Tháng 2/10/2012
Độc giả qúy mến!
Nhân năm Nhâm Thìn nói chuyện Rồng. Rồng có 2 nhiệm vụ giữ sự trường tồn của nhân loại là làm lửa và phun nước. Thế nhưng, “Hỏa Kỵ Thủy” lại xung khắc trong con Rồng. Trong một quốc gia, chính quyền và người dân không thể hài hòa, khác gì lửa và nước? Ở Việt Nam, vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng – Hải Phòng là dấu hiệu gì của một thể chế khi dân là nước, chính quyền là lửa?
Với “Tắt Đèn”, Ngô Tất Tố đã xây dựng hình tượng chị Dậu là một phụ nữ nông dân hiền lành, chất phác đã biến thành người phụ nữ bất khuất, dám phản kháng bằng cách đánh lại người nhà tên lý trưởng khi “tức nước vỡ bờ”. Thế nhưng, chị Dậu trong “Tắt Đèn” cũng chỉ là nhân vật hư cấu. Hôm nay, nhân vật hư cấu đó bước ra khỏi trang sách để làm người đấu tranh cho chân lý “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Nhân vật người thật, việc thật là kỹ sư Đoàn Văn Vươn. Ông bị bị chính quyền Tiên Lãng-Hải Phòng dồn vào “bước đường cùng”. Vậy ai áp bức và ai bị áp bức?
Giai cấp bị áp bức là giai cấp nông – ngư dân mà ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông đại diện. Những nhân vật thật đã sống trong một hoàn cảnh điển hình: Đó là khu đầm lấn biển ở xã Vinh Quang và người nhà ông Vươn dùng súng hoa cải và mìn tự chế để chống lại bọn “đầu trâu mặt ngựa ào ào như xôi” là chính quyền Tiên Lãng. Đoàn Văn Vươn và gia đình phản kháng chính quyền là biểu hiện của tinh thần “có áp bức, có đấu tranh”. Ông bà ta nói: “Đuổi chó chớ đuổi đường cùng” vì cùng đường, chó hiền cũng phải cắn người. Ông Vươn và gia đình qủa thật đã bị dồn tới chân tường. Thu hồi toàn bộ đất có nghĩa là công ông Vươn và gia đình coi như “dã tràng xe cát biển Đông”? Nghĩa là tay trắng. Nghĩa là mất sạch sành sanh. Đấu tranh trong cái mất sạch để lấy lại chút công đạo mà điều tất nhiên. Trường hợp phản kháng lại bạo lực mà bị kết tội, lịch sử Việt Nam phải định tội hết cả Đảng Cộng Sản Việt Nam và những ai đã tham gia “đình công, bãi chợ, tham gia đánh đổ chế độ phong kiến, thực dân, tư bản” trong suốt chiều dài lịch sử. Những trang sách dạy học trò hai chữ “đấu tranh chống bất công” cũng phải bị lấy ra từ học đường! Không thể có chuyện đó nên kẻ nào ghép ông Đoàn Văn Vươn vào tội chống người thi hành công vụ, kẻ đó, thể chế đó là đại diện cho giai cấp phong kiến, chủ nghĩa thực dân. Bởi vì các chủ nghĩa đó chỉ “lấy mạnh hiếp yếu” và không phân biệt đạo lý nên mới bị nhân dân Việt đứng dậy đấu tranh để thủ tiêu. Ông Vươn là chủ nhân của một căn nhà. “Giặc tới nhà, đàn bà cũng đánh“. Chính quyền Tiên Lãnh cưỡng bức trái luật tức tự mình làm giặc. Giặc ngoài, giặc trong cũng đều là giặc. Cho nên, ông cùng những người phản kháng không hề có tội trong việc “tự vệ”. “Con giun bị xéo mãi cũng quằn” như kỹ sư Vươn là 1 điển hình cho giai cấp bị áp bức. Không có sự phản kháng của ông Vươn, vụ việc Tiên Lãng lại… chìm xuồng như những vụ việc khác.
Ai áp bức? Chính là chính quyền huyện Tiên Lãng đã thu hồi trái luật hơn 40 héc ta nuôi trồng thủy sản mà gia đình ông Vượn đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà có. Phương thức dùng cả trăm công an, cảnh sát, bộ đội, chó và xe ủi chỉ để cưỡng bức 1 hộ nông dân gồm phụ nữ và trẻ em là hành vi của loại “đầu trâu mặt ngựa” không coi pháp kỹ là cái “đinh” gì! Khi “công vụ” được mang trên mình là công vụ “bất nhân, bất nghĩa, vô pháp”, người dân có quyền phản kháng một mất một còn. Trước năm 1993, không ai đoái hoài tới khu vực đầm Tiên Lãng “nửa ma, nửa người”, một xứ “khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối”. Sau mười bốn năm “thay trời làm mưa, lấn biển lấp đồi”, họ Đoàn đã khởi nghiệp tại đây với một khu nuôi trồng thủy sản trù phú xanh tươi đầy sức sống thì lại miếng ăn đưa tới miệng đã bị giựt ngược. Thu hồi mảnh đất vàng để chia lô bán chác trục lợi là mục đích của chính quyền Tiên Lãng như vụ chia chác đất Đồ Sơn nói riêng và những kẻ bóc lột nói chung. Nhân dân bị áp bức chọn hình thức phản kháng như trên là đúng đắn. Trong thời buổi “hèn cấp vĩ nhân”, chống đối lại bạo lực và cường quyền như gia đình ông Vươn qủa cực kỳ hiếm có. “Lấy cương chế cương”. Đây cũng là nguyên nhân chính mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng “dựa vào sức dân” lật thuyền để thắng Nhật, Pháp, Mỹ và thủ tiêu chế độ phong kiến. Chính quyền Hải Phòng bây giờ có khác nào chế độ phong kiến, thực dân đội mồ sống lại đang áp bức, bóc lột nhân dân lao động? Sự kiện chính phủ can thiệp vào Hải Phòng coi như một bước xoa dịu lòng căm phẩn của nhân dân dẫu là “muối bỏ biển” nhưng “có còn hơn không”. Mặt khác, họ cũng phải… dằn mặt những kẻ “cứng đầu” để hòng làm gương cho kẻ nào muốn noi gương kỹ sư Đoàn. Bài thuốc bổ nào cũng có cái độc riêng như con dao 2 lưỡi.
Cùng độc giả!
Sau vụ Tiên Lãng, chúng ta thấy gì? Đó là chưa bao giờ báo chí Việt Nam được công khai đưa tin nhiều như vậy? Không lẽ Việt Nam đã tới thời kỳ “mở cửa” rộng đường dư luận? Chưa đâu. Bao giờ Rồng phun ra hết những cái “xuồng chìm” trong bụng mới gọi là “gạn đục khơi trong“. Sự cưỡng chế trái luật của chính quyền Tiên Lãng đã nói lên sự tha hóa của giai cấp cầm quyền. Khi chính quyền hóa Rồng Ma khà lửa đốt dân, dân phải hóa Rồng Tiên phun nước tự dập tắt lửa. Không còn là chuyện “nước cần cá hay cá cần nước” mà là chuyện con cá chép Việt Nam muốn bay lên thành Rồng phải hòa hợp giữa hai lực lượng lửa và nước. Ông Vươn mất đất là chuyện nhỏ. Việt Nam mất Hoàng -Trường Sa là chuyện lớn nhưng mất lòng tin vào thể chế dẫn tới mất nước mới là… đại họa. Chúng ta hỏi các nhà văn, nhà thơ… được giải thưởng Việt Nam sao không lấy đề tài “Cưỡng chế trái luật ở Tiên Lãng” để mà lập “Trại Sáng Tác”? Chủ nghĩa nào đã từng dạy: “Văn Học là Nhân Học” và ai từng hô khẩu hiệu “Có áp bức, có đấu tranh?”./.
Chào tạm biệt!
Ngọc Thiên Hoa
0 comments:
Post a Comment