Tuesday, February 21, 2012

Đức: Đề cử nhà tranh đấu dân quyền Joachim Gauck làm tổng thống

Như chúng ta đã biết, ông Christian Wulff (CDU) sau 20 tháng nhậm chức, vì áp lực từ nhiều phía sau nhiều vụ tai tiếng bị báo chí, cơ quan truyền thông Đức liên tục phanh phui ra trong vài tháng qua làm uy tín ông ta “gần như mất hết” nên hôm 17-02-2012 đã từ dinh tổng thống Bellevue / Bá Linh tuyên bố từ chức tổng thống (TT) ngay lập tức.

Ngay sau đó các đảng phái tham chính trong quốc hội Đức lần lượt lên tiếng phải cấp tốc tìm ngay một người kế vị. Liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU+FDP cũng bắt đầu tìm gấp rút một người kế vị “thích hợp” trong tình trạng đang bị khủng hoảng, và điều dễ hiểu phải là người do chính phủ đề nghị như trong hai lần bầu cử vừa qua, cựu tổng thống Köhler và Wulff. Cả hai đều là thành viên nồng cốt của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU).

Trong khi đó thì như tôi đã trình bày trong Lá Thư Âu Châu mới đây, giới chuyên gia đã đưa ra danh sách ứng cử viên gồm 11 chính trị gia hàng đầu của Đức, gồm các ông/bà: Bộ trưởng quốc phòng Đức, ông Thomas de Maizière (CDU); Andreas Voßkule, chủ tịch Toà Án Hiến Pháp Liên Bang; Joachim Gauck (đối thủ của Wulff trước đây, không đảng phái); Norbert Lammert (CDU), chủ tịch quốc hội (QH) Đức; Katrin Göring-Eckardt (Bündnis 90/Die Grünen), từ 2005 là phó chủ tịch QH; Wolfgang Schaeuble (CDU); bộ trưởng tài chánh Đức; Klaus Toepfer (CDU), cựu bộ trưởng môi sinh; Bà Bộ trưởng Ursula Lao động liên bang von der Leyen (CDU); Horst Seehofer (CSU), đương kim chủ tịch Thượng Viện Đức và hiện nắm quyền tổng thống sau khi Wulff từ chức trong thời gian 1 tháng; Renate Schmidt (SPD), cựu bộ trưởng gia đình và sau cùng là Edmund Stoiber (CSU), cựu thống đốc tiểu bang Bayern (Bavaria).

Điều quan trọng là phải tìm cho ra một vị “Tân Tổng Thống” trong vòng 30 ngày, vị chi được ấn định vào ngày 18-03-2012 là thời điểm theo luật định bầu lại Tổng Thống, không những được tất cả các đảng phái trong Quốc Hội, Thượng Viện chấp nhận mà “ứng cử viên TT còn phải được mọi người dân Đức tin tưởng nữa mới là khó. Theo sự nhận xét của giới chuyên gia, chỉ khi nào vị tân tổng thống đạt được hai yếu tố căn bản nêu trên thì “chức vụ tổng thống” mới từ từ lấy lại được uy tín của nó và quan trọng hơn ” Nền Dân Chủ Đức” mới được “khôi phục” lại !.

Theo thiển ý người viết thì chuyện phe phái không sao tránh khỏi nhưng bà Merkel đành phải nhượng bộ đảng FDP là đảng đang phân quyền với CDU+CSU khi FDP đã nhất quyết ủng hộ ông Gauck “ứng cử viên ưng ý nhất của họ”, lý do đơn giản là bà Merkel đã bị khối đối lập chỉ trích nặng nề về việc bà ta đề cử “người đứng đầu nước Đức” trong quá khứ. Người ta đều nhận thấy rằng bà Merkel rất có uy tín, không những tại Đức mà còn trên chính trường Âu Châu nữa, nhưng bà ta hoàn toàn thất bại trong việc lựa chọn chính trị gia vào những vai trò lãnh đạo. Bà Merkel đã phải chịu đựng vì mất đi ba vị bộ trưởng: Bộ trưởng lao động liên bang, ông Jung, Bộ trưởng kinh tế liên bang Bruederle và quan trọng hơn, Bộ trưởng quốc phòng zu Guttenberg, người mà bà Merkel hết lòng binh vực, với những lời lẽ rất rõ ràng và rồi cuối cùng phải chấp nhận buông, để zu Guttenberg ra đi!

Vì thế bà Merkel không muốn trải qua thêm tình trạng này nữa với người kế vị ông Christian Wulff. Bà Merkel đã từng giữ chặt lấy Christian Wulff mặc dù trong nội đảng có hàng loạt thành viên ủng hộ ứng cử viên khác là ông Joachim Gauck trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2010 cho nên theo thiển ý của người viết bà Merkel sợ rằng không khéo nếu có nhiều thành viên bỏ phiếu chống, nhất là từ đảng FDP và nếu ứng cử viên do bà “ủng hộ hết mình” lỡ bị thất bại thì Merkel sẽ mất sĩ diện nhiều, điều mà Merkel chẳng muốn xảy ra trong giai đoạn khó khăn hiện tại, và nếu nhìn xa hơn, thế nào cũng ảnh hưởng không ít cho những cuộc bầu cử lại nghị viện tiểu bang sắp tới và quan trọng là bầu cử Quốc Hội (QH) Đức vào mùa Thu 2013.

Theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri Đức của viện nghiên cứu Emnid cho báo Bild ngày chủ Nhật (Bild am Sonntag) những ứng cử viên TT sáng giá do giới chuyên gia đề nghị vừa được công bố thì có đến 54% ủng hộ, chấp nhận ông Gauck, nhà đấu tranh dân quyền thời DDR (cộng sản Đông Đức cũ) lên làm tổng thống, kế vị ông Wulff. Kế tiếp chiếm vị trí thứ hai với 34% tiếp là Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang, ông Thomas de Maiziere (CDU) và lãnh đạo khối dân biểu SPD tại QH là ông Frank-Walter Steinmeier. Bộ trưởng Lao động liên bang, bà Ursula von der Leyen (CDU) được 32%, cựu Bộ trưởng Môi sinh Klaus Töpfer (CDU) với 28% và Bộ trưởng Tài chính Liên bang ông Wolfgang Schäuble (CDU) được 27%. Những chính trị gia khác như Theo Waigel được 20%, bà Katrin Göring Eckardt (Xanh, 12%) và Chủ tịch của Tòa án Hiến pháp Liên bang, ông Andreas Voßkuhle được 6% cử tri ủng hộ.

Không cần biết “ứng cử viên tổng thống là người nào” nhưng đã có 79% số người được hỏi muốn có một ứng cử viên từ bên ngoài các đảng phái chính trị. Chỉ có 16% cho biết ứng cử viên phải là “thành viên” của một đảng phái chính trị được công nhận.

Thực tế, việc tìm ra một vị Tân Tổng Thống không phải đơn giản trong hoàn cảnh chính trị Đức hiện tại. Ban đầu, các chính đảng Đức hiện chưa thống nhất về việc đề cử một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống dự định diễn ra vào ngày 18-03 tới đây. Trong khi các đảng cầm quyền CDU+CSU+FDP còn tranh cãi dữ dội thì đảng trưởng SPD, ông Gabriel lên tiếng hăm dọa nếu bà Merkel không chịu hợp tác để cùng tìm kiếm một vị tổng thống “thích hợp” thì SPD sẽ đưa ra một “ứng cử viên TT đối lập, sáng giá hơn” từ phiá SPD. Ông Gabriel còn nói thêm (tạm phóng dịch): ” Để lấy lại niềm tin của dân chúng Đức trong đó có khả năng sinh hoạt chính trị của các đảng phái, Gabriel đòi hỏi phải tìm ra thật nhanh một “ứng cử viên tổng thống”, tuy nhiên trên phương diện tìm kiếm phải chú trọng về “phẩm” hơn là “tốc độ” (nguyên văn “Bei der Kandidatensuche geht Qualität vor Schnelligkeit”).

Ngoài ra, ông Gabriel (SPD ) đã mạnh mẽ chỉ trích bà thủ tướng qua báo Bild am Sonntag: “Trong vòng 1 năm, với quyết định về nhân sự riêng bà Merkel đã hủy hoại tất cả các giá trị căn bản như sự trung thực, đúng đắn và ngay thẳng. Đầu tiên là sự gian lận của ông zu Guttenberg và bây giờ đến ông Wulff. Merkel đã “cố nắm giữ Wulff trong chức vụ tổng thống cho đến khi công tố viện đến đứng trước cửa nhà!
Chiều hôm 19-02-2012, CDU+CSU và FDP tiếp tục bàn kín trong việc tìm ứng cử viên TT. Nghe đâu đã có sự “tranh cãi nghiêm trọng” giữa liên minh CDU và FDP vì chủ tịch đoàn FDP nhất định ủng hộ ông Gauck, từ chối hẳn đề nghị của CDU. Kết quả không như bà Merkel mong muốn nên cuối cùng phải nhương bộ, mời khối đối lập SPD và Xanh cùng ngồi vào bàn hội nghị được ấn định vào lúc 20 giờ để tìm một sự đồng thuận. Trong khi đó thì tôi theo dõi “chương trình hội nghị bàn tròn” trên đài ZDP, thảo luận về chuyện ông Wulff và người kế vị. Điều mà tôi chỉ nhắc lại thật ngắn gọn là người điều khiển chương trình chính trị này, bà Illner đã cho chiếu một đoạn phim dài khoản 1 phút, với câu kết đầy mỉa mai, nôm na là ” tổng thống phải là người KHÔNG có bạn bè”!

Buổi tối cùng ngày, vào Internet thì được biết thêm là các chính đảng Đức (không có Tả Khuynh là hậu thân của đảng cộng sản DDR cũ!) đã đồng thuận với nhau và chọn nhà thần học độc lập, ông Joachim Gauck, đã thất bại suýt soát trước đối thủ Wulff do bà Merkel đề nghị trong năm 2010 sẽ là người lên kế vị ông Wulff.

Tin này được cơ quan truyền thông báo chí Đức loan tải nhanh chóng vào sáng hôm sau, 20-12-2012. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi sự phê phán của chính trị gia Đức. Phó chủ tịch khối dân biểu của CDU tại quốc hội Đức, ông Michael Kretschmer chỉ trích trích FDP nặng nề ngay. Kretschmer cho biết qua báo “Leipziger Volkszeitung: “FDP đã đánh mất sự tin tưởng” qua thái độ ủng hộ Gauck và sẽ nhận lãnh hậu quả nghiêm trọng cho sự làm việc chung trong liên minh đang cầm quyền Đen-Vàng! Ông ta còn nói thêm ” Thái độ này tiêu biểu cho trạng thái của FDP” (symptomatisch für den Zustand der FDP) và dưới triều đại của Hans-Dietrich Genscher hay Klaus Kinkel thì tình trạng này không thể xảy ra được!

Trong khi đó CDU tìm cách giải thích hầu xoa dịu sự bất bình trong liên minh chính phủ đang cầm quyền. Phải xác nhận một điều là khác với năm 2010, FDP đã cứng rắng với CDU trong việc muốn bổ nhiệm Joachim Gauck làm ứng cử viên Tổng Thống. Tổng thư ký đảng CDU, ông Hermann Grohe nói qua ZDF-Morgenmagazin: “diễn tiến các cuộc đàm phán không được dễ dàng” như trước! Grohe còn khuyên:

” không nên công khai hoá thêm sự việc!”. Riêng nhân phẩm của người đứng đầu văn phòng cao nhất của đất nước đã ngăn cản điều này !

Ngay cả chính trị gia Wolfgang Kubicki (FDP) cũng đã kêu gọi qua ZDF-”Morgenmagazin” là chấm dứt ngay sự tranh chấp trong liên minh. “Chúng ta bây giờ không nên nhìn lại trong sự tức giận”. Kubicki đánh giá qua việc FDP đề cử Gauck là FDP vẫn còn có “khả năng thương thảo” trên chính trường.

Trên đài tuyền hình ARD, Tổng Bí thư SPD, bà Andrea Nahles cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là FDP thì không nhưng bà thủ tướngMerkel đã bị ngả”. Nahles chỉ trích rằng bà Merkel đã có quyết định rất muộn cho Gauck. Đó là một trong những lý do bà Merkel cuối cùng cũng phải thừa nhận là sai vì đáng lẽ ra bà đã phải nhìn thấy từ cách đây hai năm. Việc đề cử Gauck trước ngày chủ nhật mở màn cho cuộc “đấu tranh quyền lực” giữa CDU/CSU và FDP trong liên minh chính phủ. Trong khi FDP “nhất trí” ủng hộ cho ứng cử viên của SPD và đảng Xanh ủng hộ Gauck thì CDU lúc ban đầu từ chối vì CDU muốn ưu tiên đề cử cựu Bộ trưởng Môi trường Klaus Toepfer hay cựu Chủ tịch của Hội đồng của Giáo Hội Tin Lành tại Đức, Wolfgang Huber vào chức vụ tổng thống. FDP không bằng lòng với hai ông Toepfer và Huber nên cuối cùng Merkel + CDU phải đồng ý Gauck sẽ là người kế vị Wulff như đã nói ở trên.

Lãnh đạo Đảng Xanh, bà Renate Kuenast nói qua báo “Leipziger Volkszeitung: ” Gauck là ứng cử viên khối đối lập, tuy đã thua Wulff trong vòng bầu cử thứ ba nhưng ông là ứng cử viên tốt nhất”. Trái lại, đảng trưởng Tả Khuynh, ông Klaus Ernst, chỉ trích sự đề cử ông Gauck qua báo “Passauer Neuen Presse” mà người viết xin được tóm lược thật ngắn gọn như sau: ”Thật khó để nói về một ứng cử viên đồng thuận khi có hơn 5 triệu cử tri bị loại ngay từ đầu”. Nữ thủ tướng Merkel không muốn Gauck và đã để cho FDP “dìu dắt” bằng áp lực. Sự tin tưởng trong minh đen-vàng qua đó xem như đã “an bài”!

Nahles cũng chỉ trích chuyện Tả Khuynh không đuợc tham gia trong chương trình lựa chọn ứng cử viên tổng thống. Nữ chính trị gia SPD nói: “”Đây rõ ràng là một sai lầm của bà Merkel”. Người ta cần phải có

quyền tối thượng (Souveränität/ sovereignty) : “nếu chúng ta muốn một ứng cử viên đồng thuận, cần có sự tham dự của đảng Tả Khuynh”!

Việc đề cử ông Gauck được xem là một nước cờ cao của đảng SPD và đảng Xanh. Ông Gauck là người theo khuynh hướng tự do bảo thủ tuy không phải là đảng viên của một trong các đảng thuộc liên minh tự do bảo thủ đang cầm quyền tại Đức. Do đó việc ứng cử của ông đã gây tranh cãi trong nội bộ của các đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo CDU, đảng Xã hội Cơ đốc CSU và đảng Dân chủ Tự do FDP. Joachim Gauck, một nhân sĩ có uy tín lớn trong xã hội Đức, vào chức tổng thống trong cuộc họp của Hội đồng Quốc gia. Và như chúng ta thấy, sau những tai tiếng của Wulff, càng ngày ông Gauck càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân chúng cũng như của những chính trị gia của các đảng cầm quyền.

Nhưng Joachim Gauck là ai?

Người viết xin được giới thiệu sơ về ông ta. Ông Joachim Gauck, sinh năm 1940, năm nay 72 tuổi, không đảng phái là một mục sư dấn thân đấu tranh cho dân quyền ở Đông Đức cũ. Ông là một trong những thành viên lãnh đạo của phong trào Diễn đàn Mới (Neues Forum) ở thành phố Rostock (Bắc Đông Đức) và là người tổ chức những cuộc biểu tình lớn dẫn đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Đông Đức vào cuối năm 1989. Trong thời gian chuyển tiếp chờ thống nhất nước Đức ông Gauck được bầu vào quốc hội Đông Đức và phụ trách Uỷ ban Đặc biệt để Kiểm soát việc Giải tán Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức (1990). Thời đó ông đã vận động quốc hội thông qua đạo luật qui định việc quản lý các tài liệu lấy được từ cơ quan mật vụ cộng sản Stasi. Sau khi nước Đức chính thức thống nhất vào ngày 03-10-1990 ông được thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Đặc uỷ Chính phủ về các Hồ sơ Cá nhân tìm thấy tại cơ quan mật vụ Stasi. Đến năm 1992, khi đạo luật về Stasi có hiệu lực, ông được cử làm Đặc uỷ Liên bang lo về các Hồ sơ của Cơ quan Mật vụ Stasi của Đông Đức. Cơ quan với 2.000 nhân viên do ông lãnh đạo này từ đó được gọi tắt là Cơ quan Gauck. Do luật qui định không cho ông được giữ chức quá 2 nhiệm kỳ nên ông không ra ứng cử chức vụ này vào năm 2000 nữa.

Tóm lại, dù bất cứ ở đâu, quốc gia, đảng phái hay hội đoàn, tổ chức … uy tín và sự làm việc trong sáng của “đại biểu dân cử (thật sự, không do nhóm rất nhỏ nào đó lập nên!) hay do quốc hội bổ nhiệm” vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tại Đức nói riêng chưa có ai “dám tự ý” xung phong ra ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo quốc gia!. Lại càng không có chuyện “ai đó lý lịch chẳng rõ ràng, chưa chứng tỏ có một khả năng nào đáng kể trong nội đảng để đảng lưu ý rồi đề bạt” hay ai đó nằm trong “ủy ban vận động bầu cử” tự ý nhảy ra đòi “lãnh đạo” đảng hay uỷ ban A,B,C của đảng cả. Sự thật là vậy vì người ta sợ nhất là chuyện họ bị hiểu lầm “té ra anh ma giáo, chỉ muốn vận động cho tham vọng của riêng anh và phe phái, đâu phải vì quyền lợi đảng hay quốc gia” gì đâu, điều có thể làm giảm đi uy tín của họ!

Giống như ở Mỹ, Úc, Anh, Pháp … hay tại Đức khi một ứng cử viên Tổng Thống chẳng hạn đắc cử thì chuyện vị này (muốn trả ơn) đề bạt “vài người trong ban vận động bầu cử tùy theo khả năng vào chức vụ tương xứng nào đó có thể xảy ra. Tuy nhiên các chính đảng Đức cho đến nay thường ” áp dụng phương thức đề cử ” để chọn người “lãnh đạo” xứng đáng hay làm chủ tịch đảng và mặc dù “lựa chọn” tương đối kỹ như thế nhưng họ cũng không tránh khỏi những “lỗi lầm bất ngờ sau khi đề cử xong nhân vật lãnh đạo, điển hình ông Wulff chẳng hạn là một thí dụ cụ thể. Cho nên theo thiển ý và nhận định riêng (có thể sai!), tuy rằng ở Đức cũng có chuyện phe phái, không tránh khỏi lỗi lầm nhưng họ làm việc khá dân chủ, rõ ràng, luôn cố tránh dùng “bá đạo” (như có thể) trong tất cả các sinh hoạt chính trị đảng phái, tổ chức, hội đoàn …v..v… Bằng chứng, liên minh chính phủ đã cùng nhau bàn cãi, cân nhắc trong việc chọn Tân Tổng Thống và khi thấy không thể giải quyết được họ sẵn sàng bắt tay với khối đối lập để tìm sự đồng thuận mà tất cả cùng chịu trách nhiệm chung vì quyền lợi quốc gia. Chính vì thế cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên tại sao nước Đức trở thành cường quốc sau Đệ Nhị Thế Chiến và đã phục hồi nhanh chóng nền kinh tế Đức bị sút giảm trầm trọng mà Tây Đức đã phải “ôm món nợ khổng lồ do DDR để lại” ngay sau cộng sản Đông Đức bị xóa tên, đưa đến sự thống nhất Đức. Có lẽ đây là điều chúng ta cần lưu ý, học hỏi vậy!

Uy tín và quá khứ tranh đấu thật sự đòi hỏi Nhân Quyền, Tự Do, Dân Chủ của ông Gauck trong thời gian khá dài ngay dưới thời cộng sản cai trị, dưới sự truy nã của cơ quan tình báo Stasi tại Đông Đức chính là yếu tố đã làm cho giới chính trị gia và dân chúng Đức luôn nhắc đến tên tuổi ông ta. Có lẽ đây là lý do mà sau năm 2010 và lần thứ nhì ông Gauck đặc biệt được đề cử vào chức vụ cao nhất của Đức. Và nếu không có gì thay đổi, nhà thần học Joachim Gauck sẽ là vị Tân Tổng Thống của nước Đức, chính thức được bầu trong một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Quốc Gia vào ngày 18-03-2012 tới.

Vị chi, sau bà thủ tướng Angela Merkel, ông Joachim Gauck là người thứ hai vốn xuất xứ từ DDR (cộng sản Đông Đức cũ) nắm hai chức vụ then chốt nhất của Cộng Hoà Liên Bang Đức, kể từ khi Đức thống nhất vào năm 1990.

* Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, 20-02-2012)

* Tài liêu tham khảo: AFP, DPA, Spiegel Online, Welt Online, SZ, Internet và Yahoo News

0 comments:

Powered By Blogger