Vũ Thư Hiên: Người bạn tù thân thiết của tôi, anh Nguyễn Chí Thiện đã trút hơi thở cuối cùng lúc 7 g 17 phút sáng ngày 2 tháng 10 – 2012, ở xa quê hương mà từng phút từng giây anh hướng về. Chúng tôi có với nhau nhiều kỷ niệm, của đời tù cũng như của cuộc sống ngoài đất nước. Anh là nhà thơ bất khuất của “phe nước mắt” (chữ của nhà thơ Dương Tường). Khóc bạn, tôi chia sẻ vài dòng hồi ức về anh để các bạn hiểu thêm về con người đáng kính, và hơn nữa, đáng yêu này.
—————————————-
Cán bộ giáo dục trại tên Bưởi cũng nương nhẹ đối với những người cộng sản Trung Quốc thuộc “vụ Quảng Ninh”.
- Họ giữ tư cách đàng hoàng lắm – Bưởi nhận xét – Đáng phục.
- Căn cứ tuổi họ thì đây là những người đã tham gia giải phóng Trung Quốc. – tôi nói – Vào thời gian đó chỉ những người có tư cách mới lãnh đạo được quần chúng.
Những người cộng sản này đến Việt Nam bằng con đường khá vòng vèo. Khoảng đầu thập niên 60, tôi không còn nhớ rõ năm nào, vùng Hoa Nam bị lâm vào một nạn đói cực kỳ khủng khiếp. Người chết đầy đường. Dân đói ùn ùn kéo đi Hồng Kông, nghe nói cả triệu người. Chính quyền Trung Hoa lục địa không tài nào ngăn nổi một cuộc di dân ồ ạt như thế. Nó không thể xảy ra nếu không được những người dày kinh nghiệm đấu tranh lãnh đạo. Chính những người cộng sản địa phương đã tổ chức cuộc chạy trốn ấy. Chính quyền Hồng Kông giam dân di tản lại rồi báo cho Bắc Kinh biết. Bắc Kinh tuyên bố: “Không hề có chuyện các công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bỏ chạy tới Hồng Kông”. Đảo quốc Đài Loan giang tay đón những đứa con đói khát của tổ quốc, nhưng không phải chỉ vì tình thương, mà còn vì những mục đích chính trị – họ nghĩ tới những đội biệt kích rồi đây sẽ được phái về “giải phóng tổ quốc”. Những người cộng sản được lọc ra, được huấn luyện, rồi được bỏ lên những con thuyền buồm, nhằm hướng Hoa lục. Không hiểu la bàn hỏng, thuyền trưởng tồi, hay vì những trục trặc nào khác, nhưng họ lại cập bến Quảng Ninh sau một cơn bão, tưởng mình đã ở trên đất đai của tổ tiên.
Tôi hỏi một cựu bí thư huyện ủy (huyện của Trung Quốc to bằng tỉnh của ta):
- Anh thất vọng về chủ nghĩa cộng sản, và chống lại nó?
- Đâu có. Tôi vẫn thích chủ nghĩa cộng sản. Tôi vẫn tin chỉ có nó mới mang lại cho chúng tôi công bằng và hạnh phúc.
- Thế mà anh đã ra đi khỏi nơi đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tại sao?
- Mao Trạch Đông không phải cộng sản. Tôi có trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo. Họ đói. Đã có những người chết. Chủ nghĩa cộng sản thì xa. Nồi cơm gần hơn.
Anh Nguyễn Chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù, bĩu môi:
- Các anh nói thối bỏ mẹ: “trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo”. Dân chúng chẳng cần tới sự lãnh đạo của các anh. Vì các anh dân mới đói. Vì các anh dân Trung Quốc mới thân tàn ma dại.
Ông bí thư huyện, anh hùng lao động nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhìn Thiện, nín lặng.
Những người cộng sản Trung Quốc sống trong nhà tù Việt Nam như khách. Họ chỉ quan tâm tới tình hình Việt Nam trong chừng mực những gì liên quan tới họ. Ngoại giả, họ mặc. Là tù đấy, nhưng họ không quỵ lụy cán bộ trại, cũng không hòa nhập với cộng đồng tù Việt. Cán bộ có quát nạt họ cũng giả vờ điếc, không nghe thấy, không hiểu. Thỉnh thoảng hứng lên họ hát đồng ca những bài hát cách mạng của Trung Quốc, như bài “Xì lai!” mà chúng tôi cũng biết. Hoặc “Quốc tế ca”. Nhưng không bao giờ họ hát bài “Đông phương hồng” . mặt trời lên. Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông!”.
- Nạn đói là kinh niên đối với một nước như Trung Quốc. – tôi nói với Thiện – Không phải những người cộng sản là nguyên nhân duy nhất. Thời Tưởng, tôi biết, nạn đói còn xảy ra nhiều hơn. Hãy nhớ lại bọn Tàu phù sang ta năm 1945. Không phải chỉ đói, mà còn man rợ nữa…
Thiện trợn mắt nhìn tôi. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của cộng sản có thể là tốt. Cái cách tôi đánh đồng loạt chính quyền Thưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Đông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi như một ngoại lệ.
Nguyễn Chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Phổ Gián điệp, Tôn Thất Tần… kẻ đứng người ngồi trong ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh nổi tiếng Những Người Tháng Chạp trong cảnh lưu đầy ở Sibir thời Sa hoàng.
Những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ, một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhớ:
Không có chỗ trên con tàu Trái đất
Tôi là người hành khách bơ vơ.
Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt,
Cái toa đen dành cho súc vật.
hoặc:
Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương…
Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương…
Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác. Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bặm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sửa chữa nó. Nói tóm lại, anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gãy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.
Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn Chí Thiện đã bị khóa cánh tiên ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ học cách trí – lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.
Trình Hàng Vải thì thào với tôi:
- Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện.
Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ: chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.
Kiều Duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng đến cùng dành cho tôi:
- Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu.
Tôi hiểu Kiều Duy Vĩnh quý tôi. Trong cái sự trọng tôi của Nguyễn Chí Thiện có ảnh hưởng tình cảm của Kiều Duy Vĩnh dành cho tôi. Nhưng không có Kiều Duy Vĩnh thì Nguyễn Chí Thiện cũng vẫn tin tôi không làm ăng-ten. Những người tù trí thức khác cũng tin như vậy.
Nguyễn Chí Thiện có trọng tôi hay không là chuyện không quan trọng. Trong tù tôi học được cách sống tự tại, mặc kệ người ta nghĩ về mình thế nào. Tôi mãi mãi vẫn là tôi, không phụ thuộc vào sự đánh giá của bất kỳ ai.
Trích từ “Đêm giữa ban ngày”/ Facebook Vũ Thư Hiên
0 comments:
Post a Comment