Cuộc biểu tình xung quanh Mátxcơva ngày 28/02/2012 đông người tham gia là nhờ mạng internet. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Nếu có một điểm chung giữa các phong trào quần chúng tại Nga hiện nay, tại Tunisia, Ai Cập … gần đây, hay tại Iran trước đó, thì đó là vai trò then chốt của internet và các mạng xã hội như Facebook, Twitter trong việc thông tin cũng như huy động lực lượng. Tại Nga, thực tế trong một vài tháng gần đây đã lại càng chứng minh lợi ích của internet trong một chế độ mà mạng lưới thông tin bị chính quyền nắm chặt.
Ngày Chủ nhật 26/02/2012 vừa qua, hàng ngàn người đã tập hợp lại trên đại lộ vành đai bao quanh trung tâm thủ đô Nga, nắm tay nhau tạo thành vòng người để biểu thị lập trường phản đối Thủ tướng Putin. Chính là nhờ Internet và các mạng xã hội mà phong trào chống Putin tại Nga huy động được đông đảo người xuống đường như vậy trong bối cảnh phe đối lập chưa có tổ chức chặt chẽ, thống nhất, và các phương tiện như truyền hình hay phát thanh đều bị chính quyền khống chế.
Không chỉ giúp người biểu tình phối hợp hành động, internet còn giúp cho phong trào chống Putin phổ biến rộng rãi tin tức về các cuộc biểu tình, tập hợp, không chỉ bằng bài viết khô khan mà cả bằng hình ảnh, âm thanh sống động, thậm chí qua những cuộc truyền hình trực tiếp.
Hôm Chủ nhật vừa qua chẳng hạn, hãng thông tấn Pháp AFP đã ghi nhận ngay trên đại lộ vành đai Mátxcơva một chiếc xe tải nhỏ, bên trên dựng một chiếc máy thu hình, với một nhóm ký giả bao quanh, tất cả đều có máy tính cầm tay. Toán nhà báo này trực tiếp truyền đi hình ảnh cuộc biểu tình, nhưng họ không làm việc cho một đài phát thanh hay truyền hình, mà là cho trang web thông tin Ridus.ru.
Trang web này được blogger nổi tiếng Ilya Varlamov tạo ra vào tháng Chín năm 2011. Anh Timofei, một nhà báo trẻ, 23 tuổi, giải thích : « Chúng tôi cố gắng cho lưu hành trên mạng mọi sự kiện : các cuộc tuần hành, biểu tình, các hành động (…). Khán giả thực sự quan tâm đến các sự kiện này ».
Các chương trình truyền trực tiếp đã được khai trương từ tháng 11 năm 2011, một tháng trước khi bùng lên làn sóng phản đối chế độ Putin, và được công chúng tán thưởng. Một chương trình về một cuộc biểu tình phản kháng chẳng hạn, đã được tới 1,3 triệu người xem.
Ridus cũng là trang web đầu tiên chuyên về “báo chí công dân“, công bố tất cả những gì được cư dân mạng gởi đến, sau khi kiểm chứng các thông tin được cung cấp. Theo Timofei, đây là một điểm mới vì thông thường, không ai công nhận là người dân bình thường có thể là nguồn cung cấp thông tin.
Ngoài ra, theo ghi nhận của Timofei, nếu không có Internet, liên minh hỗn tạp của những người chống Putin khó có thể huy động được lực lượng biểu tình như những gì đã diễn ra từ tháng mười hai năm ngoái đến nay. Vòng người chống Putin hôm Chủ nhật vừa qua chẳng hạn, không hề được đài truyền hình nào đề cập đến, thế nhưng nhờ những lời nhắn trên mạng, sự kiện đó đã thu hút được gần 30.000 người tham gia, theo phe đối lập, và 11.000 người, theo nguồn tin cảnh sát.
Sự phát triển của phong trào chống Putin trên internet lẽ dĩ nhiên đã bị chính quyền theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là cơ quan an ninh Nga FSB. Những biện pháp hù dọa, chống phá những trang web bất đồng chính kiến không thiếu.
Theo AFP, nhiều địa chỉ web thông tin và trang blog đã bị những nhóm tin tặc bí ẩn tấn công, trong lúc FSB liên tục gây sức ép trên các chủ nhân trang web. Ông Pavel Durov, một trong những sáng lập viên của Vkontakte, một mạng tại Nga tương đương với Facebook, đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu hồi tháng 12 vừa qua của chính quyền, đòi ông phong tỏa các nhóm phản đối chiến thắng của đảng thân Putin trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Thế nhưng, không phải ai cũng có can đảm như trên. Tập đoàn internet Yandex (tương đương với Google – nhưng dùng tiếng Nga) chẳng hạn, đã cung cấp cho cơ quan FSB thông tin về các khoản đóng góp tài chánh – thông qua một dịch vụ của Yandex – của Alexei Navalny, một blogger chuyên chống tham nhũng và là một nhân vật đối lập.
0 comments:
Post a Comment