Thursday, January 5, 2012

Trung Quốc mua dầu thô của Nga và Việt Nam

ABC/Reuters_Bayvut

Công ty Unipec của Trung Quốc đã trả mức giá kỷ lục cho một chuyến hàng dầu thô từ Nga sẽ giao trong tháng 2/2012. Đồng thời lần đầu tiên trong vòng ít nhất một năm qua, Unipec mua dầu từ Việt Nam nhằm giúp đất nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới bù đắp nguồn cung bị cắt giảm từ Iran

[title]

Trung Quốc sẵn sàng bù đắp nguồn cung dầu thô từ Iran bằng những nguồn thay thế ở các nước lân cận. (ABC)

Theo một nguồn tin mà hãng tin Reuters có được, trong tháng 1 này, Trung Quốc giảm một nửa mức nhập khẩu dầu thô từ Iran do hai nước chưa có sự thống nhất về các điều khoản thanh toán năm 2012. Những thỏa thuận mới nhất cho thấy tranh chấp có thể tác động đến những cuộc đàm phán cho các chuyến hàng trong tháng 2 tới.

Trung Quốc hiện mua dầu mỏ từ Trung Đông, Châu Phi và Nga sau khi giảm nhập khẩu khoảng 285.000 thùng dầu/ngày từ Iran trong tháng 1, tức là giảm hơn một nửa mức gần 550.000 thùng/ngày theo hợp đồng năm 2011.

Giải pháp thay thế của Trung Quốc

Hôm qua (3/1), giới kinh doanh cho biết Công ty Unipec thuộc tập đoàn lọc dầu hàng đầu Châu Á Sinopec đã mua hai chuyến tàu chở dầu thô ESPO với 730.000 thùng từ công ty Rosneft (Nga), sẽ được giao vào ngày 13-16/2 và 25-28/2.

Unipec giành được hợp đồng mua dầu ESPO của Rosneft bằng cách trả thêm gần 1 đô-la/thùng so với mức giá của các công ty khác cho cùng loại dầu thô.

Rosneft cũng bán một chuyến hàng dầu mỏ như vậy với mức giá cao hơn từ 6,85-6,88 đô-la/ thùng so với giá chào hàng của Dubai. Đây là mức giá cao nhất cho loại dầu này kể từ khi nó được bắt đầu xuất khẩu cách đây hai năm.

Một chuyến tàu hàng dầu mỏ khác cũng được bán với cao hơn 6 đô-la/thùng so với giá chào hàng của Dubai, tương đương mức giá của những giao dịch khác trong tháng 2. Như vậy, trong tháng 2/2012, Unipec đã mua tổng cộng ba chuyến tàu dầu mỏ loại ESPO sau khi đã mua một chuyến khác từ công ty TNK-BP (Nga) với mức giá cao hơn khoảng 6 đô-la/thùng so với giá chào hàng của Dubai vào tuần trước.

“Có phần hơi lạ là các loại dầu thô của Nga như Sokol, Vityaz và ESPO vẫn ở những mức giá trên trong bối cảnh mùa bảo dưỡng đang bắt đầu”, một thương nhân cho biết.

Ngoài ra, Unipec cũng mua dầu thô của Việt Nam với giá gần đạt mức kỷ lục đối với loại dầu Bunga Kekwa trong một phiên đấu thầu của PV Oil thuộc Tâp đoàn Dầu khí Việt Nam.

Unipec đã trả cao hơn khoảng 7,50 đô-la mỗi thùng để mua 400.000 thùng dầu thô Bunga Kekwa của Việt Nam, sẽ được giao trong tháng 2. Mức giá này chỉ thấp hơn một chút so với mức giá cao nhất được trả cho cùng loại sản phẩm kể từ khi Unipec bắt đầu đặt giá tại thị trường Châu Âu vào tháng 8/2011.

Theo các nguồn tin từ giới kinh doanh và căn cứ vào dữ liệu vận chuyển hàng, Trung Quốc sẽ mua thêm 12,43 triệu thùng dầu thô từ Iraq, Nga và Tây Phi trong tháng 1/2012, nhiều hơn hẳn so với mức bù đắp nguồn cung bị cắt giảm từ Iran.

Giới kinh doanh cho biết, Unipec đã mua bốn chuyến tàu chở dầu ESPO, giao hàng trong tháng 1, nhiều hơn số lượng bình thường là 2 hoặc 3 chuyến mỗi tháng.

Ông Roy Jordan nhận định nếu có thể giải quyết được tranh chấp giữa Trung Quốc và Iran thì động thái mua dầu từ các nước khác chỉ là một thay đổi nguồn cung tương đối ngắn hạn của Trung Quốc. Theo ông, vấn đề có thể giải quyết được vào cuối quý I năm 2012.

Căng thẳng Iran dẫn tới biến động giá dầu

Tehran đang phải đối mặt với những hình thức trừng phạt mạnh tay hơn từ phương Tây và điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang Châu Âu và Châu Á.

Hôm thứ Bảy (31/12), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phê chuẩn các lệnh cấm vận mới có thể gây tổn hại cho ngành xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Theo đó, các công ty lọc dầu không được phép bỏ tiền ra mua dầu mỏ từ Iran. Liên minh Châu Âu cũng đang xem xét các biện pháp tương tự trong bối cảnh các cường quốc phương Tây muốn cô lập Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.

Tehran đã cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, một ‘yết hầu’ vận tải trung chuyển hơn 40% khối lượng dầu mỏ của thế giới, nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.

Vào hôm 1/1/2012, Iran phô trương sức mạnh quân sự của mình bằng cách công bố thử nghiệm thành công thanh nhiên liệu hạt nhân và bắn thử một loại hỏa tiễn tầm trung mới tự tạo có thể tránh được radar trong Vùng Vịnh.

Trước căng thẳng ngày càng leo thang, giá dầu thô Brent đã tăng 2% trong ngày thứ Ba (3/1), lên mức hơn 110 đô-la/thùng.

“Ngư ông” Trung Quốc đắc lợi

Lệnh trừng phạt đối với Iran tạo thuận lợi cho Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu từ Iran, trong các đàm phán hợp đồng vì số lượng các khách hàng của Iran đang bị giảm xuống.

Nhằm gây thêm sức ép với Iran, Trung Quốc sẵn sàng bù đắp nguồn cung dầu mỏ bằng những nguồn thay thế ở các nước gần mình hơn.

“Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng trả thêm để có nguồn cung từ cảng Kozmino (Nga) trong khi dầu thô từ Tây Phi và Trung Đông phải mất thêm nhiều thời gian hơn mới tới được nước này”, ông Roy Jordan, chuyên gia tư vấn thuộc tập đoàn FACTS Global Energy có trụ sở tại London cho biết.

Theo ông Jordan, dầu thô ESPO là một lựa chọn thay thế thấy rõ của Trung Quốc bởi nó có chất lượng tốt hơn và được giao dịch ở vị trí rất thuận tiện.

Trong 11 tháng đầu năm 2011, Iran cung cấp gần 11% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc . Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran và là nước phản đối lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, kể cả các biện pháp nhằm vào ngành dầu khí của nước cộng hòa hồi giáo ở Trung Đông này. Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích những lệnh trừng phạt Iran do các nước phương Tây đưa ra.

0 comments:

Powered By Blogger