Sunday, September 30, 2012

Đã là giáo dục, không thể mập mờ.

canhco-blog RFA
Câu chuyện giáo dục tại Việt Nam càng nghĩ càng buồn, càng nghĩ càng bế tắc và tuyệt vọng. Từ bậc đại học cho tới những ê a vỡ lòng, nơi nào cũng xuất hiện những khó khăn khiến ai có lòng tốt cách mấy đối với tiền đồ giáo dục cũng phải xuôi tay mặc cho dòng nước đục bẩn của hệ thống kéo theo cơ man là rác rưởi của một nền giáo dục ăn xổi ở thì, chụp gấu vá vai từ con chữ tới lời thầy cô giảng bài trong từng tiết học.
Tình trạng hấp hối của chính sách giáo dục kéo dài đã rất lâu và ông Bộ trưởng nào mới lên ngồi trên chiếc ghế lỏng lẻo và đầy rệp này cũng phải nhảy dựng lên. Trước là kêu gọi cải cách, sau là nói không với cái này, cái khác. Rồi cũng có ông yêu cầu xã hội hóa như một cục đá dằn phía sau chiếc bánh xe khi nó đang tụt dần về phía sau. Xã hội hóa không làm nó tiến lên dù là một phân tây. Nhưng nói như Khổng Tử thì: “Sự học như con thuyền trên gióng nước ngược, không tiến ắt lùi”.
Tiến chắc chắn là không, còn lùi thì đã và đang từng chút một tuột trên con dốc đầy sỏi đá. Cũng may là con đường chứa quá nhiều ổ gà lẫn sạn sỏi nên cổ xe được chúng trì kéo giảm bớt độ tuột. Những ổ gà mua ghế, mua chỗ đứng lớp, những viên sạn dạy thêm học thêm đã ghì chặt lấy nhau để sống còn trên cơ thể hấp hối của một nền giáo dục lấy chỉ tiêu làm lý tưởng và bất cứ kêu rêu đóng góp nào của xã hội đều được nhìn dưới lăng kính nghi ngờ, khó chịu.
Khi phản biện ngày càng nhiều về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt quệ của giáo dục hiện nay xuất phát từ đồng lương trả cho người trực tiếp đứng lớp không tương xứng thì Bộ Giáo dục giả lơ, Sở Giáo dục các thành phố vì gần dân nên phải đối phó. Biện pháp đối phó được đưa ra rất nhiều nhưng nhìn chung chỉ toàn là…”đối phó” nên giáo viên các trường công lập tiếp tục tự tìm cho mình con đường sống còn trên cái nền nhà giáo dục ấy.
Có một điều rất bất thường khi phụ huynh học sinh càng than phiền về chất lượng giảng dạy cũng như đổ ập lên đầu con em họ quá nhiều bài học vô bổ thì không ít trường đối phó theo chiều ngược lại: Yêu cầu phụ huynh đóng góp tiền cho sự nghiệp giáo dục lẽ ra phải được nhà nước chu toàn này. Các loại phí nếu thẳng thừng tính ra thì danh sách có thể dài hơn một trang giấy. Danh sách này lại chứa không ít các khoảng tiền vô lý đến độ nhiều phụ huynh học sinh muốn cho con em mình nghĩ học luôn để chống đối. Ức thì nói vậy nhưng tâm lý xã hội Việt Nam có cha mẹ nào muốn con mình dang dở việc học ngoại trừ quá nghèo.
Tâm lý ấy được nhiều ông bà hiệu trưởng nắm rõ và khai thác nên mặc dù có thu thêm bao nhiều thì con số học sinh theo học không bao giờ giảm xuống. Làm ăn mà biết chắc khách hàng không thể bỏ mình để đi chỗ khác là nét ưu việt của Xã hội chủ nghĩa mà trong doanh trường người ta nói đó là thủ đoạn độc quyền.
Cái thủ đoạn này lại được cơ quan đầu não là Bộ Giáo dục ủng hộ một cách rất…”thủ đoạn”! Trên nguyên tắc Bộ không cho phép nhà trường thu tiền thêm của học sinh bất cứ dưới hình thức nào ngoại trừ họ…”tự nguyện”. Sở Giáo dục và Đào tạo các thành phố công khai cho biết việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp đều được dựa trên nguyên tắc tự nguyện của hai bên…
Để vở tuồng “tự nguyện” xem có vẻ thật hơn, hiệu trưởng các trường thi nhau nghĩ ra những cách thức để dẫn dắt các khoản thu hết sức hợp lý nhằm thuyết phục những ai còn nghi ngờ thiện chí của nhà trường trong vần đề chi thu. Và một điều đau lòng nhất là các hiệu trưởng này không do dự khi giao trách nhiệm thu …”hụi chết” này cho các giáo viên chủ nhiệm.
Số tiền phụ thu “tự nguyện” được hiệu trưởng toàn quyền chi vào những mục tiêu mà ông hay bà ta thấy cần thiết. Thường là sửa chữa lại cơ sở thiết bị và các tay trúng thầu không nói ai cũng biết là đồng minh của họ để hóa đơn có thể tăng lên đột biến các khoản mua sắm. Vấn đề tiền lương của giáo viên nếu được hỏi thì họ đã có sẵn hàng trăm câu trả lời và thường thấy nhất là Bộ không cho phép lấy tiền tự nguyện để góp vào lương cho giáo viên.
“Lợi ích nhóm trong giáo dục” không phải khó thấy. Bắt đầu từ sự tập quyền cuả hiệu trưởng sau đó được phân phát rất công bình cho các đương sự trách nhiệm của Sở Giáo dục cũng như thanh tra…bộ máy chạy đều từ năm này sang năm khác mà chưa bao giờ gặp trục trặc kỹ thuật nào. Lạm thu trong nhà trường không bao giờ được Bộ giáo dục chú ý vì đây là bổng lộc mà Bộ muốn các trường tự trang trải cho mình. Im lặng thì trái đạo lý, vậy thì cứ lên tiếng “tự nguyện hóa” những đóng góp bắt buộc này cho hợp với lòng…hiệu trưởng…
Thế mới thấy tại sao trong khi giáo viên cứ một mực than thở lương không đủ sống thì giá tiền mua một chiếc ghế hiệu trưởng lại không bao giờ “khuyến mãi”. Cha mẹ học sinh cứ trằn trọc với túi tiền ngày một teo lại theo tỷ lệ lùn kiến thức của con mình và Bộ Giáo Dục vẫn lạc quan về tương lai sáng lạn của một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa toàn bích. Những trớ trêu nghịch lý này vẫn ngày ngày nện những câu hỏi lên lương tâm của một người tỉnh táo.
Không lẽ cả nước đều mất trí trước sự thật này chăng?
Thế mới thấy sự kinh khủng của hệ thống giáo dục định hướng theo quyền sinh sát của những ông bà hiệu trưởng được nuôi dưỡng, bảo kê bởi Bộ Giáo dục nhưng bộ này lại rất phản lại nguyên lý giáo dục phổ cập trên toàn thế giới.

0 comments:

Powered By Blogger