy của Tàu. Trước sau Hồ Chí Minh, từ tên đảng cộng sản cho tới tên báo, tên nhà xuất bản, nhứt nhứt phụ thuộc Nga và Tàu, không hề dám có một tên hiệu của Việt Nam do chính mình chọn. Trần Đĩnh là một người viết suốt đời trong hệ thống lệ thuộc đó.

Tới Đèn Cù, ông mới hé lộ ra ông "thất tình thần tượng Hồ Chí Minh" của ông  khi Lê Duẩn và phe cánh chủ trương theo Mao Trạch Đông áp dụng tối đa bạo lực võ trang với chiến thuật biển người xâm lược Miền Nam mà Hồ Chí Minh không dám lên tiếng can thiệp như ông mong đợi. Thần tượng trong tim ông sụp đổ vì Hồ Chí Minh không phải là anh hùng, một vị lãnh tụ anh minh như ông tưởng. 

Cũng may chớ nếu ông nghĩ Hồ Chí Minh muốn can thiệp để Lê Duẩn không đẩy mạnh chiến tranh vào Nam ngay vì muốn hòa hoãn để có giải pháp chánh trị, ông sẽ thất vọng nhiều hơn. Hồ Chí Minh không dám cả quyết theo Lê Duẩn dốc toàn lực đánh mạnh chỉ vì sợ thất bại mà thôi. Cái do dự của người lớn tuổi, khác hơn bản tánh du côn, liều mạng của Lê Duẩn. Mà thất bại thì sự nghiệp lãnh tụ của Hồ Chí Minh từ ngày "xin học trường thuộc địa" sẽ bỗng chốc thành mây khói hết. Nên nhớ Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố "Sẵn sàng đốt cả dãy Trường Sơn để giải phóng Miền Nam" kia mà. Hồ Chí Minh là người sẵn sàng làm tất cả cho đảng cộng sản của ông! Tên tuổi, danh vọng và cả cuộc đời của ông gắn liền với đảng cộng sản!

Nhưng khi ông phải xuôi theo Lê Duẩn là để bảo vệ ngôi vị Chủ tịch nước và tên tuổi đã lỡ có nồi cợm quá lớn của ông, khi chết được quốc táng, mồ mả hoành tráng. Suốt đời Hồ Chí Minh khéo léo lách mình như lươn chỉ để thực hiện tham vọng tột cùng là làm Chủ tịch nước, "Cha già dân tộc", phục hận thời trẻ khó khăn, gian khổ, cha bị bãi chức vì say rượu xử phạt đánh chết phạm nhân, phải tìm đường vào Nam mưu sanh. Khó nói Hồ Chí Minh là người yêu nước vì bàn tay của ông chỉ bết đầy máu những người yêu nước lương thiện. Trong quá khứ, có bao nhiêu cơ hội đã có thể giải quyết vấn đề Việt Nam bằng chính trị để đem lại độc lập và thống nhất đất nước nhưng ông đều từ khước vì giải pháp đó không phải cho quyền lợi cộng sản Đệ tam. Cũng như Võ Nguyên Giáp chịu xếp hia mão trước uy quyền của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chỉ để bảo vệ danh tiếng Đại tướng, người hùng Điện Biên, chết được đám ma rùm beng, bảo vệ sự nghiệp của con cháu. Đã "Chịu đấm [để] ăn xôi mà xôi lại [không] hẩm", thì còn gì hơn?

Trần Đĩnh có kể Hồ Chí Minh, nhờ Mao giới thiệu, qua Mạc-tư-khoa năm 1952 được yết kiến Staline và sau đó, Staline đưa qua cho Mao "phụ trách" để chuẩn bị mở chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Nhưng không thấy ông kể lại một giai thoại khá lý thú này. Trong lúc hội kiến Staline, Staline kéo 2 chiếc ghế chỉ cho Hồ Chí Minh và nói "Đây là ghế địa chủ, còn đây là ghế nông dân. Đồng chí muốn ngồi ghế nào?". Lúc về Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ ra lệnh chuẩn bị làm cải cách ruộng đất, chọn cán bộ gởi qua Tàu thụ huấn, không kể lại chuyện này và cũng không nghe ông nói là ông đã chọn chiếc ghế nào (Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône, Paris, 2003).

Trong Đèn Cù và trả lời đài phát thanh, Trần Đĩnh thú nhận rất rõ trước kia ông mê Hồ Chí Minh vô cùng nhưng sau này, ông thất vọng lắm. Nhưng lại không thấy phản ứng tự nhiên phải có của ông trong Đèn Cù về sự gian ác có một không hai của Hồ Chí Minh trong vụ đấu tố và xử tội địa chủ của Bà Nguyễn Thị Năm khi ông kể lại Hồ Chí Minh bịt râu để ngụy trang và Trường Chinh mang kiếng đen che bớt mặt tới dự khán. Vâng lệnh Tàu làm cải cách ruộng đất, phá tan hoang đất nước là đã quá dã man rồi. Ra lệnh giết người lương thiện yêu nước là cái gian ác chánh trị, viết báo tố cáo tội ác của Bà Năm mà những tội ác hoàn toàn do Hồ Chí Minh bịa đặt ra dưới tên CB, ngụy trang đi chứng kiến phiên xử tội của người lương thiện, ân nhân của kháng chiến, của đất nước, là thứ gian ác thuộc bản chất của con người cộng sản tinh ròng. 

Cũng về Hồ Chí Minh, Trần Đĩnh kể cuối năm 1942 ở Hoa Nam, Tưởng Giới Thạch tổ chức Đại hội thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội để thống nhất các Tổ chức Việt Nam chống Nhật và làm tình báo cho Tàu. Tưởng Giới Thạch biết Hồ Chí Minh là cộng sản nên bắt giam để Hồ Chí Minh phải ngả theo Tưởng. Nhờ Tập thơ (Ngục Trung Nhật ký) bày tỏ tâm sự "tôi đây yêu nước chứ không cộng sản" rồi nhờ có thêm người như Hồ Học Lãm nói với Trương Phát Khuê. Hồ Chí Minh ra tù và lãnh đạo Việt Nam Cách mạng Đồng Minh Hội (Đèn Cù, tg 39).

Trần Đĩnh ở chỗ này không nói rõ Hồ Chí Minh ra tù lúc nào. Nhưng trong thời gian đó, Hồ Chí Minh không thể ở tù và cũng không thể làm những bài thơ tù về hoàn cảnh lúc đó được. Bởi lúc đó, Hồ Chí Minh ở Cao Bằng và làm báo Việt Nam Độc lập. Xin mời xem Bee.net.vn, 05/02/2010, trích dẫn lại từ báo Việt Nam Độc lập:

"Ngày 5/2/1943 ứng với ngày mùng 1 Tết Quý Mùi, bài thơ “Mừng năm mới” vốn được đăng trên báo "Việt Nam Độc lập số đầu năm dương lịch 1943 ("Báo Việt Nam Độc Lập 1941-1945”, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng, NXB Lao Động, Hà Nội 2000), đã đến với nhân dân trong không khí đang sục sôi cách mạng.

Bài thơ là một bản phân tích tình hình thế giới và đón chờ cơ hội: 
           
Mừng Năm Mới

“Một nghìn chín trăm bốn mươi ba 
Năm mới tình hình hẳn mới
 Đông Á chắc rồi Tàu thắng Nhật 
Tây  u nhất định Đức thua Nga
Nhân dân các nước đều bùng dậy 
Cách mệnh nhiều nơi sẽ nổ ra
 Đức,Nhật chết, rồi Tây cũng chết 
Ấy là cơ hội tốt cho ta 

Ấy là cơ hội tốt cho ta
Cơ hội này ta chớ bỏ qua 
Phấn đấu hy sinh đừng quản ngại 
Tuyên truyền tổ chức phải xông pha
Đồng tâm một triệu người như một 
Khởi nghĩa ba kỳ giậy cả ba
Năm mới quyết làm cho nước mới
Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa”.

Nếu cuối năm 1942 qua đầu năm 1943, Hồ Chí Minh có ở tù thiệt, và có làm thơ tù trong thời gian này thì Báo Việt Nam Độc lập phải đem đốt đi. Hoặc trái lại, Tập thơ tù phải đem trả lại cho tác giả thật của nó.

Đây là một vụ án văn học rất quan trọng cần phải sớm được giải quyết sòng phẳng. 

Trần Đĩnh sau 30 tháng 4/1975

Một năm rưỡi sau 30/04, Trần Đĩnh mới được phép vào Sài Gòn vì ông mang tội xét lại chống đảng, tức chống chủ trương đánh mạnh, đánh gấp rút chiếm cho được Miền Nam, nên ông không có quyền chia sẻ cái chiến thắng đó. Sự từ chối cấp phép cho ông có ý nghĩa rất cụ thể. Ông không dấy máu nên không được ăn phần. Những ngày đầu, của cải của Miền Nam hãy còn đầy ắp. Hơn năm rưỡi sau, vào Nam chỉ còn đi Chợ Trời Huỳnh Thúc Kháng, Lăng Cha Cả...

Ngày đầu tiên vào Sài Gòn, bà Dương Thu Hương ngồi bẹp xuống lề đường ôm mặt khóc ngất. Bà giác ngộ cách mạng cộng sản làm giải phóng Miền Nam được Hà Nội tuyên truyền làm động lòng người là nơi bà con ta bị Mỹ Ngụy kìm kẹp, bốc lột, không có cái bát ăn cơm! Bà đã vượt Trường Sơn, đem "tiếng hát át tiếng bom". Có nhiều lúc phải ăn thức ăn của heo vì đói. Để vào cứu đồng bào Miền Nam! Bà khóc vì thực tế đã làm tan biến cái quyết tâm mãnh liệt trước đây của bà.

Ông Trần Đĩnh ngủ đêm ở Đà Nẵng và tỉnh giấc trông thấy tượng Quan Thế  Âm Bồ Tát, tĩnh lặng, tỏa sáng ngay trên đầu. Ông chợt thấy lòng êm ả lạ. Được an ủi. Một điềm lành rất lớn, rất hãn hữu, đem lại cho ông một thứ hạnh phúc chân thật tuyệt vời. Đã tiếp nhận ánh sáng của Đấng Cứu khổ nhưng không biết đủ để ông giác ngộ chưa?

Trần Đĩnh rất buồn vì chưa được tin tức cha mẹ và các em ở trong Sài Gòn. Buồn hơn vì không biết nhân dân Miền Nam sẽ sống ra sao trong những ngày tới khi đảng đã bố trí đầy đủ bộ máy lãnh đạo xã hội chủ nghĩa. Một hôm gặp một người bạn vào Sài Gòn trước trở về thuật lại cho ông biết về đởi sống của dân ở Miền Nam. Ồ, sung sướng lắm! Họ toàn tư sản cả. Ông bạn mê nhứt là đi toa-lết vì phòng toa-lết rộng, thoáng, sang và thơm phức. Văn phòng của Phó Ban ta thua xa!

Nhờ Thép Mới tìm được gia đình của ông ở đường Nguyễn Thông, gần Kỳ Đồng, Quận 3 Sài Gòn. Khu gia cư tiểu tư sản. Ông Cụ của ông nhờ Thép Mới làm giấy chứng nhận là "tủ sách gia đình hiến cho báo Nhân Dân" để còn giữ lại được. Trần Đĩnh, mang bản án xét lại chống đảng, không thể làm giấy giới thiệu "gia đình cách mạng" được. Bùa Lỗ Bang hết linh với âm binh. Ông gởi vào mấy cái huân chương kháng chiến nhưng trẻ con đã lấy làm cầu đá chơi rồi.

Cơ quan báo chí họp nghe truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về chánh sách đối với quân nhân và viên chức Chính phủ VNCH mà lạnh xương sống "Ta nhân đạo đưa họ đi cải tạo để trở lại làm người, kẻ nào không chịu mà chống lại thì ta sẽ đối xử như chó". Bữa ấy cũng truyền đạt lời Lê Đức Thọ "Ta để cho họ tạm buôn bán thế mà đã có anh em chất vấn. Họ như con chim ta nắm trong lòng bàn tay: cần đến ta bóp lại ngay thôi mà".

Trần Đĩnh thấy rõ bà con trong Nam từ nay là đồng minh không cần cam kết, họ sẽ bị đày ải như dân ngoài Bắc trước đây.

Ông gặp lại bà con ở Sài Gòn nói chuyện, hỏi han, gặp lại cán bộ, bộ đội từng vượt Trường Sơn, đi B, nay về vườn, cũng mò vào Nam sanh sống. Có ngưòi không muốn gì khác hơn, không muốn biệt thự, không muốn xe hơi, chỉ muốn Mỹ trở lại bỏ bom cho chết hết. Cái uất hận của người dân vì thực tế đã đập vỡ mộng của họ từng ôm ấp trước kia. Mộng là sức mạnh làm cho con người ta vượt qua mọi gian lao, nguy hiễm, để chiến đấu, để sống, để mong đợi. Cộng sản động viên được lòng dân vì giỏi xây mộng cho nhân dân. Ngày mai này, khi cách mạng giải phóng được Miền Nam thì bao nhiêu quyền lợi, bạc tiền, đất đai đều là của nhân dân cả.

Mộng là kết tinh của lòng tham con người. Trần Đĩnh chứng nghiệm thực tề ở Việt Nam sau khi im tiếng súng. Kẻ có quyền đạt được mộng giàu có, nhà cao, cửa rộng, xe cộ bóng nhoáng, người ở người hầu. Kẻ "áo chưa khô máu" thì mới bị vỡ mộng, trở lại thân phận khố rách, áo ôm. Riêng nông dân chủ lực của cách mạng, là khổ hơn ai hết!

Trần Đĩnh thấy thấm thía câu "Chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực" của nữ thi sĩ Nga, Bà Olga Bergolzt, bị đày ải suốt đời vì bà sáng suốt và can đảm nói thay cho tất cả những ai sống với cộng sản. Thấy mà không dám nói. Hay không nói vì vô minh.

Giờ đây, ông thấy rõ cộng sản chỉ còn lo bành trướng quyền lực là nhu cầu duy nhất phải làm để bảo vệ quyền lực của phe cánh cầm quyền. Còn dân, vỡ mộng, dân có nhu cầu trừng phạt cái tội của đảng lừa dân. Và cậy bất cứ cái gì không phải cộng sản. Cả Ngụy trở về, Mỹ trở lại cũng được!

Ông Cụ của Trần Đĩnh hài lòng thấy con của mình đã "sáng mắt, sáng lòng" nên viết báo tin với người thân "Il faut célébrer la grande sortie de Đĩnh". Nhưng thật sự Trần Đĩnh đã giác ngộ lẽ phải chân thật, đã thật sự tách đạo đức khỏi chánh trị, đã tự tiêu hủy con người cộng sản của mình chưa? Dứt khoát, rốt ráo như lúc ông đưa tay trái lên thề trước búa liềm, trước hình Lê-nin, Staline và Mao? Hay ông chỉ mới "sorti" trong suy nghĩ, trong "nhật ký" mà cũng mới định viết?

Khi nghe đảng viên kêu gọi nhau chú ý theo dõi phản ứng của quần chúng trước sụ kiện này, sự kiện nọ, ông đôi khi còn cảm thấy xấu hổ. Vì bị án xét lại chống đảng nó ám ảnh. Tư cách đảng viên là cái mộc che chắn nay bị rơi xuống và ông muốn rên thành tiếng. Ông cảm thấy ông không còn là ông nữa vì không còn trong đảng, tức trong thứ "bầy đàn". Chính "bày đàn" đã làm ra con người Trần Đĩnh từ năm 19 tuổi. Nhưng ông thừa nhận còn giữ được ở trong sâu thẩm con người ông cái bản tánh lương thiện, cái chất "thú hoang", nó giúp ông tự vệ. 

Sống thật với người thân, với đất nước, dần dần ông nhận diện được kẻ đã đày ải ông và ông thấy hạnh phúc. Theo thời gian qua, ông đã nhận ra tội ác và lên án nó. Ông đã không quì gối trước nó cũng như ngay thẳng nhận mình từng có đi theo nó, tội ác . 

Ở điểm này, Trần Đĩnh không nói rõ "Tội ác" là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, những kẻ đã đày ải ông vì tội xét lại chống đảng hay "Tội ác" là cái đảng cộng sản mà suốt đời ông phục vụ? Hồ Chí Minh có phải thật sự là nhà cách mạng ái quốc không? Hay chỉ là kẻ đại gian, đại ác? Nhưng nếu chỉ một mình Hồ Chí Minh thì không đủ. Phải có thêm những người cùng mang chủng tử ác mới "gian nhân hiệp đảng" được. Vì vậy mà đảng cộng sản mới gây nên tội ác tày trời, đày đọa cả dân tộc được.

Ở Việt Nam ngày nay, Trần Đĩnh thấy người dân bình thường được đảng dạy trong đời sống hằng ngày "cái đẹp là đểu, chỉ có cái xấu là thật".

Không biết sau khi viết Đèn Cù, Trần Đĩnh có chuyển biến thêm tư tưởng nữa không? Có thật sự giác ngộ như ngày xưa đã giác ngộ cách mạng? Hay chỉ một thái độ bất mãn vì bị khai trừ khỏi đảng? Và ông còn ray rứt không?

Vài nhận định của Trần Đĩnh về chế độ

Đọc qua Đèn cù, người đọc có thể ghi lại vài nhận định của Trần Đĩnh về chế độ ở Hà Nội của ông. Tư tưởng của ông có chuyển biến, nhưng con người ông đã thật sự mới chưa?

Trần Đĩnh trước đây vẫn bảo thủ ý “phi cải cách ruộng đất bất thành chiến sĩ cách mạng chân chính”.
Nhưng sau đó ông lại phản tỉnh [Hãy cảnh giác với thần tượng, và bỏ thần tượng]!

Do đó hãy tin trước hết ở lương tri, bản chất mình, gắng là chính mình, chớ nghe sai phái. Hãy dám phê phán, dám lên tiếng, và dám chịu đựng. Cái đó nhờ phong trào phái hữu (ở Bắc Kinh lúc du học), mà ông say sưa, sung sướng chứng kiến, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, độc quyền lãnh đạo, những mỹ từ có tính bùa phép khiến một lớp người ít ỏi bỗng trở thành thần thánh. Phong trào chống sùng bái cá nhân ở Liên Xô ông tiếp nhận tại Bắc Kinh. Rồi kế theo là phong trào đòi dân chủ của phái hữu Trung Quốc (Đèn Cù, trg 156). 

Ông phê phán tư tưởng Mao hiếu chiến. Ông muốn phải có một đảng theo đúng học thuyết cộng sản khoa học yêu hòa bình (Đèn Cù, trg 354).

Ở ta, yêu nước không được đảng đóng dấu xác nhận là công cốc, thậm chí còn là điều nguy hiểm. Bởi theo đảng thì ranh giới giữa yêu nước và phản động vô cùng mong manh.

Tự do này là nhằm cho loài người, do đó nó phải giam tự do của cá nhân vào trong cái lồng tập thể, đúc bằng kỷ luật thép mang tên chế độ tập trung dân chủ. Thế là cuộc đời liền bị giằng xé giữa 2 thứ tự do đối chọi nhau vô cùng nước lửa. Để không chóng thì chầy tất nhiên đi tới chống đảng, cái tổ chức độc quyền tất cả: bao cấp toàn bộ độc lập, tự do, chính nghĩa, đạo đức, nhân dân, đất nước, chân lý, quy luật, rồi miếng ăn, chỗ ở, hôn nhân, ma chay, quyền sống, phận chết đã được đảng thiết kế cho mỗi hạng người, mỗi con người (Đèn Cù, trg 44- 45).

Trần Đĩnh sám hối đã viết truyện Bất Khuất như bồi bút.

Ông đề cập phái hữu ở Bắc Kinh. Phải hiểu nó gồm một lớp người khá đông học ở ngoại quốc về và họ hoạt động mạnh, gần như công khai, trong giới Đại học, nghiên cứu, sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình đưa ra chánh sách đổi mới. Họ chủ trương phải cất tư tưởng Mao Trạch Đông vào tủ, lấy học thuyết Khổng Mạnh thay thề làm kim chỉ nam (Emilie Frenkiel, Parler politique en Chine, Puf, Paris, 4/2014). Vì ảnh hưởng Tây phương, họ chủ trương phải dân chủ hóa chế độ. Nhưng hoạt động của họ vẫn trong khuôn khổ Đại học, chưa phổ biến vào quần chúng. Việt Nam chưa có điều kiện nhân sự như ỏ Bác Kinh.

Còn ông cho rằng “học thuyết cộng sản khoa học yêu hòa bình” thì quả thật ông bị thấm nhuần cộng sản quá lâu nên vẫn còn mơ hồ. Ông không thấy thực tế cộng sản đã sụp đổ trọn vẹn trên ngay quê hương của nó chỉ vì nó không khoa học, nó không đủ sức mở ra tương lại. Cộng sản chỉ dùng bạo lực cướp chánh quyền chớ chưa bao giờ được dân chúng ủy nhiệm bằng bầu cử và cầm quyền. Quyền lực đến từ họng súng, như Mao đây. Có nơi nào cộng sản yêu hòa bình chơn thật không? Hay hòa bình là phải theo cộng sản?

Nhưng dẫu sao, viết Đèn Cù, Trần Đĩnh đã đặt vấn đề theo đảng cộng sản là theo tội ác. Có đặt vấn đề, có suy nghĩ, có thấy vẫn hơn vạn lần những kẻ ngày nay ăn cơm Tây, cơm Mỹ, nằm nhà thương Tây, nhà thương Mỹ, lảnh phụ cấp của Tây, Mỹ, ỏm tỏi phê bình dân chủ, tự do ở xứ tự do, mà ôm đầu chạy về phủ phục với cộng sản Hà Nội đang khủng bố dân chúng, cướp tài sản của dân và bán nước cho Tàu.

Về Hồ Chí Minh  

Ông sanh năm 1891. Cả Khiêm, anh của ông xác nhận, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng. Cả Bà Thanh, chị của ông, cũng xác nhận năm sanh 1891. Báo cáo với ông thì ông nói “của người ta thế nào thì cứ để thế không sửa gì hết”.
Lãnh tụ lúc nào cũng được phục vụ chu đáo tuy đang ở trên rừng. Những năm 1949, Lang Bách thường kỳ chế rượu thuốc cho Hồ Chí Minh uống. Một lần được hỏi giá bao nhiêu tiền 4 chai này, anh cho biết giá bằng sinh hoạt phí mấy tháng của những người ngồi đây. Thuốc bắc quý thì đắt mà lại phải mua trong Hà Nội. Có khi người mang ra bị Tây phục kích chết ở Đường số 5 nữa ấy chứ (Đèn Cù, trg 196). Rượu thuốc Minh Mạng hay toa thuốc bổ dương của Mao rất có tiếng?

Một hôm Tố Hữu đưa cho Trần Đĩnh 2 tập sách của mật thám Pháp sưu tra Nguyễn Ái Quốc, kể đầy đủ những việc ông ta làm dưới con mắt 2 mật thám sưu tra cùng ký tên. Như "Nguyễn đi bệnh viện Cochin (Paris, XIV) trích áp-xe (abcès) tay lúc mấy giờ. M., người tình của Nguyễn mấy giờ đến, mấy giờ đi. Nguyễn học thôi miên buổi tối ở đâu" (Đèn Cù, trg 176). 

Ở An toàn khu, Lý Ban phụ trách Hoa kiều vụ. Lý Ban hoạt động ở Quảng Đông, vợ Tàu, và nói tiếng Việt thua Tàu phá sa Bờ Hồ. Ông là người đầu tiên sang Bắc Kinh chuẩn bị cho việc Hồ Chí Minh lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch nước sang Bắc Kinh để trình diện Bắc Kinh mong được thừa nhận. 

Tháng 10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Hơn 2 tháng sau, Hồ Chí Minh bí mật len qua vùng địch ở Phục Hòa, Cao Bằng, đi Trung quốc qua Thủy Khẩu. Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh, Phạm Văn Khoa theo ông. Lý Ban vốn tỉnh ủy viên Quảng Đông đi tiền trạm. 

Ông sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Châu n Lai. Sau đó, Staline đã phân công Trung Quốc "phụ trách" Việt Nam. Nghe qua, Trần Đĩnh cụt hứng. Nghĩa là Staline bàn giao cho Trung Quốc quản lý Việt Nam, tức cai trị Việt Nam thay thế Liên-Xô ở xa. Chiến tranh biển người ở Đông Dương của Mao Trạch Đông khởi động từ sự phân công rất quan trọng năm 1950 của Staline! Đúng như Hồ Chí Minh nói với vẻ ngụ ý khiêm tốn “Mao mới có tư tưởng chánh trị”, tức có tài tính toán xa, chớ ông chỉ có tác phong thôi, tức vâng lời. 

Hồ Chí Minh đã bị Lê Duẩn không cho tham dự họp Bộ chính trị, còn ra tay hạ ông sát ván. Lê Duẩn cho lệnh công bố Hồ Chí Minh là tác giả đích thực của 2 cuốn hồi ký: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên" (NXB Trẻ Sài Gòn 2008) và "Vừa đi vừa kể chuyện của T. Lan” (NXB Trẻ Sài Gòn 2007) và cho phổ biến thật rộng, đưa cả vào sách giáo khoa của Hà Minh Đức (Hà Minh Đức, Tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1985, trang 132 và trang 142).

Một hôm, khoảng năm 1987, nhà toán- tin học số 1 Hà Nội, Ông Phan Đình Diệu gặp bạn bè ở Paris, trả lời một câu hỏi của bạn về trường hợp tại sao tiết lộ chánh thức Hồ chí Minh là tác giả 2 tập sách kia, ông giải thích: "Sau 30/4/1975, Lê Duẩn quyền khuynh thiên hạ, tự nghĩ là mình tài trí cao hơn Hồ Chí Minh một bực, bèn tìm cách hạ bệ Hồ Chí Minh thêm một cú ân huệ, để tự nâng cao mình lên tột đỉnh. Công bố Hồ Chí Minh là tác giả 2 quyển hồi ký trong đó Hồ Chí Minh tự đề cao mình là nhằm lố bịch hóa Hồ Chí Minh! Cho người đời nhìn thấy chính bác viết hồi ký để tự bốc thơm bác! Phan Đình Diệu rất thân thiết với Võ Nguyên Giáp."

Thế lực bá quyền của Trung Quốc trên đảng CSVN từ 1950 

Ở Hội nghị 9, Lê Duẩn đã xác định rõ “tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-Nin của thời đại ba dòng thác cách mạng Á-Phi-La (Á Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La-tinh).

Lê Duẩn suy tôn Mao làm lãnh tụ thì mới hạ Hồ Chí Minh được để lên ngôi thay thế. Áp dụng ngay chiến thuật biển người của Mao ở Đông Dương, nắm trong tay quyền lực chiến tranh, Lê Duẩn thực hiện tham vọng thay thế Hồ Chí Minh trên thực tế trước. Và tham vọng của Lê Duẩn làm thương vong hơn 10 triệu sinh mạng nhân dân Việt Nam. Con số này, Bà 7 Vân, vợ bé của Lê Duẩn, xác nhận trên BBC trả lời phỏng vấn của Ông Xuân Hồng. Bà còn nói thêm, "Lê Duẩn có thể hi sinh thêm nữa nếu Trung Quốc không viện trợ nhiều hơn".

Phần 2 tối mật của Nghị quyết 9, cuối năm 1963, là quyết định tiến hành chiến tranh giải phóng Miền Nam! Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh theo chủ trương của Mao đã thắng thế trong đảng. Nghị quyết 9 đưa ra nhắm lúc ở Miền Nam cánh quân nhơn, sau khi hạ được chế độ Ngô Đình Diệm, thừa thắng xông lên, tranh quyền thay phiên đảo chánh, làm cho Miền Nam suy yếu. Lê Duẩn biết lợi dụng thời cơ. 

Năm 1954, những người đi kháng chiến thật sự vì lòng yêu nước, nay hết chiến tranh, họ chọn ở lại làm ăn, sống hạnh phúc với gia đình. Cuối những năm 50, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách rất hay, phục hồi "Tinh thần kháng chiến" cho những người đi kháng chiến chỉ thật vì lòng yêu nước, tách biệt với Việt Minh cộng sản. Cho phát hành tờ báo  "Kháng Chiến" làm phương tiện tập hợp.

Nhưng khi những người kháng chiến không cộng sản thật thà tập hợp lại thì bị Chính quyền kiểm soát chặt chẽ, như trình diện, khai báo, tối tập trung họ lại ngủ ở trường học, đình chùa. Lo sợ, họ tìm cách lẩn trốn tập hợp. Họ bắt đầu bị lùng bắt, gia đình họ bị khủng bố. Còn những người đi tập kết, phần lớn tập kết sang Miên, Lào. Và một số được lệnh chôn súng, bám trụ. Khi Nghị quyết 9 chiến tranh ban hành cuối năm 1963, họ kết hợp lại và tràn ngập lãnh thổ VNCH bằng đường bộ, đường sông, đường rừng! 

Và cũng từ đây, Hồ Chí Minh thôi họp Bộ Chính trị vì sức khỏe. Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm ngồi chơi xơi nước, học nhạc lý và đánh piano. Ung Văn Khiêm thôi ngoại giao. 

Vậy năm 1975, Mỹ thua Mao ở Cao Miên và Sài Gòn chớ không phải thua Lê Duẩn và Pol Pot. Người đánh cờ thua nhau. Riêng sự sụp đổ của VNCH có lẽ đã được báo trước từ năm 1963. Nhưng VNCH sụp đổ ngoài sự quản lý của Mao. Lúc đó Mao cũng đã già yếu, bệnh hoạn. Đặng Tiểu Bình chưa kịp lên ngôi. Cơ hội tốt ngàn năm một thuở cho Lê Duẩn tung hoành cả Đông Dương. Đây là giai đoạn vàng son của đảng cộng sản Hà Nội. Và Việt Nam được độc lập tạm thời trong khối xã hội chủ nghĩa.

Xét sự nghiệp của Lê Duẩn. Lê Duẩn giết hơn 10 triêu người Việt Nam để làm "chiến tranh giải phóng cho Trung Quốc và Liên-xô". Đó là tội diêt chủng và tội xâm lược VNCH theo luật pháp quốc tế. Đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Lê Duẩn mang tội phản nghịch. Đối với dân tộc Việt Nam, Lê Duẩn là tên nô lệ ngoại bang và đưa Việt Nam vào tròng lệ thuộc ngoại bang: tội trước Tòa án nhân dân và lịch sử Việt Nam.

Lê Duẩn phải được đặt ngoài vòng pháp luật.

Mao Trạch Đông chỉ chọn một mình Lê Duẩn làm chiến tranh ở Việt Nam vì biết Lê Duẩn kiểm soát được đảng cộng sản và bản tánh du côn, tham vọng lớn nên dễ sai khiến. Chọn được một tay sai đắc lực thì phải loại bỏ những người khác. 

Về Mao Trạch Đông

Mao Trạch Đông từ lâu không cam làm "anh hai" trong phe xã hội chủ nghĩa. Staline chết, đó là cơ hội cho Mao đặt lại tư cách đại lãnh tụ. Mao lợi dụng hậu quả đấu tố của Đại hội 20 ỏ Mạc-tư-khoa để công khai đả kích Liên Xô. 

Đã ngờ câu nói "Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ". Nhưng lúc ấy, Trần Đĩnh vẫn chưa bắt được trúng nọc của nó. Đó là có xúi và giúp Việt Nam và thiên hạ đổ máu đuổi Mỹ đi khỏi Việt Nam và Đông Nam Á thì Trung Quốc mới quàng lấy được hết Biển Đông và Châu Á. 

Xúi Hà Nội đánh Mỹ, Mao giấu đi mục tiêu chiếm Biển Đông, tuy Chu Ân Lai đã công khai đòi chủ quyền biển đảo từ 1949. 

Mao cho làm Chiến tranh biển người ở Đông Dương từ 1949, phá bỏ cái Quốc tế Cộng Sản để Trung Quốc mới tiến lên ngang ngửa với Nga và Mỹ được. 

Từ 1957, Mao đã nhận định đúng tương quan thực lực giữa Liên Xô và Trung Quốc. Hiện nay (2014), Nga chỉ có khoảng 150 triệu dân, kinh tế lụn bại như một nước chậm tiến, trong khi đó Trung Quốc có từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ dân, kinh tế chỉ thua Mỹ. Trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ khống chế vùng Tây Bá Lợi Á của Nga, Mông Cổ và Trung Á, về kinh tế và dân cư, và tranh hùng với Mỹ trong thế giới mới chỉ còn lưỡng cực! Lúc ấy, theo Trần Đĩnh, ông không nghĩ nổi Việt Nam cần phải theo Mao, vừa đánh phe "xét lại chống đảng", vừa phải đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng như một thế chấp nộp Trung Quốc. Nhưng chắc Mao vẫn chưa hài lòng lắm vì Hà Nội vẫn chưa nộp Võ Nguyên Giáp.

Từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm phụ họa cho cộng sản Tàu đàn áp cánh hữu nổi lên đòi tự do ngôn luận ở bên Tàu tới 10 năm sau là vụ "xét lại chống đảng" hưởng ứng cuộc vận động của Tàu nhằm sắp xếp lại thế trận làm tan phe cộng sản quốc tế dưới trướng Liên-xô mãi kìm hãm Trung Quốc ở vị trí phó tướng và thay đổi cục diện thế giới có lợi cho Trung Quốc, tất cả có thể nói Việt Cộng đã hăng hái dọn đường rước Trung Cộng tới thống trị Việt Nam.

Tư tưởng của Mao

Khoảng 1964, Đặng Thai Mai, Giáo sư Văn chương ở Đại học Hà Nội, cho đăng ở trang nhất báo Văn Nghệ một bài ca ngợi "Thơ và Từ" bất hủ của Mao chủ tịch. Ông viết:

“Tính tư tưởng và tính nghệ thuật trong Thơ và Từ của Mao chủ tịch. 

Trong tập Thơ và Từ, chúng ta có thể nhìn thấy một người anh hùng kiểu mới, người anh hùng của giai cấp vô sản, người anh hùng lý tưởng của thời đại chúng ta.

Đọc xong tập Thơ và Từ của Mao chủ tịch, chúng ta có lý do để mà nghĩ rằng: Phải là con người vĩ đại mới có thể viết được văn chương thật sự vĩ đại, vì một tác phẩm văn chương vĩ đại bao giờ cũng biểu hiện một cá tính vĩ đại”.

Đặng Thai Mai khám phá ở Mao có tới 3 thứ "anh hùng vĩ đại" nên phải bày tỏ lòng sùng bái. Hơn nữa, ông sùng bái để còn vớt vát cho ông con rể Đại tướng Võ Nguyên Giáp nữa. 

Mời đọc bài Núi Côn Lôn của Mao để thấy tư tưởng “vĩ đại” của ông (Thơ và Từ của Mao chủ tịch, Văn học, Hà Nội, 1966, trg 7-30 và 96-97).

Núi Côn-Lôn

Mà nay ta bảo Côn-Lôn:
Không cần quá cao, không cần bấy nhiêu tuyết.
Sao tựa được trời, rút bảo kiếm,
Đem ngươi chặt làm ba khúc,
Một gửi châu u,
Một tặng châu Mỹ,
Một trả về Đông quốc.

Phải chăng Mao muốn chia thiên hạ làm 3, không để cho 2 siêu cường Nga-Mỹ tranh hùng thế giới một mình? Mao chia phần Nga thống trị toàn thể Châu Âu, biếu không Trung Nam Mỹ, kể cả Cu-ba, cho Hoa Kỳ. Châu Á phải là của Mao.

Châu Á được Mao trong bài thơ gọi là “Đông quốc”. Tại sao là “Đông Quốc” mà không gọi đúng như tên gọi xưa nay “Á Đông”? Phải chăng Mao có chủ ý trong mưu đồ của ông ta? Và “Đông” trong “Đông Quốc” có thể được hiểu rõ hơn. Đó là nước của Mao Trạnh Đông theo cái nhìn đầy tham vọng của Mao... Những người chủ trương theo Mao Trạch Đông, tưởng cũng nên biết qua Mao vốn là một con người tàn ác vĩ đại và ngông cuồng tham vọng. 

Mao khi để Tần Thủy Hoàng không có gì siêu quần. Y chỉ chôn 460 nho sĩ; còn chúng tôi, chúng tôi chôn 46.000 người (M.H.Bernard, Mao Tsé-toung, 1893-1976, VOIX, Paris 2003).

Tất cả phe cộng sản phải là "một chậu nước lớn, nhưng đã ngầu đục, bị Mao lắc cho nổi sóng cuộn gió, và bên trong chậu đó, các anh hùng hảo hán, các kẻ vệ đạo nghiêng ngửa hò hét hủy diệt nhau." 

Đến 1963, bị ba bề Tây Tạng, Ấn Độ, Đài Loan áp lực mạnh, Bắc Kinh cần làm chiến tranh ở Việt Nam để bắt Mỹ phải đem quân vào can thiệp, tạo nên "cuộc đại loạn toàn thiên hạ cho Trung Quốc được nhờ"!

Quả thật Bắc Kinh đã góp phần làm tan phe cộng sản và chấm dứt chiến tranh lạnh. Nhưng mà tốn máu Việt Nam quá nhiều mà lại không cho Việt Nam! (Đèn Cù, trang 215). 

Mao không muốn gởi quân lính Tàu qua tham chiến ở Đông Dương, vì Mao cho rằng một đại cường quốc như Trung Quốc không nên vi phạm Hiệp Định quốc tế như Hiệp Định Genève 1954, Hiệp Định Paris 1973? Một nước nhược tiểu cộng sản chậm tiến như Việt Nam thì có thể xóa bỏ bất cứ Hiệp Định nào! 

Cái chết đột ngột của Nguyễn Chí Thanh 

Tháng 6/1967, Mao hạ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, gần hết Bộ chính trị cùng 11 vị nguyên soái, thì ở Hà Nội, bất ngờ xảy ra cái chết của Tướng Nguyễn Chí Thanh sau bữa cơm tối hôm 6/7/1967 do Võ Nguyên Giáp mời, trước hôm Thanh đáp máy bay qua Cao Miên để về cục R.

Cái chết đột ngột của Tướng Nguyễn Chí Thanh thuộc phe thân Tàu không tránh khỏi gieo nghi ngờ ở nhiều người ở Hà Nội. Người ta bàn tán nhiều hơn khi đọc được lời phân ưu của Mao “Xin các đồng chí chớ đau buồn nhiều”. Tại sao có lời chia buồn kỳ lạ như vậy? Hay đó là một thông điệp gởi cho phe “xét lại chống đảng” ngụ ý hăm dọa phục thù?

Mao Trạch Đông còn đích thân đến Tòa Đại sứ Hà Nội ở Bắc Kinh phúng điếu, điều mà Mao không làm khi Hồ Chí Minh chết. Mao muốn biểu lộ sự nghi ngờ và nhấn mạnh ý thầm kín của Mao về cái chết của Thanh?

Nguyễn Chí Thanh chết mồng 6/7/1967, thì 28/7/1967, Lê Duẩn cho bắt bốn đảng viên xét lại đầu tiên, trong đó có Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Phạm Viết, Trần Châu. Tháng 9/1967, Giáp thình lình đi Bratislava “dưỡng bệnh”. Lê Đức Thọ vào Quân Ủy trung ương, thế lực Thọ hùng mạnh lên nhiều. 

Trong vòng 6 tháng người ta dọn sạch các trợ lý đắc lực của Giáp. Nhưng rồi Tết Mậu Thân thua thiệt, cần đến Giáp, người ta lại đành để cho Giáp về nước (Đèn Cù, trg 319).

Hồ Chí Minh cũng điêu đứng vì cũng bị liên can. Theo Lê Xuân Đức, “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” (NXB Văn Học, Hà Nội 2012, trang 224), Bác chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Bộ chính trị, hàng năm đi nghỉ và chữa bệnh ở Bắc Kinh. Lần này, Bác đi từ ngày 5/9/1967 đến ngày 22/4/1968! 

Gần 7 tháng! Lê Duẩn không cho Hồ Chí Minh tham dự cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 vĩ đại của Lê Duẩn!

Trần Đĩnh nhận xét một hôm ấy máy bay Mỹ ầm ầm bay qua, rất thấp. Có lẽ dòm xem các băng-rôn lính Trung Quốc căng trắng sườn đồi: “Kháng Mỹ viện Việt. Đả đảo đế quốc Mỹ”. 

Lê Duẩn bắt đầu thử đẩy mạnh chiến tranh giải phóng Miền Nam. Thừa cơ hội hưu chiến Tết Mậu Thân, Miền Nam lo đón Tết, Lê Duẩn ra lệnh tổng công kích các yếu điểm trên toàn Miền Nam, tin tưởng dân chúng sẽ hưởng ứng nổi dậy. Nhưng cuộc tổng công kích bị quân lực Miền Nam đẩy lui, gây tổn thất nặng nề cho phía Hà Nội. Theo nhà kinh tế học Võ Nhân Trí ở Pháp về Hà Nội làm việc từ năm 1960, thì Võ Nguyên Giáp phê phán lén cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của Lê Duẩn là "thắng lợi tơi bời"!

Lúc mở tổng công kích Miền Nam, Hà Nội gần như bỏ ngỏ vì đã đưa gần hết chủ lực vào Miền Nam. Sợ Mỹ có thể trả đũa, Hà Nội nhờ quân chí nguyện Trung cộng vốn luôn luôn đóng trực ở biên giới sẵn sàng can thiệp cho Hà Nội theo thỏa ước từ đầu của cả hai bên. Nhưng muốn được như vậy, Hà Nội phải có thế chấp lớn nộp gấp Bắc Kinh. Vụ án xét lại ra đời! Tháng 2/1968 đánh, tháng 7/1967, Lê Duẩn cho hốt đợt đầu tiên những người có tư tưởng chống lại chủ trương đánh chiếm gắp Miền Nam (Đèn Cù, trang 318).

Từ nay, Lê Duẩn một mình làm vua một cõi, chỉ cần chấp hành mệnh lệnh Thiên triều.

Tóm lược

Trần Đĩnh viết Đèn Cù với một sự thành thật của một đảng viên kỳ cựu phản tỉnh sau thời gian dài sống với đất nước, sau 30/04/1975, gặp lại gia đình ở Sài Gòn. Ông cũng chứng kiến những trường hợp vỡ mộng của những người trước kia từng hăng say xẻ dọc Trường Sơn xâm nhập vào Nam đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào để đem lại ấm no cho bà con trong Nam. Nay họ lại mong Mỹ thả bom cho tang hoang hết. Cái uất hận của người dân từng theo công sản nay tỉnh ngộ đã trào dâng tột cùng của sức chịu đựng. Còn người dân trong Nam, khi cái đảng của Trần Đĩnh tới thì họ chấp nhận thân phận “một con nuôi má, hai con nuôi cá, ba má nuôi con”! Số phận bi thảm này có tới hằng triệu người, đủ mọi thành phần xã hội.

Trần Đĩnh nhận diện được cái ác của chế độ. Nhưng ông nhận diện bằng cặp mắt tranh chấp phe cánh của một đảng viên "cộng sản khoa học yêu chuộng hòa bình", chớ chưa bằng cái tâm trong sáng thuần túy của con người Việt Nam! Thỉnh thoảng ông vẫn còn ray rứt vì chuyện ông bị đuổi ra khỏi đảng. Ray rứt chính với lương tâm của ông bởi khi vào đảng, ông đã long trọng đưa cao tay trái lên thề “suốt đời trung thành với đảng”. Người đảng viên phải biết bỏ tất cả để chỉ còn giữ đảng trong trái tim của mình mà thôi. Nay bị khai trừ thì làm sao ông trung thành như đã thề được nữa? Trong Đèn Cù, nhiều lần ông viết "ông cảm thấy khá xấu hổ vì bị đảng khai trừ. Nhưng ông cũng bảo vết thương đó lành lặn khá nhanh nhờ ông không bịa đặt".

Trong việc thanh toán nhau về tội xét lại chống đảng, ông đã không bị bản án tù như những người khác mà chỉ bị hạ từng công tác, từ nhà báo xuống làm lao động nhà in. Nhờ ông du học ở Tàu, có vợ Tàu và từng được những “voi già” ưu ái? Đây cũng là một ưu điểm hơn nhiều người khác.

Trong Đèn Cù, điểm nổi cộm là Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh theo Mao Trạch Đông đánh chiếm Miền Nam cho Tàu “Thiên hạ loạn, Trung Quốc nhờ” nên ngày nay Việt Nam lệ thuộc Tàu bắt nguồn từ đó. Và Tàu tiến dần làm chủ biển đông. Riêng Lê Duẩn theo Mao, đánh giặc cho Mao, để được Mao cho thay thế Hồ Chí Minh. Hai con bài của Mao là Lê Duẩn về chánh trị, Nguyễn Chí Thanh về quân sự. Nhưng chẳng may, Nguyễn Chí Thanh chết sớm đã làm cho Mao tức giận.

Đảng cộng sản tranh chấp nhau, giết nhau, chỉ vì phe phái đi theo hoặc Tàu, hoặc Liên-xô. Chưa có một ngày, đảng cộng sản này theo Việt Nam.

Việt Nam bất hạnh có Hồ Chí Minh, một thứ xách động (agit-prop), vì tham vọng phục hận thời trẻ của mình mà đem cái cộng sản về Việt Nam. Bất hạnh hơn là có một số người vô minh đi theo, một số khác không thể làm gì khác hơn là làm cách mạng cộng sản nên có hơn mười triệu người dân đã ngã gục cho sự nghiệp tàn phá đất nước của Hồ Chí Minh và cái đảng của ông để ngày nay nước mất cho Tàu. 

Giết hại văn nghệ sĩ, trí thức trong vụ nhân Văn Giai Phẩm, giết hại nông dân, cả gia đình, tại hiện trường và kéo dài về sau, có cả nửa triệu, làm mất sự sản xuất xã hội trong mấy năm liền. Tất cả đều do Mao chỉ huy từ Bắc Kinh. 

Phải chi trước kia, thực dân Pháp đã sáng suốt thấy được chân tướng tay sai trung kiên của Hồ Chí Minh mà nhận ông vào học trường thuộc địa thì chắc chắn Việt Nam đã có giải pháp chính trị đem lại độc lập trước 1975, không bị nạn cộng sản như ngày nay.

Năm 2012, người ngoài cuộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hằng trong quyển “Cuộc chiến tranh của Hà Nội”, viết: “Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã chọn con đường phát động chiến tranh (cho tàu). Trong nội bộ đảng đàn áp, loại khỏi quyền lực những ai phản đối đường lối theo Tàu...” (Đèn Cù, trg 557).

Quyển Đèn Cù, với những thông tin chi tiết, rất có ích cho độc giả, nhất là độc giả trong nước. Có nhiều người cho rằng tác giả cũng chỉ nói lại những điều được biết qua rồi. Thật ra, có nhiều chuyện phần lớn độc giả chưa biết hoặc biết chưa rõ. Nhưng dù có biết qua đi nữa, đọc Đèn Cù để những điều đã biết được xác nhận thêm bởi người trong cuộc thân cận thâm cung như Quan Thái giám và nhờ ở sự thành thật của ông. 

Nếu hỏi Trần Đĩnh viết Đèn Cù phơi bày những chuyện “thâm cung bí sử ” của đảng, nhất là tố cáo rõ ràng đảng công sản Hà Nội theo Tàu, lệ thuộc Tàu từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước cho tới ngày nay mà sao ông vẫn an nhiên sống ở Việt Nam? Mà mai kia, có thể ông sẽ ra chơi ngoại quốc, ký tên sách cho độc giả? Tôi nghĩ những điều Trần Đĩnh nói đều phù hợp với đường lối của đảng cộng sản Hà Nội hiện nay. Tức ý muốn nói ông không làm gì khác hơn là công khai và xác nhận thực tế chính trị của Việt Nam. Đồng thời ông cũng xúc phạm đến thần tượng Hồ Chí Minh? Nên nhớ người Hy Lạp thờ thần và giử nhiều huyền thoại nhưng họ không tin thần và huyền thọai. Đảng cộng sản Hà Nội thờ thần tượng Hồ Chí Minh và giử đảng cộng sản nhưng chỉ tin Thần Tài và sự mầu nhiệm của tham nhũng. 

Mong cuốn tiếp theo Đèn Cù II sẽ đem lại cho đông đảo độc giả sự hài lòng nhiều hơn.

Và cũng mong VN hiện nay sẽ có thêm nhiều Trần Đĩnh khác và nhiều Đèn Cù khác.

Paris, Thu 2014


Nguyễn Văn Trần

0 comments:

Powered By Blogger