Theo đánh giá của nhiều người thì bốn vấn đề căn bản trong dự thảo sửa đổi hiến pháp mà ông Phan Trung Lý nêu ra không có gì thay đổi so với trước.
Gia Minh nêu vấn đề với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, và trước hết ông này lý giải vì sao lại như thế.
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ rằng họ sợ. Qua vụ án em Phương Uyên, rồi những vụ án khác; họ tăng cường khủng bố, tăng cường đánh đập, bắt bớ người dân khi có biểu tình, có họp mặt … Điều đó chứng tỏ càng ngày Đảng, Nhà Nước thiếu chính nghĩa, do đó phải thi hành những biện pháp trấn áp. Họ lo sợ mất chế độ… Họ phải sử dụng biện pháp có thể nói là cưỡng ép người dân. Họ cưỡng ép rất tinh vi, chứ không phải trắng trợn đâu. Thật ra trong chế độ này ai cũng sợ bị gây khó khăn nếu không tán thành với điều này, điều kia…
Thành ra, tôi cho xuất phát từ sự thiếu tự tin do những sai lầm, khuyết điểm và hiện nay mất lòng dân nhiều nên họ sợ mất chế độ, mất đảng. Vì vậy họ vẫn duy trì những điều cũ kỹ của những đầu óc lạc hậu. Như quê hương của Cách Mạng Tháng Mười, Liên Xô sụp đổ đã lâu rồi, thế mà bây giờ (VN) vẫn giữ những giáo điều cũ rích, thế là sao? Tôi cho rằng phải trở về với dân tộc. Lịch sử trước đây, thôi không nói nữa; hiện nay chúng ta có điều kiện nhận thức lại nhiều vấn đề trong lịch sử, phải trở lại với dân tộc, đất nước; đặt lợi ích đất nước lên trên. Còn nếu vì lợi ích của nhóm, của cá nhân, hay vì lợi ích của chế độ mà đang ngăn cản sự phát triển của đất nước, đến lúc nào đó sẽ có những biến động bất lợi mà không ai muốn cả.
Không hy vọng một sự thay đổi
Gia Minh: Có những người có suy nghĩ tích cực là sẽ có những thay đổi xảy ra, nhưng cũng có người suy nghĩ tiêu cực cho rằng với tình hình thế này, với nỗi sợ quá lớn trong xã hội như vậy, thì xoay chuyển khó lắm. Ông nghĩ sao về ý kiến ở hai thái cực như thế?Luật gia Lê Hiếu Đằng: Theo suy nghĩ của tôi thì chúng ta không mong gì có thay đổi ở một nhà nước toàn trị cả, vì bây giờ chính quyền đang gắn liền với các tập đoàn lợi ích; do đó chúng ta không mong gì có sự thay đổi căn bản cả. Nếu có thay đổi chỉ là râu ria thôi, còn căn bản thì không.
Vì vậy theo quan điểm của tôi là phải tiến hành đấu tranh. Cuộc đấu tranh nào sẽ xảy ra khi đòi hỏi của người dân ngày càng cao, áp bức ngày càng nhiều, người ta càng đấu tranh. Từ đấu tranh đó sẽ xây dựng một xã hội dân sự, một xã hội công dân đủ mạnh để tạo áp lực trở lại với chính quyền. Từ đó chúng tôi rất mong điều gọi là ‘kịch bản một’: trong chính quyền với áp lực như vậy, cọng với tình hình thế giới hiện nay, trào lưu tiến bộ, trào lưu đang đòi hỏi nhân quyền và dân quyền càng cao, thì sẽ có chuyển biến trong nội bộ đảng và nhà nước, sẽ có một số nhân vật người ta phải suy nghĩ lại.
Một nguy hiểm hiện nay từ lãnh đạo cho đến cấp dưới là sự dối trá, không trung thực. Một xã hội dối trá và không trung thực thì hỏng cả. Theo tôi nghĩ hiện nay, những người còn có suy nghĩ, còn có tấm lòng yêu đất nước thì phải dũng cảm, dám nói lên tiếng nói của mình và từ bỏ cuộc sống hai mặt, để trở thành người tử tế, người tôn trọng sự thật như truyền thống trước đây cha ông chúng ta đã nêu ra. Chứ đừng chấp nhận sống vật vờ và dối trá, mà điều nguy hiểm nhất là làm hư hại cả một thế hệ trẻ. Rất mừng là hiện nay có những em trẻ như Phương Uyên, Nguyên Kha và những sinh viên khác như ba em ở trường luật lập ra trang mạng bảo vệ công lý cho Đoàn Văn Vươn. Nhưng cách làm của các bạn trẻ hiện nay còn có hạn chế, khác với chúng tôi thuộc thế hệ chống Pháp và chống Mỹ.
Gia Minh: Giới trí thức Việt Nam vừa qua cũng có những hoạt động mạnh mẽ, lên tiếng thẳng thẳn, trực tiếp, vậy sắp đến cần phải làm gì thêm nữa để có thể đạt được những điều mới nói?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Nếu so với trước đây thì nay có những chuyển biến, đặc biệt giới trẻ nay có những hoạt động công khai để nói lên tiếng nói của họ ví dụ Tuyên bố của Công dân Tự do và vừa rồi hai buổi chủ nhật dù bị đàn áp nhưng vẫn diễn ra những buổi trao đổi về nhân quyền, dân quyền. Tôi xin nhấn mạnh hiện nay, người ta đang chống lại những khuynh hướng của các nhà nước độc tài, toàn trị và độc tài tuyên truyền bằng cách nêu cao dân quyền, nhân quyền, cũng như bảo vệ môi trường.
Đó là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Vì vậy, vừa rồi các em đi sinh hoạt về Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và bị đánh đập nhưng các em vẫn làm. Tôi cho rằng trong xã hội đang dần dần hình thành những khuynh hướng, những tổ chức nhất định để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của đất nước, đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân dân; trong đó có đấu tranh chống lại sự xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tất nhiên khi làm như thế phải chấp nhận bị bắt bớ, bị trả thù như em Phương Uyên. Chúng tôi những người đang đấu tranh chấp nhận điều đó và tin rằng những bản án đó chỉ có tác dụng kích thích nhiều người mạnh dạn hơn nữa.
Gia Minh: Cám ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng.
0 comments:
Post a Comment