Ćac tồ̉ chức đấu tranh cho quyền lợi của người thiểu số ở Việt Nam có trụ̣ sở tại hải ngoại đã chất vấn Chính phủ nước này tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Phái đoàn Việt Nam đã đối diện với chất vấn của các tổ chức của người Thượng (Montagnard) và người Khmer (Khmer Krom) trong phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) của Liên Hiệp Quốc.
Trong phiên họp diễn ra từ ngày 13/2 cho đến ngày 9/3 này, CERD đã dành hai ngày 21 và 22/2 để xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam cũng như phản biện của các tổ chức nhân quyền.
‘Chính sách nhất quán’
Hôm thứ Ba ngày 21/2, ông Hà Hùng, thứ trưởng, phó chủ tịch Ủy ban dân tộc của chính phủ đồng thời trưởng phái đoàn Việt Nam tại phiên họp này, đã trình bày báo cáo Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế chống phân biệt chủng tộc mà nước này đã ký kết vào năm 1982.
Ông Hùng nhấn mạnh đường lối nhất quán trong chính sách dân tộc của Việt Nam là ‘bình đẳng dân tộc’, tạo điều kiện cho các nhóm sắc tộc phát triển và kiên quyết chống đối sự chia rẽ hay ‘kích động hận thù của các dân tộc’.
Báo cáo của Việt Nam cũng đưa ra những dẫn chứng về đường lối dân tộc ‘tích cực’ của nước này trên cơ sở khung pháp lý, chính sách và thực tế.
BBC Việt ngữ xin trích dẫn một số luận chứng trong báo cáo:
Luật bầu cử Quốc hội có quy định mỗi nhiệm kỳ Quốc hội phải có một số lượng bắt buộc các đại biểu thuộc các dân tộc khác để đảm bảo các nhóm sắc tộc được đại diện đầy đủ tại cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước.
Chương trình phát triển kinh tế xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn ở các khu vực dân tộc, miền núi, biên giới và hải đảo, thường được biết đến là chương trình 135, đã đầu tư gần 24.000 tỷ đồng cho gần 2.500 xã trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2010.
Mục đích của chương trình 135 này là đẩy nhanh tốc độ xóa nghèo, tăng thu nhập bình quân hàng năm, tăng số lượng xã có đường giao thông đến các thôn làng lên hơn 80% và xây dựng trạm xá cho tất cả các xã khó khăn.
Chính phủ cũng xuất ngân sách tổng cộng 100 tỷ đổng để hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần của các nhóm sắc tộc có số dân dưới 1.000 người như các dân tộc Si La, Pu Péo, Brau... ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.
Còn về giáo dục, Chính phủ Việt Nam cho biết cho đến nay họ đã xây dựng được gần 300 trường nội trú dành cho gần 85.000 học sinh các dân tộc với khoảng 70.000 trong số này theo học bằng học bổng của chính phủ.
Việt Nam cũng cho biết cho đến cuối năm 2009 thì đã có gần 30 tỉnh thành thực hiện giảng dạy bằng ngôn ngữ của các nhóm sắc tộc và xuất bản sách giáo khoa bằng 12 ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.
Không đúng sự thật?
Tuy nhiên, các nhóm vận động cho các nhóm sắc tộc Khmer Krom và Thượng Degar đã phản bác hầu hết các lập luận của phía Việt Nam.
Trong báo cáo phản biện gửi CERD, Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom (KKKF) có trụ sở ở bang New Jersey, Hoa Kỳ, đã cáo buộc rằng Việt Nam có dụng ý khác đằng sau các chính sách ‘tích cực’ nêu trên.
Kampuchea Krom là cách gọi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của người Khmer, vùng đất có đông người Khmer, vốn tự gọi là Khmer Krom, cư trú.
KKKF phản bác lại việc có đại diện các sắc tộc trong chính phủ Việt Nam và cho rằng Việt Nam dựng lên ‘Ủy ban dân tộc’ với người của các sắc tộc để làm ‘con rối’ và tuyên truyền chính sách của nhà nước.
KKKF thừa nhận rằng người Khmer cũng có đại diện tại Quốc hội nhưng chỉ để ‘tuyên truyền cho chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước’.
Trên lĩnh vực giáo dục, KKKF cáo buộc Việt Nam cấm đem sách vở từ Cambodia vào để cho thanh niên Khmer học, trong khi sách giáo khoa bằng tiếng Khmer mà Việt Nam xuất bản thì chứa đựng ‘những nội dung tuyên truyền’.
Về lĩnh vực văn hóa, KKKF cho rằng Việt Nam lợi dụng nền văn hóa của họ vì lợi ích kinh tế" với việc tổ chức Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch cho người Khmer vào cuối năm 2011 mà KKKF cáo buộc là chỉ để ‘thu hút khách du lịch’.
Không những thế, Việt Nam còn ‘áp bức nền văn hóa’ của họ bằng cách đặt ảnh cố Chủ tịch Hồ Chí Minh lên bàn thờ tổ tiên của người Khmer trong một buổi trình diễn trong lễ hội Sen Don-Ta, tức lễ hội báo hiếu tổ tiên của người Khmer.
Còn về tôn giáo thì KKKF than phiền rằng người Khmer không thể có giáo hội của riêng họ sau khi Giáo hội Phật giáo tiểu thừa của họ bị giải tán sau ngày 30/4/1975 và hàng giáo phẩm Khmer buộc phải tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước kiểm soát.
Về kinh tế thì người Khmer là ‘những người nghèo khổ nhất ở đồng bằng sông Cửu Long’ dẫn đến tình trạng học sinh Khmer bỏ học rất đông để phụ giúp gia đình kiếm sống.
Việc thiếu cơ hội việc làm khiến cho nhiều phụ nữ Khmer trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị lừa gạt vào các cuộc hôn nhân với người Đài Loan hay Hàn Quốc, KKKF cáo buộc.
Còn trong lá thư gửi chủ tịch CERD, Hội đồng quốc gia tối cao Kampuchea Krom (SNCKK) có trụ sở tại bang Washington, Hoa Kỳ, đã cảnh báo về ‘tình cảnh đáng thương’ của người Khmer Krom tại Việt Nam.
Người Khmer không nắm các vị trí quan trọng trong chính quyền trung ương và các tỉnh, không đạt đến hàm tướng trong quân đội. Thậm chí không có người Khmer nào làm luật sư hay công tố viên, SNCKK cho biết.
Không có sinh viên Khmer nào đi du học trong khi hàng ngàn sinh viên người Việt đang du học khắp thế giới, SNCKK than phiền, và không có người Khmer nào đạt đến học hàm tiến sỹ hay học vị giáo sư ngoại trừ các cán bộ người Khmer của Đảng.
Người Thượng Degar
Bên cạnh người Khmer, các tổ chức của người Thượng cũng lên tiếng tố cáo Việt Nam ‘phân biệt sắc tộc’ trong phiên họp của CERD.
Tổ chức Montagnard Foundation (MF) có trụ sở ở Úc cũng gửi đến CERD báo cáo phản biện báo cáo của Chính phủ Việt Nam.
Người Thượng, mà tổ chức này gọi là người Degar Montagnard, hiện đang cư trú trên địa bàn Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với có số dân trên một triệu người, MF cho biết.
Các các buộc Chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử đối với người Thượng của MF chủ yếu tập trung vào khía cạnh tôn giáo.
“Theo ước lượng thì trong thập niên vừa qua số lượng tín đồ đạo Tin Lành đã tăng đến 600% ở Việt Nam – một con số thống kê đã làm giật mình các quan chức cộng sản,” báo cáo của MF viết.
“Đàn áp đạo Thiên chúa, nhất là đàn áp các nhà thờ riêng (house church) của người Degar từ lâu đã là chính sách của Chính phủ Việt Nam.”
MF cũng nêu một chính sách của Hà Nội được gọi là ‘kế hoạch 84’ nhằm bắt người Thượng phải bỏ đạo Tin Lành trong các buổi lễ chính thức.
Sau khi Việt Nam được Hoa Kỳ rút ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vào năm 2006, Việt Nam đã ‘thay đổi chiến thuật’ từ cưỡng bức bỏ đạo sang bắt các tín đồ Tin Lành gia nhập vào các giáo hội được chính phủ chấp nhận.
Trong khi đó, trong lá thư gửi đến chủ tịch CERD, tổ chức nhân quyền cho người Thượng (MHRO) có trụ sở tại bang North Carolina của Hoa Kỳ, đã cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền với việc giam các tù nhân người Thượng vốn bị bắt vì lý do tôn giáo xa nhà đến cả ngàn cây số ở miền Bắc.
“Giam tù nhân xa nhà là rất vô nhân đạo, nhất là đối với những người Thượng bị giam trong điều kiện khí hậu hoàn toàn khác biệt. Thông tin liên lạc với gia đình cũng hết sức hạn chế.”
MHRO cũng cáo buộc Việt Nam thực hiện ‘chính sách đồng hóa’ người Thượng với việc bắt họ từ bỏ các phong tục và tập quán một cách có hệ thống vì cho rằng đó là ‘hủ tục’.
Tổ chức này cũng cảnh báo các hoạt động khai mỏ hiện nay và trong tương lai sẽ có tác động tàn phá môi trường và điều kiện kinh tế xã hội của các cộng đồng người Thượng về lâu dài.
0 comments:
Post a Comment