Saturday, August 11, 2012

Bắc Kinh : phong tướng để cài thân tín vào trong quân đội

Ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín (DR)
Ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín (DR)

Minh Anh
Về thời sự quốc tế, báo Le Monde quan tâm đến tình hình Trung Quốc. Trước thềm đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18, sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay, Bắc Kinh đã tổ chức lễ thăng hàm cho nhiều tướng lĩnh quân đội. Về sự kiện này, báo Le Monde chạy tựa « Đảng cộng sản Trung Quốc tái khẳng định sự kiểm soát quân đội ».
Kể từ cuối tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tụ họp tại Bắc Đới Hà, nằm gần Bắc Kinh, nơi diễn ra giai đoạn cuối cùng của các cuộc thương thảo, trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 10 tới.

Ngoài việc bầu lại Ban Thường vụ – cơ chế lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản, việc thành lập Quân ủy Trung ương sắp tới là một trong những chủ đề chủ chốt cho các buổi thảo luận. Quân đội Giải phóng Nhân dân là do Đảng Cộng sản kiểm soát, thông qua một dàn chỉ huy đôi, bao gồm các ủy viên chính trị và một ban lãnh đạo.

Do đó, Quân ủy Trung ương sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản, tức Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào. Và Phó chủ tịch là ông Tập Cận Bình, người được chỉ định sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào sau Đại hội Đảng vào mùa thu này.
Theo Le Monde, hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là những thành viên duy nhất của Ban thường vụ có mặt trong Quân ủy Trung ương. Một vị trí đảm bảo tính ưu việt của họ so với bảy vị « Hoàng đế » khác trong Ban thường vụ. Theo gót chân của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào có lẽ sẽ duy trì quyền lãnh đạo Quân ủy Trung ương trong 1 hay 2 năm nữa, dù rằng ông sẽ phải nhường chiếc ghế lãnh đạo Đảng cho Tập Cận Bình. Mục đích ? Giám sát di sản chính trị của mình.
Hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là cũng hai thành viên dân sự duy nhất trong Quân ủy Trung ương. Trong khi đó, ông Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng chỉ đơn giản là một thành viên. Số còn lại là các quân nhân. Như vậy, sau Đại hội Đảng lần này, 7 trong số 12 thành viên sẽ được thay mới.
Với quân số đông đảo 2,3 triệu người, nhưng trong quân đội lại không có sự hiện diện của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Do đó, ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín khác, thông qua việc thăng hàm cho nhiều quân nhân chủ chốt.
Vì vậy, ngay giữa lòng Quân đội giải phóng Nhân dân, người ta thấy một lượng đông các vị « thế tử » (nghĩa là con cái của những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng). Do có cùng gốc, các vị « thế tử » này có thể liên hợp lại tạo thành nhiều phe nhóm khác nhau ngay trong lòng Đảng cộng sản vì những tham vọng đôi khi đi quá đà như trường hợp của ông Bạc Hy Lai là một minh chứng.
Le Monde cho rằng trong bối cảnh chính trị đặc biệt tế nhị hiện nay : vô hình chung vụ tai tiếng Bạc Hy Lai đã tựu mọi quyền lực vào tay bộ tứ « Hu Wen Xi Li » (họ của bốn nhà lãnh đạo Hu Jintao-Hồ Cẩm Đào, Wen Jiabao – Ôn Gia Bảo, Xi Jinping – Tập Cận Bình và Li Keqiang – Lý Kế Giang). Giai đoạn chuyển tiếp đến gần đã làm trỗi dậy niềm hy vọng dân chủ hóa một phần và có kiểm soát.
Nếu như cách đây nhiều năm, đấy còn là một chủ đề cấm kỵ, thì nay tính nhất thiết của việc cải cách chính trị tại Trung Quốc đang là đề tài nhận được nhiều sự ủng hộ ngày càng rộng lớn. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng cường độ đấu đá nội bộ cũng đang làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc sôi lên sùng sục. Phe nào nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội xem như đã nắm chắc trong tay mọi quyền lực.

0 comments:

Powered By Blogger