Tuesday, January 31, 2012

Trí thức, phản biện, và Ngô Bảo Châu

Phan Bạch Quán


Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao vì lời phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu về vai trò phản biện của trí thức. Tôi tuy sống ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên theo dõi các hoạt động của Ngô Bảo Châu nên cũng muốn bày tỏ ý kiến của mình về việc này.

Để tiện cho bạn đọc theo dõi, tôi xin được dẫn nguyên văn câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và câu trả lời của Ngô Bảo Châu (1):

TTCT: TTCT: Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?

NBC: Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.

Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.

Ngô Bảo Châu định nghĩa trí thức là những người tạo ra sản phẩm trí tuệ cho xã hội, và họ có quyền chọn phản biện hay không phản biện. Ông Châu không coi “phản biện xã hội” là một chỉ tiêu mà người trí thức buộc phải có. Tuy nhiên, ông vẫn cho phản biện xã hội là một thái độ tích cực mà mọi người, trí thức hay không trí thức, đều nên làm để giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Những ý kiến phản đối Ngô Bảo Châu cho rằng lời tuyên bố trên của ông sẽ là cái cớ khiến cho nhiều người có chuyên môn, bằng cấp, học vị càng thấy họ đúng khi giữ thái độ thờ ơ trước hiện tình nguy khốn của đất nước, nói nôm na là làm cho đám “trí thức trùm chăn” càng có cớ để trùm chăn kỹ hơn nhưng vẫn vênh mặt tự hào mình là giới trí thức.

Trong những ý kiến phê bình Ngô Bảo Châu, tôi đồng ý nhất với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (khi trả lời phỏng vấn của BBC) nên xin được trích dẫn ra ở đây (2):

“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết. […] Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội. Mà hướng dẫn cộng đồng, tất nhiên là anh phản biện. Mà phản biện thì anh phải phản biện trên tinh thần độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì đó mới là trí thức.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai? Cho nên tôi nghĩ chính Giáo sư Ngô Bảo Châu mâu thuẫn, bị rơi vào mâu thuẫn, chứ thực ra thì anh ấy nói cũng không sai.”

Như thế, ngược lại với Ngô Bảo Châu, ông Nguyễn Huệ Chi cho rằng “phản biện xã hội” là tiêu chuẩn không thể thiếu của người trí thức. Nói theo ngôn ngữ toán học thì muốn trở thành trí thức điều kiện Cần là tạo ra sản phẩm trí tuệ tốt, nhưng điều kiện Đủ là phải có trách nhiệm với xã hội, tức là phải tham gia phản biện.

Một câu hỏi đặt ra ở đây: “Tại sao ông Nguyễn Huệ Chi lại cho rằng trí thức có trách nhiệm là phải tham gia phản biện xã hội?”

Để trả lời câu hỏi này tưởng cũng nên nhắc lại việc chế độ Cộng Sản thường bắt dân chúng phải biết “phê bình và tự phê bình”, gọi đó là cách thức chỉnh đốn cán bộ và làm trong sạch xã hội. Sự thật thì việc “phê và tự phê” chỉ được áp dụng cho người dân mà thôi, còn Đảng và Nhà nước thì được miễn trừ, không ai được quyền phê bình Đảng, cái-gọi-là “đỉnh cao trí tuệ”. Điều này miền Bắc đã phải chịu suốt 20 năm (1954-1975), và sau đó cả nước đã phải chịu thêm hơn 30 năm nữa.

Thế nhưng trong vài năm gần đây tình hình đã thay đổi, với sự bùng nổ về Internet, ngày càng nhiều người dám lên tiếng công khai chỉ trích phê bình những quyết định của Đảng và Nhà nước XHCNVN. Và rồi người ta không dùng chữ “phê bình” mà dùng nhóm chữ “phản biện xã hội”. Vì thế khi khi nói tới “phản biện xã hội ” thì ai ai cũng hiểu đó là “phê bình những chính sách do Đảng đề ra”, nôm na là “lên tiếng cãi lại Đảng”.

Trong quá khức Ngô Bảo Châu cũng đã hai lần tham gia “cãi Đảng”, một là vụ khai thác bô xít Tây Nguyên, hai là vụ kết án Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Chính vì thế câu trả lời của ông lần này khiến nhiều người bị sốc, sốc đến mức có người còn cho rằng Ngô Bảo Châu “đổi chiều” chỉ vì ông đã được dúi cho căn nhà trị giá 2 tỷ (VN), và mới đây, được hứa cho ngân sách 600 tỷ để hoạt động Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán mà Gs Ngô Bảo Châu làm giám đốc.

Một điểm nữa làm cư dân mạng sôi sục là vì cái giọng kẻ cả của ông giáo sư toán như trong câu: “Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội”, hay: “Cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục”. Ngô Bảo Châu đang muốn khuyên răn ai đây? Từ trước tới giờ người ta thấy chỉ có Đảng mới là không tỉnh táo và không bao giờ đưa ra được những lập luận nào vững chắc hay có tính thuyết phục cả.

Đúng ra, giới chuyên môn đã quá ngán ngẩm với những kẻ dốt nát nhưng lại thích giữ quyền chỉ đạo. Nói như Kiến trúc sư Võ Thành Lân, đó là những người không biết vẽ nhưng lại có khiếu làm người biết vẽ mất hứng. Nhiều chuyên gia đã dám công khai chống lại đường lối sai lầm của Đảng, một số đã bị bắt, trong đó có Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng, v.v...

Cái cách lảng tránh định nghĩa thực sự của nhóm chữ “phản biện xã hội” của Ngô Bảo Châu làm nhiều người thất vọng. Và dường như ông Châu cũng tự biết rằng mình không được thành thật cho lắm nên ông đã phải giải thích khá lòng vòng dông dài, điều này trái ngược với phong cách ngắn gọn và chắc nịch trong những lời ông từng phát biểu trước kia.

Riêng với tôi, tôi quý trọng Ngô Bảo Châu không phải vì ông là một thiên tài về toán mà vì ông rất hiếu học. Một bằng chứng cho lòng hiếu học là Ngô Bảo Châu thường phỏng vấn những giáo sư khác tuy những người này không nổi tiếng thế giới như ông. Tôi cho đó là sự khiêm tốn đáng quý, nhất là ở người vừa trẻ vừa tài như Ngô Bảo Châu.

Trong lúc này đây, những người có tâm huyết với đất nước đang đứng trước những chọn lựa hết sức khó khăn: Một là lên tiếng phản kháng để sẽ vào tù – Hai là ẩn nhẫn chờ thời, nhịn nhục làm việc với nhà cầm quyền để có dịp đào tạo những thế hệ trẻ tài năng cho đất nước. Tôi nghĩ Ngô Bảo Châu cũng đang phải chịu sự dằng co tinh thần gai góc như thế.


Bộ óc
Nguồn ảnh: http://home.iae.nl
Thành thật mà nói, tôi không trách Ngô Bảo Châu. Câu chuyện này chỉ làm tôi nhớ đến một lời nói của vị tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ, Tổng thống John Adams (3), “I must study politics and war, that my sons may have the liberty to study mathematics and philosophy, natural history and naval architecture, in order to give their children a right to study painting, poetry, music, architecture, tapestry, and porcelain.”

(Tạm dịch: “Tôi phải học chính trị và quân sự để rồi những đứa con tôi được tự do được học toán và triết, lịch sử thiên nhiên và kiến trúc hàng hải, để rồi cho con cái chúng cái quyền được học vẽ, học làm thơ, học nhạc, học kiến trúc, dệt vải, và làm đồ gốm.”)

Ông John Adams đâu có cho việc làm một nhà chính trị hay một nhà quân sự là cái gì ghê gớm đâu, chỉ là việc chẳng đặng đừng. Khi đất nước còn đang trong cơn hỗn loạn, dân tộc tan tác và giặc ngoài đe dọa thì làm sao một người may mắn được học hành hơn người có thể ngồi yên và chỉ biết cặm cụi với chuyên môn.

Nhờ những người có học và dám dấn thân như Luật sư John Adams mà một trăm năm sau người dân Mỹ được quyền sống chọn lựa, họ có quyền sống cái đời tầm thường của một chuyên viên, nông dân, thợ thủ công,…; họ không được ai gọi là “trí thức” nhưng vẫn có đầy đủ tự do-bình đẳng-hạnh phúc.
Hành động hy sinh ý thích riêng để gánh lấy trách nhiệm của Tổng thống John Adams nhắc cho chúng ta nhớ rằng: “Trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai?”

Cuối cùng, tôi cũng đồng ý thêm với ông Nguyễn Huệ Chi, “Nếu Ngô Bảo Châu không muốn làm công việc phản biện thì vẫn có những người khác làm”. Quả thực, chúng ta đã có những Nguyễn Văn Hải-Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên,Đoàn Huy Chương, Bùi Chát, Như Quỳnh-Mẹ Nấm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vi, Bùi Minh Hằng, Việt Khang, và rất nhiều người khác nữa . Những người này chưa đủ tiêu chuẩn là “trí thức” nhưng tiếng nói của họ chẳng phải vì thế mà kém giá trị hay không vang xa.

© DCVOnline




(1). GS Ngô Bảo Châu: bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai, Thư Hiên, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 22/01/2012
(2). GS Ngô Bảo Châu “tự mâu thuẫn”, Quốc Phương, BBC, 23/01/2012
(3). Tổng thống John Adams (1735-1826) tốt nghiệp Đại học Havard môn luật. Con trai ông, John Quincy Adams, sau trở thành vị tổng thống thứ sáu của Hoa Kỳ.


0 comments:

Powered By Blogger