Friday, January 25, 2013

Thư gửi: Các bạn đấu tranh dân chủ – nhân quyền trong nước Việt Nam

Letter2Tôi là người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đã từng bị kết án 4 năm tù giam và cũng mới mãn hạn tù. Hiện đang sống tại Việt Nam và tiếp tục lựa chon con đường đấu tranh cho một Việt Nam tự do.
Tôi viết lại những gì mà tôi đã đi qua trong 4 năm để các bạn đang đấu tranh cho tự do Việt Nam thêm thông tin và kinh nghiệm khi phải đối mặt với công an trong quá trình bị khởi tố tạm giữ, tạm giam, và khi bị đưa đi trại giam “cải tạo” của nhà nước Việt Nam. Việc đối mặt với từng giai đoạn ấy hết sức khó khăn, đấu trí, đấu lý và sức bền của lòng can đảm mỗi cá nhân đã dấn thân vào con đường này.
Bạn đang đấu tranh bí mật
Bạn đang làm việc trong bí mật, đó cũng là một việc rất tốt cho bạn và cho những người hợp tác làm việc chung với bạn, điều quan trọng là giữ cho mình và cho người. Các bạn đấu tranh trong âm thầm thì ít người biết đến nhưng tôi cho rằng nó cũng rất hiệu quả. Mục đích cuối cùng của chúng ta là Việt Nam tự do, để có được như vậy thì có rất nhiều con đường khác nhau và khả năng đóng góp cũng khác nhau để đến đích. Đấu tranh bí mật thì các bạn không bị theo dõi, và việc viết bài hay kết nối thêm bạn bè vào quá trình nhóm nhỏ rất tốt. Ở trạng thái đấu tranh bí mật này thì các bạn ít đối mặt với công an, thế nhưng các bạn phải có thêm kinh nghiệm của những người đi trước làm sao các bạn tránh được những cạm bẫy của an ninh mật vụ đang giăng ra chờ đón những người hoạt động đòi tự do dân chủ nhân quyền mắc vào và công an có thể kéo những mẻ lưới để đưa cả nhóm các bạn vào tù. Đấu tranh bí mật các bạn cần tiếp xúc với những người đã từng bị bắt để thêm kinh nghiệm phòng ngừa và thường xuyên liên lạc với họ để thêm chỉ dẫn khi cần thiết bằng con đường email hoặc trực tiếp qua chat “voice”. Bạn nên có thêm kiến thức về an ninh điện tử để phòng tránh bị an ninh mạng đột nhập vào máy tính rồi đánh cắp thông tin trong máy tính của bạn và bị cài gián điệp mạng trong máy tính nhằm thu thập thông tin hang ngày của bạn. Hiện nay an ninh Việt Nam đã có sự phát triển hơn trước và cũng tinh vi hơn trước. Trước kia để theo dõi ai đó thì họ có thể đóng giả người này người kia để tiếp cận bạn hoặc đến rình mò nhà bạn, nhưng ngày nay không cần như vậy. An ninh mạng có thể làm hết việc đó thông qua nghe lén điện thoại, định vị bạn đang ở đâu trên bản đồ, kể cả trường hợp bạn tắt máy. Rồi việc theo dõi qua internet, việc an ninh có thể cài gián điệp máy tính bằng cách gửi cho bạn một bức thư, và vô tình bạn tò mò đọc thư đó, chưa xong thì phần mền gián điệp đó đã ở trong máy của bạn rồi, sau đó, bạn liên lạc với ai và làm gì, an ninh mạng đều biết hết và họ sẽ lên kế hoạch bắt và điều tra bạn. Mặc dù thông tin nghe lén và thông tin lấy được trong máy tính của bạn không đưa ra làm căn cứ hoặc bằng chứng buộc tội, nếu họ đưa ra vấn đề đó thì chính họ đã vi phạm pháp luật về đời tư, một trong những vấn đề của nhân quyền.Thế nhưng họ nghe lén và theo dõi qua máy tính của bạn để nắm bắt được bạn và những kế hoạch của bạn để từ đó triển khai giăng lưới bắt bạn.
Bạn hoạt động công khai
Hoạt động công khai là bạn phải đối mặt trực diện với công an. Công an thì vô cùng gian dối, lúc đầu có thể ngăn chặn bạn dù việc ngăn chặn đó là vi phạm nhân quyền được qui đinh tại điều 68 hiến pháp 1992. Công an có thể bằng nhiều thủ đoạn để đạt mục đích kể cả bắt chấp luật pháp. Tôi khẳng định tất cả công an việt nam không làm theo luật pháp mà làm theo mệnh lệnh cấp trên, dù mệnh lệnh đó vi phạm pháp luật, vì thế câu hỏi ở đây là công an làm theo “luật hay lệnh”, thì họ sẽ nói là làm theo lệnh của cấp trên, vậy cấp trên là ai?…đến từ ông bộ trưởng bộ công an… rồi từ mệnh lệnh của bộ chính trị … rồi chỉ thị của lãnh đạo đảng nhà nước, và tóm lại tất cả làm theo lệnh của cấp trên. Vậy, còn những qui định của luật ra sao?
Lẽ thường thì mọi công an phải làm theo luật, nếu cấp trên của mình ra lệnh mà mệnh lệnh đó vi hiến thì nhất định không làm – điều này chỉ có ở các quốc gia dân chủ.
Khi mà bạn bị công an triệu tập qua hình thức giấy mời, thì bao giờ buổi đầu tiên làm việc thì công an cũng ve vãn bạn như rất thân tình và tình cảm đầy trách nhiêm với bạn và với quốc gia. Đó là màn chào hỏi đầu tiên, sau đó rồi có thể mời ăn, mời uống, để nhằm mục đích đánh vào tình cảm của bạn, bạn thấy họ tử tế, tốt bụng. Sau lần mở màn đó là làm việc lấy lời khai (biên bản làm việc). Ở giai đoạn này bạn hay bị mắc lỗi những câu hỏi của công an đang dần đưa bạn vào những vi phạm pháp luật, nếu bạn không dứt khoát những gì bạn thuộc về quan điểm bằng những câu trả lời cứng rắn thì sẽ bị họ dần cho bạn vào vòng lao lý. Bạn nên nhớ rằng trong tình huống đó bạn có thể phát huy “quyền im lặng” và “không có nghĩa vụ trả lời”, và yêu cầu công an đưa ra những bằng chứng, hoặc chứng cứ,  sau đó mới trả lời, và việc trả lời thì cũng nên rất dứt khoát với công an ghi biên bản là “trả lời câu nào thì được ghi câu đó”, và nếu nghi ngờ trong biên bản mà không đúng với trả lời thì bạn sẽ không ký vào biên bản đó khi kết thúc. Nếu biên bản kết thúc mà không có chữ ký của bạn thì biên bản đó coi như không có giá trị pháp lý.
Mặt khác, bạn lưu ý rằng bạn đang là công dân, nên đối với nhân dân thì phải kính trọng và lễ phép. Bạn không chấp nhận làm việc thiếu tôn trọng bạn và “không ai có tội khi tòa án chưa tuyên”. Trên thực tế thì 100% những bản án liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam đều không có tội nhưng phải chịu tội vì bị cưỡng chế.
Trong quá trình làm việc ở giai đoạn này bạn nhất quyết không nhu nhược với bản thân và với công an. Nếu bạn nhu nhược và khiếp sợ công an thì họ sẽ lấn tới và những trả lời (lời khai) của bạn sẽ là bằng chứng buộc tội bạn. Trong quá trình này, bạn càng ít nói càng tốt, vì nếu bạn càng nói sẽ càng làm cho bạn sơ hở. Theo kinh nghiệm cho thấy, nếu bạn nói 100 câu thì cũng có thể một câu hở (sơ suất). Bạn trả lời với họ phải bình tĩnh và phải suy nghĩ trước về những câu trả lời của mình. Bạn nên tìm hiểu thêm luật pháp liên quan lĩnh vực nhân quyền và luật tố tụng hình sự, để khi bạn làm việc với công an bạn có lý luận .
Bạn nên trao đổi thông tin với những người có kinh nghiệm trong việc này để được tư vấn trước khi bạn đi làm việc với công an. Sau những lần đi làm việc về, bạn nên tiếp tục trao đổi với những người có kinh nghiệm để được tư vấn tiếp cho buổi làm việc sau.
Bạn bị khởi tố bắt tạm giữ
Các án an ninh thường ban đầu họ đều ra lệnh tạm giữ 9 ngày. Ở trong giai đoạn này hết sức quan trọng đối với bạn. Bạn có thể được trả tự do về nhà nếu bạn thực hiện tốt những nội dung sau:   Tạm giữ có nghĩa là họ chưa có đầy đủ bằng chứng để buộc tội bạn. Họ bắt bạn chẳng qua thông qua một ai đó đã khai ra bạn và rồi họ ra lệnh khởi tố vụ án và bắt tạm giữ, tạm giam để điều tra. Nếu trong quá trình tạm giữ 9 ngày đó bạn giữ được lập trường ” im lặng” hoặc “không có nghĩa vụ trả lời” khi chưa đưa ra vật chứng và lời khai của nhân chứng khác đã khai ra bạn, và nếu có một nhân chứng, bạn cũng có thể từ chối lời khai của nhân chứng đó hoặc một bị can khác. Trong 9 ngày tạm giữ này là thời gian điều tra sơ bộ ban đầu để rồi công an mới đề nghị viện kiểm sát ra quyết định tạm giam bạn hay trả tự do. Nếu có đủ bằng chứng và lời khai của bạn phù hợp với lời tố cáo hoặc một bị can khác đã khai ra bạn thì nhất định bạn sẽ có lệnh tạm giam 3 tháng hoặc 4 tháng. Vì thế, bạn nhất định phải kiên cường vượt qua giai đoạn này. Bạn cũng không được ký bất kỳ văn bản nào của cơ quan công an trong thời gian tạm giữ. Nếu bạn mà nhu nhược với bản thân trong 9 ngày này bằng việc bạn thừa nhận tất cả những gì ghi trong biên bản làm việc đó thì bạn sẽ bị tạm giam, mà tạm giam thì khả năng bạn sẽ có án tù. Trong thời gian này, công an sẽ làm việc với bạn liên tục để tìm ra bằng chứng, rồi ra quyết định tạm giam. Công an cũng sẽ tung ra hết những “nghiệp vụ”, nhiều thủ đoạn khác nhau, có thể đến cả việc biệt giam và làm cho bạn khủng hoảng tinh thần và đưa tình cảm gia đình vào làm việc…… rồi “nhận đi để được hưởng khoan hồng của đảng và nhà nước”, rồi để sau này “có tình tiết giảm nhẹ tội” v.v…Có những công an trong quá trình điều tra nói với bị can: “Mày không có tội gì nặng đâu, mày còn trẻ chú không muốn bỏ tù mày vì thế khai hết ra đi, khai xong thì về, xong lúc nào thì về lúc đó, bố mẹ mày đang ở nhà khóc …mong mày về, con bạn người yêu mày nó nói mày không về nó đi yêu thằng khác….đấy mày thấy không bao nhiêu người mong mày về, vậy khai đi, khai xong rồi về…” Cứ như vậy để lừa con trẻ và những người tin vào lời nói đó. Khi khai xong vụ này thì công an lại nói tiếp: “Còn mấy vụ trước nữa chưa khai, khai đi….’’, và cứ thế ra nhiều hành vi trước đó nhiều tháng và nhiều năm. Khi khai ra quá nhiều vụ rồi thì công an nói: “Mày nhiều tội như thế này thì chú không giúp được, việc này chú về đề nghị với cấp trên xem có giúp gì cho cháu không……” Sau đó là có kết luận điều tra và chuyển sang viện kiểm sát để đề nghị truy tố ra tòa và nhận án. Đó là những cách mà công an Việt Nam hay lừa cung.   Mong mọi người đọc được thư này phổ biến cho nhiều người cùng biết.
Cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam.

0 comments:

Powered By Blogger