Saturday, May 25, 2013

Trần Gia Phụng: Huyền Thoại Hồ Chí Minh (kỳ 3)

DotHinhHCMLời BBT: Trang nhà HenNhauSaiGon rất hân hạnh được sự đồng ý của tác giả Trần Gia Phụng, quyền đăng tải toàn bộ quyển sách Huyền Thoại Hồ Chí Minh mà đã bổ túc sau bài viết dưới tựa đề Lột Trần Huyền Thoại Hồ Chí Minh.
Quyển sách dày 101 trang, được ấn hành bởi Nxb Ngũ Hành Sơn vào tháng 4, 2013, gồm 11 tiểu mục đánh tan huyền thoại HCM và cuối cùng là phần Bài Đọc Thêm.
Trang nhà sẽ chia ra làm 4 kỳ, mỗi kỳ sẽ đăng ấn định vào mỗi thứ Bảy, bắt đầu từ thứ Bảy hôm nay, ngày 11-5-2013. Kính mong quý độc giả nhớ đón xem.
**********
(Tiếp theo kỳ 2 http://www.hennhausaigon2015.com/2013/05/17/37001/)
Chương 7
HUYỀN THOẠI LĂNG HỒ CHÍ MINH
Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969. Ngày 2-9 là quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) nên Bộ chính trị đảng LĐ sợ xui xẻo, đã cho đổi ngày chết của HCM là 3-9-1969. Di chúc của HCM bị Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, ra lệnh “cắt bỏ, sửa chửa vài chỗ” rồi mới cho công bố, đề ngày 10-5-1969.(1)
Bản di chúc của HCM do Bộ chính trị đảng LĐ sửa đổi và công bố năm 1969, hoàn toàn không đề cập đến việc chôn cất HCM. Trong bản di chúc đầu tiên do HCM đánh máy và ký tên ngày 15-5-1965, có chữ ký “chứng kiến”[nv] của Lê Duẩn, bí thư thứ nhất ban Ban chấp hành trung ương đảng LĐ, HCM viết:
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến…Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…” (66)
Hồ Chí Minh đã sửa đổi đôi chút về việc chôn tro cốt trong bản di chúc viết năm 1968, theo đó “…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng… Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”(1)
Giữa hai thời điểm HCM viết di chúc (1965-1968), vào giữa tháng 8-1967, Viện lăng Lenin được thông báo cho biết tình hình sức khỏe HCM càng ngày càng suy yếu, và nhận được chỉ thị đặc biệt từ Bộ chính trị Liên Xô ra lệnh chuẩn bị ướp xác HCM.
Ngày 14-9-1967, một phái bộ đặc biệt gồm ba bác sĩ Việt Nam đến Moscow. Đó là các ông Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẩu Quân y viện 108; Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai; Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại bệnh viện Việt Xô. Các bác sĩ nầy ở lại Moscow 7 tháng để học tập cách ướp và bảo vệ xác trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày.
Giai đoạn kế tiếp là phần việc sẽ do các chuyên gia Liên Xô đảm trách. Tổ ướp xác Việt Nam chính thức được thành lập vào tháng 6-1968 do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đứng đầu. (2)
Như thế, việc ướp xác HCM đã được Bộ chính trị đảng LĐVN đặt ra ngay khi HCM còn sống vào năm 1967. Khi đó HCM còn sáng suốt. Xin đừng quên rằng HCM đã ra lệnh tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) bằng một bài thơ của ông ta qua làn sóng đài phát thanh Hà Nội.
Chắc chắn HCM phải biết quyết định ướp xác ông của Bộ chính trị đảng LĐ, nhưng ông không tỏ một dấu hiệu nào ngăn cản. Ông làm thinh có nghĩa là ông đồng lõa với quyết định với Bộ chính trị.
Hồ Chí Minh hành xử rất khôn khéo trong hoàn cảnh của ông, vì không lẽ ông tự nói ra rằng hãy ướp xác ông sau khi ông chết. Ông để cho các thuộc hạ cứ tiến hành quyết định của họ, nhưng rất hạp với ý thích sùng bái cá nhân của ông.
Thế mà trong di chúc năm 1968, HCM lại viết rằng: “…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa tang”… Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam...”
Sự việc nầy một lần nữa cho thấy suốt đời, cho đến khi gần chết, HCM luôn luôn tỏ ra thiếu thành thật, không thẳng thắn trong lời nói và việc làm của ông, nếu không muốn nói là ông luôn luôn đạo đức giả.
Gần ba tháng sau khi HCM qua đời, trong cuộc họp ngày 29-11-1969, Bộ chính trị ra quyết định ướp xác HCM và xây dựng một lăng mộ phản ảnh những nét hiện đại, nhưng vẫn giữ đuợc đặc tính dân tộc cổ truyền.(3) Thật sự ra, nếu để đến ba tháng mới ướp xác thì cái xác HCM đã bị ung thối, nên chắc chắn việc ướp xác đã được Bộ chính trị cho thi hành ngay sau khi HCM chết.
Theo tiết lộ từ các chuyên viên Viện lăng Lenin, ngày 28-8-1969, đoàn chuyên viên y khoa Liên Xô gồm 5 thành viên của Viện lăng Lenin là các giáo sư Debov (trưởng đoàn), Polukhin. Michaelov, Kharascov và Saterov đến Hà Nội.
Ngày 2-9, lúc 11 giờ các giáo sư nầy đến Quân y viện 108 khám nghiệm xác HCM vừa được đưa đến đặt ở đây, với sự có mặt của Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài. Hai bác sĩ Polukhin và Mikhaelov bắt đầu mổ xác HCM, với sự phụ tá của hai bác sĩ Việt Nam. Sau ba ngày theo dõi, người ta di chuyển xác HCM đến Hội trường Ba Đình tối 5-9-1969.(4)
Lúc đầu, các chuyên gia Liên Xô muốn đưa xác HCM về Moscow ướp vì theo họ việc nầy không thể thực hiện được ở Hà Nội do điều kiện kỹ thuật ở đây không đầy đủ. Giáo sư trưởng đoàn Debov đã báo cho Lê Duẫn biết ý kiến nầy, nhưng có lẽ Lê Duẫn sợ Liên Xô đem xác HCM về Liên Xô làm con tin, nên phản đối.
Lúc đó, thủ tướng Liên Xô là Alexei Kosygin, đang qua Hà Nội viếng tang HCM, yêu cầu toán chuyên gia tìm cách ướp xác tại Hà Nội, và chính phủ Liên Xô sẽ cung cấp đầy đủ tiện nghi để làm việc.(4) Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Hà Nội bị máy bay Hoa Kỳ oanh tạc, nên xác HCM cũng như toán chuyên gia Liên Xô phải sơ tán lên một hang động rộng rãi bên bờ sông Đà.
Cuối cùng, sau 8 tháng ướp xác với những điều kiện khí hậu nhiệt đới và phải di chuyển vì sơ tán, các chuyên gia Liên Xô tin rằng xác HCM có thể duy trì được trong thời gian dài. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ ngưng hẳn cuộc oanh tạc Bắc Việt, xác của HCM mới được đưa về Hà Nội năm 1975.(4)
Khi Bộ chính trị đảng LĐ lúc đó quyết định xây lăng và ướp xác HCM, có hai câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng họ làm thế vì kính trọng HCM? Và tại sao CS duy vật lại xây lăng như kiểu các vua chúa ngày xưa?
Thứ nhất, HCM là lãnh tụ tối cao của đảng LĐ. Bề ngoài ông luôn luôn được các thuộc hạ tôn kính, nhưng thực tế bên trong đảng, các thuộc hạ của ông nhiều lần chứng tỏ thiếu kính trọng ông ta trong những năm cuối đời.
Ví dụ cụ thể là vụ bà Xuân, vợ HCM bị Trần Quốc Hoàn hiếp dâm. Theo một tài liệu mới tiết lộ, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn lại còn âm mưu sát hại HCM vào năm 1967. Tài liệu nầy cho biết người phi công tên là Thắng, lái chuyến bay đưa HCM từ Bắc Kinh trở về đến Hà Nội ngày 23-12-1967, khi đáp xuống phi trường thì “…thấy đèn hiệu đường băng chệch 150 không hạ cánh được, đã điện hỏi nhiều lần nhưng không trả lời. Anh bèn hạ cánh theo trí nhớ. May mà an toàn.“(5)
Sau đó, khi HCM chết năm 1969, các thuộc hạ của ông chẳng kính trọng di chúc của ông và làm trái với những điều ông đã dặn.
Thứ hai, CS chủ trương duy vật vô thần, chống lại các tín ngưỡng, tiêu diệt các tôn giáo, triệt hạ các đền đài, chùa chiền và nhà thờ, tại sao lại đi ngược di chúc HCM, xây lăng, ướp xác HCM để mọi người chiêm bái?
Trước khi chết, HCM viết trong di chúc: “…Vì vậy tôi để sẵn mấy lời nầy, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin và các vị c. m. đàn anh khác...” (Nguyên văn bản chụp di chúc HCM, BNCLSĐ, sđd. tr.171). Điều nầy có nghĩa là trước khi chết, HCM tin rằng linh hồn con người còn hiện hữu sau khi qua đời, và cũng có nghĩa là HCM đã phản bác lại chủ nghĩa duy vật, quay về với tín ngưỡng linh hồn cổ xưa của con người và của dân tộc.
Về phía Bộ chính trị, chắc chắn không phải vì tin vào sự hiện hữu của linh hồn, mà Bộ chính trị đảng LĐ đã xây lăng cho HCM. Để bào chữa cho việc sửa đổi di chúc HCM của ban lãnh đạo đảng LĐ năm 1969, không hỏa táng mà lại ướp xác ông Hồ, thông báo của ban lãnh đạo đảng CSVN năm 1989 (20 năm sau) viết như sau: “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau nầy đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác lời Bác dặn.“(6)
Hồ Chí Minh đã chết thì làm sao còn xin phép được nữa? Đó chỉ là cách ngụy biện để che đậy những ý đồ riêng tư của đảng LĐ có thể phỏng đoán như sau:
VINH DANH SỰ THỪA KẾ: Tại các nước tự do dân chủ, các định chế chính trị cụ thể minh định rõ ràng việc chuyển giao quyền hành. Một người muốn lên cầm quyền, hoặc muốn được kế thừa chính thống, đều phải qua thủ tục phổ thông đầu phiếu tự do, và quyền quyết định thuộc về cử tri tức dân chúng. Có khi dân chúng trực tiếp bầu người lãnh đạo, có khi bầu quốc hội và quốc hội bầu nhà lãnh đạo. Do đó không có việc thừa kế mặc nhiên theo cách cha truyền con nối trong chế độ quân chủ, hoặc theo hệ thống đảng trị của các chế độ độc tài như chế độ CS. Chính vì sự mặc nhiên nầy nẩy sinh ra nhu cầu vinh danh sự thừa kế để tạo uy thế cho những nhà cầm quyền mới.
Ngày trước, các hoàng đế sáng tổ các vương triều thường truy phong cha mẹ tước vị vua chúa, và làm lăng để thờ phượng. Các hoàng thái tử khi lên thừa kế vương nghiệp, việc làm đầu tiên là đặt miếu hiệu để tôn kính vua cha. Ngoài lòng hiếu thảo đối với bề trên, việc nầy còn nhắm chứng tỏ sự thừa kế chính thống của vị vua mới, trước triều đình và dân chúng.
Một ví dụ rõ nét nhất về vấn đề nầy là khi chính cung hoàng hậu của vua Gia Long (trị vì 1802-1819) từ trần (1814), các quan trong triều đề nghị để cho cháu nội ruột của bà là Mỹ Đường, con của hoàng tử Cảnh (đã từ trần năm 1801), đứng chủ tế, nhưng vua Gia Long không đồng ý.
Nhà vua đặt hoàng tử Đảm, con của ông với bà vợ thứ hai làm chủ tế.(7) Nhà vua hành động như vậy nhắm đề cao hoàng tử Đảm, và sau đó vua Gia Long đưa hoàng tử Đảm lên ngôi vị Đông cung (1815), chuẩn bị để kế vị ngai vàng khi Gia Long từ trần năm 1819.
Sau khi Lenin từ trần ngày 21-1-1924, Stalin đã chủ động làm tang lễ thật vĩ đại, ướp xác, xây lăng cho Lenin để khẳng định ưu thế thừa kế lãnh đạo đảng CSLX của ông đối với địch thủ trong nội bộ đảng CSLX là Trotsky.(8)
Vào thời điểm khi HCM chết, Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ trong Bộ chính trị đảng LĐ vừa mới đưa vào tù một số uỷ viên Trung ương đảng và một số tướng lãnh, kiếm cách giải quyết dứt điểm vụ án mà nhóm Lê Duẫn, Lê Đức Thọ gọi là “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài” (từ giữa 1967 trở đi).
Đồng thời đảng LĐ tổ chức tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam nhiều đợt trong năm 1968, nhưng bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa bẻ gãy chiến dịch nầy, gây thiệt hại nặng nề cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, tay sai của Hà Nội. Vì vậy, uy tín của Bộ chính trị đảng LĐ lúc đó bị sút giảm rõ rệt ở trong nước, trong nội bộ đảng và cả trên thế giới.
Trước tình hình nầy, do nhu cầu khẳng định sự kế thừa của nhóm Lê Duẫn để vượt qua những khó khăn chính trị, năm 1969 Bộ chính trị đảng LĐ tổ chức tang lễ HCM thật rầm rộ, và xây dựng lăng mộ HCM thật đồ sộ cao ráo giữa thành phố Hà Nội để thần thánh hóa HCM. Thần thánh hóa HCM, vinh danh một cách long trọng sự nghiệp HCM, có nghĩa là để chính thức vinh danh đảng CSVN do HCM sáng lập và lãnh đạo, từ đó vinh danh và chính thức hóa những kẻ kế thừa sự nghiệp và quyền bính của HCM, hay nói cách khác vinh danh luôn nhóm người đang lãnh đạo đảng LĐ và nhà nước cộng sản Bắc Việt lúc đó.
Kế thừa uy tín, quyền bính và sự nghiệp của HCM, đảng LĐ hy vọng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bắc Việt sau vụ tổng công kích Tết Mậu Thân (1968) thất bại, và nhất là cần đến uy tín của HCM để đoàn kết nội bộ đảng LĐ, lúc đó đang có nguy cơ xảy ra cuộc tranh quyền giữa các nhóm trong Bộ chính trị.
SÙNG BÁI CÁ NHÂN: Nạn sùng bái cá nhân phát triển mạnh dưới thời Stalin cầm quyền ở Liên Xô (1924-1953). Để chuẩn bị sùng bái chính mình, Stalin đã mở chiến dịch sùng bái Lenin một cách lố lăng. Khi Lenin từ trần ngày 21-1-1924, “Những kẻ kế thừa Lenin còn xưng tụng hơn nữa khi Lenin mất bằng cách đổi tên thành phố lớn Petrograd thành Leningrad. Đây là một hành vi sùng bái mà chắc chắn khi còn sống Lenin không cho phép. Cũng vậy, ắt hẳn ông ta không thể chấp thuận những khía cạnh khác của việc sùng bái Lenin được dùng như màn giáo đầu cho việc sùng bái Stalin sau nầy còn ngông cuồng hơn nữa.”(9)
Xây lăng cho Lenin, Stalin cũng nhắm xây sinh phần cho chính ông ta. Sau nầy, khi từ trần ngày 5-3-1953, lúc đầu Stalin cũng được hưởng những nghi thức vinh quang như Lenin, và như ông ta đã nghĩ trước, ông ta được đặt nằm bên cạnh Lenin trong lăng tại Công trường Đỏ.(9)
Ba năm sau, Stalin bị Khrushchev hạ bệ trong trong Đại hội lần thứ 20 đảng CSLX năm 1956. Sau đó, trong Đại hội lần thứ 22 đảng CSLX năm 1961, Khrushchev quyết định đưa di hài của Stalin ra khỏi Công trường Đỏ. Việc nầy được thi hành ngày 30-10-1961. (10)
Năm 1969, đảng LĐVN cũng đi vào vết xe sùng bái cá nhân, ướp xác và xây lăng cho HCM. Bệnh sùng bái lãnh tụ ở Việt Nam tuy không nổi cộm như Liên Xô thời Stalin, nhưng ngấm ngầm hết sức rộng rãi. Việc nầy do chính HCM khuyến khích. Bằng chứng là khi Khrushchev đả kích tệ nạn sùng bái cá nhân của Stalin trong bài diễn văn đưa ra ngày 25-2-1956 về đề tài”Về sự sùng bái cá nhân và hậu quả” (On the Cult of Personality and its Consequences) tại Đại hội 20 đảng CSLX, tất cả các nước CS trên thế giới, kể cả Trung Cộng, đều mở chiến dịch học tập chống việc sùng bái cá nhân, trừ Bắc Việt.
Trước sau, cho đến nay và có lẽ đến ngày chế độ CSVN sụp đổ, CS Hà Nội hoàn toàn không phổ biến công khai trước dân chúng bài diễn văn của Khrushchev hạ bệ Stalin. Đảng LĐ cũng không đả động gì đến việc chống sùng bái cá nhân. Cho đến khi bị vặn hỏi trong hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp tại Câu lạc bộ quân nhân ở Hà Nội từ 28-4 đến 3-5-1956, tổng bí thư đảng LĐ, Trường Chinh, mới đành thú nhận “cũng đã có hiện tượng sùng bái cá nhân nhưng chưa đến mức trầm trọng“.(11) Trường Chinh nói thế cho qua chuyện chứ căn bệnh sùng bái cá nhân đã ăn sâu nặng nề và HCM cũng như Bộ chính trị đảng LĐ cũng không muốn sửa chửa hay thay đổi. Suy tôn HCM để rồi suy tôn luôn cả Bộ chính trị. Cần lưu ý là trong thời gian nầy, HCM còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Cộng sản Việt Nam cũng học theo cách sùng bái lãnh tụ kiểu Stalin. Hồ Chí Minh chỉ hoạt động ở Bắc Việt, không dính dáng gì đến miền Nam, nhưng để áp đảo dân chúng, năm 1975 cộng sản đã đổi tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh, một việc làm chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử Á châu. Người châu Á nói chung không bao giờ dùng tên nhân vật lịch sử để đặt tên thành phố. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các thành phố Leningrad, Stalingrad đều được đổi lại tên cũ là Petrograd (St Petersburg) và Volgograd.
Cho đến nay, tuy chế độ cộng sản Việt Nam chưa sụp đổ, nhưng dân chúng và du khách không ai gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ gọi tên Sài Gòn, ngoại trừ giấy tờ công văn hành chánh. Chắc chắn trong một ngày không xa Sài Gòn sẽ chính thức lấy lại tên cũ.
DUY TRÌ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI: Trong dân chúng, mục đích của việc xây mộ là để kỷ niệm người quá cố, và đồng thời là một hình thức để người quá cố sống với thân nhân còn sống, hay nói cách khác, kéo dài cuộc đời, sự nghiệp của người quá cố bên cạnh những người còn sống. Trong trường hợp các chế độ độc tài như chế độ CS, xây lăng và ướp xác các lãnh tụ, tuy nói là để kỷ niệm các lãnh tụ đó, nhưng kỳ thật còn để duy trì sự sùng bái lãnh tụ, từ đó duy trì luôn nền độc tài mà các lãnh tụ đã lập ra, bóp nghẹt những sinh hoạt tự do dân chủ của dân chúng, nhất là giới trí thức.
Hồ Chí Minh là người đã cho thi hành Cuộc cải cách ruộng đất giết hại khoảng dưới 200,000 người. Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh ngày 15-12-1956 bắt buộc báo chí phải phục vụ nền chuyên chính vô sản, không được chống chế độ, chống chính phủ, không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn… và sẽ phạt tù từ 5 năm đến chung thân khổ sai, tịch thu tài sản nếu ai phạm vào những điều cấm.(12) Hồ Chí Minh đã để cho Lê Duẫn, Lê Đức Thọ tiêu diệt những người bất đồng chính kiến trong đảng LĐ chỉ vì những người nầy theo chủ trương chung sống hòa bình của Nikita Khrushchev (Liên Xô), và không đồng ý việc tiến hành chiến tranh chống miền Nam.
Đảng LĐ muốn lợi dụng huyền thoại và nấm mồ bề thế của HCM để uy hiếp tinh thần và tâm lý dân chúng, vì dân chúng Việt Nam, từ ngàn xưa vốn tin tưởng rằng linh hồn con người vẫn tồn tại sau khi chết, huống gì là cái xác của HCM chưa được chôn cất hay hủy hoại, và vẫn nằm đó bên cạnh người sống.
Một công thức chung trong các bài điếu văn của các lãnh tụ cộng sản kế thừa ở Liên Xô, Việt Nam, hay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, khi tổ chức tang lễ cho những lãnh tụ quá cố, đại khái là “Biến đau thương thành hành động cách mạng, tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà [Lenin, hay HCM, hay Mao Trạch Đông] đã đề ra…v.v.” Điều nầy chứng tỏ là cái chết của các lãnh tụ cũng là cơ hội tốt cho các kẻ kế thừa kêu gọi kéo dài hay duy trì chế độ độc tài CS.
BẤT TỬ HÓA ĐẢNG LAO ĐỘNG: Từ năm 1945, do chính sách tiêu diệt tín ngưỡng, các chốn thờ phượng, chùa chiền, nhà thờ đều bị các lực lượng CS kiếm cách đập phá hay làm nhà ở, kho tàng mà không bảo trì hoặc sửa sang. Các cung điện ở Huế, các thành trì ở các tỉnh trên toàn quốc xây doing thời nhà Nguyễn cũng bị triệt hạ, nên những công trình kiến trúc lớn trong nước hầu như đều hư hỏng. Trước tình trạng chung đó của cả Bắc Việt, lăng HCM nổi lên thành công trình xây cất đồ sộ, kiên cố, vững bền, trang trí đẹp đẽ, lộng lẫy nổi bật giữa thành phố Hà Nội và cả toàn thể Bắc Việt.
Lăng HCM là công trình xây dựng duy nhất ở Hà Nội từ 1954 đến 1975. Mục đích của CS là để cho dân chúng có một ấn tượng sâu sắc về lăng HCM, chỉ còn biết, và nhớ đến lăng HCM, tức là chỉ còn biết và nhớ đến đảng LĐ sau cải danh thành đảng CSVN. Đảng LĐ chủ trương đưa HCM lên hàng anh hùng số 1 của Việt Nam, tên tuổi HCM bất diệt thì những người thừa kế cũng được bất diệt theo, và lăng HCM còn, có nghĩa là tên tuổi đảng LĐ tức đảng CSVN còn.
Tất cả những lý do trên đây khiến Bộ chính trị đảng LĐVN xây lăng đồ sộ cho HCM. Xây lăng đồ sộ cho những lãnh tụ là căn bệnh chung của các nước CS độc tài. Năm 1976, khi Mao Trạch Đông chết, CHNDTH cũng làm y như thế. Đặng Tiểu Bình (Deng Yingchao/Teng Ying-ch’ao) , một lãnh tụ CHNDTH, đã phát biểu:
Trong thập niên 50, Chủ tịch Mao nói rằng khi qua đời, tất cả những đồng chí lãnh tụ Trung Quốc nên được thiêu và chỉ giữ lại tro cốt mà thôi. Không có mộ, không có lăng cho giới lãnh đạo. Sở dĩ có đề nghị nầy là do bài học học được sau cái chết của Stalin, và được cụ thể hóa dưới hình thức một văn kiện. Chủ tịch Mao là người đầu tiên ký vào văn kiện nầy, và nhiều viên chức cao cấp cũng đã ký vào, kể cả tôi. Quả thật, Chu Ân Lai đã được hỏa thiêu cho thấy rằng tài liệu đó vẫn còn tồn tại.“(13)
Tuy nhiên, tám tháng sau khi Chu Ân Lai (Zhou Enlai / Chou En-lai) từ trần, Mao Trạch Đông (Mao Zedong/Mao Tse-tung) qua đời ngày 9-9-1976, người kế nhiệm họ Mao là Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng/Hua Kuo-feng) và Bộ chính trị đảng CSTH lúc đó, lại không hỏa thiêu họ Mao, mà xây dựng một “Kỷ niệm đường” ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) để đặt xác ướp của họ Mao, theo y thuật Trung Hoa chứ không nhờ Liên Xô.(14)
Việc CHNDTH gọi ngôi mộ của Mao Trạch Đông là “kỷ niệm đường ” xem ra khiêm nhượng hơn chữ “lăng” để chỉ ngôi mộ HCM. Nền văn hóa Trung Hoa trước đây ảnh hưởng lớn đến nước ta, nên Trung Hoa có những từ ngữ gần gũi với Việt Nam hơn các nước Tây Âu.
“Kỷ niệm đường” có tính cách bình dân, phổ quát. Ngược lại “lăng” là biểu hiện của vua chúa phong kiến, xa cách quần chúng. Thiên An Môn ở Bắc Kinh cũng giống Ba Đình ở Hà Nội, nằm ngay tại trung tâm của thủ đô, tức trung tâm đầu não lãnh đạo của đảng CS.
Lúc đó, Hoa Quốc Phong đang rất cần đến uy tín của Mao để duy trì quyền lực, và để đoàn kết tất cả những thành phần chống đối nhau trong trong đảng CSTQ, từ nhóm Tứ nhân bang gồm có vợ của Mao Trạch Đông là Giang Thanh (Jiang Qing/Chiang Ch’ing), Vương Hồng Văn (Wang Hongwen/Wang Hung-wen), Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan/Yao Wen-yuan), Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao/Ch’iang Ch’un-ch’iao), đến phe phái của Đặng Tiểu Bình.
Trong khi đó, tại các nước dân chủ tự do, các lãnh tụ qua đời có thể được đưa vào chôn hoặc thờ ở các nghĩa trang quốc gia, tức là nghĩa trang chung của những anh hùng dân tộc, như nghĩa trang Arlington ở Washington D.C. của Hoa Kỳ, hay điện Panthéon (văn giới như Victor Hugo) và điện Invalides (võ giới như Napoléon Bonaparte) ở Paris của Pháp.
Trong tang lễ của các lãnh tụ thế giới tự do, gia đình người quá cố chủ động việc chôn cất với sự phối hợp của chính quyền. Ngược lại, đám tang của các lãnh tụ CS hoàn toàn do nhà cầm quyền cộng sản quyết định, và danh sách các nhân vật trong ban tổ chức tang lễ phản ảnh thứ tự chính trị của họ trong đảng CS và trong chính quyền, cũng giống như tang lễ của các vua chúa. Ngoài ra, cấp bậc của các nhân vật trong ban tổ chức tang lễ CS luôn luôn tương xứng với cấp bậc của người CS quá cố.
Trở lại vấn đề xây dựng lăng HCM, kiến trúc sư Hoàng Như Tiệp, tổng thư ký Hội kiến trúc sư CSVN, đã viết bài gợi ý cho những nhà vẽ mô hình lăng HCM phải đạt những tiêu chuẩn như sau: “Khi chúng ta vào lăng Bác Hồ, chúng ta sẽ có cảm giác như Người còn sống, và chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ bình an, lặng lẽ và tôn kính giấc ngủ của Bác Hồ…” Theo ông Tiệp, làn sóng người vào thăm lăng phải tượng trưng cho “sức sống vô tận của Bác Hồ trong trái tim mỗi người và trong dấu ấn bền vững mà Bác đã để lại cho tổ quốc.” Tiệp còn cho rằng lăng HCM không nên tạo ra cảm giác buồn tẻ của các tu viện tôn giáo, cũng không nên là nơi hội họp ồn ào của đám đông. Lăng phải vừa trang nghiêm, vừa sinh động. “Khi hoàn thành, lăng Hồ Chủ tịch sẽ là một công trình kỷ niệm lịch sử quan trọng đặc biệt đối với nhân dân ta và bạn bè khắp thế giới, một công trình kỷ niệm phù hợp với sự nghiệp cao cả của Hồ Chủ tịch và thời đại Hồ Chí Minh, thời đại sáng chói nhất trong lịch sử quang vinh của nhân dân ta.”(15)
Uỷ ban xây dựng lăng HCM gồm đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng được thành lập do Đỗ Mười, lúc đó là Uỷ viên Trung ương đảng, làm chủ tịch.(16) Uỷ ban nầy đã nghiên cứu nhiều kiểu mẫu kiến trúc lưu niệm như Kim tự tháp Ai cập, Đền Victor Emmanuel ở Rome, Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington D.C. và lăng Lenin ở Moscow. Những dự án kiến trúc đề nghị được Bộ chính trị đưa ra trưng bày trên toàn quốc để hỏi ý kiến công chúng.
Tại sao những vấn đề chính trị quan trọng không hỏi ý kiến dân chúng mà chỉ hỏi mẩu lăng HCM? Tháng 12-1971, Bộ chính trị quyết định lần chót đồ án xây cất, và công cuộc xây lăng bắt đầu một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973). (17)
LangHCMLăng HCM được xây dựng tại khu vực Quảng trường Ba Đình, gần vườn Bách thảo, phía trước Phủ Chủ tịch (nước VNDCCH). Phủ Chủ tịch vốn là dinh Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc, được xây dựng vào năm 1906. Phía trước Phủ Toàn quyền là bãi Cột cờ Pháp thường được gọi là Rond-point Puginier, nơi người Pháp tổ chức những lễ lớn hằng năm, và tổ chức duyệt binh trên con đường trước Phủ Toàn quyền. Vào tháng 8-1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Rond-point Puginier được đổi tên là quảng trường Ba Đình.(18) Chính tại quảng trường bãi Cột cờ nầy, vào ngày 2-9-1945, khi cướp được chính quyền, HCM đã làm lễ đọc tuyên bố mà CS gọi là bản Tuyên ngôn độc lập.
Đồ án lăng HCM được Bộ chính trị đảng LĐ chọn lựa do người Liên Xô vẽ kiểu, đứng cao lên giữa Hà Nội, được giải thích là hình ảnh một đóa hoa sen nhô cao lên mặt nước, theo kiểu dáng một ngôi chùa gần đó, chùa Một Cột, được xây dựng vào thế kỷ 11. Thật ra, ai cũng thấy lăng HCM hoàn toàn giống như lăng Lenin ở Công trường Đỏ tại Moscow. Liên Xô cử người sang làm tổng công trình sư, điều khiển tiến trình thiết kế thi công, và chỉ để cho phía Bắc Việt cung cấp nhân công và vật liệu mà thôi.
Công trình xây cất kéo dài hơn 2 năm, tập trung tất cả những vật liệu quý hiếm khắp nơi trong nước, như gỗ quý từ lâm viên Quốc gia Cúc Phương, những vật tư quý hiếm ở các tỉnh miền Nam đang có chiến tranh, như đá cẩm thạch Non Nước, Đà Nẵng,(19) và đặc biệt sử dụng cả những khối đá lớn chở qua từ Crimée, phía tây nam Liên Xô.
Lăng HCM được khánh thành ngày 29-8-1975,(19) mở đầu tuần lễ mừng chiến thắng miền Nam sau khi cộng sản Bắc Việt tràn quân cưỡng chiếm miền Nam tháng 4-1975, mừng quốc khánh của cộng sản (2-9) và kỷ niệm ngày chết của HCM theo chủ trương ban đầu là 3-9.
Lúc đó, đây là tòa nhà công cộng duy nhất ở Bắc Việt được điều hòa không khí. Cần chú ý thêm là lăng Lenin nằm bên cạnh điện Kremlin, kỷ niệm đường Mao Trạch Đông nằm ở Thiên An Môn, tức là cả hai đều nằm trong một quần thể kiến trúc của khu vực (điện Kremlin và Thiên An Môn) và trong tổng thể kiến trúc của hai thành phố lớn (Moscow và Bắc Kinh), nên không nổi bật như lăng HCM, đứng sừng sững đơn độc cao ngất trước và trên Phủ chủ tịch, ngự trị một cách oai vệ vùng trung tâm thành phố Hà Nội.
Trước năm 1954, tại Hà Nội có các dinh cơ lớn là Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Đông Dương ngân hàng, Tòa án Hà Nội, Nhà Hát lớn Hà Nội, và Đông Dương Đại học xá. Lăng HCM là công trình xây cất mới duy nhất ở Hà Nội trong suốt 20 năm cầm quyền của đảng LĐ ở Bắc Việt. Từ năm 1954 đến 1975, toàn bộ thành phố, đường sá, nhà cửa, kể cả nhà cửa tư nhân ở Hà Nội đều vẫn như cũ. Không xây nhà cho dân chúng hoặc công trình tiện ích xã hội, mà đảng LĐ lại tập trung tài vật toàn quốc xây một nhà mồ ướp xác như các hoàng đế Ai Cập cổ xưa xây Kim tự tháp. Điều nầy cho thấy quan niệm của CS chỉ là “Trung với đảng, hiếu với lãnh tụ”.
Trước khi lăng HCM ra mắt công chúng, đảng LĐ ra lệnh cho toàn thể các tỉnh khắp nước gởi về các loại cây cối, bông hoa quý hiếm trồng chung quanh lăng để tạo phong cảnh thiên nhiên Việt Nam.
Lăng HCM, ngay khi mới khánh thành, đã bị nhiều người ở Bắc Việt lúc đó phê bình về nhiều điểm:
* Trước hết, người ta nói rằng đảng LĐ, đổi tên thành đảng CS năm 1976, đã vi phạm di chúc của HCM. Hồ Chí Minh muốn thiêu xác sau khi chết, chứ không phải ướp xác trưng bày trong lăng.
* Mô hình lăng có tính cách ngoại lai theo kiểu vua chúa ở Âu châu chứ không mang những đặc tính Việt Nam. Điều nầy không lấy gì làm lạ vì người Liên Xô vẽ kiểu theo mẫu lăng Lenin ở Công trường Đỏ tại Moscow, Liên Xô. Đương nhiên, người Liên Xô muốn chứng tỏ ưu thế chính trị và văn hóa của họ ở Bắc Việt nên đã xây lăng HCM theo mô thức lăng Lenin ở Moscow.
Trong di chúc, HCM dự định sau khi chết, ông sẽ đi gặp Karl Marx, Lenin chứ không nghĩ đến chuyện đi gặp tổ tiên tộc họ nhà ông, hoặc gặp Quốc tổ Hùng Vương. Nay Bộ chính trị lại xây lăng HCM theo mô hình lăng Lenin, chứ không mang đặc tính kiến trúc dân tộc. Cả hai điều nầy cho thấy HCM và lãnh đạo đảng LĐ chỉ trung thành với các lãnh tụ của CS quốc tế. Đây là bằng chứng không thể chối cãi, cho đến khi chết, HCM và cả các đệ tử của ông chỉ là những người CS quốc tế chứ không phải là những người theo chủ nghĩa dân tộc.
* Ngay từ đầu, đảng LĐ gọi ngôi mộ của HCM là lăng. Trong tiếng Việt, “lăng”, hay “lăng miếu, lăng mộ, lăng tẩm” là những từ ngữ để gọi các ngôi mộ của vua chúa hay các đại quan thời quân chủ (ví dụ lăng Gia Long, lăng Ông tức lăng Lê Văn Duyệt…), trong khi chế độ CS luôn luôn tự cho là dân chủ, hô hào chống lại nền quân chủ phong kiến, lại gọi mộ HCM là lăng.
Đảng LĐ xây lăng HCM quá đồ sộ trong lúc dân tình đói khổ, nhà cửa cũ kỹ xơ xác, nghèo khổ. Sự tương phản lớn lao nầy ngay tại thủ đô Hà Nội tạo ra một hình ảnh xã hội cách biệt sâu rộng giữa người cầm quyền và dân chúng dưới chế độ CS. Nhà cầm quyền CS lại còn bắt dân chúng cung phụng những gì quý hiếm ở các địa phương, đưa về trang trí lăng HCM, không khác gì các vua chúa ngày xưa đòi các địa phương phải đem phẩm vật tiến triều.
Năm 1989, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết một truyện ngắn tựa đề là “Vàng lửa”, hư cấu một vài sinh hoạt cũng như đặc tính của vua Gia Long (trị vì 1802-1819), và ông kết luận: “Triều Nguyễn của vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại. Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là triều đại để lại nhiều lăng.”(20) Ngoài những lời lẽ trong truyện ngắn nầy làm cho người đọc liên tưởng đến HCM, tuy chê triều Nguyễn là “một triều đại tệ hại”, tại sao Nguyễn Huy Thiệp không lưu ý việc gì, mà lại chỉ xin lưu ý chuyện để lại nhiều lăng? Phải chăng câu văn cuối cùng của truyện ngắn trên là một ẩn dụ hết sức kín đáo của nhà văn, để mai mỉa đảng LĐ và HCM cũng xây lăng giống như vua Gia Long thời quân chủ mà CS đã hết lời đả kích triều đại nầy?
Trước đây, có câu ca dao lịch sử mà cộng sản thường truyền bá để chê bai việc xây lăng của vua Tự Đức (trị vì 1847-1883):
Vạn Niên là Vạn Niên nào,
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Nay dân chúng ngoài Bắc thêm vào hai câu để chỉ lăng HCM:
Ba Đình còn gấp chục lần,
Dân đen gãy cổ, mát thân cụ Hồ.”(21)
Đề cập đến lăng triều Nguyễn, có lẽ chúng ta cần chú ý: theo quan niệm quân chủ Đông phương, vua là con Trời (Thiên tử), chẳng những nắm thế quyền, mà nhà vua nắm luôn cả thần quyền, có thể phong tước cho thần linh. Vua tượng trưng cho Trời đất và cả dân chúng, cho nên lăng mộ nhà vua phải tương xứng với chức năng thay Trời trị nước của nhà vua.
Lăng của các vua triều Nguyễn đẹp phần lớn nhờ nằm trong vùng đồi núi hùng vĩ hơn là nhờ công trình xây cất nhân tạo. Lăng Gia Long, người khai sáng triều đại nhà Nguyễn, rất đơn sơ; còn lăng của các vua khác cũng chẳng xa hoa so với lăng tẩm vua chúa Trung Hoa, hoặc so sánh ngay với lăng HCM.
Lăng của các vua nhà Nguyễn là nơi để yên nghỉ tĩnh lặng, kín đáo, hòa đồng với thiên nhiên, chứ không phải là nơi để triển lãm xác chết như lăng HCM. Trong ngôi mộ ở Ba Đình, xác của HCM được đặt nằm trong một cái hòm trong suốt bằng kính, trong phòng điều hòa không khí, để người ta đến thăm viếng.
Một khi lăng các vua được xây xong, tang lễ hoàn tất, chỉ có các bà vợ vua vào đó ẩn cư, sống cuộc đời khổ hạnh, thủ tiết thờ chồng và không phiền lụy đến dân gian. Ngược lại, việc tổ chức và duy trì lực lượng quân sự để bảo vệ lăng HCM hao tốn một ngân quỹ nhà nước hết sức lớn lao hằng năm, từ 1969 cho đến nay. Báo chí hải ngoại ước tính trung bình mỗi năm việc bảo trì xác ướp và bảo vệ lăng HCM tốn kém trên một trăm ngàn Mỹ kim.(22)
Tuy nhiên, theo một đảng viên trong nước tiết lộ thì số tốn phí mỗi năm cao hơn, lên đến khoảng bảy triệu Mỹ kim mỗi năm,(23) có thể do tính chung cả việc bảo trì xác ướp và bảo vệ lăng. Tư lệnh quân đội bảo vệ lăng là một sĩ quan cấp tướng, với ít nhất hai tiểu đoàn chính quy, và không biết bao nhiêu cảnh sát vừa nổi vừa chìm đứng gác.
Sinh hoạt của lăng nầy tiêu thụ một lượng điện và nước tiêu dùng bằng một quận lớn ở thành phố, trong khi dân chúng thiếu thốn điện nước trong sinh hoạt hằng ngày. Dân chúng phải đóng thuế để đài thọ số tiền tốn kém lớn lao nầy, và càng đóng thuế nhiều thì càng oán thán nhiều.
Để quảng cáo cho lăng HCM, nhà nước CS ra lệnh các trường học và các địa phương phải tổ chức những cuộc đi thăm lăng “bác”. Có khi ít người thăm viếng lăng nầy, ban Bảo vệ lăng có sáng kiến tặng quà cho những ai chịu khó sắp hàng vào thăm lăng.
Tưởng cũng nên thêm ở đây, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở Hà Nội việc duy trì xác ướp HCM gặp khó khăn cả về kỹ thuật lẫn tài chánh. Người ta đã nghĩ đến việc thiêu xác ông ta. Để mở đầu thăm dò dư luận, báo Tuổi Trẻ Thành phố HCM (tức Sài Gòn) được cho đăng lá thư bằng chữ Nho của HCM gởi cho vợ là bà Tăng Tuyết Minh. Tuy nhiên, ngay sau đó, do nhu cầu chính trị cần nêu cao “tư tưởng Hồ Chí Minh” để bổ túc vào hệ tư tưởng Mác-Lê đang bế tắc vì sự sụp đổ của Liên Xô, nên HCM vẫn còn được nằm trong ngôi mộ đồ sộ ở Hà Nội, với sự cố vấn của các chuyên gia Nga.
Hiện nay, tại Hà Nội, dư luận đồn rằng việc bảo trì không được tốt, nên xác ông Hồ đã bị hư thối, và dư luận cũng cho rằng cái xác trong lồng kính hiện đặt ở Ba Đình chỉ là hình nộm bằng sáp hóa học mà thôi.(24)
Nhắm mục đích vinh danh sự thừa kế, sùng bái cá nhân và duy trì chế độ độc tài đảng trị, Bộ chính trị đảng LĐ đã phản lại di chúc HCM, quyết định xây lăng cho ông ta và xem lăng nầy là một quốc bảo. Việc tổ chức mời các khách quý nước ngoài đến thăm lăng khi họ có dịp đến Việt Nam trở thành thông lệ ngoại giao. Hai quốc gia có nhiều liên hệ văn hóa, lịch sử, chính trị với Việt Nam trong giai đoạn cận và hiện đại là Pháp và Hoa Kỳ, nhưng tổng thống hai nước nầy khi đến Hà Nội đều không vào thăm lăng HCM.
Cả Pháp lẫn Hoa Kỳ đều có những viện nghiên cứu về Việt Nam, những học giả, những chuyên gia uyên thâm về Việt Nam, thông biết rất đầy đủ lịch sử, văn chương, chính trị, kinh tế Việt Nam.
Chắc chắn các chuyên viên của hai nước nầy đã có những đánh giá riêng như thế nào về HCM, và lăng HCM, nên tổng thống Pháp, François Mitterand, đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 27-6-1993, và tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, đến Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000, đều không vào lăng viếng HCM, tức không theo thông lệ ngoại giao cho các quốc khách nước ngoài đến thăm viếng Hà Nội.
Trong khi đó, cả hai ông đều vào thăm Văn Miếu Hà Nội, nơi tụ khí anh linh văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam do vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lập ra năm 1070 (canh tuất).
CHÚ THÍCH
1. Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, TpHCM: Nxb. Thanh Niên, 2000, tt. 13-16, 26-29.
2. Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000. (Báo Á Châu, Paris, số 43, tháng 3-2000, tt. 9-10, trích thuật lại.)
3. William J. Duiker, sđd. tr. 565, và phần chú thích số 3 tr. 669.
4. Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.
5. VietBao Online, California, số 2359.
6. Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc…, sđd. tr. 8.
7. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1995, tt. 219 (phần chú thích), 239.
8. Ronald Hingley, Joseph Stalin: Man and Legend [Joseph Stalin: Con người và Huyền thoại], New York: Nxb. Konecky and Konecky, 1974, tr. 155.
9. Ronald Hingley, sđd. tt. 155-156, 424.
10. Roy Medvedev, Khrushchev, Brian Pearce dịch sang tiếng Anh, New York: Nxb. Anchor Press/ Doubleday, 1983, tt. 83, 208.
11. Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 90-91.
12. Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 31.
13. James L. Watson và Evelyn S. Rawski chủ biên, Death Ritual in Late Imperial and Modern China [Tang nghi ở Trung Hoa từ cuối thời quân chủ đến thời hiện đại], California: Nxb. University of California Press, 1988, tr. 256.
14. James L. Watson và Evelyn S. Rawski chủ biên, sđd. tr. 278.
15. Robert Templer, Shadows and the Wind: A View of Modern VietNam [Bóng và gió: một thoáng nhìn nước Việt Nam mới],New York: Nxb. Penguin Books, 1999, tt. 41, 42. Người viết dịch lại theo văn bản tiếng Anh.
16. Thông tấn xã Việt Nam, Việt Nam tạp chí, bản Anh ngữ, Hà Nội, số 204/1975, tt. 14-17.
17. William J. Duiker, sđd. tt. 565-566.
18. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, sđd. tr. 256.
19. William J. Duiker, sđd. tr. 566.
20. Nguyễn Huy Thiệp, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1989, truyện ngắn “Vàng lửa”, tt. 169-178.
21. Sau năm 1975, khi cán bộ cộng sản Đà Nẵng kể công rằng đá cẩm thạch lấy từ núi Non Nước gần Đà Nẵng đã được tải ra Bắc trong thời gian chiến tranh để xây lăng “Bác”, thì người viết được nghe dân chúng truyền miệng hai câu nầy, nói là xuất phát từ Hà Nội.
22. Viet Báo Online, Orange County, California, ngày 22-5-2001.
23. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, “Thư ngỏ gởi Đ/c Tổng bí thư Nông Đức Mạnh”, TpHCM ngày 7-5-2001. (Tài liệu Internet, http://www.conong.com tháng 6-2001.)
24. Robert Templer, sđd. tr. 43.
Chương 8
HUYỀN THOẠI DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Như trên đã viết, đảng CSVN đã sáng tạo huyền thoại “tư tưởng Hồ Chí Minh” để bổ túc cho hệ tư tưởng Mác-Lê đã bị loại bỏ từ sau sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô vào đầu thập niên 90. Muốn cho “tư tưởng Hồ Chí Minh” tăng phần giá trị, CSVN tuyên truyền rằng HCM được UNESCO vinh danh là một “danh nhân văn hóa thế giới”.(1)
Trong bản tin bằng Anh ngữ ngày 12-5-2005, báo điện tử VietNam News của CSVN đã loan báo rằng tại Hà Nội vào ngày thứ Hai, 9-5-2005, diễn ra cuộc hội thảo về “tư tưởng Hồ Chí Minh” nhân lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 115 của HCM, do trường Đại học Văn khoa và Bộ Văn hóa và Thông tin tổ chức. Theo báo nầy, những người tham dự là những giáo sư, những nhà nghiên cứu, đều “ca tụng Hồ Chí Minh, người được UNESCO thừa nhận là một nhà văn hóa thế giới…”(2)
HCMDoanhNhan
Không là Danh Nhân, thì trở thành Doanh Nhân !
Sự thật, HCM chưa bao giờ được UNESCO thừa nhận là một “danh nhân văn hóa thế giới”. Xin hãy trở lại từ đầu câu chuyện nầy, bắt đầu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO).
Tổ chức UNESCO, trụ sở đặt tại Paris, hằng năm có thông lệ nhắc nhở sinh nhật thứ 100 của các vĩ nhân các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Vào năm 1987, phái đoàn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), nhân được luân phiên tham gia vào ban Chấp hành Tiểu ban Văn hóa UNESCO, đã đề cử HCM, lãnh tụ sáng lập đảng CSVN, vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”, nhân dịp 100 năm sinh niên của HCM (1990).(3)
Theo sách Records of the General Conference [Tổng kết Đại hội đồng] của Hội nghị khóa 24 của UNESCO diễn ra tại Paris từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, tập 1 (bằng Anh ngữ, 215 trang), chủ đề “Resolutions” [Quyết nghị], phần B là “General programme activities” [Chương trình hoạt động tổng quát], mục 18 là “External relations and public information” [Quan hệ ngoại vi và thông tin cộng cộng], tiểu mục 18.65 ghi nhận việc đề cử vinh danh HCM vào năm 1990 (trang 134-135), kết thúc như sau: “Yêu cầu ông Tổng giám đốc UNESCO thực hiện những giai đoạn thích hợp để kỷ niệm một trăm năm sinh niên chủ tịch Hồ Chí Minh, và yểm trợ những hoạt động tưởng niệm trong dịp nầy, đặc biệt những hoạt động tại Việt Nam.” (4)
Ngoài HCM, trong danh sách được đề nghị vinh danh năm 1990 còn có các nhân vật: Phya Anuaman Rajadhon (Thái Lan), Thomas Munzer (Đức), Anton Semionovitch Makarenko (Liên Xô), Jawaharlal Nerhu (Ấn Độ) và Sinan (Thổ Nhĩ Kỳ). (5)
Lời tuyên dương tất cả các nhân vật được đề cử, kể cả HCM, do nhà cầm quyền các nước liên hệ soạn trình. Sau khi được Tiểu ban Văn hóa chấp thuận, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua đề nghị trên mà không thảo luận. Lúc đó, Tổng giám đốc UNESCO là Amadou-Mahtar M’Bow, người nước Senegal (Tây Phi Châu). Ông M’Bow giữ chức vụ nầy hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 1974 đến 1987, nhờ sự hậu thuẫn của Liên Xô, các nước CS và các nước Á Phi chống đối Hoa Kỳ.
Quyết định đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới” bị cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối khắp nơi trên thế giới. Tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO, Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trần làm Tổng thư ký. Uỷ ban nầy đã hoạt động tích cực như sau:
1) Vận động người Việt và báo chí Việt ngữ ở hải ngoại (Bắc Mỹ, Úc Châu, Âu Châu, Nhật Bản) viết thư cho UNESCO vạch trần tội ác của HCM và chế độ CS trong nước, đồng thời phản đối việc đề cử HCM vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới.
Ý kiến phản đối lên đến khoảng 20,000 thư, đều được Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á của UNESCO chuyển cho Đại diện của Hà Nội tại UNESCO. Ngoài ra, có người còn viết sách tố cáo HCM đã ăn cắp thơ của người khác làm thơ của mình trong tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). (Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990.)
2) Liên lạc và kêu gọi Uỷ Ban Tương Trợ Việt-Miên-Lào và Hội Người Pháp Đông Dương (ANAI: Association Nationale des Anciens D’Indochine) gồm gia đình Pháp kiều, cựu quân nhân Pháp phục vụ tại ba nước Đông Dương, lên tiếng tố cáo HCM và đảng CSVN đã vi phạm nhân quyền đối với tù binh Pháp sau chiến tranh Đông Dương. Lúc đó, một học giả Pháp nổi tiếng là Jean-François Revel, tác giả các sách: Ni Marx ni Jesus (1970), La tentation totalitaire (1976), Comment les démocraties finissent (1983), khi nghe tin UNESCO dự tính vinh danh HCM đã viết một bài báo vào đầu năm 1990, nói rõ HCM đã lợi dụng ước mơ tự do để nô lệ hóa dân chúng, và cho rằng ”đây là một trường hợp phạm tội gia trọng, một vụ ăn cắp, một vụ lừa bịp không hơn kém...”(6)
3) Liên hệ với Thị xã Paris và một số dân biểu, nghị sĩ Pháp để đề nghị họ đưa vấn đề ra trước Quốc hội Pháp, nhắm yêu cầu chính phủ Pháp có ý kiến với UNESCO về đề nghị vinh danh HCM, vì trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Paris.
Trong khi cuộc vận động đang diễn tiến, thì vào cuối thập niên 80, có ba sự kiện quan trọng xảy ra:
1) Trong nội bộ UNESCO, tổng giám đốc Amadou-Mahtar M’Bow thôi giữ chức tổng giám đốc, và Frederico Mayor Zaragoza, nhân sĩ Tây Ban Nha, đắc cử chức tổng giám đốc. (Frederico Mayor Zaragoza làm tổng giám đốc từ 1987 đến 1999). Ông không ủng hộ nhóm thiên tả, và không ủng hộ việc đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. Ông Mayor tuyên bố không thể hủy bỏ quyết nghị năm 1987 vì chỉ có Đại hội đồng của UNESCO mới có quyền nầy, nhưng ông cũng cho biết UNESCO sẽ không tổ chức lễ vinh danh HCM. Thực tế là ngân khoản năm 1990 do tổng giám đốc Mayor soạn thảo không có ngân khoản cho công việc nầy. Hồ sơ lưu trữ về những hoạt động trong hai năm 1990, 1991 của UNESCO hoàn toàn không đề cập gì đến việc vinh danh HCM.(7)
2) Tại Việt Nam, số người vượt biên càng ngày càng cao. Từ năm 1975 đến năm 1989 (trước thời điểm Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên), số người vượt biên đến được nơi tạm dung lên đến khoảng 900,000 người, không kể số người tử nạn trên đường vượt biên.(8)
3) Các nước CS Đông Âu bắt đầu lung lay và sụp đổ từ cuối năm 1989 đầu năm 1990.
Cuộc vận động của Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh, phản ứng của Cộng đồng người Việt khắp thế giới, và ba sự kiện quan trọng trên đây, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến UNESCO và cuối cùng UNESCO quyết định không thi hành việc đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. UNESCO cũng thông báo cho nhà cầm quyền Hà Nội biết, đại để như sau:
- UNESCO không tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh niên của HCM tại Paris, cũng thư tại Hà Nội.
- Thuận cho Tòa Đại sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO để tự tổ chức, nhưng UNESCO không cử đại diện tham dự lễ.
- Trong buổi lễ, ban Tổ chức không được tuyên truyền rằng UNESCO đã đề cao HCM là danh nhân văn hóa thế giới, không được treo ảnh HCM trong hội trường.
- Thiệp mời chỉ được ghi là “tham dự buổi văn nghệ”.
Tuy UNESCO quy định như vậy, nhưng tòa Đại sứ CHXHCNVN vẫn lén lút làm giấy mời có nội dung vinh danh HCM để gởi cho người Việt, còn in 100 giấy mời chính thức đề là “tham dự buổi văn nghệ” để gởi người ngoại quốc, nhắm tránh bị UNESCO khiển trách.
Sau khi UNESCO quyết định như trên, tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO ở Paris để tổ chức buổi trình diễn văn nghệ vào trưa ngày 12-5-1989, đúng một tuần lễ trước sinh nhật của HCM.(9)
Buổi trình diễn văn nghệ nầy, quy tụ khoảng 70 người hiện diện, bao gồm cả ban tổ chức và nhóm “Việt kiều Yêu nước” là tổ chức do CSVN lập ra. UNESCO và Pháp không cử đại diện đến dự. Chỉ có các nước CS gởi người đến tham dự là Cuba, Bắc Hàn, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Lào và Cambodia.
Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp là Phạm Bình không đọc diễn văn, mà chỉ có Nguyễn Kinh Tài, đại diện CHXHCNVN tại UNESCO đọc bài viết ngắn về ý nghĩa buổi lễ, ca tụng sự nghiệp của HCM, nhưng theo đúng tinh thần quyết định sau cùng của UNESCO, là không đề cập gì đến vấn đề danh nhân văn hóa thế giới.
Tòa Đại sứ CSVN lập kế hoạch tổ chức trình diễn văn nghệ kỷ niệm lãnh tụ của họ vào buổi trưa ngày 12-9, đúng một tuần lễ trước ngày sinh của HCM, nhắm tạo bất ngờ để tránh bị biểu tình phản đối, nhưng Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá (mới được thành lập nên không là thành viên của Uỷ ban Tố cáo Tội ác Hồ Chí Minh), đã kịp thời tổ chức một cuộc biểu tình phản kháng gồm khoảng trên 100 người Việt, tại công trường Fontenoy, gần trụ sở UNESCO.
Đại diện của đoàn biểu tình là các ông Trần Văn Tòng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá, cùng với học giả Oliver Todd, thành viên sáng lập UBQTTVB và bà Anne Marie Goussard, Tổng thư ký Hội Quốc tế Nhân quyền, đến gặp ban Giám đốc UNESCO để hỏi rõ mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt văn nghệ do CSVN tổ chức tại một phòng họp của UNESCO. Ban Giám đốc UNESCO xác nhận với phái đoàn Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá rằng, đây là buổi văn nghệ do Tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp tổ chức, chứ không phải là lễ vinh danh HCM của UNESCO.
Sau khi ban Giám đốc UNESCO xác nhận như trên, trong cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá tại trung tâm Maubert Mutualité (Paris 5ème) vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 12-5-1989, học giả Oliver Todd đã lên diễn đàn tường trình lại cuộc tiếp xúc với Ban Giám đốc UNESCO.
Trong khi tường trình, ít nhất Oliver Todd đã hai lần nói rõ rằng Ban Giám đốc UNESCO xác nhận rằng UNESCO không tổ chức vinh danh HCM, và cũng cho biết buổi trình diễn văn nghệ nhân kỷ niệm một trăm năm sinh niên HCM vào chiều hôm đó, là do sáng kiến của Tòa Đại sứ CHXHCNVN mà thôi.
Cũng cần ghi nhận thêm, Bùi Tín, lúc còn là đại tá Bộ đội CSVN, đã có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HCM, do CSVN tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 19-5-1990, cho biết không có đại diện của UNESCO đến dự,(10) nghĩa là UNESCO cũng chẳng yểm trợ cho CSVN tổ chức lễ kỷ niệm HCM ngay tại Việt Nam.
Sự kiện UNESCO không tổ chức lễ vinh danh HCM là danh nhân văn hóa thế giới, là thành quả của những vận động của cộng đồng Việt Nam hải ngoại và nhất là Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh tại Paris. Điều nầy cho thấy cộng đồng người Việt hải ngoại là một đối lực chính trị quan trọng đối với chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước. Chỉ tiếc là sau khi thành công trong việc vận động UNESCO không thi hành việc vinh danh HCM, cộng đồng người Việt hải ngoại và Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh không trình thuật toàn bộ nội vụ và kết quả, thật rõ ràng và thật rộng rãi trên khắp thế giới, để tránh việc tuyên truyền mờ ám và đánh lận con đen của CSVN.
Như thế, tổ chức UNESCO chưa bao giờ vinh danh HCM là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là sự thật của câu chuyện được các người tham dự tại chỗ kể lại và được các tài liệu của UNESCO ghi nhận. Nếu ai chưa tin, thì có thể liên lạc thẳng với những người trong cuộc, đã từng chứng kiến tại chỗ việc nầy, hiện còn sống ở Paris để hỏi cho rõ.
Ngoài ra, hồ sơ của UNESCO vẫn còn đó, rộng mở cho tất cả những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu CHXHCNVN. Thời đại nầy là thời đại khoa học thông tin tiến bộ, mọi dữ kiện đều được ghi nhận cụ thể, nên mọi người có thể sưu tra dễ dàng trong các văn khố, nhất là những nguồn tin không thuộc loại bí mật quốc gia như việc vinh danh một nhà hoạt động chính trị, chẳng cần gì phải để thời hạn lâu ngày mới công bố.
Nói thêm cho rõ: Nếu UNESCO quả thật có vinh danh ông HCM, thì phải có văn bản vinh danh cụ thể, chứ không phải bằng lời nói suông. Trong trường hợp đó, chắc chắn nhà nước CHXHCNVN sẽ tổ chức lễ tiếp nhận văn bản vinh danh rất long trọng, chứ không im tiếng như lâu nay, và chắc chắn nhà cầm quyền CHXHCNVN sẽ làm ảnh sao (photocopy) văn bản nầy, công bố lên khắp mạng lưới thông tin toàn cầu để thu phục lòng người khắp trên thế giới. Hơn nữa, ảnh sao nầy sẽ được treo khắp hang cùng ngõ hẻm tại Việt Nam, kể cả bắt treo kèm với hình HCM tại nhà của mỗi người dân.
Người Việt Nam còn nhớ rõ, mỗi khi một di tích ở Việt Nam được UNESCO thừa nhận là di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn (Quảng Nam), cổ thành Huế, Vịnh Hạ Long…, nhà nước CHXHCNVN đã làm lễ đón nhận sắc bằng của UNESCO ồn ào cờ trống suốt cả tháng trời, quảng cáo khắp thế giới, huống gì là chuyện HCM.
CHÚ THÍCH
1. Phan Văn và Nguyễn Huy Chương,
Nhập môn Khoa học Thư viện Thông tin, Hà Nội: Trung tâm Thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr. 21
2. VietNam News (12-05-2005), “Seminar focuses on Ho Chi Minh’s Ideas”. ().
3. Nghiêm Văn Thạch, tài liệu đưa lên Internet ngày 4-1-2005, và tài liệu Phan Văn Song đưa lên Internet vào cuối tháng 5-2005. Theo Bùi Tín, bài đưa lên Internet và các báo đăng lại vào tháng 8-2005, thì thư đề nghị do bộ trưởng cộng sản Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt Nam, ký ngày 14-7-1987.
4. Nguyên văn Anh ngữ: “Requests the Director-General of UNESCO to take appropriate steps to celebrate the centenary of the birth of President Ho Chi Minh and to lend his support to commemorative activities organized on that occasion, in particular those taking place in Viet Nam.” Để truy tìm các quyết nghị của UNESO, xin vào: http://unesdoc.unesco.org/ulis/cfgdoc_25c.html, tại khung “Simple search”, điền chữ “Resolutions”, gõ vào “Go”, ra kết quả. Muốn xem riêng quyết nghị năm 1987, xin kéo xuống “UNESCO. General Conference; 24th; 1987.”
5. UNESCO, sđd., phần “Mục lục”, tr. VII.
6. Bản dịch đăng trên nguyệt san Thế Kỷ 21, Garden Grove, California, số 120, tháng 4-1999, tt. 31-32.
7. Đại hội đồng UNESCO được triệu tập hai năm một lần, nên hai năm mới có một bản tổng kết sinh hoạt UNESCO. (1986-1987, 1988-1989, 1990-1991).
8. Theo thống kê do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, nhật báo Người Việt Online, ngày 1-4-2005, Giao Chỉ, “Lịch sử 30 năm định cư tỵ nạn 1975-2005″.
9. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Qùy, một nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Paris, nói chuyện trước Cộng đồng Việt Nam tại Montréal, vào ngày Chủ nhật 25-4-2004.
10. Bùi Tín, bài báo đã dẫn.
Chương 9
TỔNG KẾT VỀ HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH
Tóm lại, những huyền thoại về HCM do ông tự tạo ra, hay do các thuộc hạ của ông dựng nên, đều là những phấn son giả tạo tô điểm hình tượng HCM. Những huyền thoại nầy một thời đã đánh lừa được một số người Việt Nam và thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 1999, sử gia Jean Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), một trong các tác giả viết bài trong sách
Le livre noir du communisme [Sách đen về chủ nghĩa cộng sản], đã nói:
Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam. Tôi từng nghe nói đến những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là sự tuyên truyền của Mỹ. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của cộng sản.” (Tập san Việt Nam Dân Chủ, số 40, California, tháng 1-2000)
Ở trong nước, HCM và đảng CSVN dùng những huyền thoại nầy để phỉnh gạt lòng tin của thanh niên và dân chúng, lôi kéo họ xung trận, sẵn sàng hy sinh cho chủ thuyết và tham vọng của HCM cũng như của đảng CS, để rồi sau khi thành công, đảng CS phản bội lại dân chúng và phản bội lại cả chính những người đã hy sinh cho CS.
Dần dần, dòng sông thời gian rửa sạch lớp phấn son giả tạo, làm bay đi những huyền thoại, để lộ ra khuôn mặt thật của HCM. Trước kia, những huyền thoại đã vinh danh HCM chừng nào, thì nay chính những huyền thoại đó đã chôn vùi HCM chừng đó.
Hồ Chí Minh ra nước ngoài để kiếm sống, xin vào học trường Thuộc Địa ra làm quan, hay HCM có nhiều vợ, đều là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng nói, nhưng tự quảng cáo rằng mình ra đi tìm đường cứu nước, sống độc thân vì đại nghĩa dân tộc, là một người đạo đức giả nếu không muốn nói là một tên lừa bịp láo khoét. Hồ Chí Minh chẳng có tư tưởng gì, lại được đảng CS thậm xưng là nhà tư tưởng, càng khiến cho người đời mỉa mai. Hồ Chí Minh chẳng bao giờ được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới mà trong nước vẫn tuyên truyền ngược lại mà không biết xấu hổ.
Những chuyện đơn giản như vậy mà còn gian dối thì có điều gì là thật nữa. Do đó, có thể nói hình ảnh của HCM trong lịch sử bị hủy hoại một phần vì những huyền thoại do ông tự tạo hay do đảng CSVN tạo ra cho ông.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng HCM là một nhân vật lớn của lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông đã lập nhiều thành tích đáng kể và đáng nể. Những thành tích nầy tốt hay xấu, có lợi hay có hại cho nhân dân Việt Nam, đó là sự phán xét của nhân dân. Lột trần những huyền thoại HCM là việc làm cần thiết để trả lại cho Nguyễn Sinh Cung những gì thật sự của Nguyễn Sinh Cung.
(Xin nhớ đón xem kỳ 4)

0 comments:

Powered By Blogger