Sunday, August 12, 2012

Tại Sao Không Có Dân Chủ tại Trung Cộng?

Tại Sao Trung Cộng Không Dân Chủ Hóa? Vì Xứ Này Không Thực Sự Theo Chủ Nghĩa Tư Bản

Dan Blumenthal – PBD dịch
Một nước có các thị trường và trao đổi kinh tế không có nghĩa là nước đó theo chủ nghĩa tư bản.
Tại sao Trung Cộng không dân chủ hóa? Đảng Cộng Sản Trung Hoa vẫn tiếp tục nắm chắc độc quyền chính trị trong tay khiến những nhà lập chính sách cảm thấy hết sức khó hiểu: Lẽ ra Trung Cộng phải trở nên một xứ tự do sau khi từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản Mao Trạch Đông. Đối với Washington, đây là vấn đề thật quan trọng: Hoa Kỳ đánh một canh bạc lớn là Trung Cộng sẽ dân chủ hóa, và cho rằng nếu Trung Cộng được khuyến khích gia nhập nền kinh tế quốc tế thì xứ này sẽ theo chủ nghĩa tư bản và rồi sẽ trở thành dân chủ. Do đó, Washington đã giúp Trung Cộng bước vào khuôn khổ trật tự quốc tế tự do. Nhưng đến giờ vẫn không thấy dân chủ của Trung Cộng đâu cả.
Một số nhà phân tích đã tìm cách giải thích lý do vắng bóng dân chủ tại Trung Cộng bằng cách gọi hệ thống kinh tế chính trị của Trung Cộng là một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản “nhà nước” hoặc “độc tài”. Lập luận này nói rằng Đảng đã tìm ra một cách “vừa đánh trống vừa ăn cướp”: tức là có thể vừa giàu có vừa độc tài. Nếu lập luận này đúng thì sẽ có nhiều hệ lụy sâu xa cho tương lai của dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Một “Mô Hình Bắc Kinh” mới và thành công của một loại chủ nghĩa mà một số người gọi là “chủ nghĩa tư bản độc tài” sẽ phá vỡ mối tương quan giữa các thị trường tự do và quyền tự do chính trị. Nếu Bắc Kinh đã tìm được một cách để cắt đứt mối tương quan giữa chủ nghĩa tư bản với nền dân chủ thì Hoa Kỳ phải xét lại nhiều giả định về chính sách đối ngoại và kinh tế của họ. Nhưng may mắn cho những người ủng hộ nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản là Trung Cộng không hề phát minh ra được một hệ thống kinh tế chính trị nào mới theo “chủ nghĩa tư bản độc tài” cả. Chế độ tại Trung Cộng chắc chắn là độc tài và không hề thực sự theo chủ nghĩa tư bản.
Thoạt nhìn thì có vẻ như phi lý khi nói rằng Trung Cộng không áp dụng chủ nghĩa tư bản. Phần lớn nền kinh tế của Trung Cộng được tổ chức theo các nguyên tắc thị trường và xứ này tham gia sâu đậm vào hệ thống mậu dịch và sản xuất quốc tế. Nhưng một nước có các thị trường và trao đổi kinh tế không có nghĩa là nước đó áp dụng chủ nghĩa tư bản. “Những vị cha đẻ” của chủ nghĩa tư bản xem chủ nghĩa này là một trật tự luân lý và xã hội, là một cách thiết lập trật tự trong sinh hoạt kinh tế cũng như xã hội.
Nền tảng trật tự tư bản là phải cung cấp cho công dân của họ ba điều. Thứ nhất là đem lại cơ hội cho tất cả mọi công dân trở nên giàu có hơn. Thứ nhì, chủ nghĩa tư bản khuyến khích quyền tự do cá nhân tối đa. Công dân được hoàn toàn tự do theo đuổi công việc họ thích và thụ hưởng phần thưởng tùy theo khả năng xoay sở và sáng kiến đề xướng thay vì đặc quyền có sẵn từ khi sinh. Yếu tố nòng cốt của tư tưởng này là không được xâm phạm các quyền tư hữu tài sản. Mỗi người làm chủ những gì họ mua hoặc làm ra, và sau đó được tự do đầu tư, tiết kiệm, và hiến tặng từ thiện theo ý họ. Thứ ba, chủ nghĩa tư bản phải tôn vinh đạo đức người dân bằng cách khuyến khích trao đổi ý kiến và cơ hội giữa các công dân để tự tiến thân. Chủ nghĩa tư bản giải phóng cho mỗi cá nhân để họ phát triển “thiện tính của mình”, tức là lòng cảm thông, rộng lượng, liêm chính, tự túc, và tự chế. Tất cả các đức tính này đều giúp đưa đến một hệ thống tự do chính trị và dân chủ. Vì thế mà các nhà lý thuyết về dân chủ và nhà lập chính sách mặc nhiên cho rằng các thị trường tự do là một điều kiện ắt có dù có thể không đủ cho dân chủ.
Nhưng hệ thống của Trung Cộng chỉ thực hiện được một trong các hứa hẹn này, dù là rất lớn. Hầu như tất cả người dân tại Trung Cộng đều có được cuộc sống khá hơn kể từ khi từ bỏ chủ nghĩa Mao. Đây là một thành quả không nhỏ. Kể từ khi giới lãnh đạo Trung Cộng cho phép các thị trường hoạt động trong nền kinh tế Trung Cộng, hàng trăm triệu dân Trung Hoa đã thoát khỏi tình trạng nghèo khó. Nhưng quyền tự do cá nhân của trật tự tư bản lại bị kềm chế trầm trọng. Tài sản vật chất và trí tuệ đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước và Đảng áp dụng nhiều khoản hạn chế nghiêm ngặt về việc công dân Trung Hoa có thể đầu tư và tiết kiệm tiền ở đâu hoặc hiến tặng của cải tư. Các nhà kinh doanh “tư nhân” đều bị Đảng kiểm soát về các nguồn tài nguyên cần thiết để thành lập và điều hành cơ sở kinh doanh: vốn liếng, đất, và thi hành hợp đồng. Đáng kể hơn hết là công dân Trung Hoa còn bị ra lệnh chỉ được phép sinh bao nhiêu con. Một nước ép buộc ngươi dân phải kế hoạch hóa gia đình như vậy là hoàn toàn đi ngược các nguyên tắc nòng cốt của chủ nghĩa tư bản.
Hứa hẹn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản—tôn vinh các đức tính—cũng đã bị nhà nước Trung Cộng tác hại. Khi không có quyền tự do hội họp, tự do tôn giáo, và không được bảo vệ các quyền cá nhân thì công dân rất khó có được các đức tính cần thiết. Nhà nước Trung Cộng cấm thành lập hội đoàn nếu họ không thể kiểm soát được, và do đó đã dập tắt lòng từ thiện. Trong các xã hội tư bản, các đức tính như rộng lượng, tinh thần công cộng, và thông cảm thường được biểu lộ qua cách thực hành tôn giáo. Nhưng nhà nước Trung Cộng cũng đàn áp cả tôn giáo. Hơn nữa, khi không được bảo vệ các quyền về tài sản hoặc hợp đồng, doanh nhân tại Trung Cộng khó mà giữ được liêm chính. Do đó không có gì phải ngạc nhiên khi thấy nạn tham nhũng và dối gạt lan tràn khắp nơi tại Trung Cộng. Và vì nhà nước kiểm soát các nguồn tài nguyên mà doanh nhân cần đến nên không thể phát huy được khả năng tự túc.
Người Trung Hoa hiển nhiên là giỏi chuyện xoay sở làm ăn và có thể rất rộng lượng. Thật ra, dưới chế độ đàn áp xã hội và kinh tế của Trung Cộng mà người dân Trung Hoa đã cải tiến được như vậy đã là hay lắm rồi. Và biết bao nhiêu người đã mở lòng đóng góp từ thiện sau trận động đất ở Tứ Xuyên cũng đã cho thấy được là người dân tại đây có tinh thần công cộng. Mức gia tăng tôn giáo tại Trung Cộng dù có các nỗ lực đàn áp có nghĩa là người dân tại đây đang tìm kiếm ý nghĩa và các giá trị sâu xa hơn câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình nhằm khuyến khích dân “làm giàu là vinh quang.” Đối với nhiều người Hoa, chỉ làm giàu thôi thì không đủ. Nhưng nỗ lực đàn áp của Trung Cộng đã tác hại đến nguyên lý của chủ nghĩa tư bản, tức là tinh thần giao quyền cho công dân để họ tự cải tiến bản thân về mặt đạo đức cũng như vật chất. Đây không phải là trở ngại cho những người đang tìm kiếm ý nghĩ sâu xa hơn trong cuộc sống của họ. Đây là trở ngại cho chủ nghĩa tư bản. Nhiều người đã trở nên hoài nghi về một hệ thống “tư bản” chỉ tôn trọng có một trong ba hứa hẹn của chủ nghĩa tư bản.
Dạo gần đây, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã có nói là ông ta ngưỡng mộ Adam Smith, lý thuyết gia nổi tiếng nhất của chủ nghĩa tư bản. Nhưng nếu họ Ôn muốn Trung Cộng duy trì chế độ độc tài thì những lời giáo huấn của Smith phải làm cho ông ta e sợ. Smith không bao giờ dùng chữ chủ nghĩa tư bản trong sách của ông ta, mà ông ta nói về “một hệ thống tự do thiên nhiên.” Hệ thống này, ngày nay gọi là chủ nghĩa tư bản, đã là một trại huấn luyện thành công về khả năng tự trị vì hệ thống này cho công dân có quyền tự do cải tiến bản thân và tự túc kèm theo các đức tính như tự kềm chế và thông cảm. Do đó, các nhà tư bản đã giữ các vai trò hàng đầu trong những lần chuyển tiếp dân chủ. Họ đã là những lực lượng mạnh mẽ để thay đổi, cực lực chống lại nạn bất công và tham lam của nhà nước. Nhưng tại Trung Cộng, doanh nhân lại bị lệ thuộc vào các đặc quyền do nhà nước ban bố. Vẫn chưa có động lực khuyến khích hoặc ngay cả cơ hội nào để tạo thành một “tầng lớp” rõ rệt gồm các nhà dân chủ sơ khai. Khi thiếu tầng lớp đó, tức là tầng lớp có quyền lợi đôi khi mâu thuẫn với nhà nước, thì rất khó mà thành lập nền dân chủ.
Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã hưởng lợi khi áp dụng một số nguyên tắc thị trường để tăng trưởng nền kinh tế Trung Cộng và cốt là để mua chuộc nhiều thành phần dân chúng bằng cách cung cấp lợi ích vật chất. Nhưng khế ước xã hội này càng ngày càng trở nên không còn thỏa đáng nữa đối với nhiều người dân Trung Hoa đang tìm kiếm ý nghĩa thâm sâu hơn là tiền bạc. Mô hình kinh tế hiện thời tại Trung Cộng không phải là chủ nghĩa tư bản—“độc tài,” “nhà nước,” hay loại nào khác. Thật ra thì Trung Cộng pha trộn rất nhiều đường lối duy thương(1) và đoàn thể(2) vào các thị trường. Trật tự kinh tế xã hội này có mục đích củng cố nhà nước hơn là cá nhân. Nếu họ Ôn và các đồng chí của ông ta chưa để cho chủ nghĩa tư bản của Adam Smith bén rễ thì Trung Cộng sẽ vẫn chỉ là một chế độ độc tài tuy có giàu có hơn trước(3).
Source: http://american.com/archive/2011/april/why-isn2019t-china-democratizing-because-it2019s-not-really-capitalist
__________________
Chú thích của người dịch:
(1) Mercantilism, tức là đường lối kiểm soát lãnh vực mậu dịch ngoại thương để chắc chắn phần lợi về mình.
(2) Corporatism, tức là đường lối tổ chức xã hội thành các đoàn thể kỹ nghệ và chuyên nghiệp thành các bộ phận chính trị phụ thuộc của nhà nước và kiểm soát người và hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của các bộ phận này.
(3) Các thành phần giàu có thực sự chính là tầng lớp cai trị chóp bu của đảng và tài sản quốc gia được chia chác xuống dần hoặc được ngó lơ cho đảng viên tham nhũng cướp bóc của dân.

0 comments:

Powered By Blogger