Thời gian qua mau, chừng như mới đây mà đã tròn 6 năm rưỡi, Võ văn Thanh Liêm chung đủ án tòa kêu. Ra tù ngày 5/2/2012 còn gặp nhiều thứ khó khăn đưa đến. Thân nhân Ông từ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đem xe ra rước, xe chạy suốt đêm nên đến rất sớm ngồi chờ trước khám đường từ 6 giờ rồi đến 7 giờ, 8 giờ… thiếu một chút nữa là 9 giờ ban giám ngục mới chịu ký thả Ông ra.
Vì sao có chuyện chờ lâu như vậy? Đó là câu hỏi mà mỗi thân nhân rất quan tâm muốn biết. Ngồi trên xe, Ông Năm (tiếng địa phương thường dùng là Ông Năm, chùa Ông Năm) nói:
Phóng ảnh giấy ra tù của ông Võ Văn Thanh Liêm (Hình: K.L.)
Cù cưa nhau mãi cái chữ ký tên của tôi. Tôi nói tôi không có tội nên không ký. Thả thì về, không thả thì ở tiếp. Sự quyết định bất cần đời của tôi làm cho họ khó xử vì họ không thể chứng minh được một ngày thả tù để có hồ sơ lưu và trên đường tôi về mà lỡ có chuyện gì họ phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng thương họ về chuyện khó xử này nhưng ký nhận suông là lương tâm tôi không cho phép tôi làm chuyện đó. Thời gian kéo dài đến khá trưa, những người tù được thả về hôm nay họ đã ra hết chỉ còn lại có mình tôi. Sau cùng phía hội đồng quản ngục đưa ý kiến rằng tôi có quyền viết những chữ không nhận tội để chứng minh sự trong sạch nếu tôi chịu ký tên vào văn bản ra tù.
Trong khi người ta muốn quên mất chuyện tù tội của một người chịu án oan bởi sự dựng tuồng của chánh quyền, công an huyện Chợ Mới và Ông Năm chưa được thả ra về chùa thì công an đã làm rộ lên một ban đặc nhiệm chống Ông Năm bằng cách ngăn chận thiện nam tín nữ không được vào chùa của Ông lễ Phật kể từ khi có sự hiện diện của Ông trong chùa này, đã làm người ta nhớ lại chuyện lâu xa. Phản ứng của nhân dân là hâm nóng lại sự oán trách lớp tuồng xưa. Tuồng mang đầy tính gian ác để buộc tội một người không có tội. Tu từ lúc mới bước vào tuổi thiếu niên đến nay tóc bạc trắng đầu, ngày một bữa ngọ trai, sống không biết xài tiền là gì, nỡ đi hại người bằng tạc xăng vô mặt người ta sao?
Nếu Võ Văn Thanh Liêm hành động tội lỗi qua mạng sống của người khác, chánh quyền công an huyện Chợ Mới có đủ thứ chơi: Đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí đưa tin dồn dập gán tội bắt người. Họ đã làm hết cách vừa gian vừa ác mà báo chí, đài truyền thanh, đài truyền hình của họ hoạt động coi như phản tác dụng về tuyên truyền. Nhân dân càng lúc gởi gấm tâm tình, niềm tin của họ qua niềm tin của Ông Võ Văn Thanh Liêm, làm sao đây chứ! Sự gian ác quá đà của chánh quyền, công an huyện Chợ Mới muốn dừng lại cũng không được. Dừng lại là chịu thua sao? Không thể, vòng quay của chế độ độc tài đảng trị không cho phép những viên chức của họ bỏ cuộc chơi đàn áp tôn giáo.
Kẻ gian ác, dùng thủ đoạn không từ một ai nhưng trong họ cũng có thiện tâm. Thiện tâm của họ xưa lúc đi lúc về mà từ ngày tập tành theo ác có chủ trương thì thiện tâm trong họ không còn hoạt động nữa. Như ông Trường Chinh bày ra cuộc đấu tố để giết hại cha đẻ của mình mà vẫn đề cao tính năng của “Cải Cách Ruộng Đất”trong sử vàng cộng sản. Giết người giết cha mà là làm nên sử vàng, thành tích của Đảng thì thật là bậy bạ hết nói nỗi. Quân ác lấn sân che lấp tánh thiện, bầu trời đầy mây đen che phủ nhưng cũng có lúc tan mây cho họ thấy nhớ lại trời cao lồng lộng. Dù chỉ xảy ra đôi phút ngắn ngủi mà thọ lâu trong hồn bằng sự sợ hãi. Những kẻ chủ mưu dựng chuyện bà Trần thị Hằng đi tập thể dục buổi sáng bị Võ Văn Thanh Liêm tạc xăng vô mặt, mở một phiên tòa vụng trộm, lén lút ở trụ sở tòa án nhân dân mà không cho một người dân nào đến tham dự chuyện đó, ngay cả thân nhân của bị cáo cũng có chẳng ai được phép đến. Họ toàn là người của phía chánh quyền, chỉ một mình Ông Võ Văn Thanh Liêm chịu đựng, sức một chống một trăm, họ móc cái “giá án viết sẵn” bỏ trong túi ra mà kêu. Những điều giả dối họ làm luôn luôn là nỗi ám ảnh khiến họ phải dùng sách lược “Phóng lao thì phải theo lao”. Lỡ ác rồi ác thêm nữa, đặt trạm cấm thiện nam tín nữ vô chùa, để Ông Năm không tiếp xúc với ai mà phanh phui cái chuyện họ muốn đậy kín.
Chánh quyền, công an huyện Chợ Mới vì quá sợ cuộc xử án oan mà tự khơi dậy niềm nhớ dùm, dân chúng muốn quên lại quên không được. Kẻ chủ mưu dựng chuyện bà Hằng, chủ mưu một phiên tòa lén lút rất sợ dân chúng phát hiện vụ án oan sai, phải tìm cách đậy kín miệng dân.
Trước hai hôm Ông Liêm mãn hạn tù công an có đi trong xóm ve vãn, khuyên ngăn đừng đến thăm Ông Liêm vì đây là tên tội phạm nguy hiểm, tuyệt giao với Ông ta là hơn. Nhờ có sự thông báo của công an mà bà con cô bác, đồng đạo xa gần biết được ngày mãn tù của vị trụ trì chùa Quang Minh. Họ náo nức lo chuyện tiếp đón, tội nghiệp cho mấy chú công an vất vã canh gát suốt, yểm trợ việc làm sai trái của chánh quyền.
Kẻ chủ mưu dựng chuyện Trời không dung đất không tha: đưa một Ông Đạo được nhân dân quí kính ra trước vành móng ngựa bằng tội hình sự. Họ muốn cắt đứt hoàn toàn mối hoan hệ giữa bà con đồng đạo với Ông Năm để không nghe Ông này nói lên sự thật mà luôn luôn họ muốn giấu kín.
Chùa nằm sâu tròng đồng vắng. Xưa chủ tự dọn con đường nhỏ từ tỉnh lộ vào chùa. Công an chận khúc sau lớp nhà dân xuống trạm gát trên đường nhỏ đó, cấm không cho bất kỳ ai vào chùa lạy Phật. Họ bắt đầu làm công tác này vào ngày 4/2/2012. Chọn giờ thí điểm xui xẻo quá đi, mới ra quân đụng một trận cải nhá lửa và họ đã thua ngay trong trận khởi đầu này. Bà em dâu của Ông Năm, sau khi bàn việc đi rước, khoảng 8 giờ tối bà từ nhà ngoài vào chùa hỏi lấy thêm một bộ đồ nhà tu gởi theo xe cho Ông anh mặc về. Công an xông ra chận đường, cản không cho đi, bà kêu to:
- Bớ người ta có kẻ cướp! Bớ người ta có kẻ cướp!
Kêu luôn hai lần như vậy, một người trong toán công an, có lẽ chức phận hơn mấy tên đứng chận, nói:
- Chúng tôi là công an có trách nhiệm giữ an ninh khu vực này, không cho chị vào vì đề cao tính an ninh.
- Vùng này luôn luôn có an ninh, mất là do các anh đến làm mất. Đây là đường đất nhà của chúng tôi, chúng tôi có quyền cấm các anh bước chân lên đường này, còn các anh thì không thể.
Nghe tranh luận cải vả, một tên công an khác từ trong đêm đen lù lù ra kêu cả bọn rút lui.
Có lẽ mấy tên công an này từ xa bị điều tới không biết uy tín chống cộng đàn áp tôn giáo của gia tộc Ông Năm nên rớ nhầm thì phải mau mau mà rút.
Đàn áp tôn giáo, bắt bớ người tu mà hay ho gì chớ! Cha mẹ nào có con thứ vậy, Ông bà có cháu thứ vậy hãy mau dạy dỗ chúng ăn hiền ở lành nữa sau không lây sầu cho dòng họ. Còn có gan anh hùng ra mà đánh Tàu Cộng đi, chúng đang giựt đất giựt biển mình kìa! Làm lính làng quan chức ăn lương qua tiền dân đóng thuế thì phải ra biên cương bảo vệ nước non chớ ở đây rình rình các tín đồ hoạt động tôn giáo sao?
Sáng ngày 14 tháng giêng nhằm 5/2 /2012 theo lệ cúng rằm Thượng Ngươn của chùa Quang Minh. Cô tư Chủng mua đồ nấu cúng rằm cho chùa, chỡ vào đã bị công an chận đuổi ra. 5 giờ chiều ngày 5 tháng 2 (14 tháng giêng) 2 người cháu ruột của Ông Năm: Võ thị Trúc, Võ thị Ngọc Giàu cũng bị công an hành hung, xô đẩy mạnh trên đường vào Quang Minh Tự làm trầy tay và mặt. Sáng rằm tháng giêng một lần nữa cô tư Chủng chạy xe vào chùa cúng nguyện, công an chận lại kéo giật chiếc xe làm cô này phải té, vai đập xuống đất.
Chận đường không cho thiện tín đi chùa, việc ác này họ có thể làm được, đường tư ví có cải vả nhau lâu cũng không làm tắc nghẻn giao thông ảnh hưởng sinh hoạt đi lại của dân chúng, có muốn chọc chơi thì cũng sướng mắt. Nhưng người ta đón Ông Năm không phải trên đường nhỏ vào chùa mà đón ngay trên tỉnh lộ, phía trước nhà của mẹ và anh em Ông. Rần rộ cả một khúc đường và trong nhà.
Hởi bà Trần thị Hằng! Hỡi Ông Minh Hà báo An Giang! Hỡi tòa án nhân dân huyện Chợ Mới! Hãy lại đây mà coi nhân dân ủng hộ ai? Báo dựng chuyện bậy bạ, bản án tòa kêu cũng thật là bậy bạ. Những thứ bậy bạ đó nhân dân đây đã vụt vô sọt rác rồi. Ước có các vị đây để mắt thấy tai nghe mà từ rày tự vấn lương tâm đừng đàn áp tôn giáo, bắt bớ người vô tội nữa.
Kiều Lê
___________________________________________
Thẳng tay đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo
Thanh Quang, phóng viên RFA
Tình hình đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo ở Miền Tây không có dấu hiệu sụt giảm, khi cách đây vài ngày, ở An Giang, nhiều tín đồ cùng thân nhân tiếp tục bị hành hung vô cớ và tùy tiện.
Cổng vào ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo An Hòa Tự ở An Giang.
Đánh đập tàn nhẫn
Hồi tháng 12 vừa rồi, Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch công bố một bản thông cáo, qua đó ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á Châu không quên lưu ý rằng “Ở VN, tình trạng đàn áp các giáo hội không được chính quyền công nhận, trong đó có PGHH, diễn ra một cách có hệ thống và nghiêm trọng”.
Và tình trạng đó đang tiếp diễn đáng ngại ở Miền Tây đối với các tín đồ PGHH, dù là Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Túy hay Truyền thống.
Chẳng hạn như trường hợp tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, từng trụ trì Quang Minh Tự tại ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang, vừa mãn hạn tù gần 7 năm trời trở về hôm mùng 5 tháng 2 vừa rồi nên được thân nhân, đồng đạo đến thăm. Nhưng, theo lời tín đồ PGHH Võ Văn Diêm, bào đệ của tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, thì đông đảo công an đến gây khó khăn, hành hung, như sau:
“Hồi anh tôi ở tù về thì chính quyền không cho ai vô thăm anh năm tôi hết. Hôm anh ấy về cũng có mấy đứa cháu cũng như anh em đồng đạo đi đến, nhưng bị CA cản ngăn. Họ giả dạng, mướn tốp côn đồ thực hiện hành động đánh đập, bóp cổ, làm té, sưng mặt, dập mình…”
Trường hợp vợ chồng tín đồ PGHH khác, là anh Nguyễn Thanh Phong và chị Nguyễn Ngọc Hà, đã gặp khó khăn nghiêm trọng cũng hôm mùng 5 tháng này khi bị đông đảo công an ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang hành hung nặng tay và vô cớ. Anh Nguyễn Thanh Phong kể lại như sau, mà chúng tôi xin được phép giữ nguyên văn lời anh trước ngôn từ khiếm nhã của phía công an nhân dân:
“Người đánh tôi tên Hưng, công an xã Mỹ An. Anh ta nói ‘đè đầu nó xuống, đập chết mẹ nó cho tao, giẫm nó cho tao’. Liền lúc đó tôi gần như ngất xỉu.”
Nhưng chính vợ anh Nguyễn Thanh Phong, là chị Nguyễn Ngọc Hà, là nạn nhân đầu tiên của công an, khiến chồng chị tới can thiệp nên cùng lâm nạn. Chị Nguyễn Ngọc Hà bày tỏ phẫn uất:
“Dạ công an này quá tàn nhẫn đối với tín đồ PGHH như chúng tôi. Nó đánh đập tàn nhẫn. Tôi là phụ nữ mà nó mấy chục người đè đánh, cồng tôi. Chúng nó tàn nhẫn lắm. Tôi đi chợ cho đám giỗ, mới tới đầu chợ thôi mà họ giật chìa khoá, đè đập.”
Tín đồ PGHH Nguyễn Thanh Phong nhân tiện kể lại sự việc:
Người đánh tôi tên Hưng, công an xã Mỹ An. Anh ta nói ‘đè đầu nó xuống, đập chết mẹ nó cho tao, giẫm nó cho tao’. Liền lúc đó tôi gần như ngất xỉu.
Anh Nguyễn Thanh Phong
“Vào mùng 5 tháng Hai vừa rồi thì vợ chồng tôi có cúng cơm bà nội. Nên vợ tôi mới đi chợ để mua đồ chay về cúng. Đi ra khoảng hơn 1 km thì bị công an chận đường giật chìa khóa xe, vợ tôi mới la làng. Vừa la làng có ăn cướp, thì ở ngoài sau nó bao vây tới đánh vợ tôi té gục xuống, và cồng vợ tôi ngay giữa chợ khi có rất nhiều người chứng kiến.
Những người giữa chợ mới la lên rằng tại sao công an đánh người vô cớ như vậy. Đám công an tạm thời dang ra thì vợ tôi mới chụp điện thoại trong người điện về cho tôi lúc đó đang sắc thuốc cho vợ tôi vì sau khi ra tù vợ tôi bị hở van tim. Tôi bực tức chạy ra, định hỏi lý với công an nhưng họ không hiểu và không cho nói lý. Vừa gần tới vợ tôi thì có một tốp người từ đằng sau cầm dùi cui đập vào lưng tôi khiến tôi té quỵ xuống. Rồi 40-50 người giẫm lên người tôi.
Lúc đó tôi gần sắp xỉu thì có mấy người lấy máy điện thoại chụp hình, quay phim. Công an giật máy. Tôi còn nghe được họ hỏi tại sao mấy ông giựt điện thoại của tôi. Công an hỏi lại tại sao mầy quay phim, chụp hình. Anh kia mới nói là vì thấy hiếu kỳ. Vừa nói hiếu kỳ thì bị công an còng lại. Còn tôi thì bị đánh tiếp tục, 40-50 người vây đánh. Nó mới còng 2 vợ chồng tôi, dẫn đi trên đường một cách nhiễu nhương. Nó còng và lôi đi khoảng hơn 1 km hai tay chúng tôi bầm tím hết.”
Đàn áp có hệ thống
Tín đồ Nguyễn Thanh Phong bị điều tra tại cơ quan công an xã Mỹ An trong nhiều tiếng đồng hồ trong tình trạng thương tích trầm trọng nhưng không được chăm sóc thuốc men cần thiết, bị bỏ đói từ sáng tới chiều mới được cho về sau khi cưỡng bách anh đóng tiền phạt giao thông 150.000 đồng và đòi giữ xe trong 2 ngày. Tín đồ Nguyễn Thanh Phong bày tỏ bức xúc:
“Chế độ này quá tàn nhẫn đối với tín đồ PGHH, và riêng những người như tôi. Tôi mới ra tù, không có công ăn việc làm, mà họ lại bao vây kinh tế gia đình tôi suốt 6 tháng nay. Khi chúng tôi đi ra đường thì mấy ông không cho làm bất cứ chuyện gì. Bây giờ đánh đập chúng tôi thì họ không bồi thường tiền thuốc. Đối với tín đồ PGHH nói chung và đối với tôi nói riêng thì chế độ này quá tàn nhẫn.”
Tưởng cũng cần nhắc lại là anh Nguyễn Thanh Phong bị 6 năm tù và chị Nguyễn Ngọc Hà bị 4 năm tù kể từ tháng 8 năm 2005 vì trung kiên bảo vệ Đức Tin PGHH. Kể từ khi hai vợ chồng ra khỏi tù, công an thường xuyên sách nhiễu, khủng bố khiến gia đình nạn nhân lâm cảnh khốn cùng.
Theo nhiều tín đồ PGHH, những hành động vừa rồi của công an An Giang chứng tỏ nhà cầm quyền VN tiếp tục đàn áp PGHH một cách đáng ngại và có hệ thống, chứ không “màu hồng” như một trung tá công an ở Miền Tây từng khẳng định:
“Đó là chuyện cô bác người ta tín ngưỡng bình thường thôi, chúng tôi đâu có can thiệp được đâu. Cái đó anh nghe thông tin một chiều rồi nghe. Tín ngưỡng là cái chung mà, đâu có ai can thiệp được đâu. PGHH vẫn sinh hoạt bình thường, nhà nước cho phép đâu có gì khác đâu. Đâu có ai dám can thiệp chuyện đó đâu.”
Theo tín đồ Võ Văn Diêm thì những anh em đồng đạo và những người địa phương đều phàn nàn ở chỗ nhà nước đã cho tự do tín ngưỡng, tự do đi lại. Bề ngoài thì nói làm theo Hiến pháp, luật pháp, cho tự do nhưng thực chất không có tự do. Ông bày tỏ tiếp:
Chế độ này quá tàn nhẫn đối với tín đồ PGHH, và riêng những người như tôi. Tôi mới ra tù, không có công ăn việc làm, mà họ lại bao vây kinh tế gia đình tôi suốt 6 tháng nay.
Anh Nguyễn Thanh Phong
“Bây giờ những anh em trong Đạo, người ta đã nắm rõ, hiểu thấu về chế độ CS hiện giờ. Nhưng người ta quy thuận theo Thầy, Tổ dạy, lúc nào cũng phải có cái tâm từ bi và hỷ xả, phải nên tha thứ. Thành ra người ta không muốn tranh đấu với cái chế độ này. Nhưng người ta vẫn có tranh đấu bằng lời nói một cách ôn hoà thôi, chớ không muốn gây ra sự xáo trộn trong đất nước, để xảy ra chuyện không tốt cho anh em đồng đạo.”
Trước tình trạng đạo pháp lâm cảnh khó khăn đáng ngại, tu sĩ Huệ Thọ thuộc Đạo Tràng PGHH Minh Thiện-Huệ Thọ tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ lưu ý rằng
“sau năm 1975, cái tạm gọi là ‘giải phóng dân tộc’ đối xử với Phật Giáo Hòa Hảo thật nghiệt ngã. Và những cán bộ sau năm 75 tuyên bố thẳng với người PGHH là nếu không diệt được người PGHH thì họ nghỉ việc. Từ đó họ thẳng tay đánh dẹp những người để tóc, mặc đồ đạo; những am, những cốc họ đều dỡ hết.
Vì tinh thần PGHH quá kiên cường: Thà chết chớ không bỏ Đạo, nên sau cùng họ đi lại cái thế nhu, cho thành lập Ban Trị Sự PGHH năm 1999 để đồng hoá tín đồ PGHH, cho rằng PGHH được tự do tín ngưỡng. Nhưng những nhân sự trong Ban Trị Sự lại không được tín đồ PGHH bầu ra mà toàn là do đảng CS đưa ra”.
0 comments:
Post a Comment