Kinh Tế Mới - Tội ác Chiếm Đoạt Tài Sản, Giết người : Đảng CS Việt Nam
Chính sách Xây dựng các vùng kinh tế mới: CS Việt nam vi phạm Nhân quyền trầm trọng
Bách khoa toàn thư Wikipedia
Xây dựng các vùng kinh tế mới là là một chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, chuyển một khối lượng lớn dân cư từ các vùng đồng bằng và thành phố tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo. Chính sách này được triển khai tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1961 và trên toàn quốc từ sau khi đất nước thống nhất cho đến tận năm 1998. Trong 27 năm, Việt Nam đã di chuyển có tổ chức được 1.368.691 hộ, trong đó di cư trong nội bộ tỉnh là 702.761 hộ với 3 342.253 người, từ tỉnh này sang tỉnh khác là 665.930 hộ với 2.809.373 người.[1]
Chủ trương
Lý do kinh tế
Nhà tranh vách đất
Nhà vách đất chiếm đa số trong thời kỳ đầu khai hoang ở Tây Nguyên
Năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết đại hội về các nhiệm vụ của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất,[1] trong đó có đoạn:
“ Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau. ”
Chủ trương này của Đảng Lao động Việt Nam được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng lên sinh sống và sản xuất tại các địa phương miền núi và trung du phía Bắc.
Năm 1976 sau khi hai miền Nam Bắc thống nhất, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV về Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980[2] có đoạn:
“ Sử dụng hết mọi lực lượng lao động xã hội; tổ chức và quản lý tốt lao động, phân bố lại lao động giữa các vùng và các ngành nhằm tăng rõ rệt năng suất lao động xã hội. ”
Trong khi việc di dân từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh biên giới vẫn được tiếp tục, các chương trình di chuyển lao động và di dân từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc tới Tây Nguyên (đặc biệt là Đăk Lăk, Lâm Đồng), Đông Nam Bộ (đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), di dân từ thành phố Hồ Chí Minh[3] sang các địa phương nông thôn ở Đông và Tây Nam Bộ được triển khai.
Việc tổ chức di dân được giao cho chính quyền các địa phương và Tổng cục Khai hoang xây dựng kinh tế mới và sau này là Ban chỉ đạo Phân bố lao động và dân cư trung ương thực hiện.
Nhà nước khuyến khích mọi người lao động và gia đình chuyển đến làm ăn các vùng kinh tế mới, trước hết là lao động những vùng nông thôn có mức bình quân ruộng đất thấp và không có điều kiện phát triển ngành nghề, lao động ở thành thị thiếu việc làm hoặc không có điều kiện để được sử dụng hợp lý.
Các thành phần ở vùng kinh tế mới tuyển lao động theo độ tuổi tối đa 40 đối với nam và 35 đối với nữ. Đối với người có nghề chuyên môn, dân tộc ít người, hoặc trường hợp cần tuyển cả vợ chồng thì có thể tuyển với độ tuổi cao hơn (nam 45, nữ 40).
Miền đất đến chủ yếu là vùng làm kinh tế ở hải đảo, vùng sâu vùng xa, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Người dân miền Bắc theo các chuyến tàu Bắc Nam, Người miền Nam theo xe đò được cấp tiền vé, trang bị cho mỗi lao động hai công cụ sản xuất thích hợp. Các gia đình có nhiều khó khăn được trợ cấp, được bảo vệ sức khỏe, cung cấp hàng hóa trước khi lên vùng kinh tế mới, mua mặt hàng theo tem phiếu đã cấp. Khuyến khích làm kinh tế gia đình.
Lý do chính trị
Sau năm 1975 ngoài lý do kinh tế, việc di dân ra vùng kinh tế mới còn có chủ ý chính trị để giảm số người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn để dễ kiểm soát phần tử chống đối.[2] Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi kinh tế mới gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di chuyển ra vùng nông thôn.[3]
Theo lệnh ngày 19 Tháng Năm 1976 thì chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới:[4]
Dân thất nghiệp
Dân cư ngụ bất hợp pháp
Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân
Tiểu thương gia, tiểu địa chủ, đại thương gia
Người gốc Hoa, dân theo đạo Công giáo.
Chỉ tiêu là di chuyển 1.200.000 dân trong đô thành Sài Gòn ra ngoài thành phố. Con số đại thương gia còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh không được hơn 10% tổng số nguyên thủy.:[5]
Thực hiện
Tổng kết di dân vùng kinh tế mới[6]
Kế hoạch 5 năm Chỉ tiêu Thực hiện Trung bình mỗi năm
1976-1980 4 triệu 1,5 triệu 304.120
1981-1985 1 triệu 1,3 triệu 251.460
1986-1990 1,6 triệu 1,1 triệu 228.520
1991-1995 1 triệu 0,9 triệu 180.400
1996-2000 1 triệu 0,2 triệu 105.350
Tổng cộng 8,6 triệu 5 triệu 239.700
[sửa] Thi hành
Việc thực hiện xây dựng khu kinh tế mới có hai phần: phần đất tư hữu và phần đất công của hợp tác xã. Theo phương thức sau năm 1975 thì mỗi hộ được phát 500 m² "đất sản xuất" để tự túc trồng trọt lương thực. Trên mảnh đất đó nông dân được quyền canh tác theo ý muốn sau khi đã đóng góp tám giờ mỗi ngày cho hợp tác xã. Chính phủ sẽ giúp đỡ trong sáu tháng đầu. Sau đó thì phải tự lo lấy.[7]
Trợ giúp từ chính quyền gồm:[6]
Vé xe chuyên chở từ nhà đến vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu chí điểm ở xa thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người
Hai dụng cụ canh tác, thường là cuốc, thuổng
700-900 đồng để dựng nhà ở vùng kinh tế mới
100 đồng đào giếng, 100 đồng mua ghe thuyền nếu ở vùng sông rạch
1 đồng mỗi ngày nếu đau ốm, không lao động được; 50 xu mỗi ngày tiền thuốc khi bệnh; 150 đồng để mai táng nếu chết.
Đối với khu vực kinh tế quốc doanh thì hoạt động theo mô hình hợp tác xã: công trình phục vụ sản xuất, đời sống chung cho toàn vùng, (như đê, đập, cầu, âu kè, cống, đường sá, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu...), công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu, xây dựng cải tạo đồng cỏ, khai hoang trồng rừng, chăm sóc và tu bổ rừng tự nhiên.
Các công trình phúc lợi công cộng: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế, cửa hàng hợp tác xã mua bán. Trụ sở làm việc, nhà hội họp v.v.
Những hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đã có ở vùng còn đất hoang hoá, đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu và xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng. Riêng đối với các cơ sở của đồng bào định canh định cư, trồng cây dài ngày, cây đặc sản, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.
Chi thu của hợp tác xã được ấn định phải chi như sau:[8]
30% trả thuế;
25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước;
15% trả lương cho cán bộ quản lý hợp tác xã;
30% còn lại chia cho các thành viên của hợp tác xã tính theo số điểm.
Theo chế độ tem phiếu thời bao cấp, người lao động trong hợp tác xã được phép mua 18 kg gạo/tháng ở giá chính thức. Người lao động phụ: 16 kg; người không lao động: 9kg.[6]
Tổ chức các đơn vị hành chính (xã, ấp, thôn xóm...) để chăm lo cho nhân dân mới đến các yêu cầu về bảo vệ trật tự an ninh, về quản lý dân chính và các vấn đề xã hội khác.
Vùng Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng kinh tế mới lớn nhất và lớn hơn nhiều các vùng kinh tế mới khác.
Một làng dân miền Bắc đi kinh tế mới sau 29 năm ở Tây Nguyên
trước phong trào xây dựng kinh tế mới, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn sống du canh du cư, thâm canh trong nông nghiệp vẫn còn ít chú trọng. Người Kinh chủ yếu tập trung quanh thành phố Đà Lạt và các thị xã Buôn Mê Thuột, Pleiku, Kom tum từ lâu như các công nhân trong các đồn điền của Pháp, và những người cộng tác với Pháp sinh sống tại Đà Lạt ngoài ra còn có một số làng người Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 – 1956. Họ làm chủ yếu là lúa nước, lúa rẩy, v.v.. Một số làm công nhân tại các đồn điền cà phê, cao su v.v.. tại Tây Nguyên.
Ở Tây Nguyên được tổ chức theo các đơn vị sản xuất kinh doanh, khai hoang trồng mới cà phê, cao su tại các đồn điền cũ. Các nhóm này hình thành theo đơn vị tập thể, các đơn vị này tổ chức theo các đội sản xuất trong các nông trường quốc doanh. Đời sống kinh tế theo chế độ bao cấp, làm hưởng theo công điểm, thời gian làm theo giờ hành chính, tiếng kẻng là hiệu lệnh làm và nghỉ của đội sản xuất. Các đơn vị quốc doanh, được tổ chức vừa sản xuất và quản lý trong lĩnh vực hành chính với công nhân mình trong vùng mình quản lý (Vì lý do địa hình quản lý của chính quyền rộng, đất đỏ Bazan, địa hình phức tạp).
Kinh Tế Mới - Tội ác Chiếm Đoạt Tài Sản, Giết người : Đảng CS Việt Nam
Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ
Tác Giả: Trần Đông Thành
Sau khi Cộng Sản tiến chiếm miền Nam, từ năm 1975 đến 1982 mọi gia đình dân miền Nam Việt Nam đều sống cảnh bần cùng đói khổ.
Trong chiến dịch "Đánh tư sản mại bản" một cụm từ của Cộng Sản đầy sắt máu: nhiều người bị cướp hết của cải, tức tưởi phải tự vận. Cộng Sản đẩy dân từ "Tư sản" hoá thành "Vô sản", mọi người dân không nhà cửa, không cơm ăn áo mặc, không công ăn việc làm.
Gia đình tôi, hai vợ chồng 4 đứa con sống còn tính từng ngày, từng giờ. Cơm ăn bữa đói bữa no. Tôi hình thể ốm lòi xương sườn, xương cổ nhưng mỗi ngày phải thức sớm đi bộ xa 5 cây số để “lao động xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là lao động không lương, khiêng gạo cho cán bộ cất vào kho không có lương.
Thằng con trai mới 15 tuổi tối ngày lặn lội ven sông nay Xóm củi mai cầu Rạch Ông, mình mẫy sình lầy, mò lon nhôm hay bịt nilon kiếm tiền mua gạo phụ giúp gia đình.
Đứa con gái kế đi ở đợ cho gia đình cán bộ phường huyện gì đó. Tiền công có bữa có bữa không. Nếu ngần ngại không hở môi thì không có gì xảy ra bằng hỏi trả công sẽ được nhà cách mạng nhiếc mắng miệng lưỡi của bộ đội vượt đường mòn Hồ Chí Minh "Không biết thân phận "Ngụy quân ngụy quyền hả?, AK đâu, tụi mày chưa học tập tốt, ông xả một tràng AK cho chúng chết ráo".
Đứa trai thứ ba bán củi hay đồ đạc lượm hay chôm vách hàng rào gãy căn nhà ở góc hẻm nào đó, có khi được vài đồng tiền Hồ chí minh; có khi không được tiền còn phải chạy vắt dò lên cổ khi thấy dạng "Bò vàng" là tên tộc của công an Cộng sản.
Theo “chính sách” những gia đình thuộc diện “nguỵ quân, nguỵ quyền” phải di dân ra ngoài thành phố hoặc đi kinh tế mới vùng Lê Minh Xuân, hoặc là kinh tế mới Sông Bé. Ở đó không đèn, không chợ, không xe cộ, chỉ một căn chòi lá với 4 cây cột cái bằng tre, bốn bên vách trống lỏng. Chung quanh toàn rừng rậm và thú dữ.
Gia đình tôi có tên trong danh sách cưỡng bách hồi hương hoặc đi kinh tế mới và được đưa đi kinh tế mới Lê Minh Xuân, một vùng đất khô cằn bao quanh 3 dãy nhà, mỗi dãy khoảng 50 căn nhà. Kể là nhà vỉ là nơi che nắng che mưa cho người ở chớ nói đúng nghĩa là một túp lều tranh. Lều dựng trên 4 thanh tre tào xơ xác không vách, khônh cửa, không giường, không mền, không chiếu. Khó biết phiá nào là cửa chánh. Bốn bề vuông vức trống phộc, gió thổi đằng trước luồn ra đằng sau.
Chúng tôi vợ chồng con cái ôm nhau ngủ lấy hơi thở sưởi ấm cho qua đêm. Vì mệt mỏi nên ngủ ngon không hay biết gì muỗi rừng cắn u nần. Sáng sớm hôm sau một vật gì đè nặng, cảm giác âm ấm coi lại là nóc nhà lá mía sập đè lên thân chúng tôi. Chúng tôi lồm cồm bò dâỵ và chỉ biết cười với nhau mà thôi. Hàng xóm cùng số phận "giãn dân thành phố" mặc dầu bà con trong xóm không quen biết nhau nhưng đều cảm thông số phận người bị đày, ân cần hỏi han và đến giúp một tay dựng lại túp lều bị tranh đổ nát qua cơn gió nhẹ của thời tiết.
Tôi mình trần trụi ra rừng đốn tre và gom bó vác về làm giường tre cho đỡ hơi đất độc. Rừng đúng với nghĩa của rừng rú nào gồm dây leo lạ lùng với lá đài, bẹ dài và mỏng dài hàng trăm thước bò quanh theo các cây sao, cây dầu gốc già lớn. Tre bụi to mọc đầy rừng khó lắm mới tìm được chỗ đi. Không có đường mòn vì không có người đi, nơi đây nhiều rắn rít và cây mọc chằng chịt. Đi một buổi trưa mà tôi chặt đôi 5 con rắn lục dài 2 đến 3 thước. Một con vật 4 chân bị động rừng chúng bỏ chạy từ đàng xa có lẽ là con nhím vì thấy nó chùn mình phóng tới đồng thời vật nhỏ bắn ra tứ phía thân nó.
Ngày hôm sau tôi và con trai lớn đi rừng đốn củi quảy về một gánh nặng xệ bờ vai. Kiếm củi dễ nhưng đi tìm nó rất nguy hiểm vì phải băng rừng lội suối khi về nhà tôi bị gai cào rách da. Nhiều người sáng sớm có mặt ở sâu trong rừng để kiếm củi gánh đến các tỉnh lân cận bán mua gạo về nhà nuôi gia đình. Ban tối không ai đến nhà ai vì trời tối om giơ bàn tay lên cũng không thấy. Một vài căn nhà có tí đèn dầu hôi cũng chỉ lập lò một chút thì bị tắt vì gió thổi ào ào.
Qua những ngày kế tiếp vợ con tôi bị bệnh phần thiếu ăn, phần lạnh lẽo. Gió rừng lạnh và độc. Mấy ngày liền tôi bị mất ngủ lo sức khỏe của vợ yếu con thơ. Chúng còn nhỏ quá không chịu nổi cảnh sơn lam chướng khí. Khu Kinh Tế Mới không có cả nước uống, tôi phải vô rừng xách từ sô để dành uống và giặt giũ. Đêm nằm, suy nghĩ một mình, tôi biết mình phải tính cách khác chớ ở đây người ta xô mình vào cõi chết mà không chút thương xót.
Và tôi thấy cách duy nhất là phải đi gặp người bạn thủy thủ, tìm cách vượt biên.
Tôi qua Mỹ với hai đứa con lớn. Mẹ nó ở lại với hai con nhỏ. Gia đình chia đôi. Người nơi kẻ ngả không hy vọng gì gặp lại. Người đi xa kể như chết, kẻ ở lại lưu lạc mất danh mất tánh.
Nhờ ân đức Trời Phật phù hộ, ba cha con tôi được định cư tại Mỹ. Mặc dù nước Mỹ giầu có, thừa mọi phương tiện, nhưng hồi mới định cư tại vùng San Jose, ba cha con tôi hoàn toàn không có gì. Xe hơi không có, tiền không có, nhà thì ở share phòng người bạn.
Nhờ trời cũng thương, tôi xin được job bỏ báo Mecury hàng ngày, nhờ bạn bè thương cho mượn xe mỗi lần giao báo. Đi bỏ báo một mình, có lần tôi chạy trật đường bị manager gọi lên văn phòng đòi đuổi việc. Năn nỉ khô nước miếng mới được tiếp tục làm việc.
Hai đứa con xin đi hái trái cây, bò và lết từ tờ mờ sáng tới chiều tối nhà cửa thiên hạ lên đèn mới sắp sửa về. Con về than uể cả cặp giò, đứng lên không muốn nổi, tối thức khuya học bài không kịp.
May mà ở Mỹ nhà nước lo cho người nghèo nhiều. Họ giúp job công ăn việc làm khả năng mình. Giúp housing. Trợ cấp welfare gia đình có con nhỏ. Xe bus chạy qua các con đường trong xóm.
Sau một thời gian dài tôi tìm được chỗ bán cho một cây xăng lương kha khá. Hai đứa con nghe và nói lỏm bỏm tiếng Anh, một đứa bán vé hát cho rạp cinema, một đứa xét vé vô cửa flea market. Chúng tôi dành dụm được số tiền hàng tháng gửi về cho mẹ và hai con ở Việt Nam.
Sau này hai con tôi tốt nghiệp Đại học. Một đứa làm mangager cho IBM, hãng có tầm mức lớn trên thế giới, một đứa làm chi nhánh Bank of Amerca, ngân hàng danh tiếng trên khắp toàn cầu. Tôi giữ tiền của chúng làm và mua được một căn nhà 3 phòng, 2 phòng tắm.
Nhờ nhà nước Mỹ có lập chương trình ODP, tôi bảo lãnh vợ và hai con qua đoàn tụ. Hai đứa sau có cơ hội học tập cũng ra trường Doctor ,cùng làm việc ở Valley Medical Heath center, bệnh viện lớn ở California. Tôi lại mua thêm một căn apartment cho mướn. Hai năm sau nhà cửa lên giá bây giờ value of property là 700,000 dollars.
Gia đình, sự nghiệp tốt đẹp có được ngày hôm nay phải nói là nhờ chánh phủ Mỹ hỗ trợ và giúp cho con cái tôi hội đủ điều kiện thành công.
Bốn đứa con đi làm về đầy đủ, mỗi đứa chạy một Mecedes. Gia đình quây quần bữa cơm chiều, nhìn đồ ăn ngon lành dọn ra ê hề mà sót cho bà con quê cũ.
Con tôi kể lại câu chuyện thương tâm ở nhà thương:
- Hôm nay con trị bịnh Tuberculosis of the lungs cho 10 gia đình đồng bào mình ở Việt Nam mới qua theo chương trình ODP.
Đứa con thứ nghe kể buồn lòng bỏ đi vô phòng. Vợ tôi thở hơi ra chán nản:
- Không biết chừng nào dân mình mới bớt khổ.
Tôi ngồi nhâm nhi cốc trà xâm thơm ngon mua ở một tiệm thuốc Bắc từ Chinese Town tận San Francisco; ấm trà bằng đá hoa cương minh họa cảnh thiên nhiên tiên phong đạo cốt ngư, tiều, canh, mục made in Japan.
Sau khi ăn cơm tối xong vợ xem TV đài SABN mở rộng tầm hiểu biết thế giới, tôi lấy ra vài tờ báo Việt Nam đọc tin tức hoàn cầu và tin trong nước. Tôi xem đi xem lạimấytấm hình trong báo, không tin nhưng mà có thật. Đó là tấm hình chụp ở thành phố Hồ Chí Minh "Một bác phu xích lô ốm lòi xương cổ chở lúc nhúc một xe 12 đứa con nít đi học", "Một người đàn bà nhỏ thó cởi xe Honda ôm một lúc chở gia đình 4 người chạy trên con đường đại lộ nứt nẻ". Tôi gọi má bầy trẻ lại gần để xem thời sự trang báo:
- Có phải cảnh tôi hồi trước không mình?
Bà xã tôi cười xoà:
- Nếu mình còn ở lại Việt Nam, chế độ Cộng Sản là như vậy đó!
Tôi trầm ngâm nhớ lại những ngày học tập cải tạo ở Suối Máu và những ngày gia đình, những người thân yêu lăn lóc ở kinh tế mới Lê Minh Xuân mà rùng mình.
Kinh Tế Mới - Tội ác Chiếm Đoạt Tài Sản, Giết người : Đảng CS Việt Nam
Hơn 300 hộ dân KTM bị Đảng CS VN bỏ quên trong... núi
Nhận được báo cáo của UBND huyện Đắc Glong về nạn phá rừng tại khu kinh tế mới Đắc Nang, xã Đắc Som; lãnh đạo tỉnh Đắc Nông tức tốc chỉ đạo kiểm tra. Kết quả, không phải dân di cư tự do (DCTD) phá rừng như huyện nói, mà có một dự án ổn định dân DCTD bị bỏ quên từ... 6 năm qua.
Vật vờ trong khe núi
Theo báo cáo ngày 21/3/2006 của đoàn kiểm tra liên ngành, có 353 hộ (2.130 khẩu) đang sinh sống tại vùng núi giáp ranh các xã Đắc Som, Đắc Plao, Đắc R'măng, Quảng Khê (huyện Đắc Glong). Đây là số dân hưởng lợi từ dự án ổn định dân DCTD do huyện Đắc Glong (huyện Đắc Nông cũ) thực hiện từ năm 2001. Hiện tại, đời sống của các hộ này hết sức khó khăn.
Thôn trưởng thôn 1 Giàng A Sì cho biết: "Các hộ đang sống ở đây là dân DCTD từ các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái vào huyện Krông Nô tìm đất mưu sinh. Thấy vùng Nâm Nung có địa thế bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại gần nguồn nước nên mấy trăm hộ ráp lại lập làng.
Năm 2000, nghe theo sự vận động của huyện và tỉnh, chúng tôi mới dời về đây. Nhà nước có làm cho một con đường cấp phối, cấp hộ khẩu, thành lập 3 thôn (tức các thôn 1,2,3 thuộc xã Đắc Som - NV) để chúng tôi định cư lâu dài. Không ngờ địa hình Đắc Nang hiểm trở quá, đất đai cằn cỗi, lại không có thuỷ lợi nên bà con làm mãi vẫn không kiếm đủ cái ăn.
Người dân thôn tôi phải xâm canh sang các xã Đắc Plao, Đắc R'măng, Quảng Khê... Vài người có ít đất gần thôn trồng điều, nhưng điều cao bằng nóc nhà vẫn không ra trái".
Còn ông Ka Măng - Chủ tịch UBND xã Đắc Som - tiết lộ: "Do không có đất sản xuất, trước đây dân Đắc Nang sinh sống chủ yếu bằng nghề... săn bắt thú rừng. Bây giờ họ đói là do thú rừng cạn kiệt". Hơn 300 hộ chen chúc trong một khe núi hẹp, không hộ nào có nhà vệ sinh, giếng nước... Cả khu kinh tế mới tù túng, nồng nặc một mùi hôi khó tả.
Khu kinh tế trên... giấy
Ông Vũ Mạnh Khuông - Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành - cho biết: "Theo Quyết định số 1535/QĐ-UB, ngày 29.5.2001 của UBND tỉnh Đắc Lắc cũ, vùng dự án có 1.300ha đất nông nghiệp, 1.100ha đất lâm nghiệp, 70 giếng nước, 4 công trình thuỷ lợi, 24 phòng học v.v... Tổng mức đầu tư của dự án là 16,4 tỉ đồng (giá năm 2001), chưa tính gỗ tận thu và công sức của dân.
Theo thiết kế, vùng dự án nằm trong 3 tiểu khu 961, 969 và 1026, nhưng do vừa thiết kế, vừa thi công, vừa đưa dân vào ở nên dẫn tới sự lộn xộn. Huyện Đắc Nông phát hiện hai tiểu khu 969 và 1026 có địa hình núi cao hiểm trở, không thể đưa dân vào, nên việc mở đường dừng lại nửa chừng. Toàn bộ số dân của dự án bị dồn hết vào tiểu khu 961, thay vì 3 tiểu khu...".
Khắc phục không dễ
Sở NNPTNT đề nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2008, nhằm hoàn tất... một phần các hạng mục đã được UBND tỉnh Đắc Lắc cũ phê duyệt. Đề nghị này bị bác bỏ với lý do "dự án do UBND tỉnh Đắc Lắc cũ phê duyệt đã bị... phá sản".
Theo đó, tháng 5.2006, Sở KHĐT đề xuất xây dựng một số công trình giao thông nội vùng, thuỷ lợi nhỏ, trường học khoảng 11,3 tỉ đồng. Với những công trình này (nếu được chấp thuận đầu tư), không có nghĩa là 353 hộ sẽ hết khó khăn.
Ông Ka Măng - Chủ tịch UBND xã Đắc Som - trăn trở: "Dân khó khăn là do thiếu đất. Chưa cấp đất ở, đất sản xuất cho dân là chưa giải quyết được cái gốc vấn đề. Rồi nữa, hơn 2.000 người lấy nước ăn ngoài con suối cạn mà tắm giặt, đi... vệ sinh cũng ở đó, ô nhiễm lắm...".
Như vậy, dù được "phát hiện" rồi, nhưng Đắc Nang vẫn còn "ngổn ngang trăm mối".
Theo Lao Động
Kinh Tế Mới - Tội ác Chiếm Đoạt Tài Sản, Giết người : Đảng CS Việt Nam
Khu kinh tế mới Minh Châu đang tái hoang hóa?
(Dân trí) - Sau gần 9 năm khởi công xây dựng, Khu kinh tế Minh Châu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đến nay vẫn án binh bất động chẳng khác nào một cánh đồng hoang…
Khu kinh tế mới Minh Châu đang tái hoang hóa
Không biết đến khi nào công trình thuỷ lợi mới này hoàn thành.
Từ trung tâm huyện Quế Phong, phi xe máy trên con đường rừng khúc khuỷu, vượt qua 15km cùng con dốc Chuối kinh hoàng, chúng tôi có mặt tại khu kinh tế mới Minh Châu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong).
Gọi là khu kinh tế mới nhưng Minh Châu chẳng khác một ngôi làng hoang. Khởi công từ năm 2001 với số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ đồng, chính quyền đã đưa hơn 180 hộ người H’Mông, Khơ Mú từ các bản vùng cao Huồi Xá 1, Huồi Xá 2, Huồi Mới 1, 2, Nậm Tột, Piềng Luống, Pả Khổm xuống núi với hi vọng tìm được cuộc sống no ấm, ổn định.
Theo đó, mỗi hộ gia đình được cấp 500m2 đất ở, hơn 1.500m2 đất vườn ở và 2,7 triệu đồng làm nhà, hỗ trợ cây, con để ổn định sản xuất. Mỗi khẩu được cấp 150m2 ruộng lúa nước, 200m2 đất màu.
Chính quyền cũng xây dựng 40 bể nước sạch, hướng dẫn bà con cách canh tác lúa nước, hỗ trợ gạo, muối, dầu thắp sáng, xây dựng điểm trường, cứu đói khi mùa giáp hạt đến… để bà con yên tâm định cư ở quê mới.
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau họ đã thất vọng rồi kéo nhau trở lại bản cũ để tiếp tục cuộc sống du canh du cư phá rừng làm rẫy. Qua quan sát, khu kinh tế mới này chỉ thấy còn lại những căn của đóng then cài, mối mọt…
Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, dẫn chúng tôi đi thực địa thở dài: “Người dân về bản hết rồi anh chị. Chỉ còn mấy đứa trẻ ở lại để trông nhà và đi học thôi. Minh Châu giờ buồn lắm!”. Lý do khiến người dân phải rời bỏ “quê mới” cũng khiến những người có trách nhiệm phải nhìn lại: Không có nước để sản xuất!
Minh Châu vốn là một vùng đất bằng phẳng bám mặt đường liên xã nối quốc lộ 48. Đây cũng là lý do để Quế Phong chọn nơi đây để xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, từ khu kinh tế mới Minh Châu để đến được với nguồn nước gần nhất cũng phải mất gần 8km.
Thực ra khi triển khai dự án, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng để xây dựng đập nước Kẽm Ải (bản Đôn, xã Tri Lễ) với gần 10km mương bê tông dẫn nước tưới tiêu trong đó có gần 40 ha lúa nước và hàng chục ha đất màu của Khu kinh tế Minh Châu.
Nhưng khi xây dựng xong thì… nước chỉ về đủ để làm ướt một mảnh ruộng bằng cái sân nhỏ. Không có nước thì hiển nhiên không thể cày cấy vì thế hàng chục ha đất sản xuất mới khai hoang nhanh chóng bị hoang hoá trở lại.
Một lý do nữa “góp phần” để người dân bỏ khu kinh tế mới này đó là người H’Mông vốn sống dựa vào rừng nhưng khi bỏ núi cao về với Minh Châu thì không có rừng để khai thác các lâm sản thiết yếu phục vụ đời sống như gỗ làm nhà, củi đốt, không có nơi để chăn thả trâu bò…
“Rừng ở khu vực xung quanh đã cấp cho người dân ở các bản người Thái theo chương trình 136. Huyện đã gợi ý cho bà con H’Mông cánh rừng ở gần xã Châu Thôn nhưng bà con bảo xa quá, không nhận” - ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ban di dân phát triển kinh tế huyện Quế Phong lý giải.
Dân bỏ khu kinh tế mới trở về chốn cũ, hàng chục tỷ đồng đầu của Nhà nước đầu tư đang bị bỏ hoang. Giải quyết được vấn đề nước sản xuất mới có thể kéo người dân trở lại Minh Châu. Một dự án nước mới lại được triển khai tại xã Tri Lễ từ tháng 9/2009.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của công trình đập Kẽm Ải, lần này hệ thống dẫn nước sẽ được xây dựng bằng đường ống sắt dài 7,5 km từ Kẽm Ải xuyên núi về Minh Châu với số vốn lên tới 16 tỷ đồng.
Theo kế hoạch thì đến nửa cuối năm 2010 công trình này mới hoàn thành. Người ta tin tưởng rằng khi công trình thuỷ lợi mới này được hoàn thành thì Minh Châu sẽ thực hiện được vai trò vốn có của một dự án trọng điểm của huyện. Trong lúc chờ công trình thuỷ lợi mới này thì hàng trăm công trình dân sinh ở Minh Châu đang xuống cấp, tái hoang hóa trầm trọng vì phơi nắng phơi mưa...
Nguyễn Duy - Hoàng Lam
Monday, January 30, 2012
Kinh Tế Mới - Tội ác Chiếm Đoạt Tài Sản, Giết người : Đảng CS Việt Nam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment