Wednesday, October 3, 2012

Trung Quốc quảng bá chủ quyền Điếu Ngư trên hai tờ báo lớn của MỹTrung Quốc quảng bá chủ quyền Điếu Ngư trên hai tờ báo lớn của Mỹ


Hai trang lớn quảng cáo trên tờ New York Times ngày 28/09/2012 khẳng định "Điếu Ngư là của Trung Quốc". REUTERS/Shannon Stapleton
Hôm qua, thứ Sáu 28/09/2012, theo AFP, trên nhiều trang quảng cáo của hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ New York Times và Washington Post, có các hình ảnh về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, với các ghi chú khẳng định đây là “vùng lãnh thổ thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”.
AFP cho hay, tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã mua lại một số trang mầu quảng cáo của hai tờ báo kể trên, để quảng bá và khẳng định chủ quyền trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Bên cạnh tấm hình quần đảo rất lớn, là một bản đồ cho thấy vị trí của Điếu Ngư/Senkaku trên vùng biển Hoa Đông.
Quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý với tên gọi Senkaku. Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo cách lãnh thổ nước này khoảng 200 km về phía đông bắc. Trong những tuần qua, quan hệ Nhật – Trung rơi vào khủng hoảng nặng nề đặc biệt với làn sóng biểu tình bài Nhật khắp Trung Quốc, được sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh, theo nhận định của một số nhà quan sát.
Thứ Năm 27/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cáo buộc Nhật Bản đánh cắp các hòn đảo này vào năm 1895, khi Tokyo buộc chính quyền Trung Quốc thời đó phải ký một hiệp ước « bất bình đẳng ». Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định, các đảo này không nằm trong những vùng lãnh thổ mà Tokyo phải từ bỏ vào năm 1951, trong hiệp ước hòa bình San Franciso, ký kết với Hoa Kỳ. Trong hiệp định kể trên, Nhật Bản đã chấp nhận mất một số lãnh thổ.
Trên New York Times và Washington Post ngày hôm qua, Trung Quốc khẳng định « không chấp nhận các thỏa ước (mà Nhật Bản) ký kết riêng rẽ với Hoa Kỳ » trong các chú thích trên các tờ quảng cáo.
Cũng liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản ghi nhận việc, Trung Quốc và Đài Loan mới chỉ đòi hòi chủ quyền quần đảo này kể từ năm 1971, không lâu sau khi có các phát hiện cho thấy vùng đáy biển xung quanh khu vực này có thể có dầu mỏ.
Trọng Thành (RFI)

0 comments:

Powered By Blogger