Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.
Nguyễn Hưng QuốcĐọc xong bài phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sau cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng lần thứ ba giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi cứ thấy tức anh ách.
Để cho công bằng, xin nói ngay ba điều. Thứ nhất, trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, ít nhất qua các cuộc phỏng vấn đăng tải trên báo chí, tôi có cảm tưởng ông Nguyễn Chí Vịnh là người ăn nói trôi chảy, mạch lạc và khôn ngoan nhất. Ông không ngu ngơ và ngô nghê như Nguyễn Minh Triết, cũng không giáo điều và cứng nhắc đến bất bình thường như Nguyễn Phú Trọng và cũng không ngọng nghịu vụng về như Nguyễn Tấn Dũng. Nói năng, Nguyễn Chí Vịnh có vẻ biết cân nhắc và biết nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau. Thứ hai, mặc dù có một số ưu điểm như vậy, bài phỏng vấn hay phát biểu nào của Nguyễn Chí Vịnh cũng có vấn đề: bên cạnh sự sắc sảo có không ít nhận định sai lầm đến ấu trĩ, thậm chí, ngớ ngẩn. Thứ ba, nhìn kỹ, những sự sắc sảo là của ông, còn những sai lầm là thuộc về chính sách, tức của cái đảng mà ông là một thành viên, hơn nữa, một thành viên cao cấp.
Ví dụ, trong bài phỏng vấn nhắc ở trên, Nguyễn Chí Vịnh chứng tỏ sự sắc sảo khi nhận định: Một, “chủ quyền, lãnh thổ là thiêng liêng, không thể đánh đổi. Đất đai, sông núi, biển đảo Việt Nam không chỉ là sở hữu của hơn 80 triệu người dân ngày hôm nay (1), mà quan trọng hơn, bờ cõi ấy đã được cha ông ta hàng nghìn năm qua gìn giữ để lại. Bờ cõi này cũng sẽ là sở hữu của các thế hệ người Việt Nam mai sau, là không gian sinh tồn của con cháu chúng ta. Không ai được phép nhân nhượng một tấc chủ quyền trên đất, trên trời, trên biển của Tổ quốc, và cũng là không gian sinh tồn và phát triển của muôn đời con cháu chúng ta mai sau.” Và hai, “[v]ấn đề Biển Đông là đại sự trong quan hệ hai nước. Không thể nói quan hệ Việt – Trung là tốt đẹp nếu Biển Đông vẫn còn tồn tại những bất đồng có nguy cơ trở thành xung đột.”
Tuy nhiên, ông lại vấp phải rất nhiều sai lầm. Ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào hai điểm sai lầm căn bản nhất. Một, ông khuyên bảo “Chúng ta luôn phải nhớ nằm lòng kim chỉ nam ‘Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội’ mà Đảng ta và Bác Hồ đã chỉ ra, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN mới giữ được độc lập chủ quyền.” Hai, ông tin là Việt Nam và Trung Quốc có thể giải quyết các tranh chấp nếu cả hai cùng tin là “con đường Việt Nam và con đường Trung Quốc đang đi là một CNXH đích thực, một CNXH độc lập, vững vàng, không thể bị chuyển hóa bởi những yếu tố bên ngoài mặc dù chúng ta đang sống trong môi trường toàn cầu hóa, hội nhập mạnh mẽ.”
Cả hai ý trên, ai cũng biết, đều là chủ trương chung của chính quyền Việt Nam hiện nay. Không phải chỉ có Nguyễn Chí Vịnh mà hầu như tất cả các nhà lãnh đạo khác cũng đều nói như thế.
Ai cũng nói thế. Nhưng cả hai quan điểm ấy đều sai. Sai một cách rất hiển nhiên.
Thứ nhất, độc lập dân tộc có phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội không? Ngay cả học sinh trung học, có chút xíu kiến thức về lịch sử và chính trị thế giới cũng biết là: không. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn năm quốc gia theo chủ nghĩa xã hội: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Cuba. Dĩ nhiên đó không phải là năm quốc gia độc lập duy nhất trên thế giới. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc có tổng cộng 193 thành viên. Chắc chắn đó không phải là con số đầy đủ. Trong danh sách ấy không có Vatican và Kosovo. Trong danh sách do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, con số quốc gia thực sự lên đến 195 nước. Có bao nhiêu nước trong danh sách ấy không độc lập? Có. Nhưng chắc chắn là rất ít. Cứ nhìn vào các nước thành viên khối ASEAN thì thấy. Trong số 10 nước, trừ Việt Nam và Lào, tám nước còn lại đều không theo chủ nghĩa xã hội nhưng lại vẫn độc lập, hơn nữa, một số nước còn rất phát triển và giàu có, chắc chắn là hơn hẳn Việt Nam: Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tại sao? Họ có cần chủ nghĩa xã hội không? Nói như vậy ở vào đầu thế kỷ 20, khi Hồ Chí Minh “phát hiện” ra “Luận cương Lênin” về vấn đề giải phóng dân tộc và chống lại chủ nghĩa đế quốc thì nghe còn được được. Nhưng đến giữa thế kỷ 20 thì đã nghe vô duyên. Còn ở vào đầu thế kỷ 21 như hiện nay thì không những vô duyên mà còn dở hơi.
Thứ hai, về niềm tin vào “tình hữu nghị” đối với Trung Quốc với lý do cả hai quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc, đều theo chủ nghĩa xã hội, cũng sai nốt, thậm chí, còn sai lầm một cách trầm trọng hơn cả nhận định thứ nhất ở trên. Trầm trọng vì, một, nó phi lý; và hai, vì nó có thể tạo nên những ảo tưởng cực kỳ nguy hiểm. Sau năm 1975, tức là sau khi chiến tranh Nam Bắc chấm dứt, Việt Nam phải chịu đựng thêm mấy cuộc chiến tranh nữa nhỉ? Lớn, có hai: một, chiến tranh với Campuchia; và hai, với Trung Quốc. Chiến tranh với Campuchia kéo dài khá lâu, đến 14 năm, thoạt đầu, ngay từ sau 1975, với các cuộc chiến tranh lẻ tẻ dọc theo biên giới; sau, năm 1978, là chiến tranh tổng hợp với sự tham gia, về phía Việt Nam, của trên 150.000 quân lính; cuối cùng, từ năm 1978 đến 1989, là cuộc chiếm đóng của Việt Nam trên đất Campuchia. Chiến tranh với Trung Quốc ngắn hơn, chia làm hai sự kiện chính: Một, chiến tranh vào đầu năm 1979 khi 400.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc. Cuộc chiến kéo dài chỉ có mấy tuần nhưng thiệt hại về nhân mạng lại khá cao: về phía Trung Quốc, có khoảng trên 25.000 người bị giết chết; con số ấy, về phía Việt Nam, còn rất mơ hồ, từ 10.000 (theo báo chí Việt Nam) đến trên 40.000 người (theo các nguồn tin từ Trung Quốc). Hai, cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào một số đảo ở Trường Sa vào năm 1988 với hậu quả: về nhân mạng, Trung Quốc có khoảng trên 20 lính bị thương vong; Việt Nam mất 64 bộ đội và ba tàu vận tải; về lãnh thổ, Việt Nam mất các bãi đá: Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Chữ Thập và Ga Ven cũng như một số hòn đảo khác.
Nhưng Campuchia và Trung Quốc là ai? Theo chế độ nào?
Xin thưa: Cả hai đều là các nước xã hội chủ nghĩa!
Có lẽ ông Nguyễn Chí Vịnh thừa biết nói thế là dại dột, nên ông thêm cái đuôi phía sau: “chủ nghĩa xã hội đích thực”, “một CNXH độc lập, vững vàng, không thể bị chuyển hóa bởi những yếu tố bên ngoài.” Nhưng, tránh dại dột, ông lại vấp phải mâu thuẫn: ông mới khẳng định là chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm được độc lập, bây giờ, ông lại nhấn mạnh đến một thứ “chủ nghĩa xã hội độc lập”, tức là gián tiếp thừa nhận là có một loại chủ nghĩa xã hội khác, không độc lập. Ngoài ra, thế nào là “chủ nghĩa xã hội đích thực”? Chủ nghĩa xã hội thời Đặng Tiểu Bình lúc xua quân vào đánh Việt Nam năm 1979 là đích thực hay không đích thực? Bất kể cách hiểu của Việt Nam thế nào, từ phía Trung Quốc, mọi người đều cho chủ nghĩa xã hội ở nước họ hiện nay là con đẻ của Đặng Tiểu Bình. Nói cách khác, dù đích thực hay không đích thực thì chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc cũng chẳng đáng tin cậy chút nào cả.
Nói cách khác nữa, dù rào đón đến mấy, Nguyễn Chí Vịnh vẫn cứ sai. Một cái sai rất căn bản.
Và nguy hiểm.
***
Chú thích:
1. Thật ra, dân số Việt Nam vào năm 2011 là khoảng 87,84 triệu người; vào năm 2012 này là khoảng trên 88 triệu. Nếu tính cả người Việt ở hải ngoại thì trên 90 triệu người.
0 comments:
Post a Comment