Song Chi
Ở VN từ nhiều năm nay sự xuống cấp về mặt đạo đức xã hội đã lan vào
trong môi trường giáo dục, vào các ngôi trường, lớp học, tác động đến
người thầy đứng lớp và các em học sinh, sinh viên.
Nhiều hiện tượng tiêu cực ngang nhiên tồn tại như nạn quay cóp trong
các kỳ thi, nạn chạy điểm, “gạ tình lấy điểm”, mua bằng…Hình ảnh người
thầy và mối quan hệ giữa thầy trò nhìn chung không còn thiêng liêng như
xưa, ngược lại vết đen của những vụ thầy đánh trò, trò đánh thầy, thầy
có quan hệ tình dục với trò, thậm chí cưỡng bức trò…đã làm hoen ố môi
trường giáo dục vốn tôn nghiêm.
Trước sự xuống cấp chung đó, không ngạc nhiên khi một bộ phận giới
trẻ bây giờ có những lời nói, hành vi khiến người lớn nhiều khi phải
choáng.
Choáng vì lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử của một số học sinh trong “thế giới ảo”.
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 10.1 có bài “Phẫn nộ giới trẻ chửi người thân trên facebook” nói
về hiện tượng một số bạn trẻ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì đã lên
facebook chửi người thân với những lời lẽ hết sức thô tục, hỗn hào; xưng
tao, gọi bố mẹ ông bà bằng mày, bằng đủ thứ từ thô tục, chỉ vì những lý
do nhỏ nhặt như bị bố mẹ mắng, không cho tiền mua điện thoại hoặc xúc
phạm đến…thần tượng sao Hàn của mình. Cá biệt có trường hợp hai bạn trẻ
tông xe vào một cụ già khiến cụ bị thương nặng rồi qua đời, mà còn lên
mạng báo tin bằng những từ ngữ hết sức vô cảm…
Báo chí cũng báo động về nạn văng tục online của một số bạn trẻ. Trên
nhiều trang mạng xã hội, việc nhiều bạn trẻ thả sức comment “bẩn” về
một nhân vật, một hiện tượng nào đó không phải là hiếm. Chẳng hạn, với
một ca sĩ, diễn viên, người mẫu…mà các bạn trẻ không ưa, các bạn còn lập
ra “Hội những người ghét ca sĩ A, người mẫu B” và tha hồ chê bai, “ném
đá”. Với những ca sĩ, người mẫu được yêu thích, cũng không ít trường hợp
fan của ca sĩ này chửi bới fan của ca sĩ kia hoặc sẵn sàng thóa mạ
những ai không thích thần tượng của mình, thóa mạ cả ca sĩ khác để đề
cao thần tượng v.v…
Bài “Học sinh dùng điện thoại đe dọa giáo viên qua facebook” trên
VietnamNet ngày 13.1 nói về hiện tượng một số em học sinh dùng điện
thoại di động chụp ảnh thầy cô trong những phút hớ hênh, tư thế không
đẹp mắt chẳng hạn, để tung lên mạng, “tống điểm” thầy cô. Cũng có những
trường hợp học sinh ghét thầy cô, lên facebook lập hội nói xấu người
đó. Báo Giáo dục Việt Nam ngày 19.1 có bài “Nữ sinh Hà Nội gọi cô giáo là…đồ quái vật”.
Mới đây, câu chuyện một học sinh lớp 8 trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ, Quảng Nam) bị đuổi học 1 năm vì chế lại lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của
Hồ Chí Minh để ra “tuyên ngôn” kêu gọi học sinh chống lại thầy cô, đã
làm nóng dư luận. Phần đông mọi người không chấp nhận hành động xúc phạm
thầy cô của em học sinh này, nhưng cũng cho rằng việc đuổi học 1 năm là
hơi nặng. Cuối cùng, được sự bảo lãnh của Đoàn phường An Xuân cùng với
Đoàn trường THCS Lý Tự Trọng, em học sinh này đã được đi học lại.
Choáng vì lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử của một số học sinh trong đời thực.
Có một dạo báo chí VN liên tiếp đưa tin về các trường hợp học sinh
đánh nhau, đặc biệt là nữ sinh. Nếu vào google gõ mấy chữ “nữ sinh đánh
nhau” sẽ cho ra hàng loạt kết quả, kể cả những video clip do chính các
em đánh nhau và quay lại, tung lên mạng hoặc do các em khác quay. Các em
đánh nhau dã man không khác gì đòn thù, rồi còn lột áo để làm nhục
trước đám đông. Dư luận còn phẫn nộ hơn nữa khi có những video clip cho
thấy trong khi các em đánh nhau, những em khác đứng ngoài thản nhiên
nhìn, không can ngăn, thậm chí còn cổ vũ. Hiện tượng này cho đến nay vẫn
tiếp tục xảy ra.
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 30.7.2012: “Phẫn nộ khi xem clip nữ sinh bị lột áo, bị đạp nhiều lần vào đầu”. Bài báo cho biết: “Clip
có độ dài gần 6 phút, một nữ sinh đeo khăn quàng đỏ bị ba nữ sinh khác
giật tóc, ấn đầu xuống đất, chửi bới, đấm, đạp hàng trăm lần vào đầu,
vào mặt. Điều đáng chú ý là hai trong số ba thủ phạm của vụ hành hung
cũng mặc đồng phục như nữ sinh bị đánh.” Độ tuổi của các em nữ sinh này khoàng lớp 7, lớp 8.
Báo VietnamNet ngày 24.1: “Nữ sinh bị đánh hội đồng đến mê man, hoảng loạn”. Nạn
nhân là nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Đình Liễn thuộc xã Cẩm Huy,
huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị một nhóm nữ sinh “đàn chị” đánh hội đồng
đến bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu nhiều
ngày.
Báo Tin Tức online ngày 22.1 “Một nữ sinh vung dao với hai người bạn: Cảnh báo nạn bạo lực học đường”,
kể lại một vụ xô xát giữa các em học sinh nữ trường THPT dân lập Đồi
Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Một em đã rút dao đâm hai em khác
khiến một trong hai em tử vong, em còn lại bị thương nặng.
Điều đáng nói, như bài báo phản ánh, là tình trạng học sinh ở đây cả
nam cả nữ, đánh nhau như cơm bữa nhưng chẳng thấy CA, bảo vệ, hay thầy,
cô giáo nào can ngăn. Khi hai học sinh bị thương cũng tự đèo nhau bằng
xe máy đến bệnh viện, “không có thầy cô giáo hay bảo vệ trường ra giúp gọi taxi đi BV tỉnh”, và “vụ
việc xảy ra cách cổng trường chỉ khoảng 20m, đúng vào giờ tan học nhưng
phải đến buổi chiều, khi học sinh của mình là em Thân Thị Hồng Hà tử
vong tại BV, lãnh đạo trường THPT dân lập Đồi Ngô mới biết.”
Báo Lao động phải đặt câu hỏi “Sao mãi thờ ơ?” trước
tình trạng bạo lực học đường gia tăng nhưng không thấy có cơ quan, ban
ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm cũng không nghiên cứu,tìm giải pháp
ngăn ngừa, khắc phục…
Nữ sinh đã vậy, nam sinh cũng không kém: “Bất bình hình ảnh nam sinh dùng ghế ‘phang’ bạn tại lớp” (Soha/ Infonet), “Một tháng, ba vụ sinh viên đánh nhau đến chết” (báo Giáo dục Việt Nam)…
Bên cạnh chuyện đánh nhau, đôi khi dùng dao đâm nhau dẫn đến tử vong
là những hiện tượng sa sút về đạo đức khác: Nào đánh bài trong lớp “Lộ clip Hs cấp 2 đánh bài ăn tiền, văng tục trong lớp” (Infonet), cho vay nặng lãi “Bắt nhóm sinh viên cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản” (Báo
Dân Trí)…Đó là chưa kể đến tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm ở
giới trẻ ngày nay. VN từ lâu nay đã bị xếp vào một trong những nước có
tỷ lệ nạo phá thai rất cao, trong đó tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị
thành niên cao nhất khu vực v.v…
Lý giải tất cả những hiện tượng này như thế nào? Đã có rất nhiều ý
kiến, bài viết của các nhà báo, nhà giáo, nhà tâm lý học, xã hội học về
hành vi ứng xử quá kém của một bộ phận giới trẻ VN ngày nay. Các nguyên
nhân cũng đã được đề cập đến, như do môi trường xã hội có quá nhiều cái
ác cái xấu đã tác động đến các em; do nền giáo dục VN chỉ biết dạy chữ
mà không chú trọng dạy người, chỉ biết nhồi nhét kiến thức cốt để đi thi
mà không giáo dục cho các em phần tâm hồn, nhân cách, triết lý sống cao
đẹp; nhiều gia đình quá bận rộn, phó thác mọi chuyện dạy dỗ con cái cho
nhà trường…
Bản thân các thầy cô nhiều khi chưa là tấm gương tốt cho các em về
mặt nhân cách, ứng xử với các em không được hay, thậm chí xúc phạm,
không tôn trọng quyền con người đối với các em…Đặc biệt trong năm 2012
vừa qua, hàng loạt vụ học sinh tự tử có nguyên nhân từ cách ứng xử của
thầy cô cũng như mối quan hệ chưa tốt giữa thầy cô và học sinh.
Người lớn, xã hội choáng khi được nghe/đọc/chứng kiến những hành vi
ứng xử tệ hại của giới trẻ, kể cả đâm chém nhau, hay yêu đương sớm, phá
thai…Nhưng thật lòng mà nói, cứ nhìn trẻ con, thanh thiếu niên ở các
nước dân chủ, phát triển, mới thấy trẻ con, thanh thiếu niên VN quá
thiệt thòi, khổ sở vì bị nhiều sức ép mà lại ít được cảm thông, hướng
dẫn đúng cách.
Đi học, chẳng hạn, với trẻ con, học sinh các nước là niềm vui, còn ở
VN ngay từ khi mới vào lớp một đã phải học miệt mài, suốt thời tiểu học,
trung học cứ thế mà “cày” ở trường, rồi ở lớp học thêm, học không có
mùa hè không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, không có tuổi thơ…Chương
trình thì nặng nhưng đến hơn một phần ba là những kiến thức “chết”, kiến
thức vô bổ hoặc lạc hậu.
Từ người lớn trong gia đình cho đến thầy cô ở trường vẫn chưa thật sự
tôn trọng học sinh như những con người. Nhiều thầy cô không thích hoặc
không cho phép học sinh nói khác với ý mình, với sách giáo khoa. Có một
số thầy cô còn đánh đập học sinh (ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học), xúc
phạm các em (lứa tuổi ở bậc trung học)…khiến các em bị ức chế, dẫn đến
những hành vi như lên mạng nói xấu thầy cô, thậm chí phản ứng, đánh lại
thầy.
Xã hội thì toàn những sự bất công phi lý, dối trá, nói một đằng làm một nẻo, cái xấu cái ác nhan nhản khiến các em mất lòng tin.
Một thế hệ thiếu vắng niềm tin, không có lý tưởng, (ngoại trừ lý
tưởng phải học cao, đỗ đạt, để làm vui lòng cha mẹ, người thân và có
cuộc sống tốt hơn cho bản thân), đa phần không quan tâm đến thời cuộc,
đến tình hình chính trị xã hội của đất nước (vì nếu có quan tâm thì chỉ
mang họa vào thân (!), không được hướng dẫn đúng cách và trang bị những
kiến thức nhân văn, triết lý sống cao đẹp, kỹ năng sống…nên lạc loài,
ngông nghênh cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn vào giáo dục VN, nhìn vào giới trẻ VN-tương lai của đất nước, để
thấy rằng nếu một ngày nào đó chế độ cộng sản ở VN sụp đổ, một trong
những thách thức lớn hơn việc xây dựng lại đất nước rất nhiều lần và
cũng mất thời gian hơn rất nhiều lần, đó là xây dựng lại toàn bộ hệ
thống giáo dục, xây dựng lại con người.
0 comments:
Post a Comment