Wednesday, October 3, 2012

Nỗi Lo Chỗ Ở Của Người Làm Công Thời Bão Giá


Gia tài và cơ sở hạ tầng của một phòng trọ.
Hồng Hạc-Thành viên Lao Động Việt (Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do – laodongViet.org)
Những cái “không”
Nói về nỗi lo chỗ ở thì có lẽ đã là người Việt, không mấy ai tránh khỏi, một khi luật nhà đất qui định người dân không có quyền sở hữu nhà đất, chỉ có quyền sử dụng dài hạn. Nhưng đó là câu chuyện dài, sẽ đề cập trong bài viết khác, trong giới hạn bài viết này, chỉ đề cập đến nỗi lo về chỗ ở của những người làm công ở khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Quảng Nam.
Với diện tích gần chục ngàn hecta,  chứa trên 100 công ty trong và ngoài nước, với hơn 20 ngàn nhân công lao động, có thể nói đây là khu công nghiệp thuộc diện lớn có tầm cỡ của miền Trung Việt Nam.
Nhưng đó là bề nổi, nếu chịu khó đi sâu vào những khu xóm trọ chung quanh khu công nghiệp để quan sát đời sống tạm bợ, nghèo khó và thiếu thốn mọi bề của nhân công lao động ở đây thì mọi chuyện luôn gây bất ngờ.
Không có sạp bán báo, không mấy nhà dùng tivi, không có chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có sân chơi thể thao, không có an ninh, không có nguồn nước an toàn… Dường như, những cái không có ở đây đều là những thứ tối cần thiết đối với một con người bình thường.
Và, có một cái “không” nữa mà hầu hết người lao động trong khu công nghiệp đang đối diện là không có cơ hội mua nhà, điều này cũng đồng nghĩa với không có cơ hội an cư lạc nghiệp, đời sống bấp bênh và tương lai mịt mù.
Nghĩa, một nam lao động đang là công nhân hợp đồng cho hãng may Việt Vương 2, thuộc khu công nghiệp, tâm sự: “Với mức lương hiện tại chưa đến ba triệu đồng mỗi tháng để nuôi hai đứa con và người mẹ già, vợ chồng tôi lúc nào cũng đối diện với thiếu thốn và lo lắng”.
“Loay hoay đã thấy tiền điện, tiền gas, tiền nước, tiền cho con đi học thêm, rồi học phí nhà trường, chóng mặt, hết sức chóng mặt! Khổ nỗi, giá xăng, giá dầu, giá thực phẩm tăng vùn vụt, chỉ còn nước bóp bụng!”.
“Bây giờ nếu bỏ việc, cũng chưa biết sẽ làm gì, hơn nữa mình làm với hy vọng gừng càng già càng cay, làm lâu sẽ được tăng lương. Chính vì vậy mà nhắm mắt làm tới, khổ lắm”.
Ước mơ giản dị mà xa vời
Nga, công nhân hãng giày Rieker, buồn rầu kể: “Mấy lúc, vật giá còn thấp, với mức lương gần ba triệu đồng mỗi tháng, mình còn có thể mua thêm một chút thức ăn bổ dưỡng để giữ sức mà đi làm, cơm trưa của công ty cũng có khá. Bây giờ vật giá cao quá, cơm trưa cũng không ra gì, ăn để mà lấp bụng cho khỏi xót, về nhà cũng chẳng dám bồi dưỡng, đứa nào cũng xuống ký”.
Đường vào khu công nghiệp Điện Nam, Điện Ngọc.
“Tụi em phần lớn dân ở huyện khác, cách đây vài chục cây số đến làm việc, nên thuê phòng trọ là chính. Nhưng điều kiện tệ quá, mà giá cho thuê phòng cũng tăng, khó khăn lắm! Thèm có cái nhà nhỏ của riêng mình nhưng chuyện đó xa vời quá!”.
Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về căn hộ chung cư, Nga lắc đầu: “Nói vậy thì cũng như không, vì muốn có chung cư, ít nhất phải có một trăm triệu đồng trong tay mới dám hy vọng, mà như tụi em, làm đủ ăn là mừng lắm rồi thì chung cư có đâu mà mơ”.
Cùng tâm trạng với Nga, Hùng, đang làm việc tại xưởng Inax, cho biết: “Lương của công nhân chỗ em làm có thể nói là cao nhất khu công nghiệp này, mức lương xấp xỉ bốn triệu đồng, tuy công việc nặng nhọc, nhưng dù sao cũng đỡ”.
“Nhưng cầm bốn triệu bạc, chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng dư được từ bảy trăm đến một triệu đồng, mỗi năm dư được chừng mười triệu, nếu mọi chuyện suông sẻ, trong nhà không có người đau ốm, vậy thì phải hai mươi năm mới đủ mua chung cư, mà sợ rằng lúc đó, giá chung cư đã lên bạc tỉ vì tiền Việt Nam luôn trượt giá kiểu này không chừng có ngày ăn tô phở phải mất một triệu đồng!”.
“Làm cặm cụi, cần mẫn và tiết kiệm suốt hai mươi năm để ăn được hai trăm tô phở thì không có gì khốn nạn bằng! Thế nên chuyện mua đất làm nhà với công nhân là chuyện xa vời, nó có thể đến khi trúng số hoặc nhận thừa kế của cha mẹ. Mà nếu có cha mẹ giàu để mình thừa kế thì đã không làm công nhân. Chính vì vậy mà chuyện có nhà với công nhân là hão huyền…”.
Chán nản, tuyệt vọng trước cơn bão giá, đời sống khó khăn, thiếu thốn của những người bạn trên đây, có lẽ hầu như ai làm công nhân cũng nặng tâm lý này.
Nếu đứng ở một góc xa, nhìn những công nhân Việt Nam, họ như những con ong thợ cần mẫn góp mật xây tổ. Nhưng họ chưa bao giờ bình yên và có cảm giác mình cũng là chủ chiếc tổ ấy.
Kẹt xe, lo lắng bị phạt vì đi làm trễ giờ luôn là nỗi lo mỗi ngày của công nhân.
Và, họ cũng không hề hay biết rằng sức lao động họ bỏ ra hằng ngày đã tạo ra rất nhiều thặng dư cho đất nước. Nhưng, số thặng dư ấy không được dùng để tái thiết cuộc sống cho họ mà rơi vào tay một số người có quyền lực để rồi, một số người ấy lại dùng nó để thao túng nhiều thứ làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người lao động.
Chắc chắn rằng không ít những người làm công nhìn thấy nạn tham nhũng, nhìn thấy đất đai rơi vào tay tư bản đỏ và kẻ có quyền chức, và cũng không ít người nhìn thấy rằng nếu như dùng quĩ đất và quĩ tài chính của tham nhũng, của thao túng tài nguyên mà xây chung cư cho người lao động thì đời sống người lao động sẽ được an cư, lạc nghiệp.
Nhưng đó là chuyện họ thấy, còn chuyện họ phải sống là bươn bả hằng ngày với cơm áo gạo tiền và tương lai mù mịt. Vì họ đang sống trong một chế độ sản sinh ra những gì thuộc về bất công, nghèo đói và đau khổ cho ai không có quyền thế. Mà đất nước hơn tám mươi triệu dân này có đến hơn bảy mươi triệu dân là dân đen đúng nghĩa!

0 comments:

Powered By Blogger