T-Rang (Danlambao) -
Hội nghị Trung ương 5 (hôm 15/05/2012) đã đưa ra quyết định thành lập
Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính
trị, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Chủ trương nghị quyết là vậy, tuy nhiên trong một diễn biến bất thường hôm 22/08, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có động thái khẳng định ông vẫn là người nắm giữ Ban này.
Chiều
ngày 22/08, Cổng thông tin điện tử Chính phủ loan tải bản tin nói về
phiên họp thứ 18 Ban chỉ đạo TW về phòng chống, tham nhũng. Đáng chú ý,
ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với vai trò Trưởng ban
chỉ đạo.
Phải chăng đây
là động thái đáp trả của Thủ tướng Dũng ngay sau sự kiện cánh tay mặt
của mình là ông trùm Nguyễn Đức Kiên bị bắt?
Thủ tướng 3 Dũng cố bám giữ vị trí Trưởng ban Chống tham nhũng, hay ông dám coi thường cả nghị quyết Trung ương của Đảng?
Ngoài ra, tại cuộc họp bất thường trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng tỏ khả năng diễn xuất kỳ tài: "Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã
nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để
đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân
hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng".
Dù rất cay cú, nhưng Thủ tướng vẫn phải mở miệng 'biểu dương' vụ bắt giữ kẻ đang nắm giữ túi tiền mình là Bầu Kiên.
Như vậy, phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực chất cũng là một màn kịch cho Thủ tướng diễn xuất.
Liên quan đến vụ án "bầu" Kiên: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai
(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng(BCĐ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu
dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo
của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi
vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động
ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ và
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp
thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh:
VGP/Nhật Bắc
Chiều 22/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ và
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp
thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về phòng và chống tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo tại
phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 7 tháng đầu năm 2012,
dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng
tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên cả 2 mặt là phòng và chống.
Theo đó, công
tác thông tin truyên truyền về phòng, chống tham nhũng được quan tâm;
thể chế về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện, việc phát
hiện, xử lý các hành vi tham nhũng là nghiêm minh… đặc biệt chúng ta đã
tiến hành tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá
X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế của công
tác phòng, chống tham nhũng như còn có cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan
tâm; việc sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về các giải pháp
liên quan đến phòng ngừa tham nhũng còn chậm (như việc chuyển đổi vị trí
công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, minh bạch tài sản, thu
nhập); một số vụ án tham nhũng tiến độ xử lý chậm, gây bức xúc…
Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nêu bật yêu cầu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu
quả, đồng bộ các giải pháp cả về phòng và chống tham nhũng.
Với tinh thần
như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần
tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng gắn
với quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI);
tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là các
chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, quản lý doanh
nghiệp nhà nước, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà
nước…
Cùng với đó,
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, làm tốt hơn
nữa công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là những
vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã
nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để
đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra
làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai
có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an
ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũngtập
trung triển khai Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị
liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, trước hết tập trung
có trọng tâm, trọng điểm vào các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng,
phức tạp để sớm đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cũng tại phiên
họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên BCĐ đã đóng góp nhiều ý
kiến, tháo gỡ vướng mắc trong xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng
nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài để tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc
xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Kết quả tích cực về cả phòng và chống
Báo cáo tại
phiên họp, Chánh Văn phòng BCĐ Nguyễn Đình Phách cho biết, trong 7 tháng
đầu năm 2012, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sự quan
tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt được những kết quả tích cực trên
cả 2 mặt phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
*
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 7 tháng đầu năm 2012, dưới sự quan tâm của
Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những
chuyển biến tích cực trên cả 2 mặt là phòng và chống - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về phát hiện và
xử lý các hành vi tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn ngành
thanh tra đã triển khai 6.065 cuộc thanh tra hành chính và kiểm tra
chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về
cho ngân sách nhà nước 6.482 tỷ đồng, 1.291 ha đất; xử phạt vi phạm hành
chính 258 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực
hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 31.207
tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697
cá nhân…
Trong công tác
điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, theo báo cáo của Viện
Kiểm sát Nhân dân tối cao, từ tháng 1/2012 đến tháng 7/2012, các cơ quan
pháp luật đã khởi tố 163 vụ/275 bị can về các tội danh tham nhũng,
trong đó tham ô tài sản là 59 vụ/97 bị can; nhận hối lộ là 23 vụ/51 bị
can; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 22 vụ/34 bị can;
lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 34 vụ/67 bị can;
các tội danh tham nhũng khác là 15 vụ/ 26 bị can. Viện Kiểm sát đã truy
tố 183 vụ/451 bị can. Toà án đã xét xử sơ thẩm 116 vụ/251 bị cáo về các
tội danh tham nhũng.
Về kết quả xử
lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã đưa ra xét xử 2 vụ (vụ
Nguyễn Ngọc Quyền “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công
vụ trong việc quản lý, sử dụng đất xảy ra tại phường Đồng Tâm, thành phố
Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”; vụ “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước
về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn công
nghiệp tàu thuỷ Việt Nam); toà án đang thụ lý 4 vụ; Viện Kiểm sát đang
thụ lý 2 vụ; các cơ quan pháp luật đã tạm đình chỉ 2 vụ; cơ quan điều
tra đang điều tra và điều tra bổ sung 10 vụ, trong đó việc cơ quan điều
tra khởi tố vụ tham ô và cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines, được dư
luận đồng tình.
Các vụ án tham
nhũng đang điều tra bổ sung đều là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, có
nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt vụ tham nhũng
xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Việt Nam, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn như
ký hợp đồng giả tạo, nâng khống giá trị tài sản mua, cho thuê gây thất
thoát, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới
Về nhiệm vụ
trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2012, BCĐ sẽ tiếp tục tập
trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham
nhũng; nhất là những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng được
nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI),…
Cùng với đó,
triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung về phòng, chống tham
nhũng được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng (khoá XI); kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng (khoá XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3
(khoá X).
BCĐ tiếp tục
chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương
hoàn thành các văn bản: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình
Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012); Chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khoá XI) về công tác, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Quy chế
phối hợp thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.
Chỉ đạo các cơ
quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tập
trung đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II và
9 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn, vướng mắc trong
điều tra, truy tố, xét xử.
BCĐ sẽ sớm
thành lập các Đoàn công tác giám sát, kiểm tra liên ngành để kiểm tra,
giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc,
vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính
trị.
0 comments:
Post a Comment