Quyết định này của thủ tướng được đưa ra sau 2 ngày giới trẻ Ba Lan rầm rộ xuống đường phản đối ACTA. Khởi đầu ở Warsaw, làn sóng biểu tình đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các thành phố lớn trên cả nước. Ngay dưới hiên nhà riêng của thủ tướng ở thành phố Sopot, hàng ngàn người tụ tập cả đêm để phản đối. Cùng lúc, nhiều trang mạng của chính phủ, của quốc hội, bị nhóm hacker xưng danh “Anonymuos” tấn công trong một chiến dịch nhằm nói không với ACTA. Trên các trang mạng xã hội, hàng chục ngàn ý kiến bàn luận sôi nổi được post lên trong khoảng thời gian 2 ngày.
Làn sóng chống đối càng thêm sôi động khi nhiều chính trị gia đối lập xuất hiện trên truyền hình với tấm băng keo đỏ dính chặt miệng và hàng chữ phản đối trên tay. Tại quốc hội, các đảng viên thuộc đảng đối lập Palikot đã đồng loạt đeo mặt nạ “Anonymuos” trong phiên họp thường kỳ.
ACTA là chữ viết tắt của cụm từ “Anti-Counterfeiting Trade Agreement“. Đây là một thỏa thuận quốc tế đa phương nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền, chống lại các sản phẩm nhái, giả. ACTA được một số nước công nghiệp hàng đầu khởi xướng.
Thỏa thuận này được đại sứ Ba Lan, bà Jadwiga Maria Rodowicz-Czechowska thay mặt chính phủ đặt bút ký tại Tokyo vào trưa 26/1/2012. Mặc dù việc ký kết đã được bàn thảo từ lâu, song giới sử dụng Internet vẫn cho đây là “hành động lén lút của chính phủ” và “hành động mờ ám” này sẽ ảnh hưởng tới việc tự do truy cập mạng, cũng như quyền chia sẻ và sử dụng các thông tin, đặc biệt từ các trang mạng xã hội lớn như Youtube, Facebook, Wikipedia…
Theo thống kê, trong vòng 2 ngày, uy tín của đảng cầm quyền bị sụt giảm mạnh. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có tới 64% số người được hỏi cho rằng, việc ký kết của chính phủ là dở tệ, chỉ có 21% ủng hộ thỏa thuận này.
Và thủ tướng Tusk đã phải có những nhún nhường cần thiết. Phản ứng của cộng đồng mạng cũng như sự điều chỉnh của thủ tướng Tusk là những điều hết sức bình thường trong một xã hội dân sự.
Trong các quốc gia đó, người dân có quyền nói không với bất kỳ quyết định nào của chính quyền và những người cầm cân nẩy mực phải căn cứ vào động thái của dân chúng để hoạch định chính sách sao cho phù hợp với lòng dân.
Cũng ở một xã hội bình thường, quyền nói không của người dân luôn luôn được tôn trọng. Bất kể công dân nào cũng có thể bày tỏ quyền này bằng Internet, qua trả lời phỏng vấn của báo chí, hay trực tiếp xuống đường phản đối và kêu gọi những người khác cùng tham gia.
Nhưng những điều (bình thường) như vậy người ta không thể tìm thấy ở các quốc gia luôn tự xưng có “nền dân chủ ưu việt gấp vạn lần tư bản“. Xin đơn cử vài ví dụ.
Ở Bắc Hàn, mới đây, chính quyền đã ra sắc lệnh trừng phạt những người không khóc bác Kim, hay nói đúng hơn, không có những biểu hiện ‘đúng mực’ khi bác Kim qua đời. Những người này có thể phải chịu án lao động khổ sai từ 6 tháng trở lên. Để thực hiện việc này, Bắc Hàn đã mở một chiến dịch tố giác tội phạm rộng khắp, giống như những buổi đấu tố tập thể ở các phường, khóm, đơn vị sản xuất.
Nhiều bạn đọc Việt Nam đã lên tiếng chia sẻ sự bất hạnh của dân tộc Bắc Hàn, đó là một tín hiệu đáng mừng. Mừng vì đất nước mình không còn cảnh lăn lộn khóc tập thể như thế. Và mừng vì mình không còn bị trừng phạt, nếu không khóc.
Nhưng chuyện nói không với chính quyền vẫn còn khá xa vời ở Việt Nam, dù rằng, trong mấy năm trở lại đây, nhiều người đã can đảm, bằng cách này hay cách khác thể hiện sự phản kháng của mình.
Ví như chuyện ba cha con họ Huỳnh ở Tam Kỳ đã nói không với bầu cử Quốc hội. Hành động của họ được tờ báo Người Lao Động mô tả như những tội phạm trong bài viết “Ba cha con chống phá nhà nước” ngày 6/1/2012 như sau:
“Năm 2005, ông Tuấn không chịu tham gia bầu cử Quốc hội khóa XII. Khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu cử thì bị ông Tuấn và gia đình xúc phạm.
Năm 2011, ông Tuấn cùng hai con là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu tiếp tục không tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngoài ra, 3 cha con ông Tuấn còn ghi vào thẻ cử tri chữ “NO!”. Sau đó, ông Tuấn chụp ảnh đăng tải trên internet và trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài với nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử của nước ta”.
Ở một quốc gia bình thường, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đi bầu cử, hoặc không đi bầu cử. Không ai có quyền tới nhà vận động hay ỉ eo để bắt người đó phải tới điểm bỏ phiếu. Thông thường, các cuộc bầu cử ở các nước dân chủ chỉ có chừng dăm sáu chục phần trăm tham gia. Ở Ba Lan chẳng hạn, một số cử tri đã phản ứng – khi thấy các ứng cử viên không xứng đáng- bằng cách gạch chéo toàn bộ danh sách và ghi vào đó tên của ai mà họ thích, có khi là một ngôi sao khiêu dâm! Và đương nhiên, không có ai bị quy tội về những hành động như vậy. Người dân- đơn giản- có quyền nói KHÔNG với tất cả những gì họ muốn.
Một chuyện nữa, liên quan tới chữ KHÔNG trong năm qua, đó việc nói không với đường lưỡi bò. Do phẫn uất trước hành động ngày càng lấn át trên biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này công bố bản đồ lưỡi bò “liếm” hết “mặt tiền” của Việt Nam, giới trẻ trong nước đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối với những logo “No- U” in, vẽ, trên áo, mũ, nón… Nghe nói có cả một đội bóng No- U được thành lập, nhưng việc ra quân của đội bóng này là cả một vấn đề lớn.
Quyền biểu tình được quy định trong hiến pháp nhưng những đợt biểu tình nói không với đường lưỡi bò kết thúc ra sao, chắc khỏi cần phải nhắc lại. Người phụ nữ nổi tiếng với tiếng hô lảnh lót, cùng tà áo dài rực đỏ và chiếc nón HS- TS- VN giờ đang bị bóc lịch 2 năm không xét xử. Một số thành viên tích cực phải đi “lánh nạn” hoặc tạm “nằm yên” để được yên thân. Bờ Hồ trở thành nơi nhạy cảm tới mức bất kỳ ai mặc áo U- No ra đó ngồi vãn cảnh đều có thể được “thăm hỏi” đến nơi đến chốn.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều các ví dụ. Cái nhân bản, văn minh của một chính quyền không phải là những bài diễn văn dài dòng, rỗng tuếch ca ngợi nền dân chủ ưu việt thế này, thế kia, hay những con số đồng ý, nhất trí lên tới 99-100%, mà nó thể hiện ở cái cách mà nhà cầm quyền đối xử với những người dám nói không với mình hay với những quyết sách của mình.
Nói không là bản năng của con người. Một đứa trẻ 1 tuổi, dù chưa biết nói, cũng biết nhè miếng ăn không hợp khẩu vị với nó ra khỏi miệng khi bị người lớn đút, mớm. Huống hồ một dân tộc bị nhét vào miệng một món ăn duy nhất suốt hơn nửa thế kỷ mà vẫn không có quyền nôn, ọe hay khạc nhổ cái món ấy đi.
Xét về mặt này, Việt Nam còn tụt hậu xa lắm, có chăng, cũng chỉ đứng trên đất nước Tiều Tiên mà thôi.
© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt
0 comments:
Post a Comment