Tú Anh | Source: RFI | Posted on: 2016-05-30 |
Hai chiến hạm Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh hôm 12/04/2016.VIETNAM NEWS AGENCY / AFP
Lần thứ hai trong vòng một tháng, Việt Nam đón tiếp hai chiến hạm tối tân nhất của Nhật Bản tại quân cảng chiến lược Cam Ranh. Một dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong quan hệ quốc phòng để đối phó với tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.
Nhật báo Ashahi trong bản tin ngày 30/05/2016 cho biết hai chiến hạm rà mìn hiện đại nhất của Nhật là Uraga và Takashima đã cặp bến Cam Ranh vào ngày hôm qua. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, chiến hạm của Nhật đến Cam Ranh.
Uraga và Takashima sau khi tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân Mỹ tại Bahrain, vùng Vịnh, trên đường hồi hương, ghé Việt Nam để được tiếp liệu.
Nhật báo thân tả của Nhật Bản nhấn mạnh yếu tố quân cảng Cam Ranh nằm gần hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc tranh giành với các láng giềng là Việt Nam và Philippines. Hai quốc gia Đông Nam Á này đều đang tăng cường hợp tác an ninh với Nhật.
Tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Cam Ranh đón hai khu trục hạm của Nhật là Ariake và Setogiri, sau khi hai tàu chiến này tham gia tập trận với hải quân Mỹ và Philippines trở về.
Trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ cho Việt Nam, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần duyên. Tin này được loan báo nhân cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề thượng đỉnh G7 mở rộng hồi cuối tuần qua tại Ise Shima.
Bản tin của đài NHK cho biết thêm trong cuộc hội đàm này, thủ tướng hai nước cùng chia sẻ quan ngại về tình hình biển Đông, họat động quân sự của Trung Quốc càng ngày càng tăng. Hai bên thống nhất quan điểm tăng cường hợp tác quốc phòng.
---------
Trung Quốc liên tiếp trúng đòn ngoại giao của Obama và G7
Trọng Nghĩa | Source: RFI | Posted on: 2016-05-26 |
Không ảnh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/Handout
Tại Hà Nội, hôm 23/05/2016, khi tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định rằng quyết định này không hề nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà quan sát, quyết định đó thực chất là một đòn ngoại giao đánh vào Trung Quốc, vốn đang rất hung hăng tại Biển Đông. Điều đáng nói là căn cứ vào những gì đang được thảo luận, nhân thượng đỉnh G7 mở ra tại Nhật Bản trong hai ngày 26-27/05, Bắc Kinh cũng sẽ phải lãnh một ngón đòn ngoại giao thứ hai vì những hành động quá đáng của họ, đặc biệt là tại Biển Đông.
Phải nói là ngòn đòn ngoại giao mà tổng thống Mỹ Barack Obama tung ra tại Hà Nội rất lợi hại vì dù bị trúng đòn, Bắc Kinh không thể phản ứng chính thức, mà chỉ còn nước bật đèn xanh cho báo chí tố cáo ông Obama là đã « nói dối một cách thô thiển » (từ ngữ tiếng Anh được Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc ngày 24/05 sử dụng là « very poor lie »).
Đối với tờ báo, quyết định mà ông Obama loan báo tại Hà Nội đích thực là nhắm vào Trung Quốc khi « làm trầm trọng thêm sự đối kháng chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh », bằng cách « lợi dụng Việt Nam để khuấy động thêm tình hình Biển Đông ».
Dẫu sao thì dù không nói trắng ra, nhưng rõ ràng là những biện pháp tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong lãnh vực quốc phòng, quân sự được loan báo nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Obama đều nhằm củng cố sức đề kháng của Hà Nội chống lại các động thái bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Một hôm sau khi loan báo quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trong bài nói chuyện tại Hà Nội trước một cử tọa cả ngàn người, ông Obama như đã bênh vực Việt Nam khi đề cập vấn đề Biển Đông và cho rằng « các nước lớn không được quyền bắt nạt các nước nhỏ ».
Cử tọa Việt Nam đã không ngộ nhận ý nghĩa câu nói này chút nào khi vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng câu nói của ông Obama.
Đang ấm ức trước những diễn biến mới nhất trong quan hệ Mỹ-Việt, Bắc Kinh được cho là sẽ càng thêm bực tức trong hai ngày tới đây khi ông Obama qua Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima.
Theo nhiều nguồn thạo tin được hãng Kyodo ngày 24/05 trích dẫn, lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu trên thế giới (Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý) cùng với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ « cực lực phản đối » các hoạt động cải tạo đảo đá và quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông.
Tên Trung Quốc dĩ nhiên sẽ không được nêu lên một cách cụ thể, nhưng rõ ràng là đối tượng bị đả kích không ai khác hơn là Trung Quốc, trong thời gian gần đây đã rốt ráo bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời cho xây dựng một loạt cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự, và nhất là triển khai tên lửa, chiến đấu cơ trên các thực thể họ kiểm soát ở Biển Đông.
Theo hãng Kyodo, trong bản tuyên bố kết thúc hai ngày họp tại Nhật Bản, lãnh đạo các quốc gia G7 sẽ phản đối những « hành động đơn phương có thể làm thay đổi thay đổi hiện trạng » Biển Đông. Các lãnh đạo cũng sẽ phản đối các hành vi « hù dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực » trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của nhóm G7 như vậy sẽ là một ngón đòn ngoại giao thứ hai liên tiếp đánh vào Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, và sẽ cho thấy rõ sự lố bịch của các tuyên bố gần đây của Bắc Kinh, theo đó lập trường Biển Đông của Trung Quốc đã được hơn 40 nước ủng hộ.
Vấn đề là Bắc Kinh vẫn né tránh không công bố danh sách cụ thể của các « đồng minh đó », nhưng căn cứ vào những thông tin nhỏ giọt và rải rác, thì đó chủ yếu là những nước không có trọng lượng. Không kể đến những trường hợp như Fiji hay Slovenia, đã vội vàng cải chính ngay thông tin được Trung Quốc đưa ra trước đó về việc các quốc gia này ủng hộ lập trướng Biển Đông của Bắc Kinh.
---------
0 comments:
Post a Comment