Thursday, September 27, 2012

Lễ Ra Mắt Thư Khố Điện Tử Của Người Mỹ Gốc Việt


Dưới sự bảo trợ của gần 20 tổ chức giáo dục và cộng đồng
Đại Học UCI, Hội VAHF và Năm Tổ Chức Giáo Dục Nam Cali
Đồng Tổ Chức Lễ Ra Mắt Thư Khố Điện Tử Của Người Mỹ Gốc Việt

· Khách tham dự sẽ được chỉ dẫn truy cập tại chỗ
· Chương trình cần thêm người ghi chép và phiên dịch


Chương Trình Lịch Sử Truyền Khẩu của Đại học UCI (VAOHP) , hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF), Trung tâm Học Về Người Mỹ Gốc Á (UCI Department of Asian American Studies) , Phân Khoa Nhân Văn của UCI (UCI School of Humanities) ; Thư Khố Người Đông Nam Á tại UCI (UCI Libraries’ Southeast Asian Archive ), tổ chức Đại Sứ Cộng đồng Người Mỹ Gốc Việt của Phân hội Cựu Sinh Viên UCI) Vietnamese American Community Ambassadors—a UCI alumnae chapter), sẽ đồng tổ chức vào lúc:
5;30pm tới 8:30pm
ngày 24 tháng 10,

tại Trung tâm Văn Lang số 14861 Moran Street, thuộc thành phố Westminter, California,
một buổi lễ ra mắt trang mạng (website)  của VOHP để chính thức giới thiệu phần đầu của thư khố điện tử về người Mỹ gốc Việt tới sinh viên, học sinh, các nhà giáo dục và nghiên cứu, cùng công chúng về công trình thu thập lịch sử truyền khẩu do VOHP và VAHF thực hiện trong những năm vừa qua.


Tin vui cho cộng đồng người Việt

Buổi lễ còn mang ý nghĩa để cám ơn những nhà giáo dục, sinh viên, những ân nhân và thiện nguyện viên, những người đã đóng góp nhân lực và tài lực cho công trình này. Chương trình buổi lễ sẽ bao gồm phần phát biểu của quan khách, các nhà giáo dục, phần chỉ dẫn phương cách truy cập trang mạng với nhiều máy điện toán để khách có thể thử tại chỗ,  một chương trình văn nghệ giúp vui, và một bữa tiệc nhẹ.

Được biết, buổi lễ đặt dưới sự bảo trợ đông đảo của một số tổ chức, hội đoàn Mỹ Việt và các cộng đồng bạn, bao gồm: Asian American Studies Center (UCLA), Association for Asian American Studies, Boat People SOS, Center for Oral and Public History (CSUF), Center for Southeast Asian Studies (UCLA), Chinese Historical Society of Southern California, Delhi Community Center, Diasporic Vietnamese Artists Network, Go For Broke National Education Center, Hanashi Oral History Program, Institute of Vietnamese Studies, Orange County Asian Pacific Islander Community Alliance, Project MotiVATe, Vietnamese American Arts & Letters Association, St. Anselm’s Cross-cultural Community Center, VietnameseAmerican Cancer Foundation, Vietnamese American Chamber of Commerce, and Vietnamese American Coalition (UCI).

Đây là một tin vui cho cộng đồng người Việt chúng ta được nhìn thấy phần đầu của những công trình xây dựng một thư khố chính thức cho người Mỹ Gốc Việt để nói lên tiếng nói chính thức của người Việt tự do mà bao năm qua đã không được chú ý tới hoặc bị hiểu lầm và ngộ nhân vì những âm mưu của nhà cầm quyền CSVN cũng như giới sử gia phản chiến Hoa Kỳ. Nhân dịp này chúng tôi liên lạc và phỏng vấn một số quý vị trong ban tổ chức để biết thêm chi tiết.

Giáo sư Sử học Linda Võ,  chuyên về Người Mỹ gốc Á tại UCI và là đương kim chủ tịch của Liên hội Nghiên cứu về Người Mỹ Gốc Á trên toàn quốc phát biểu:

“ Mục đích của Buổi lễ là để đặc biệt và chính thức giới thiệu trang website của chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu VAOHP bao gồm những cuộc phỏng vấn bằng phim ảnh vói những bản ghi chép cuộc phỏng vấn (transcriptions), hình ảnh cũng như những tài liệu đi kèm về người phỏng vấn với hy vọng khuyến khích người xem mạnh dạn chia xẻ những câu chuyện di dư của họ, cũng như biết về chương trình để đóng góp cho chương trình ngày càng hoàn mỹ”.

Chương trình 3 năm sẽ hoàn thành 200 lịch sử truyền khẩu

Được hỏi về lý do cũng như quá trình thành lập chương trình VAOHP, giáo sư Linda Võ chia xẻ:

“ Chương trình này được thành lập là do sự quan tâm của một số các vị lãnh đạo trong cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt tại Nam California và Đại học UCI. Những vị lãnh đạo này nhận thấy sự quan trọng trong việc ghi chép lại những kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt tuổi từ 30 trở lên để họ chia xẻ những kinh nghiệm của họ cho giới trẻ hôm nay và tương lai.  Nhìn vào danh sách các tổ chức và hội đoàn trong Ban Tổ chức cũng như Nhà bảo trợ thì thấy được sự ủng hộ nhiệt thành từ cả hai giới Đại học và tổ chức cộng đồng. Chúng tôi còn có được may mắn là đã được ân nhân ủng hộ ngân quỹ để giúp  chương trình phỏng vấn 200 người trong vòng 3 năm. Số ngân quỹ này còn được dùng vào việc ghi chép và đưa lên thư viện điện tử. Tiến sĩ Thúy Võ Đặng đã được bổ nhiệm làm Giám đốc cho chương trình và một  năm qua cô đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Chương trình đang trên đà tiến triển nhanh hơn dự trù. Tôi hy vọng trong tương lai chương trình sẽ được tiếp nối bằng những cuộc triển lãm và một quyển sách về Lịch sử Người Mỹ Gốc Viêt”.

Hợp tác và tiếp nối công việc của VAHF
Nguồn tài liệu chính thống và trung thực


Khi hỏi về sự hợp tác giữa UCI và VAHF, Giáo sư Linda Võ cho biết:

“ Chính VAHF đã gợi nguồn cảm hứng (inspiration) cho chúng tôi khi họ đi vòng quanh nước Mỹ để phỏng vấn hàng nhiều trăm người Mỹ gốc Việt. Khi họ tới Nam California, chúng tôi đã giúp họ tìm những thiện nguyện viên làm việc phỏng vấn. Một trong số những thiện nguyện viên được chúng tôi giới thiệu chính là Tiến sĩ Thúy Võ Đặng, đương kim giám đốc của chương trình VAOHP. Do đó, chúng tôi đã làm việc với nhau từ trước, nên khi thành lập chương trình VAOHP thì việc hợp tác rất là tự nhiên. Sự hợp tác này giúp cả hai phía tốt hơn, hiệu lực hơn trong việc phục vụ công đồng. Chúng tôi cũng đang giúp hội VAHF ghi chép các bài phỏng vấn để dưa lên trang mạng”.  

Giáo sư Linda Võ cũng bày tỏ sự mong mỏi các sinh viên, học sinh Trung học hãy đọc trang mạng để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của Người Mỹ gốc Việt. Theo bà thì đây là nguồn chính thức của người Việt. và bà cũng mong quý vị phụ huynh tiếp tục hỗ trợ chương trình về mọi mặt, đặc biệt là tài chánh để UCI có thể mướn một giám đốc chính thức và dài hạn để điều hành chương trình.
.
Cần cộng đồng hỗ trợ trong việc ghi chép và phiên dịch

Tiến sĩ Thúy Võ Đặng hân hoan khi người viết tiếp xúc. Khi hỏi về những thuận lợi và khó khăn của chương trình, cô cho biết cô đã nhận việc tại Phân khoa Sử học về Người Mỹ Gốc Á của UCI vào tháng 9 năm 2011. Một năm qua, cô vừa giảng dạy môn “The Vietnamese American Experiences”,  vừa điều hành chương trình VAOHP. Điều khiến cô say mê và thích thú nhất là những câu chuyện của những người được phỏng vấn. Theo cô thì đây là những đặc ân (privilege) để được nghe những câu chuyện của những bậc cha anh về những phần đất xa xôi trong những thời gian mà cô thường chỉ nghe trên sách vở nay được gửi gấm tới cô và người xem bằng chính những nhân vật sống. Điều khó khăn của chương trình là tìm không đủ người để giúp trong việc ghi chép lại cuộc phỏng vấn và phiên dịch sang tiếng Anh.

Tiến sĩ Thúy Võ Đặng còn cho biết chương trình VAOHP cũng giúp việc giảng dạy của cô trở nên linh động, lôi cuốn hơn vì ngoài việc cho sinh viên học lý thuyết, cô còn huấn luyện cho các em biết kỹ năng phỏng vấn. Các em vừa học, vừa có thể đóng góp vào việc xây dựng thư khố truyền lại cho các thế hệ tương lai. Được hỏi chương trình VAOHP  có những đóng góp đáng kể nào cho giới giáo dục cũng như cộng đồng, Tiến sĩ  Thúy Võ Đặng phát biểu:

“Chương trình VAOHP theo bước chân của một số chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu đã có từ trước, như  Chương Trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn của Hội VAHF và chúng tôi cùng làm việc chung để đảm bảo những câu chuyện di cư của người Việt được bảo tồn và truyền lại mãi mãi cho thế hệ mai sau. “ The project follows in the footsteps of other existing oral history efforts, namely the Vietnamese American Heritage Foundation's 500 Oral Histories Project, and we are working together to ensure that the stories of Vietnamese immigrants and refugees are preserved for future generations”.

Từ trái bà Nancy Bùi (VAHF),Tiến sĩ Thúy Võ Đặng (UCI), Linda Ho Peche (UT) Tại Đạii học Rice, Roger Le (VAHF)
phỏng vấn Tiffany tại Nam California tháng 11 năm 2010. Ảnh VAHF.
Những đóng góp quan trọng của chương trình Lịch sử Truyền khẩu

Vẫn theo Tiến sĩ Võ Thúy Đặng thì di sản tinh thần này sẽ giới thiệu sự đa dạng về tiếng nói và kinh nghiệm cho kho tàng kiến thức hiện đang rất ít ỏi và nghèo nàn về người Mỹ gốc Việt. Giới hàn lâm sẽ có được một nguồn tài liệu phong phú cho những dự án làm việc của họ như viết sách, làm phim,  viết các bài báo hoặc thậm chí cho các tác phẫm nghệ thuật,…Cô cũng cho biết lý do buổi lễ ra mắt được tổ chức tại trung tâm cộng đồng Văn Lang là vì Ban Tổ Chức muốm đưa chương trình đến với cộng đồng và mong mỏi mọi người có thể tham gia đông đảo. Cô hy vọng việc làm này sẽ gắn bó  Đai học UCI và cộng đồng người Việt mỗi ngày chặt chẽ hơn.

Tiến Sĩ Đặng Thiệu, một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Hội VAHF và mới đây được Chao Center for Asian Studies thuộc Rice University mời tham gia vào Hội Đồng Cố Vấn đã cho biết cảm tưởng như sau:

“Thật vui mừng tham dự vào buổi lễ ra mắt trang mạng của VOHP.  Đây là điều chứng minh là đường lối của Hội VAHF đã đi đúng hướng. Thành lập được trên 8 năm qua, cho đến nay chương trình phỏng vấn Lịch Sử Truyền Khẩu của hội đã được công nhận tại nhiều đại Học danh tiếng tại Hoa Kỳ như University of Texas, Texas Tech University, UCI, Rice University và sẽ còn nhều đại học khác công nhận trong tương lai gần và nhất là được đồng hương trên khắp Hoa Kỳ ca ngợi và hưởng ứng. Thư khố điện tử về người Mỹ gốc Việt về lịch sử truyền khẩu do VOHP và VAHF thực hiện này tiếp theo thư khố điện tử tại Rice University, University of Texas hay Texas Tech University sẽ là những nơi để các sinh viên, giáo sư, học giả hay các nhà nghiên cứu tra cứu, nó sẽ được gìn giữ mãi mãi và hàng trăm năm sau con cháu của chúng ta sống trên nước Mỹ hay tại các quốc gia khác biết được nguồn gốc của chúng. Buổi ra mắt thư khố điện tử này đánh dấu một ngày quan trọng trong lịch sử của người Mỹ gốc Việt.

Cô Dung Hoàng, một phụ nữ trẻ thuộc thế hệ một rưỡi, sau một năm làm việc với VAHF và mới lãnh nhận trọng trách Giám đốc Chương Trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn phát biểu:

“Em rất vui mừng khi được tham dự Buổi lễ ra mắt sắp tới. Em theo cha mẹ và gia đình sang Mỹ vào năm 1975, lúc đó em mới có 12 tuổi. Những năm em học tại trường từ tiểu học cho tới xong đại học, , em không được học về lịch sử của người tị nạn Việt Nam. Khi làm việc với hội VAHF, em đã học hỏi được rất nhiều. Nhân dịp này em sẽ được gặp gỡ đồng hương Tại Nam California, những người hằng quan tâm tới gáo dục con em các nhà giáo dục tại UCI, điều này sẽ giúp em làm việc một cách hứng khởi hơn và hiệu quả hơn rất nhiều. Chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn của hội tuy đã xong việc phỏng vấn và liên kết được một số trường Đại học tiếp tay trong việc phổ biến vào các trường lớp, nhưng công việc vẫn còn nhiều, nhất là việc ghi chép và phiên dịch”.

Cô Hoàng Dung ngoài việc điều hành chương trình trên còn giúp hội VAHF rất nhiều và rất đắc lực trong việc gây quỹ giúp hội có tài chánh để tiếp tục, nhữ công trình đang thực hiện, đặc biệt là phim tài liệu Viet Story.

Từ trái Giáo sư Linda Võ, Ông Lê Phú Nhuận cựu Phó Giám Đốc Việt Tấn xã, bà Nancy Bùi (VAHF),
Cô Dung Hoàng (VAHF) và Tiến sĩ Đặng Thiệu (VAHF). Ảnh VAHF.
Bước kết hợp đầy sáng tạo cho công trình người Việt chờ đợi nhiều chục năm qua

Bà Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF tâm sự: “ Đây là một tin vui không chỉ riêng cho chương trình VAOHP, hội VAHF, giới giáo dục, các bạn sinh viên, học sinh, mà còn cho cộng đồng người Việt chúng ta, cả trong và ngoài nước. Đại học UCI đã có những bước đi đầy sáng tạo trong việc vận động các hội đoàn, cộng đồng người Việt tại Nam California và giới trẻ cùng nắm tay thực hiện một công trình mà người Việt đã mong đợi từ mấy chục năm qua. Đó là xây những viên gạch đầu tiên nhưng thật vững chắc làm nền móng cho một thư khố của những trang sử chính thống của người Việt. trang sử mà vì hoàn cảnh lịch sử, chúng ta đã không thể xây dựng trên chính quê hương Việt Nam yêu dấu.

Tôi hy vọng với kết quả tốt đẹp này, quý đồng hương khắp nơi sẽ nhiệt thành hơn trong việc giúp Đại học UCI và VAHF để những công trình còn lại được hoàn thành một cách tốt đẹp. Nhân dịp này, tôi cũng xin được bày tỏ sự vui mừng và lòng ngưỡng mộ trước giới trẻ Mỹ gốc Việt đang thành công trong  lãnh vực giáo dục, đặc biệt là về môn lịch sử tại các Đại học.  Những giáo sư Tiến sĩ Linda Võ, Thúy Võ Đặng tại Đại học UCI, tập sinh Tiến sĩ Linda Ho Peche’ của UT tại Austin, Mariane Lâm của UCLA, Hiền Đỗ của Đại học San Jose, Kimberly Hoàng tại Đại học Rice,…và gần 40 tiến sĩ, sử gia trẻ đang có mặt tại một số đông đảo các Đại học trên toàn quốc Hoa Kỳ. Họ  đang thay dần lớp sử gia lớn tuổi Hoa Kỳ mà một số không ít có cái nhìn thiên kiến và lệch lạc về cuộc chiến VN và người Việt Nam tự do. Hội VAHF rất vui mừng vì đã làm gần xong nhiệm vụ của người tiên phong mở đường (pioneer) và rất phấn khởi khi được các Đại học và các nhà giáo dục tiếp nối. Rất mong quý đồng hương Nam California đến để tiếp tục hỗ trợ cho đứa con tinh thần do chính quý vị đã đóng góp một phần không nhỏ để tạo nên”

Buổi Lễ vào cửa tự do, nếu có thể được, quan khách tham dự , xin liên lạc trước ngày 20 tháng 10, 2012 với Tiến sĩ Thúy Võ Đặng qua email: thuy.vodang@uci.edu , hoặc lên trang mạng: site.uci.edu/vaohp, hoặc Facebook: www.facebook.com/vaohp hoặc  email của chương trình: vaohp@uci.edu . (TG09/12)

0 comments:

Powered By Blogger