Thế Thân (*)
By Geoffrey Sant – PBD tóm lược
Tại Trung Cộng, tầng lớp giàu có và nhiều thế lực có thể thuê người khác thế thân hoặc ngay cả thế mạng!
Hình ảnh này được đưa ngay lên mạng và gây ra làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng. Mọi ngươi đều tức giận trước hành vi nhẫn tâm của đám thanh thiếu niên giàu có này và sau đó tố cáo công an đã ém nhẹm chuyện này. Trước hết, nhà cầm quyền địa phương thú nhận là họ ước lượng tốc độ xe của Hồ đang chạy lúc đó chậm hơn tốc độ thực sự đến hơn phân nửa. (Thật không thể tưởng tượng nổi là lúc đầu công an nói là tốc độ xe họ Hồ không quá 69 cây số/giờ.) Dân chúng lại nổi giận khi họ Hồ chỉ bị kết án ba năm tù, một hình phạt quá nhẹ trong một nước mà người lái xe say rượu bị kết tội trong các tai nạn tương tự có thể bị án tử hình.
Nhưng lời tố cáo làm mọi người sững sờ nhất là thanh niên ra tòa và thụ án tù ba năm đó không phải là họ Hồ, mà là một người khác có diện mạo giống anh ta được thuê ra thế thân.
Lời tố cáo này mới thoạt nghe có vẻ là vô lý nhưng các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Cộng vẫn thường tường thuật về việc thuê “người giống diện mạo đứng ra thay thế” hay “người thế thân”. Vào năm 2009, một chủ tịch bệnh viện gây tai nạn xe cộ chết người đã thuê người cha của một nhân viên ra “thú nhận” và thế thân cho ông ta. Một chủ tịch công ty đang bị truy tố về cáo giác cho rằng ông ta phạm tội thuê người thay thế các giám đốc của hai công ty khác. Trong một vụ khác, sau khi đụng chết một người đi xe gắn máy hai bánh, người không có bằng lái xe gây ra tai nạn đó đã thuê một người thế thân cho mình với giá khoảng 8.000$. Chủ nhân của một công ty chuyên phá hủy các kiến trúc hồi đầu năm đã phá hủy bất hợp pháp một căn nhà đã bỏ tiền ra thuê một người đàn ông nghèo túng chuyên kiếm sống bằng cách đi lượm mót trong đống gạch vụn của những căn nhà đã bị phá sập, và hứa trả cho ông ta 31$ mỗi ngày ông ta “thế thân” trong tù. Tại Trung Cộng, việc thuê người thế thân này xảy ra thường xuyên đến mức có một tên riêng để gọi trường hợp này: đính tội. Đính có nghĩa là “thay thế”.
Chuyện có thể thuê mướn những người được thế thân này chỉ mới là một cách mà tầng lớp nhà giàu nhiều quyền thế tại Trung Cộng có thể sống theo luật riêng của họ. Trong khi phong trào Occupy Wall Street được mọi người chú ý về việc phong trào này nhắm công kích vào số “1 phần trăm” thì tại Trung Cộng, một tỷ lệ còn ít hơn nhiều lại kiểm soát nhiều của cải tài sản hơn nữa. Số một phần mười của 1 phần trăm giới giàu có và nhiều thế lực nhất tại Trung Cộng kiểm soát gần phân nửa tài sản của nước này. Con cái và thân nhân của tầng lớp cai trị tại Trung Cộng có thể tự làm giàu cho họ và nếu cần, được bảo vệ đối với các cáo giác phạm tội.
Một viên công an giấu tên ở trung bộ Trung Cộng đã đồng ý nói chuyện về hiện tượng “các tội phạm thay thế”. “Hoa Kỳ có pháp trị, nhưng Trung Cộng có nhân trị,” viên công an này nói như thế. “Người càng có quyền thế bao nhiêu càng có thể làm được theo ý họ. Bỏ ra chút tiền thì vẫn được tự do.” Theo lời viên công an này, chuyện thuê người thế thân “tuy không phải chuyện thường xảy ra nhưng cũng không phải là hiếm.” Viên công an này cũng cho biết nhiều tay anh chị cầm đầu các băng đảng đều có đàn em ở tù thay thế. Băng đảng đó sẽ lo liệu cho gia đình của người thế thân và trả tiền thưởng cho thời gian người đó ở tù.
Đôi khi người trong gia đình che chở lẫn nhau. Trường hợp này xảy ra nhiều nhất trong những vụ tai nạn xe cộ khi công an có thể biết được chiếc xe gây tai nạn nhưng lại không biết người lái xe là ai. Trong một vụ tai nạn xe cán qua một ông già thì người con trai của người lái xe này thú nhận là anh ta đã “thú tội” dối gạt để công an không đo nồng độ rượu trong máu của cha anh ta. Trong một vụ khác thì vì có nhiều người ghi lại được bảng số xe khi người lái xe say rượu gây tai nạn rồi bỏ chạy luôn, phó giám đốc Phòng Lâm Nghiệp Quận Hứa Xương đã nhờ vợ ông ta ra tòa thế thân.
Tuy nhiên, khi có nhiều hình ảnh chụp hoặc quay phim được thủ phạm tại hiện trường và được loan tải rộng rãi thì cần phải dùng đến một người giống diện mạo để thế thân. “Những vụ thành công nhất là những vụ không ai biết đến,” viên công an nói như thế. “muốn làm được vậy thì phải có thủ đoạn thật tinh vi.” Ngay cả người giàu và có nhiều thế lực cũng có thể không che giấu được một tội quá khủng khiếp gây ra ở chỗ công cộng.
Hồi Tháng Mười năm 2010, một thanh niên say rượu lái xe tại khuôn viên trường Đại Học Hồ Bắc đụng hai nữ sinh viên đang trượt ván bánh xe ở đây làm một người bị thiệt mạng. Người lái xe gây tai nạn là con trai của phó trưởng phòng công an khu vực và sau khi gâ ra tai nạn y vẫn không chịu ngừng xe mà chạy luôn để đưa bạn gái về. Khi các nhân viên an ninh và sinh viên chặn được xe y, y la hét: “Dám truy tố tao không. Cha tao là Lý Cương.” Vụ tai tiếng này xem ra đã cho thấy rõ được nạn tham nhũng và lạm quyền tại Trung Cộng. Ngoài cáo giác về âm mưu che đậy cũng còn có cả đồn đoán là trong vụ này có dùng người giống diện mạo để thế thân. Vì con trai của Lý Cương có hai tên gọi khác nhau là Lý Nhất Phàm và Lý Khải Minh nên tin đồn cũng lan truyền là một trong hai tên này là tên người được thuê thế thân. Một người viết mỉa mai trên Internet là: “Dù y có bị kết án chung thân thì y cũng vẫn có thể tìm được người thế thân cho y!”
“Tội phạm thay thế” không phải là chuyện mới lạ. Trong nhiều thế kỷ qua, việc sử dụng tội phạm thay thế là một trong những việc đầu tiên người Tây phương nhắc đến khi nói về về hệ thống pháp lý của Trung Cộng. Vào năm In 1899, Ernest Alabaster, một học giả về hình luật Trung Hoa, đã viết là tòa án “cho phép” thủ phạm thuê những người thay thế, và những chuyện đó “xảy ra thường xuyên, đã xảy ra từ lâu, và—dù có chiếu chỉ ngược lại của triều đình—sẽ vẫn luôn luôn xảy ra trong hệ thống này.” Nghe nói thời giá của năm 1848 cho một tội phạm thay thế là 17 bảng, tức là tương đương với khoảng 2.000$ đô la ngày nay.
Chuyện đáng kinh ngạc hơn nữa là còn có thể thuê được người thế mạng trong các vụ tử hình.
Một số quan lại triều đình Trung Hoa thú nhận là việc dùng tội phạm thay thế có hiệu quả. Nói cho cùng thì, tội phạm thật bị trừng phạt bằng cách phải trả đúng thời giá cho tội của mình và hình phạt đối với người thế thân răn dạy được các tội phạm khác, giúp giảm bớt tỷ lệ phạm tội.
Tuy nhiên, nhờ Internet nên càng này khó
thành công hơn trong việc thuê người thế thân. Người Hoa trên net có thể
đăng tải hình ảnh để so sánh thật dễ dàng hình của thủ phạm bị tố cáo
với người ra tòa. Thật ra, hình ảnh đã được đem ra so sánh trong vụ Hồ
Bân đua xe đụng chết người đi bộ.
Một website tiếng Hoa đăng bốn tấm hình:1) người bí ẩn ra tòa:
2) Hồ Bân sau khi gây ra tai nạn:
3) Hồ Bân trong sinh hoạt hàng ngày:
4) và người được cho là người thay thế:
Tác giả ghi rõ trọng lượng của hai người này khác nhau và khoảng cách giữa hai lông mày cũng khác nhau, đồng thời cho biết trong số những người nêu ý kiến trên Internet thì 130 người nghĩ người ra tòa chính là họ Hồ, và 8.873 người kết luận đó là người thế thân.
Một trang khác cũng đăng hai tấm ảnh đầu, là hình Hồ Bân ngồi trong xe sau khi gây ra tai nạn và hình người ra tòa, kèm với câu hỏi: “Mẹ nó, đây là cùng một thằng đó à? Cả nước mù hết rồi hay sao?”
Nói cho ngay, không phải người nào cũng tin là gia đình họ Hồ đã thuê người thế thân. Giới chức tư pháp quả quyết người bị kết án chính là họ Hồ, và viên công an ở trên cũng đồng ý như vậy. Anh ta nói: “Vụ này không phải là trường hợp đính tội. Gia đình đó chỉ thuộc hàng trung lưu và họ không có thế lực chính trị. Hình người trong xe và ở tòa trông như hai người khác nhau là vì hình chụp theo góc cạnh khác và ánh sáng cũng khác.” Viên công an này không phủ nhận là có thể có tham nhũng trong vụ này. “Chắc chắn là có gì thêm trong đó. Anh ta chỉ bị kết án ba năm, và như thế thì quá nhẹ, do đó có thể là có các móc nối nào đó.”
Kể từ khi họ Hồ bị kết án đế nay đã đủ ba năm, và tháng trước có người đã ra khỏi tù.
Nhưng thắc mắc vẫn còn nguyên đó: Người được phóng thích là ai?
_____________
Chú thích của người tóm lược:
(*) Tựa bài là “Double Jeopardy”, một cách chơi chữ được dùng để gọi tình trạng “thế thân” trong bài viết và cũng gợi lên hình ảnh về một ý niệm tư pháp của Mỹ là “một người không thể bị truy tố thêm một lần nữa về cùng một tội đã xử”.
0 comments:
Post a Comment