Tuesday, August 7, 2012

Lái Gió Dạy Con

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people but the silence over that by the good people.”
Martin Luther King, Jr.

Cũng trên diễn đàn này, thỉnh thoảng, tôi vẫn hay phát biểu lung tung về những chuyện (linh tinh) trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ riêng chuyện dậy con, dậy vợ (hoặc chồng) là tôi né, và ráng né tới cùng.
Lý do: tôi (trộm) nghĩ đây là chuyện riêng của mỗi gia đình. Đèn nhà ai nhà nấy tỏ. Chúng ta rất không nên lái xe Molotova xồng xộc vào đời tư của bất cứ ai.
Quan niệm này tôi giữ được mãi, mãi cho đến tận … hôm nay! Sáng nay, sau khi nghe Người Buôn Gió dậy con, tôi đã không nén được một tiếng thở dài – não nuột:
- Bố ơi! Thế nào là xâm lược?

- Là đầu tiên nó đưa quân sang nước mình, bắn giết quân đội mình, đuổi dân mình đi, ai chống lại không đi là nó giết, bắt bỏ tù. Cướp tài sản của dân mình trên đất nó chiếm.

- Rồi thế nào nữa bố, nó đuổi đánh giết xong thì nó lấy đất mình làm gì?
- Nó cho dân nó khai thác tài nguyên, trồng trọt, đánh bắt hải sản nếu trên biển, muông thú ở trên rừng nơi nó chiếm được của mình.
- Thế nó lấy hết của mình à bố?
- Ừ lấy xong nó còn kinh doanh, ví dụ ai đi qua vùng nó chiếm phải xin phép nó, và nộp tiền cho nó.
- À thì ra xâm lược là vậy, thế đối phó với xâm lược thì phải làm gì?
- Chỉ có đánh lại thôi con à, dẫu yếu hơn, dẫu chết cũng phải đánh lại. Lịch sử nước mình bất kể đời nào cũng đánh lại quân xâm lược.
- Con thấy Trung Quốc nó bắn giết bộ đội mình ngoài đảo, nó xây đồn, xây nhà tù. Nó đánh đuổi giết ngư dân mình nếu đánh cá ở đó. Rồi nó cho dân nó hàng đoàn sang biển của mình đánh cá. Thế có phải là xâm lược hay không?
- Không, đó là vi phạm con ạ?
- Sao lạ thế, như bố kể thì là xâm lược còn gì. Thế vi phạm là gì?
- Là ở mức độ nhẹ nhàng, kiểu như bà Cúc bán hàng nước vỉa hè, bị công an thu hết đồ, phạt tiền, rồi tổ dân phố họp nhắc nhở, kiểm điểm.
- Nhưng bà Cúc không giết người, không đánh đuổi ai để ngồi đó, bà ý bị phạt lần sau bà ý còn sợ, thấy công an, dân phòng còn thu đồ chạy. Bà Cúc cũng không đào đất chỗ đó lên bán, bà chỉ bán mấy cốc nước thôi. Không như bọn Trung Quốc. Như chúng là xâm lược.
- Mày bé mồm thôi, mấy hôm nay tao chở mày đi đâu, công an ngầm theo dõi. Tao cứ băn khoăn là không biết tao làm gì chúng nó theo. Giờ tao biết hoá ra là chúng nó theo mày. Cái việc gọi là vi phạm hay xâm lược không phải là quyền của lịch sử, không phải của nhân dân, không phải tao và mày. Cái này là của Đảng và Nhà Nước quy định nghe chưa. Chuyện biển Đông là chuyện phức tạp, nói đển biển Đông là không chỉ biển Đông mà thôi, nói đến biển Đông là nói đến cả những cái nằm ngoài biển Đông.Giải quyết vấn đề biển Đông không chỉ là giải quyết biển Đông mà bao trùm những thứ liên quan đến biển Đông. Muốn giữ biển Đông không phải chỉ nhăm nhe giữ biển Đông mà phải giữ cả những cái không liên quan trực tiếp đến biển Đông nhưng có mối tương quan, gắn bó thiết thực với biển Đông. Biển Đông là vấn đề phải nhìn cho rộng ra những vấn đề khác nữa ngoài biển Đông…
- Thôi thôi, bố đừng Đông, đông nữa, con lú rồi. Nghe nhức cả đầu, từ giờ biển Đông của ai mặc kệ, bố cho con mượn máy chơi game nhé.
- Đấy con ngoan, bố cho con mượn máy, con chơi trò gì?
- Con chơi trò, Hải Chiến Trường Sa bố ạ.
- Không được, chơi trò khác đi con, chơi trò đó bà tổ trưởng dân phố biết. Lại dẫn đoàn hỗn hợp đến nhà mình nhắc nhở, rồi lại đưa giấy triệu tập bố đi đấy con ạ.
- Bố yên tâm, con không bật tiếng đâu. Con để im lặng bố ạ.
- Ừ thế được, im lặng là vàng. Nếu mình không đủ trình độ để dùng ngôn ngữ như Bộ Ngoại Giao, mình không phân biệt đâu là xâm lược, đâu là vi phạm thì cứ im lặng là vàng con ạ.
Cứt thì có chứ vàng với bạc gì, Giời ạ!
Thường dân chúng tôi khi giận (thường) ăn nói thô tục, bỗ bã như thế đó. Giới hàn lâm thì khác. Sĩ phu Bắc Hà có vị cũng không bằng lòng với quan niệm sống “im lặng là vàng” nhưng tỏ thái độ nhỏ nhẹ và lịch hơn – chút xíu:
“Là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hoá, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của trí tuệ!” –  (“Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân.” Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản năm 96, trang 46).

Phải Đứng Ra Giữa Nơi Sáng Sủa Nghiêm Túc Nói Rõ Ý Kiến Của Mình. Ảnh:
Người Buôn Gió.
Cứ theo tiêu chuẩn này thì ông Lái Gió (rành rành) là một thằng cha không có “giáo dục” và “văn hoá” xíu nào gì hết trơn hết trọi. Thảo nào, trong một bài viết khác (Tứ Thập Nhi Bất Hoặc) chính đương sự đã thừa nhận rằng mình “là thằng lưu manh ở ngõ Phất Lộc, cũng tù vì tội buôn heroin, chứa bạc, chém người.” Và cái ngõ Phất Lộc này, vẫn theo lời tác giả: “cách một nhà lại có một nhà con đi tù, đủ các loại tội, tù về rồi lại đi mà có ai thấy là ghê gớm đâu.”
Thế thì đúng là chỗ xuất thân của cái đồ … phải gió. Ngữ này thì  mong chi thằng chả (có) đủ tư cách và liêm sỉ để “đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của trí tuệ”trước bàn dân thiên hạ – như kỳ vọng của giới sĩ phu, của xứ Bắc Hà.
Tuy thế,  phương pháp “nín thở qua sông” mà Người Buôn Gió dậy con – nghĩ cho cùng – cũng … đúng thôi. Phần lớn những vị trí thức ở (trong cũng như ngoài) đất nước Việt Nam đều áp dụng chung cái “chiến thuật” này. Họ đều “tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mìnhhết trơn mà!
Hiện tượng “im thin thít” này được nhà văn Đào Hiếu mô tả là một cách “đầu hàng tập thể.” Và nếu muốn biết (rõ) xem thế nào là chuyện “tập thể đầu hàng” xin chịu khó đọc hết bức thư ngỏsau đây:
“Kính gửi: Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cùng toàn thể các luật gia là thành viên của Hội.
Tôi là Trịnh Kim Tiến, sinh năm 1990, trú tại 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Là con gái ông Trịnh Xuân Tùng – nạn nhân trong vụ án trung tá công an đánh chết người vào hồi tháng 2/2012.
Nay tôi viết thư này gửi đến Hội Luật gia Việt Nam, với mong muốn nhận được sự đồng hành của các luật gia trong vụ án trên, theo đúng tôn chỉ và mục tiêu của Hội Luật gia là: “… bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý…”

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam – Khoá XI, Nhiệm Kỳ 2009 – 2014.

Thưa quý vị,
Sau 11 tháng khởi tố hình sự vụ án, tạm giam bị can nguyên là trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, công an thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử lần đầu tiên tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố – số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội vào ngày 13 tháng 01 năm 2012.
Tuy nhiên, ở phiên tòa sơ thẩm, các nhân chứng khách quan – là những người có nghĩa vụ và trách nhiệm trực tiếp liên quan đến vụ án đã không được triệu tập theo yêu cầu của luật sư. Phiên tòa đã tạm kết thúc với mức án 4 năm tù dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh với tội danh: “làm chết người trong khi thi hành công vụ”, không truy cứu trách nhiệm của những công an trực ban, dân phòng có mặt tối hôm xảy ra sự việc.
Sau 6 tháng và 2 lần tạm hoãn phiên xử phúc thẩm, nay gia đình tôi đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội, thông báo về phiên phúc thẩm sẽ diễn ra sắp tới đây vào lúc 8h ngày 17 tháng 07 năm 2012 tại trụ sở Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Hà Nội – 262 Đội Cấn.
Tôi có vài câu hỏi thắc mắc mong được Hội tư vấn:
1. Phiên xử phúc thẩm bị hoãn lần đầu tiên diễn ra cùng trong một buổi sáng với 3 vụ án hình sự khác nhau, như vậy có đúng với thủ tục và quy trình tố tụng của pháp luật không?
2. Nếu phiên tòa vẫn tiếp tục không triệu tập đầy đủ nhân chứng và những người có trách nhiệm liên quan gây ra cái chết của bố tôi thì chúng tôi có quyền khiếu nại phía Tòa án hay không?
3. Sau phiên tòa, nếu những đồng phạm liên quan vẫn không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước pháp luật thì tôi cần làm gì tiếp theo để yêu cầu truy cứu và xem xét trách nhiệm của họ?
4. Trong khi những phiên tòa xét xử những vụ việc liên hệ giữa công an và người dân thì được công khai, báo chí tham dự và đưa tin thì phiên tòa xét xử trung tá công an giết người lại xử kín, xin các luật sư tư vấn hiện tượng này dưới góc nhìn pháp lý.
Tôi mong rằng, Hội Luật gia Việt Nam sẽ đồng hành cùng gia đình tôi trên con đường đi tìm công lý và công bằng bằng cách “tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật”, phân tích tiến trình xét xử cũng như kết quả vụ án để đảm bảo luật pháp sẽ được thực thi một cách nghiêm minh, góp phần chấm dứt vấn nạn công an đánh dân đã là đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
Chân thành cám ơn quý vị,
Trân trọng,
Trịnh Kim Tiến

Nguồn ảnh: hoiluatgiavietnam.org.vn.
Cái cô Trịnh Kim Tiến này chắc là còn trẻ, và trẻ lắm. Chứ người có tuổi ở Việt Nam đâu có ai đặt kỳ vọng quá nhiều vào những hội viên của Hội Luật Gia đến thế. Loại người này vừa được blogger Cánh Cò phác hoạ như sau:
Thay vì đóng góp tiếng nói cho chính quyền mở mắt ra, họ lại a dua bằng cách im lặng. Họ cương quyết không chịu mất ghế trong hệ thống mặc dù họ không làm gì cả nhưng vẫn được lãnh lương và được người dân gọi là tiến sĩ này giáo sư nọ. Họ là những mảnh bằng biết đi, biết hưởng thụ nhưng hoàn toàn không biết gì đến vận mệnh đất nước.”
Mà thiệt, trước cũng như sau phiên toà phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Văn Ninh, cả bốn câu hỏi (thượng dẫn) đều không được bất cứ một hội viên nào của Hội Luật Gia Việt Nam trả lời hay trả vốn gì ráo trọi. Im lặng là vàng.
Nói nào ngay, họ chưa bao giờ (dám) lên tiếng bảo vệ ngay cả đồng nghiệp hay chính thành viên của hội – chứ nói chi tới … cái đám nhân dân bá vơ nào đó. Lê Chí Quang, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Huỳnh Văn Đông, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần … đều là những người biết rõ hơn ai hết về vai trò trơ tráo của cái Hội Luật Gia (thổ tả) này.
Nói theo kiểu của Người Buôn Gió thì Hội Luật Gia sinh hoạt cứ “như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu.Mà cái kiểu sinh hoạt y như một đàn gà (hoặc đàn cừu) thì hội đoàn nào ở Việt Nam cũng đều như vậy tuốt. Không tin cứ hỏi qúi ông Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch Công Đoàn, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc, Chủ Tịch Hội Nhà Văn, Chủ Tịch Hội Nhà Báo, hay Nhà Thơ … gì đó (thử) xem có đúng không. Không đúng chết liền.
tuongnangtien’s blog

0 comments:

Powered By Blogger