(Đại chiến lược của Mỹ trong một kỷ nguyên đầy biến động)
Zbigniew Brzezinski, Foreign Affairs, January/February 2012, Trần Ngọc Cư dịch
Zbigniew Brzezinski là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 1977 đến năm 1981. Bài tiểu luận này dựa vào nội dung cuốn sách của ông, Strategic Vision: America and the Crisis of Global Power (Viễn kiến Chiến lược: Mỹ và Cuộc Khủng hoảng Quyền lực Toàn cầu), sẽ được Basic Books xuất bản vào mùa Đông này.
Thử thách chính của Mỹ trong vài thập niên tới là tạo lại sức sống mới cho chính mình, đồng thời củng cố một phương Tây rộng lớn hơn và hậu thuẫn một thế quân bình phức tạp tại phương Đông có khả năng thích ứng với địa vị toàn cầu đang lên của Trung Quốc (TQ). Muốn thực hiện thành công một nỗ lực để nới rộng phương Tây thành một khu vực dân chủ và ổn định nhất thế giới, Mỹ phải tìm cách kết hợp quyền lực với nguyên tắc. Một phương Tây có tinh thần hợp tác và rộng lớn hơn hiện nay — trải dài từ Bắc Mỹ sang châu Âu xuyên qua vùng Á Âu (bằng việc cuối cùng bao gồm luôn cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ), đến tận Nhật Bản và Nam Hàn — sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của các nguyên tắc nòng cốt trong văn hóa phương Tây đối với các văn hóa khác, nhờ vậy sẽ thúc đẩy sự xuất hiện dần dần một văn hóa chính trị dân chủ phổ quát.
Đồng thời, Mỹ phải tiếp tục dấn thân trong tinh thần hợp tác tại một phương Đông có tính năng động kinh tế nhưng cũng có tiềm năng xung đột. Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể đáp ứng lẫn nhau trên một số lớn vấn đề, viễn tượng ổn định tại châu Á sẽ gia tăng rất nhiều. Điều này đặc biệt có nhiều khả năng xảy ra nếu Mỹ có thể thúc đẩy một cuộc hòa giải thực sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời làm dịu bớt sự cạnh tranh đang gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Để đáp ứng tình hình một cách hiệu quả cả ở những vùng nằm phía tây lẫn ở phía đông của khu vực Á Âu (Eurasia), một lục địa trung tâm và trọng yếu nhất thế giới, Mỹ phải đóng một lúc hai vai trò. Mỹ phải đứng ra thúc đẩy và đảm bảo một liên minh vĩ đại hơn và rộng lớn hơn ở phương Tây và đồng thời phải quân bình lực lượng và hoà giải tranh chấp giữa các cường quốc quan trọng ở phương Đông. Cả hai vai trò đều là thiết yếu, và Mỹ phải dùng vai trò này để củng cố vai trò kia. Nhưng để có uy tín và khả năng theo đuổi thành công hai vai trò này, Mỹ phải chứng tỏ cho thế giới biết rằng Mỹ có đủ ý chí để canh tân chính mình ngay ở trong nước. Người Mỹ phải tập trung nhiều hơn nữa vào các khía cạnh tinh tế hơn của sức mạnh quốc gia, như óc sáng kiến, giáo dục, quân bình giữa quân sự và ngoại giao, và phẩm chất lãnh đạo chính trị.
MỘT PHƯƠNG TÂY RỘNG LỚN HƠN
Muốn thành công trong chức năng cổ vũ và đảm bảo một phương Tây được đổi mới, Mỹ cần phải duy trì quan hệ mật thiết với châu Âu, tiếp tục những cam kết với NATO, và cùng với châu Âu quản lý một tiến trình từng bước chào đón cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn một nước Nga thực sự dân chủ hóa hội nhập châu Âu. Để đảm bảo tầm quan trọng địa chính trị của châu Âu, Washington phải tiếp tục giữ vai trò tích cực trong vấn đề an ninh châu Âu. Mỹ cần phải khuyến khích sự thống nhất sâu sắc hơn nữa của Liên Âu (the European Union): sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp, Đức, và Vương quốc Anh — khối liên kết chính trị, kinh tế, và quân sự chủ chốt của châu Âu — phải được duy trì và mở rộng.
Để thu hút Liên bang Nga đồng thời giữ được sự đoàn kết châu Âu, cuộc tham vấn tay ba Pháp-Đức-Ba Lan có thể đóng một vai trò xây dựng cho việc xúc tiến cuộc hòa giải đang diễn ra mặc dù còn hời hợt giữa Ba Lan và Nga. Sự hậu thuẫn của EU sẽ làm cho cuộc hòa giải Nga-Ba Lan trở nên toàn diện hơn, đạt tới mức độ đã thực hiện được trong cuộc hòa giải Đức-Ba Lan, mà nhiên hậu hai cuộc hòa giải này sẽ đóng góp cho sự ổn định vững chắc hơn tại châu Âu. Nhưng muốn cho cuộc hòa giải Nga-Ba Lan trở nên bền vững, thái độ hòa giải phải được chuyển từ cấp độ chính phủ sang cấp độ xã hội, xuyên qua các cuộc tiếp xúc giữa hai nhân dân và các nỗ lực giáo dục hỗn hợp của hai nước. Những hòa giải tùy tiện giữa hai chính phủ mà không đặt cơ sở trên những thay đổi cơ bản trong thái độ của dân chúng sẽ không tồn tại lâu dài. Mô hình cần áp dụng ở đây là tình hữu nghị Pháp-Đức sau Thế chiến II, được cả Paris và Bonn đề ra ở các cấp độ chính trị cao nhất và cũng được cổ vũ thành công trên bình diện xã hội và văn hóa.
Trong khi Mỹ và châu Âu tìm cách nới rộng phương Tây, bản thân Liên bang Nga cũng cần phải diễn biến để triển khai quan hệ mật thiết hơn với EU. Lãnh đạo Nga sẽ phải đối mặt với sự kiện là tương lai của Nga sẽ trở nên bấp bênh nếu nước này vẫn còn là một không gian tương đối trống rỗng và kém phát triển giữa phương Tây giàu có và phương Đông năng động. Tình trạng này sẽ không thay đổi ngay cả nếu Nga quyến rũ được một số nước Trung Á gia nhập cái Liên minh Á-Âu theo sáng kiến kỳ lạ của Thủ tướng Vladimir Putin. Hơn nữa, mặc dù một bộ phận đáng kể trong dân chúng Nga đang đi trước chính phủ của mình trong việc cổ vũ Nga gia nhập EU, nhưng hầu hết dân Nga không biết được rằng những tiêu chuẩn để làm hội viên EU sẽ đòi hỏi ở nước Nga rất nhiều, nhất là về vấn đề cải tổ dân chủ.
Tiến trình EU và Nga xích lại gần nhau với khả năng có lúc khựng lại rồi có lúc xốc tới, tiến triển theo từng giai đoạn và bao gồm các cuộc dàn xếp chuyển tiếp. Ở một mức độ khả thi, tiến trình này phải diễn ra cùng một lúc trên các bình diện xã hội, kinh tế, chính trị, và an ninh. Càng ngày người ta càng có thể quan niệm ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các tương tác xã hội, các cơ chế hiến định và pháp lý tương tự trong các quốc gia, các cuộc thao diễn an ninh hỗn hợp giữa NATO và quân đội Nga, và cho nhiều định chế mới mẻ để điều hợp chính sách trong phạm vi một phương Tây liên tục mở rộng. Tất cả những điều này sẽ đưa đến kết quả là Nga gia tăng thái độ sẵn sàng cho việc sau cùng sẽ gia nhập EU.
Không phải là thiếu thực tế khi ta tưởng tượng một cấu hình phương Tây rộng lớn hơn xuất hiện sau năm 2025. Trong tiến trình vài chục năm tới, nước Nga có thể lao vào một cuộc chuyển hóa dân chủ toàn diện dựa vào luật pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn của EU và NATO. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một thành viên chính thức của EU. Khả năng này đặt cả hai quốc gia trên đường tiến tới hội nhập cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Nhưng ngay cả trước khi việc này xảy ra, một cộng đồng địa chính trị triển khai sâu sắc và đáng quan tâm có thể diễn ra giữa Mỹ, châu Âu (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ), và Nga. Bất cứ một lực thu hút nào lôi kéo nước Nga hướng về phương Tây đều có khả năng được dẫn đầu và được thúc đẩy bởi những quan hệ mật thiết giữa Ukraine và EU. Vì thế, cơ sở định chế của một cơ quan tham vấn tập thể (hoặc, có lẽ vào lúc đầu, một Hội đồng châu Âu mở rộng) có thể đặt tại Kiev, tức cố đô Kievan Rus, một vị trí sẽ tiêu biểu cho sức hồi sinh và phạm vi mở rộng của phương Tây.
Nếu Mỹ không thúc đẩy sự xuất hiện của một phương Tây được mở rộng, những hậu quả khốc liệt có thể xảy ra: những hận thù lịch sử có thể tìm đường sống lại, những xung đột mới về lợi ích quốc gia có thể xảy ra, và những quan hệ đối tác thiển cận để tranh giành ảnh hưởng có thể thành hình. Nga có thể khai thác lợi thế năng lượng của mình và, do sự chia rẽ của các nước phương Tây thúc đẩy, có thể tìm cách sáp nhập Ukraine một cách nhanh chóng, làm sống lại những tham vọng đế quốc của mình và tăng thêm tình trạng hỗn loạn quốc tế. Khi đó, trong tình hình một EU thụ động, từng quốc gia châu Âu một, trong nỗ lực tìm kiếm những cơ hội thương mại to lớn hơn, có thể sẽ tự mình thỏa hiệp với Nga. Người ta có thể mường tượng một kịch bản trong đó tự lợi kinh tế (economic self-interest) có thể thúc đẩy Đức hay Ý, chẳng hạn, triển khai một quan hệ đặc biệt với Nga. Pháp và Anh khi đó có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong khi tỏ ra cảnh giác với Đức, còn Ba La và các quốc gia Ban-tích thì khẩn trương tìm kiếm thêm những bảo đảm an ninh của Mỹ. Hệ quả đưa đến không phải là một phương Tây mới mẻ và đầy sức sống, nhưng là một phương Tây dần dần phân hoá và ngày càng bi quan.
PHƯƠNG ĐÔNG PHỨC TẠP
Một phương Tây phân hóa như thế sẽ không đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc để giành lấy ảnh hưởng toàn cầu. Cho đến nay, Trung Quốc chưa hề đưa ra một tín điều ý thức hệ nào để khẳng định rằng thành tích gần đây của TQ có thể áp dụng đều khắp trên thế giới, và Mỹ đã đi những bước thận trọng để không biến vấn đề ý thức hệ thành trọng điểm trong mối quan hệ với Trung Quốc. Một cách khôn ngoan, cả Washington lẫn Bắc Kinh đã chấp nhận quan niệm về “một quan hệ đối tác xây dựng” trong các vấn đề toàn cầu. Mỹ, mặc dù chỉ trích Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, nhưng đã thận trọng không bôi bác toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội Trung Quốc.
Nhưng nếu một nước Mỹ quá lo âu và một Trung Quốc quá tự tin lao vào trong một cuộc xung khắc chính trị ngày càng gay gắt, chắc chắn cả hai nước sẽ đối đầu nhau trong một cuộc xung đột ý thức hệ có tính hủy hoại lẫn nhau. Trong kịch bản đó, Washington sẽ tranh luận rằng sự thành công của Bắc Kinh đặt cơ cở trên một chế độ độc tài bạo ngược và đang gây tổn thương cho sức mạnh kinh tế của Mỹ; trong khi đó, Bắc Kinh sẽ lý giải rằng thông điệp mà Mỹ đưa ra là một mưu mô nhằm phá hoại và thậm chí có thể làm tan rã hệ thống chính trị TQ. Đồng thời, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh sự kiện là TQ đã bác bỏ thành công tính ưu việt của phương Tây, tạo ra sức hấp dẫn đối với các quốc gia trong thế giới đang phát triển, tức những nước vốn đã chấp nhận một sử quan (a historical narrative) rất thù nghịch với phương Tây và đặc biệt đối với Mỹ. Một kịch bản như thế sẽ gây thương tổn và bất lợi cho cả hai quốc gia. Vì thế, việc theo đuổi lợi ích riêng của mỗi nước cần phải thúc đẩy cả Mỹ lẫn Trung Quốc phải thể hiện một sự tự chế về ý thức hệ (ideological self-restraint), chống lại cám dỗ phổ quát hoá các đặc điểm nổi bật trong hệ thống kinh tế xã hội của riêng mỗi nước và tuyên truyền bôi nhọ lẫn nhau.
Vai trò của Mỹ tại châu Á phải là vai trò của một cường quốc có khả năng quân bình lực lượng trong khu vực, mô phỏng theo vai trò của Vương quốc Anh trên vũ đài chính trị giữa các nước châu Âu trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Mỹ có thể và phải giúp các quốc gia châu Á tránh một cuộc tranh giành quyền lực để khống chế khu vực, bằng cách làm trung gian hoà giải các xung đột và xóa bỏ những bất quân bình lực lượng giữa các quốc gia có tiềm năng trở thành địch thủ của nhau. Trong nỗ lực này, Mỹ phải tôn trọng vai trò lịch sử và địa chiến lược đặc biệt của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định trên phần lục địa Viễn Đông. Tham dự một cuộc đối thoại với Trung Quốc về vấn đề an ninh khu vực không những sẽ giảm bớt các khả năng xung đột Mỹ-Hoa nhưng còn làm giảm bớt khả năng tính toán sai lầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hay giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và thậm chí ở một thời điểm nào đó giữa Trung Quốc và Nga về tài nguyên thiên nhiên và tình trạng độc lập của các quốc gia Trung Á. Như vậy, việc Mỹ tham gia quân bình lực lượng tại châu Á nhiên hậu cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc.
Đồng thời, Mỹ phải nhìn nhận rằng tình trạng ổn định tại châu Á không còn có thể bị áp đặt bởi một cường quốc phi-châu Á; Mỹ lại càng không thể trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự của mình tại đó. Thật vậy, các nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố an ninh châu Á có khả năng rước lấy thất bại cho chính mình mà thôi, đẩy Washington vào việc lặp lại các cuộc chiến tốn kém gần đây, thậm chí có tiềm năng đưa đến việc diễn lại các biến cố bi thảm của châu Âu trong thế kỷ 20. Nếu Mỹ tạo ra một liên minh chống Trung Quốc với Ấn Độ (hay, một khả năng nhỏ bé hơn, với Việt Nam) hay hậu thuẫn việc Nhật Bản tái vũ trang chống Trung Quốc, hành động này có thể tạo hận thù nguy hiểm giữa hai cường quốc. Trong thế kỷ 21 này, một tình trạng quân bình địa chính trị trên lục địa châu Á không thể tùy thuộc vào các liên minh quân sự từ bên ngoài với các cường quốc phi-châu Á.
Nguyên tắc chỉ đạo của chính sách đối ngoại Mỹ tại châu Á là phải nêu cao nghĩa vụ của Mỹ đối với Nhật Bản và Nam Hàn trong khi không cho phép mình bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc châu Á trên lục địa. Mỹ đã có các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Nam Hàn hơn 50 năm nay; nền độc lập và sự tự tin của những quốc gia này sẽ tan vỡ — cùng với vai trò của Mỹ trong Thái Bình Dương — nếu có bất cứ một mối hoài nghi nào xuất hiện liên quan đến tính bền vững của những cam kết dài hạn mà Mỹ đã ký kết qua các hiệp định.
Quan hệ Mỹ-Nhật là đặc biệt quan trọng và phải được dùng làm bàn đạp cho một nỗ lực hiệp đồng nhằm phát triển một tam giác hợp tác Mỹ-Nhật-Trung. Tam giác này sẽ cung ứng một cơ cấu có khả năng đối phó những quan tâm chiến lược do việc gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Cũng như việc ổn định chính trị tại châu Âu sau Thế chiến II sẽ không phát triển được nếu không có sự nới rộng dần dần cuộc hòa giải Pháp-Đức sang cuộc hòa giải Đức-Ba Lan, việc quyết tâm nuôi dưỡng một quan hệ Trung-Nhật ngày càng sâu sắc sẽ là điểm xuất phát để tiến tới tình hình ổn định rộng lớn hơn tại Viễn Đông.
Trong bối cảnh quan hệ tam giác này, nỗ lực hòa giải Nhật-Trung sẽ đóng góp cho và củng cố một sự hợp tác Mỹ-Trung toàn diện hơn. Trung Quốc thừa biết rằng cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản là một lập trường kiên định, rằng sự ràng buộc giữa hai nước là sâu sắc và đích thực, và rằng tình hình an ninh của Nhật Bản là trực tiếp lệ thuộc vào Mỹ. Và vì một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc sẽ tàn phá cho cả đôi bên, Tokyo hiểu rằng việc Mỹ đối thoại với Trung Quốc là một đóng góp gián tiếp cho chính an ninh của Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không nên coi việc Mỹ hậu thuẫn an ninh của Nhật Bản như một mối đe dọa, và Nhật Bản cũng không nên coi việc theo đuổi một quan hệ đối tác Mỹ-Trung mật thiết hơn và rộng rãi hơn như một hiểm họa đối với chính lợi ích của Nhật Bản. Một quan hệ tam giác càng sâu sắc, nếu diễn ra tố đẹp, cũng có thể giảm bớt những lo ngại của Nhật Bản về khả năng đồng Nhân dân tệ nhiên hậu có thể thành một trữ kim thứ ba của thế giới, vì khả năng này sẽ củng cố thêm phần hùn hạp của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế hiện hữu và có thể giảm bớt những lo lắng của Mỹ về vai trò tương lai của Trung Quốc.
Trong một bối cảnh cần gia tăng sự hòa hợp khu vực và mở rộng quan hệ song phương Mỹ-Trung nói trên, có ba vấn đề nhạy cảm Mỹ-Trung cần phải được giải quyết một cách hòa bình: vấn đề thứ nhất nằm trong tương lai gần, vấn đề thứ hai trong vài năm tới, và vấn đề thứ ba có lẽ nằm trong khoảng một thập kỷ tới. Thứ nhất, Mỹ phải xét lại những hoạt động thám thính của mình trên các đường biên lãnh hải Trung Quốc, cũng như việc hải quân Mỹ tuần tra có định kỳ trên hải phận quốc tế nằm ngay trong khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Những hành động này là khiêu khích đối với Bắc Kinh – một cảm thức mà Washington sẽ nhận thấy nếu Bắc Kinh đưa tàu tuần tra vào khu đặc quyền kinh tế của Mỹ. Ngoài ra, những phi vụ thám thính trên không của quân đội Mỹ đặt ra những rủi ro có thể đưa đến những tai nạn máy bay không cố tình, vì không lực Trung Quốc thường phản ứng lại các phi vụ như thế của Mỹ bằng cách gửi máy bay chiến đấu lên giám sát cận cảnh (close-up inspection) và đôi khi sách nhiễu máy bay Mỹ.
Thứ hai, với sự kiện Trung Quốc tiếp tục hiện đại hoá các khả năng quân sự cuối cùng có thể tạo ra nhiều mối lo ngại chính đáng cho Mỹ về vấn đề an ninh, kể cả về các cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và Nam Hàn, hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cần phải đối thoại bằng các cuộc tham khảo ý kiến thường xuyên liên quan đến việc vạch ra các kế hoạch quân sự dài hạn và tìm cách soạn thảo các biện pháp trấn an lẫn nhau.
Thứ ba, địa vị tương lai của Đài Loan có thể trở nên một vấn đề tranh cãi gay gắt nhất giữa hai cường quốc. Washington không còn nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, mà lại công nhận quan điểm của Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc và Đài Loan thuộc về một quốc gia duy nhất. Nhưng đồng thời, Mỹ lại bán vũ khí cho Đài Loan. Như vậy, bất cứ một cuộc hòa giải Mỹ-Trung dài hạn nào trong tương lai cũng phải đối phó với sự kiện này: một Đài Loan biệt lập, được bảo vệ vô thời hạn bằng những thương vụ vũ khí của Mỹ, sẽ kích động thêm thái độ thù nghịch ngày càng gay gắt của Trung Quốc. Một giải pháp sau cùng dựa vào đường lối của công thức nổi tiếng “một quốc gia, hai hệ thống” do cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đưa ra cho tình trạng của Hồng Kông, nhưng được định nghĩa lại là “một quốc gia, nhiều hệ thống”, có thể dùng làm cơ sở cho việc Đài Loan cuối cùng tái hội nhập với Trung Quốc, trong khi vẫn cho phép Đài Loan và Trung Quốc duy trì các tổ chức chính trị, xã hội, và quân sự riêng biệt (đặc biệt, loại trừ cả khả năng bố trí quân Giải phóng Nhân dân trên đảo Đài Loan). Bất chấp cả công thức chính xác vừa nói, trong tình hình sức mạnh của Trung Quốc ngày càng bành trướng và những quan hệ xã hội giữa Đài Loan và lục địa đang gia tăng nhanh chóng, nhiều người đâm ra hoài nghi Đài Loan có thể tránh mãi một cuộc kết hợp chính thức với Trung Quốc.
TIẾN ĐẾN HỢP TÁC HỖ TƯƠNG
Hơn 1.500 năm về trước, trong nửa phần đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, chính trị của những vùng tương đối văn minh của châu Âu phần lớn được chi phối bởi sự tồn tại cùng một lúc hai nửa đông, tây riêng biệt của Đế quốc La Mã. Đế quốc La Mã phương Tây, mà thủ đô là Rome trong phần lớn lịch sử, phải đối đầu với các cuộc chiến tranh tàn phá do người man rợ (barbarians) gây ra. Với quân đội thường xuyên trú đóng ở nước ngoài và cần được tăng cường một cách tốn kém, quyền lực chính trị của Rome bị phân tán mỏng và đi đến chỗ phá sản vào giữa nửa sau của Thế kỷ 5. Trong khi đó, những cuộc xung đột chia rẽ giữa người Ki-tô giáo với người ngoại giáo đã phá hoại sự cố kết xã hội (social cohesion) của Rome, đồng thời sưu cao thuế nặng và nạn tham nhũng cũng làm kiệt quệ sinh lực kinh tế của đế quốc này. Năm 476, vào thời điểm người man rợ giết chết Romulus Augustulus, Đế quốc La Mã phương Tây lúc bấy giờ vốn đang hấp hối chính thức sụp đổ.
Trong cùng giai đoạn nói trên, Đế quốc La Mã phương Đông – không lâu về sau được gọi là Byzantium – chứng tỏ có sức sống đô thị năng động hơn, tăng trưởng kinh tế, và thành công trong các chính sách ngoại giao và an ninh. Sau khi Rome sụp đổ, Byzantium còn tiếp tục sự phồn thịnh của mình qua nhiều thế kỷ. Nó chinh phục nhiều vùng của Đế quốc La Mã phương Tây cũ và tiếp tục tồn tại (mặc dù về sau trải qua nhiều xung đột) cho đến khi người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman trỗi dậy vào Thế kỷ 15.
Những khó khăn nghiệt ngã mà Rome [Đế quốc La Mã phương Tây] trải qua vào giữa Thế kỷ 5 không hề gây phương hại đến viễn ảnh đầy hi vọng của Byzantium [Đế quốc La Mã phương Đông], vì trong giai đoạn đó, thế giới bị chia ra nhiều phần riêng biệt có tính cô lập địa lý và cách ly nhau về chính trị và kinh tế. Số phận của vùng này không trực tiếp và nhanh chóng ảnh hưởng đến viễn ảnh của vùng khác. Nhưng tình hình không còn như thế. Ngày nay, khoảng cách không gian đã trở nên vô nghĩa do khả năng trực tiếp truyền thông và tốc độ cực nhanh của các dịch vụ thanh toán tài chính, sự thịnh vượng của những vùng tiên tiến nhất thế giới đang trở nên ngày càng lệ thuộc vào nhau. Trong thời đại của chúng ta – không như 1.500 năm về trước — phương Tây và phương Đông không thể thờ ơ lãnh đạm với nhau: sự quan hệ của chúng chỉ có thể hoặc là hợp tác hỗ tương hoặc là hủy hoại nhau mà thôi.
Bản tiếng Việt: Vanchuongviet.org
0 comments:
Post a Comment