Chiến Dịch Đánh Lạc Hướng Thế Giới
PBD
Vào ngày 7 Tháng Tám, tờ Diplomat có đăng một bài nhận định của Larry
M. Wortzel về chuyện “lộ tin mật về chính sách nguyên tử” của Trung
Cộng (*). Ông Wortzel trước đây là một tùy viên quân sự tại Trung Cộng
và là nhân viên tình báo Lục Quân. Theo lời ông thì trong thời gian giữ
các nhiệm vụ đó, ông rất hiếm khi nào có được trong tay các tài liệu
“Tối Mật” của Trung Cộng. Nhưng vào ngày hôm đó chỉ nội trong khu vực
Washington, DC, ông đã thấy có đến cả tám bản gốc của tài liệu Chiến Sách của Quân Đoàn Đệ Nhị Pháo Binh(**) trong tay các chuyên gia về Trung Cộng tại các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các viện chính sách.Tài liệu được đóng dấu “Tối Mật” này đã phần nào trấn an được giới nghiên cứu về học thuyết vũ khí nguyên tử, kiểm soát leo thang, và kiểm soát khủng hoảng. Tài liệu này của PLA (Quân Đội Trung Cộng) xác nhận rằng chính sách của Trung Cộng là sẽ duy trì một lực lượng răn đe nguyên tử tối thiểu để có thể trả đũa một cuộc tấn công nguyên tử từ một cường quốc khác, tức là Trung Cộng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí nguyên tử trước. Ngoài ra, tài liệu này cũng nêu ra các cấp báo động và ước chừng thời gian phản ứng của Quân Đoàn Đệ Nhị Pháo Binh của PLA trong trường hợp xảy ra chiến tranh nguyên tử.
Số lượng các tài liệu gốc lọt vào tay các chuyên gia về Trung Cộng của Hoa Kỳ đã khiến người ta không khỏi thắc mắc là tại sao lại bị lộ quá nhiều tài liệu bí mật của một trong những bộ phận bí mật nhất của PLA như vậy. Wortzel nói rằng vì PLA không muốn có bất cứ liên lạc nào giữa cấp chính phủ hai nước về học thuyết nguyên tử và kiểm soát leo thang, nên chỉ còn cách giải thích là các cấp chỉ huy của PLA muốn trấn an những nhà soạn chính sách của Tây Phương bằng cách cố ý để lộ tài liệu này hầu cho thấy Trung Cộng là một “cường quốc nguyên tử có trách nhiệm” và không tham gia cuộc chạy đua về vũ khí. Điều đáng chú ý là các chi tiết về tầm cỡ lực lượng nguyên tử, chính sách “không ra tay trước bằng vũ khí nguyên tử”, và mức độ sẵn sàng nêu trong tài liệu này cũng phù hợp với nội dung của các loại tài liệu công khai khác của PLA. Nếu thế thì tại sao phải xếp tài liệu của Quân Đoàn Đệ Nhị Pháo Binh này vào loại “tối mật”?
Xét về lực lượng nguyên tử của Trung Cộng thì các chuyên gia của cả Hoa Kỳ lẫn Nga đều cho rằng số lượng vũ khí nguyên tử của Trung Cộng thật ra còn nhiều hơn mức ước tính rất nhiều. Do đó, câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao mà trong một thời gian ngắn vừa qua Tây Phương lại có được trong tay nhiều tài liệu tối mật như thế? Phải chăng PLA đang mở một chiến dịch rầm rộ tung tin sai lạc để lừa gạt. Wortzel tỏ ra nghi ngờ các tài liệu này là một phần trong nỗ lực ngầm khuyến khích Hoa Kỳ giảm bớt lực lượng vũ khí nguyên tử và xét lại phạm vi và cách bố trí lực lượng phòng thủ hỏa tiễn liên lục địa.
Cũng theo lập luận của Wortzel thì nếu chỉ có một hay hai tài liệu tối mật của Trung Cộng bị lộ vào tay những người nghiên cứu chính sách rồi sau đó sao chụp thành nhiều bản cho các học giả và phân tích viên chính sách thì không nói làm gì. Nhưng đàng này không phải vậy mà có khá nhiều bản gốc tài liệu tối mật trong Trung Cộng đã bị lộ. Đây là chuyện hết sức hiếm hoi trong giới tình báo và phải mất nhiều năm vất vả mới có thể lấy được tài liệu mật ở cấp này. Tác giả cảnh cáo rằng nếu các nhà soạn chính sách của Hoa Kỳ, cũng như của Nga và Ấn Độ, tin rằng tầm cỡ lực lượng và học thuyết trong Chiến Sách của Quân Đoàn Đệ Nhị Pháo Binh là chính sách thật của Trung Cộng để dựa vào đó mà nghĩ rằng có thể giảm bớt lực lượng vũ khí nguyên tử của mình thì có thể sẽ bị sửng sốt về mặt chiến lược nếu sau này rõ ra là lực lượng vũ khí nguyên tử của Trung Cộng nhiều hơn mức ước tính rất nhiều.
Một lối giải thích nữa cũng đi đến cùng một kết luận như trên là giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Cộng ngày nay chẳng những thường xuyên mượn đến một vài biểu tượng văn hóa hoặc nhân vật cổ xưa trong lịch sử Trung Hoa như Khổng Tử hay Tôn Tử để hòng quyến rũ thế giới mà còn thực sự tôn sùng và áp dụng lại các chiến thuật của Tôn Tử. Chẳng hạn như Mao Trạch Đông là người rất hâm mộ Tôn Tử, đến mức cho người xâm nhập lãnh thổ địch quân trong thời nội chiến để tìm một bản “Binh Pháp”. Trong số các quỷ kế gian trá nhất được nêu trong “Tôn Tử Binh Pháp”, hai chiến lược sau đây có thể củng cố thêm cho mối hoài nghi của ông Wortzel về tình trạng tại sao lại có chuyện bị lộ quá nhiều tài liệu mật của Trung Cộng dễ dàng như vậy:
‘Các âm mưu quỷ kế bí mật nên được che giấu công khai hơn là giữ kín, và thái độ thật công khai lại thường chứa chấp bí mật tột độ.’
‘Ta che giấu tư tưởng thù nghịch bằng cách tỏ ra hết sức thân thiện bên ngoài. Ta làm sao cho địch phải mến ta, phải tin ta. Khi đã được địch tin thì ta có thể âm thầm chống lại địch.’
Hiện tượng để lộ quá nhiều tài liệu về lãnh vực chính sách vốn được bảo mật tuyệt đối từ trước đến giờ của PLA quả thật hết sức bất thường, Phải chăng Trung Cộng đang tung ra một chiến dịch lừa gạt quy mô để Hoa Kỳ dựa vào những tin “tối mật” này mà quyết định về lực lượng và tư thế phòng thủ trong tương lai? Nhưng xem ra nhà cầm quyền Trung Cộng quên mất là trong một chế độ luôn luôn giấu giếm lừa gạt, ngay cả những chuyện vặt vãnh nhất trong sinh hoạt hàng ngày, thì liệu có ai ngây thơ đến mức cứ nhắm mắt tin rằng vì vô ý mà họ đã để cho rơi rớt cả thùng tài liệu tối mật của nhà nước như vậy hay không?
_______________
(*) China’s Nuclear ‘Leakage’
(**) Lực lượng hỏa tiễn quy ước và nguyên tử chiến lược của Trung Cộng
0 comments:
Post a Comment