Thursday, September 27, 2012

Tranh chấp lãnh thổ khiến phe quân đội mạnh lên

Quân đội Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc
REUTERS
Trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc, mọi động tĩnh xảy ra trên chóp bu cầm quyền đều thu hút dư luận. Gần đây, bỗng nhiên phó chủ tịch nước Tập Cận Bình vắng bóng suốt hai tuần, rồi lại rùm ben chuyện cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Chưa hết, mấy ngày nay, làn sóng chống Nhật trở nên dữ dội đến bất thường tại Trung Quốc. Tờ The New York Times cho rằng, những sự kiện vừa nêu có dây mơ rễ má với nhau, bởi cội nguồn chung là : Sự đấu đá trên chóp bu đảng cầm quyền tại Trung Quốc. Courrier International dẫn lại bài nhận định này, với dòng tựa khá ấn tượng : «Hãy tấn công người Nhật ».
Việc Nhật quốc hữu hóa các đảo tranh chấp đã gây phẫn nộ đối với người Trung Quốc, nhưng phản ứng có tính hiếu chiến của nhà cầm quyền Trung Quốc như việc điều tàu hải giám đến khu vực tranh chấp, tuyên bố bảo vệ gần ngàn ngư thuyền đến vùng tranh chấp … Sự mạnh bạo này của Bắc Kinh có mục đích : Tranh giành quyền ảnh hưởng đối với quân đội Trung Quốc.
Ai tranh giành với ai ?
Theo lời một giáo sư có quan hệ thân cận với chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào muốn duy trì ảnh hưởng sau khi về hưu, nên lo sợ toàn bộ quyền lực, mà đặc biệt là quân đội, lọt hết vào tay phe ông Tập Cận Bình. Hồi năm 2002, khi ông Giang Trạch Dân bàn giao quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho ông Hồ Cẩm Đào, thì ông Giang cũng duy trì được quyền kiểm soát quân đội thêm hai năm nữa, khi vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các nhà quan sát cho rằng, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đẩy tranh chấp chủ quyền lên cao như vừa qua cốt ý là để minh chứng rằng, sự hiện diện của ông vẫn còn cần thiết.
Một chiến dịch đã được tiến hành với mục tiêu kêu gọi quân đội tiếp tục trung thành với Đảng, mà theo tờ báo, thực sự là để cũng cố ảnh hưởng của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trong các báo quân đội ở Trung Quốc còn xuất hiện những bài xã luận kêu gọi các tướng lĩnh tập hợp xung quanh Đảng dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ CẨm Đào. Vị giáo sư trên nhận định : « Ông Hồ Cẩm Đào chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Tất cả những việc nêu trên là nhằm phục vụ cho chính sách của ông ta ».
Thế nhưng, cũng có người nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác. Theo họ, mấy năm vừa qua, sự đấu đá trong nội bộ Đảng đã dẫn đến việc phe dân sự bị yếu thế dần trước phe quân sự. Nhất là trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ liên tục với các nước láng giềng, quân đội ngày càng có tiếng nói. Mà đáng chú ý là, quân đội Trung Quốc thường bao gồm những tướng lĩnh xuất thân từ các gia đình quan chức, tức con nhà nòi, tức thuộc về « phe Hoàng Tử ». Ông Tập Cận Bình lại là người của phe Hoàng Tử, bởi vậy, ông đương nhiên dễ dàng kiểm soát được quân đội, điều mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào không mấy hài lòng.
Theo tờ báo, sự biệt tăm của ông Tập Cận Bình suốt hai tuần vừa qua, có thể không phải vì ông đau ốm, mà là vì phải đối mặt với những vấn đề chính trị nghiêm trọng, đe dọa đến sự kế nhiệm gần như là chắc chắn của ông. Và sự xuất hiện trở lại trong tình trạng sức khỏe ổn định của phó chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy, ông đã tạm dàn xếp được mọi chuyện. Trước mắt, theo tờ báo, trong nhiều việc hóc búa đang chờ đợi, thì một trong những việc có lẽ không mấy dễ dàng là ông Tập Cận Bình phải làm sao dàn xếp cho khéo vụ Bạc Hy Lai, người từng bị cho là muốn tranh giành quyền lực với ông. Hiện tại, dù ông Bạc Hy Lai đã mất hết chức vụ, nhưng ảnh hưởng của ông trong Đảng vẫn còn.
Bạc Hy Lai : Cuộc chiến giữa phe bảo thủ và canh tân ?
Đi sâu vào trường hợp Bạc Hy Lai, tuần san l’Express có bài : « Trùng Khánh, cuộc chiến hướng đến Bắc Kinh ».
Tờ báo nhắc lại việc, dưới sự lãnh đạo của ông Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã thật sự thay da đổi thịt với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thèm khát nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc. Thế nhưng, trái ngược với nét hiện đại của Trùng Khánh, tư tưởng của ông Bạc Hy Lai hoàn toàn không hiện đại. Ông được xem là một trong những thủ lĩnh của phe bảo thủ trên chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ báo cho rằng, ông Bạc Hy Lai là người trung thành với tư tưởng Mao Trạch Đông. Trên cương vị bí thư thành ủy, ông Bạc đã ra sức tuyên truyền ca ngợi cho cựu chủ tịch Mao. Bí thư Bạc Hy Lai được coi là « tổng biên tập » thật sự của Trùng Khành, vì ông cho kiểm soát gắt gao tất cả phương tiện truyền thông, chủ trương tăng cường ca tụng thời Mao Trạch Đông trên các phương tiện truyền thông ở Trùng Khánh, ca tụng sự anh dũng của quân đội Trung Quốc hồi kháng chiến chống Nhật.
Về vấn đề này, tờ báo nêu ra một ví dụ cụ thể đáng chú ý, đó là ông Bạc Hy Lai từng buộc một đài truyền hình địa phương cắt bớt chương trình quảng cáo, và ra lệnh cứ 30 phút là phải có một mục ca ngợi Đảng. Lãnh đạo đài này đã từ chối, và trong chiến dịch truy quét mafia và chống tham nhũng năm 2010, do bí thư Bạc chủ trương, vị lãnh đạo đài truyền hình nói trên đã bị bắt và kết án tử hình vì tội tham nhũng.
Tờ báo nhắc lại, trong chiến dịch đó, hơn 2 000 người đã bị bắt. Nhiều người cho rằng ông Bạc Hy Lai có mục tiêu thật sự là nhân đó, loại trừ tất cả những ai gây cản trở cho con đường tiến về Bắc Kinh của ông trong kỳ Đại hội Đảng lần tới.
Cuối cùng L’Express dẫn lời một nhà báo ở Trùng Khánh, nhận xét tổng quát về đời sống chính trị thật sự tại Trung Quốc : Người dân Trung Quốc ngây thơ, các phương tiện truyền thông cứ đưa tin nào là chính quyền xây cầu, xây đường, nào là ra sức chống tham nhũng, thế là người dân tin ngay, « chứ còn tôi, tôi là người làm tin, nên tôi biết rõ ràng sự thật ».
Ấn Độ : Chống hạt nhân là phạm luật ?
Đến với một cường quốc châu Á khác là Ấn Độ, Courrier International dẫn lại bài của tờ Tehelka tại New Delhi với dòng tựa gây chú ý : « Người phản đối hạt nhân bị xem như là tội phạm ».
Tờ báo đề cập đến ngôi làng mang tên Idinthakarai thuộc bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ. Nhà nước đã cho xây một nhà máy điện hạt nhân trong ngôi làng này. Người dân phản đối quyết liệt. Theo tờ báo, người dân không chống lại Nhà nước, mà là đấu tranh để bảo vệ tương lai của họ và các thế hệ sau, vì lo sợ thảm họa hạt nhân. Hơn nữa, nhà máy điện chỉ cách khu dân cư có vài cây số, nên đe dọa đời sống người dân, thậm chí đe dọa cả nồi cơm của họ, vì khu vực đánh bắt cá của họ đã trở thành khu vực cấm của nhà máy.
Kết quả của việc biểu tình phản đối đã khiến cho ngôi làng này trở thành địa phương « phiến loạn » nhất trong nước, bởi vì ngôi làng đã đạt con số kỷ lục về số người bị buộc tội « phiến loạn » và số người bị truy cứu hình sự. Một luật sư thuộc tòa án tối cao Ấn Độ nhận định : « Tòa án tối cao đã ra quyết định vào năm 1962 theo đó chỉ những hành vi có mục đích lật đổ chính phủ mới bị xem là phiến loạn. Những việc vừa qua cho thấy phong trào phản đối ôn hòa đã bị đàn áp bằng những cáo buộc sai lầm ». Một nhà đấu tranh nhân quyền Ấn Độ ở vùng Cachemir chỉ trích : « Có gì mới đâu, tại Ấn Độ, mọi tiếng nói ly khai đều là phiến loạn ».
Đâu phải người Hồi Giáo nào cũng cực đoan !
« Chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan mới chính là kẻ thù», đó là tựa đề bài xã luận của tuần báo Le Nouvel Obervateur bàn về làn sóng phản đối đoạn phim xúc phạm đạo Hồi trong mấy ngày qua.
Để đáp trả một đoạn phim báng bổ đạo Hồi của vài người cực đoan tại Mỹ, nhiều người Hồi Giáo đã lao vào trụ sở lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Libya và gây ra những vụ bạo lực « phi lý », như thể là chính phủ tổng thống Obama đã chỉ đạo làm bộ phim này. Tác giả mỉa mai : Thế là « những kẻ ngốc nghếch » làm ra đoạn phim được đáp trả bằng « những kẻ ngốc nghếch » trút hết mọi tội lỗi lên đầu nước Mỹ.
Một câu hỏi đặt ra là, có phải thế giới Hồi Giáo đang bị chủ nghĩa cực đoan thống trị, một chủ nghĩa mà chỉ cần một cớ nhỏ cũng đủ làm dấy lên cuộc chiến giữa Hồi Giáo và phương Tây ?
Câu trả lời của tác giả là : Không !
Tác giả nhấn mạnh, không phải người Hồi Giáo nói chung tấn công các tòa đại sứ Mỹ ở nhiều nước, mà « những vụ bạo động » này đã được phát động, tổ chức và tiến hành bởi một thiểu số tín đồ Hồi Giáo cực đoan hiện diện ở nhiều nước. Trong hàng ngũ này, theo tác giả, có cả những người thuộc các phong trào thánh chiến, có người là thành viên của tổ chức Al Qaida. Những phần tử này đã lợi dụng tình hình rối rắm do một số phần tử Hồi Giáo cực đoan gây ra để huy động lực lượng nhằm gây khó khăn cho các chính phủ có liên quan.
Nói như vậy, thì đa số những người Hồi Giáo còn lại đều không quá khích và lên án các hành vi bạo lực. Người Hồi Giáo cực đoan chỉ chiếm thiểu số ở các nước Hồi Giáo. Ngay cả ở những nước mà người Hồi Giáo cực đoan nắm quyền như ở Ai Cập hay Tunisia, các đảng Hồi Giáo cực đoan chỉ chiếm có 1/3 số phiếu ủng hộ, có nghĩa là 2/3 còn lại không ủng hộ Hồi Giáo cực đoan. Ở Pháp, hai lãnh đạo chính của người Hồi Giáo tại nước này cũng đã lên tiếng lên án thẳng thừng các cuộc biểu tình quá khích vừa qua.
Như vậy, theo tác giả, nhìn vào nội bộ Hồi Giáo, chính chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan đang chia rẻ Hồi Giáo, đó là một cuộc chiến thật sự giữa những ngươi Hồi Giáo cực đoan và những người Hồi Giáo theo đuổi một mô hình xã hội mở.
Pháp : Kinh tế đang hồi u ám
Đến với nước Pháp, một trong hai đầu tàu kinh tế châu Âu, tuần san L’Express có bài chạy dòng tựa cảnh báo : «Pháp trong vòng lẩn quẩn ».
Kinh tế Pháp đang hồi rất khó khăn đến mức mà tổng thống Pháp François Hollande đã phải thốt lên hồi ngày 31/8/2012 rằng : « Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng». Nghiêm trọng bởi vì sự trì trệ của nền kinh tế đã chạm đến đủ mọi lãnh vực.
Kinh tế châu Âu đang hồi khó khăn, ba đối tác thương mại chính của Pháp là Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang chìm trong khủng hoảng, đối tác thứ tư là Đức thì tăng trưởng cũng đang chậm lại, kinh tế thế giới đang mất đà, các ngân hàng thì ngày càng dè dặt trong chuyện cho vay. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ở Pháp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rơi vào tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết. Chỉ tính trong năm nay, tại Pháp, cũng đã có đến 62 000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, còn năm ngoái, con số này là 61 300.
Các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu nếm mùi khủng hoảng như những khó khăn của đại gia PAS Peugeot Citroen hay CAC 40 vừa qua. Các ngành công nghiệp và dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Đầu tư vì thế sụt giảm, tăng trưởng bị đe dọa, và nạn thất nghiệp tăng lên.
Thất nghiệp tại Pháp hiện vượt mức 10%, tức cao nhất kể từ năm 1999. Không việc làm, tức không có lương, không có lương, tức không có tiền, mà không có tiền thì các hộ gia đình phải hạn chế tối đa các khoản chi. Thêm vào đó, giá nhu yếu phẩm và năng lượng tăng, khiến cho hầu bao các gia đình càng thêm bị thắt chặt. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì dĩ nhiên sức mua trên thị trường giảm, mãi lực giảm thì dĩ nhiên nhà sản xuất gặp khó khăn, và kinh tế dĩ nhiên lâm cảnh trì trệ.
Và cứ thế, cái vòng lẩn quẩn « thắt chặt chi tiêu và suy thoái » mãi xoay vòng. Ngày càng có nhiều nhà quan sát có đánh giá thiếu gam màu sáng cho tình hình kinh tế của nước Pháp.
Túi đeo trước bụng, dụng cụ lý tưởng cho cánh mày râu
Phụ nữ ra đường thì đã có bóp tay hay giỏ xách tay đê đựng tư trang cần thiết, thế còn cánh mày râu thì dùng gì cho tiện ? Phụ trang cuối tuần báo Le Monde cho biết đó là : túi đeo bụng.
Tờ báo cho biết, túi đeo bụng bắt đầu được biết đến từ năm 1960 và ngày càng trở nên thông dụng. Quý ông đeo chiếc túi trước bụng giống như đeo một sợi dây nịt vậy. Trong chiếc túi, quý ông có thể đựng từ tiền bạc, máy ảnh, đến các loại giấy tờ cần thiết. Điều tiện lợi hơn so với các dụng cụ khác, đó là với túi đeo bụng, người đeo lúc nào cũng nhìn thấy chiếc túi, hạn chế tối đa việc bị móc túi hay giật túi. Hơn nữa, khi mang loại túi này, hai tay người mang hoàn toàn tự do để dành cho các động khác.
Đặc biệt để đi du lịch ở Paris, cánh mày râu rất thích túi đeo bụng bởi rất tiện cho việc vận chuyển trong các trạm tàu điện ngầm, khi đứng trong tàu điện, đôi tay được tự do để tìm chỗ vịn chắc chắn đề phòng trường hợp tàu thắng gấp. Đặc biệt, trên tàu đông người, chiếc túi đeo trước bụng hoàn toàn tránh được nguy cơ bị móc trộm.
Tiện lợi là thế, nhưng về mặt thẩm mỹ thì túi đeo bụng có nhiều yếu điểm. Túi đeo bụng thường được đi chung với quần sọt và giầy basket hay dép có quai hậu, bởi thế mà chiếc túi tạo một khoảng cắt ngang không được đẹp mắt trên cơ thể. Còn như cố ý giấu chiếc túi vào bên trong áo pull hay áo sơ mi, thì kết quả lại tệ hơn nhiều, bởi khi ấy chiếc áo bị đội lên, người ta nhìn thấy dưới chiếc áo nổi lên một vật đáng ngờ.

0 comments:

Powered By Blogger