Monday, August 6, 2012

KHÓA 2/69 SĨ QUAN BỘ BINH THỦ ĐỨC

Tập tin:Hiệu kỳ Trường Bộ binh Thủ Đức.JPGĐầu năm 1969, tôi nhận được lịnh gọi nhập ngũ khóa 2/69 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Lúc ấy, tôi đã 32 tuổi, là tuổi chót được hoãn dịch vì lý do công vụ. Theo Nha Động Viên cho biết, tôi có thể xin triển hạn nhập ngủ để chờ qui chế mới ban hành, chỉ đi thụ huấn quân sự 9 tuần lễ thay vì theo học hết khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, mất tới 9 tháng. Nhưng tôi không muốn mắc nợ về nghĩa vụ quân sự nên cứ theo luật nhà binh, trình diện nhập ngũ theo như lịnh gọi.
Sáng ngày N, tôi tới trình diện Phòng tuyển Mộ Nhập Ngủ Tiểu Khu. Thay vì thượng GMC cùng tân binh quân dịch, tôi được đặc ân đi công xa riêng của Tòa Hành chánh đưa đi.
TRUNG TÂM 3 TUYỂN MỘ NHẬP NGỦ
Trung tâm nầy nằm cạnh ngả tư Hốc Môn-Bà Điểm, gồm mấy dãy nhà cây lợp tôn. Khi tôi đến cùng nhóm tân binh Biên Hòa, căn trại tiếp nhận còn vắng “khách.” Hai dãy giường sắt dài nhằng, mặc tình thượng giường nào cũng được. Lâu ngày không còn nhớ việc cấp dưỡng thế nào chỉ nhớ mỗi bửa ăn, tà tà qua khu câu lạc bộ ăn uống. Thức ăn bình dân nhưng cũng tươm tất. Ngày hôm sau là điểm danh, khám sức khỏe. Hễ bác sĩ phê apt, nghĩa là đủ sức đi lính là đi lãnh quân trang, gồm hai bộ quân phục với áo thun, quần đùi, một dây nịch bản to, một đôi giày trận với hai đôi vớ xanh, bi đông, gào mên các thứ kể cả cái nón sắt hai lớp to sù. Lại còn thêm cái poncho bằng vải nhựa vừa to vừa nặng. À, còn quên, nửa tấm vải lều và nửa bộ cọc lều và dây chạc. Cái dzụ một nửa nầy được giải thích: Khi hành quân, lập trại, hai ông lính ráp hai nửa lại thành cái lều để hai ông ngự chung! Tất cả đồ đạc các thứ dồn vô một sac marin và một sac au dos, là chu. Vậy là đầy đủ trang phục lính chiến.
Bề nào cũng là quan chức trẻ ưa ăn diện nên khi mấy anh chị xách quân phục vải pha nylon gạ bán là xôm vô đổi chác, lựa bộ nào xem ra ngon lành vừa vặn là bù tiền, đổi. Về sau mới biết là dại, bởi vì đồ vải vừa rộng rải vừa thoáng mát hơn vải pha nylon mượt mà ra nắng, nóng cháy da.
Trú ngụ ở đây độ năm bảy bửa, mãi bận rộn mọi thứ thủ tục nhập ngủ, chưa kịp tính chuyện xin phép về thăm nhà là đã thấy cổng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN QUANG TRUNG
Tôi nhập trại cùng với số đông anh em khóa 13 Quốc gia Hành chánh, Đại đội 1, Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng. Tôi không nhớ Đại đội có phân chia ra thành Trung đội hay không, chỉ còn nhớ cả đại đội, chức sắc chỉ có một quản ca Trần Văn Hóa K13/QGHC.
Hiệu ca của TĐ Đinh Tiên Hoàng là bài Đường ra Biên ải. Không hiểu ai đã chơi cắc cớ bày cho vị Tiểu đoàn trưởng chọn bản nhạc dẽo nhẹo nầy làm hiệu ca Tiểu đoàn?!
Ra biên cương! Ra biên cương! Thiết tha lòng gái, Hôm nay nâng khăn hồng Đưa chân anh hùng ngàn phương.
……………………………
Trăng non dị thường Ngựa tung vó bước Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương.
Chính vì bản hiệu ca nầy và cái bảng tên nền màu xanh dương ẽo lã mà Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng mang tục danh TĐ Hiu Hiu! Mà kể ra thời cũng đáng hiu hiu, bởi vì chưa lãnh súng mà đã ơn ớn khi quản ca ta đề nghị sửa đổi “một chữ” trong câu ca:
Người đi …“không” về Chắc rằng có người nhớ!
Thay chữ Không” bằng chữ “Chưa
Cho nên khóa sinh TĐ Hiu Hiu từ đây hát hiệu ca:
Người đi… “Chưa” về…
Dường như khởi đầu cũng có 2 tuần “huấn nhục” nhẹ, nghĩa là chỉ ôm khẩu Garant M1 nặng 4 kí 300 chạy lúp xúp từ ĐĐ ra cổng lớn là bắt đầu di chuyển theo đội hình tác chiến hàng dọc.
Tiếng là huấn luyện tân binh quân dịch, thật ra nội dung chương trình là chiến thuật tác chiến cấp Tiểu đội chớ chẳng phải chuyện đùa. Tôi còn nhớ buổi thực tập Tiểu đội nhảy trực thăng vận với thân chiếc trực thăng phế thải đặt trên trụ cao, nhảy như thật.
Chín tuần huấn luyện nhào nặn một thanh niên “chưa từng biết chuyện bầu ngòi, súng, nõ” cho thành một chiến binh thật là công phu.
Còn nhiều “chiện” vui quân trường của lính như bị huynh trưởng, tức là khóa sinh khóa trước phạt trèo lên cây bả đâu đầy gai, hái cho huynh trưởng ta cái lá chỉ định, hoặc câu chuyện “chà láng” đã trở thành ngữ trong giới nhà binh nhưng xin lượt qua.
Bây giờ kể câu chuyện trọng yếu, quyết định số phận đi lên Bộ binh Thủ Đức hay ra Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang.
Tại sao vũ khí tác chiến là khẩu M16 mà ngày ngày lại hai tay nâng khẩu Garant M1 nặng nề làm chi? Đại đội trưởng, Trung úy Của giải thích: Là để rèn luyện cho tay mấy anh cứng cáp. Khi ra xạ trường bắn cho trúng được 5 bia trở lên trong số 7 bia. Bằng không thì sac marin, ba lô ra trường HSQ Đồng Đế học tiếp giai đoạn 2, thay vì BB Thủ Đức.
Lại cũng nhắc lại đây câu chuyện ẩm thực. Câu ca trong bài Lục Quân hành khúc là:
Xa nhìn… thấp thoáng trong mây
Thì, bởi vì bửa ăn hàng ngày là cá mối đủ kiểu, cho nên lính tráng ca rằng:
Ví dầu… cá mối chưng tương
Buổi sáng, ăn bánh mì đường
Buổi chiều, ăn cơm với tương
Muôn đời … lục quân Việt Nam!
Gió bụi lính 9 tuần rồi cũng qua mau. Ta, lính già đại đội, chẳng những qua cửa ải 4 bia mà còn oanh liệt lãnh chứng chỉ và huy hiệu “Thiện xạ M16” do Chuẩn tướng CHT Lê Tài Triễn ký cấp. Vậy là Trường SQBB Thủ Đức thẳng tiến.
TRƯỜNG SĨ QUAN BỘ BINH THỦ ĐỨC
Đặc điểm đầu tiên của Quân trường nầy là: La hét!
- Anh kia, ra khỏi hàng, trình diện.
- Sinh viên sĩ quan Nguyễn Văn Mỗ. Quân số … Trình diện huynh trưởng
- Hứ, anh mà là sinh viên SQ cái giống gì? Tân khóa sinh, biết chưa?
Rồi huynh trưởng giơ ngón tay trỏ ra, mỗ, mỗ 3 cái, nghĩa là hít đất theo giá chót, 30 cái, thường kêu là “bôm.”
Vậy là cả đám 700 nhân mạng, lưng sac au dos, vai vác sac marin, lắc la lắc lẽo, chạy diễu quanh vũ đình trường chào ra mắt Quân trường.
- Ê, chạy lẹ lên, chạy gì như rùa bò vậy?!
Mới chạy 2 vòng là có tân khóa sinh nghỉ chơi, nằm lăn, sùi bọt mép.
Tiểu đoàn 3 là Tiểu đoàn kiểu mẫu của Quân trường. Đại đội 31 là kiểu mẫu của Tiểu đoàn. Trung đội 1/31 là kiểu mẩu của Đại đội 31, nghĩa là của toàn Quân trường, bởi vì căn trại của nó là tòa nhà gạch biệt lập, nằm ngay trước Bộ chỉ huy Liên Đoàn. Anh tân khóa sinh già tui thân cao thước bảy nên lâm vào thế kẹt: Xung vào Trung đội 1/31 kiểu mẩu. Hóa cho nên bị phạt hít đất là đồ bỏ.
Chỉ nội trang trí “giường thờ” mặc dầu là giường nằm nhưng phải kéo căng drap, nệm khít khao với khuôn gỗ như hình vẽ chữ nhựt hình học, lính già đã làm ba chục cái bôm vì làm sai qui cách. Kế đền là “tủ thờ”, quân phục ka ki vàng phải xếp vuông góc sắc lẽm, gào mên, quai phải quay ra trước … Anh TKS già vừa nghễnh ngãng vừa vụng về, cấp trưởng rờ tới đâu la bị phạt tới đó! Làm một hơi 5 mô típ, 150 cái bôm, thiếu điều ná thở!
Bốn tuần huấn nhục mới thật gay go. Mở mắt ra là chạy! Ôm cây Garant M1 nặng 4 kí rưởi chạy đông, chạy tây từ phòng học nầy qua phòng học khác cả ngày mới thật là khổ.
Qua khỏi huấn nhục là thăng cấp Sinh viên Sĩ quan, mang cái Alpha vàng ngạo nghễ, được tự lập, hết cấp trưởng chăn dắt. Từ dây, mỗi SVSQ lần lượt làm tuần sự Tiểu đội, Trung đội, Đại đội.
Chương trình học 6 tháng tràng giang, đại hải: Từ cơ bản thao diễn chí tới chiến thuật kể cả tâm lý chiến, lãnh đạo-chỉ huy, nghĩa là lược thao gồm đủ. Đó là chưa kể học xử dụng vũ khí cộng đồng, đại liên, súng cối, kể cả căn bản pháo binh. À, còn cả dzụ truyền tin, mìn bẩy.
Sáu tháng học tập bấy nhiêu là quá nhiều. Cho nên ai ra sức học tập cho kỷ thì chỉ sau một thời gian tác chiến là có đủ khả năng chỉ huy đại đội, bởi vì chương trình học gồm một phần lớn là thuộc cấp đại đội chớ không phải đơn thuần Trung đội. Điển hình, bài học cuối khóa là bài chiến thuật “Đại đội LUI BINH”. Sau nầy thua trận, ở tù VC mới nhớ lại bài học lui binh là khó lắm. Cho nên cuộc lui binh Quân đoàn 2 cập râp, không theo thứ lớp, hiển nhiên phải bại vong!
Các bạn thuộc Trung đội 1/31 Khóa 2/69 hiện nay may mắn còn tại thế chắc còn nhớ bạn trẻ Nguyễn Bá Thuế, tình nguyện nhập ngũ khi tuổi đời mới 19. Em nằm giường dưới, tôi giường trên. Em ra trường, trình diện đơn vị đang hành quân trên vùng Long Khánh, chỉ 10 ngày sau là tử trận vì một viên đạn bắn sẻ oan nghiệt!
Khi tôi hỏi Em vì sao tình nguyện nhập ngũ quá sớm, Em vui vẽ đáp: Em muốn theo binh nghiệp bằng cửa ngỏ BBTB Thủ Đức để sớm được chiến đấu.
Câu chuyện vừa kể cho thấy: Đó chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp, tuổi trẻ Miền Nam ngạo nghễ:
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc binh đao
Thể hiện đúng phương châm: DANH DỰ_TỔ QUỐC_TRÁCH NHIỆM
Nguyễn Nhơn
5/8/2012
***Ghi chú: Nhân tham khảo tài liệu Quân sử Việt Nam của Hội Nghiên cứu Lịch sử
Trúc Lâm Yên Tử

0 comments:

Powered By Blogger