Tuesday, January 31, 2012

Biên giới Việt-Trung theo các công ước về biên giới Pháp-Thanh 1885-1897 [1]

Biên giới tỉnh Hải Ninh. Nguyên nhân Việt Nam mất huyện Giang Bình và đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh.

Vào thời Pháp thuộc, tỉnh Hải Ninh, tức Quảng Ninh hiện nay (xưa là Quảng Yên), có chung biên giới với huyện Khâm Châu, phủ Liêm Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (chứ không phải là tỉnh Quảng Tây như hiện nay). Đường biên giới lịch sử này, ngoại trừ ở một số địa điểm cụ thể đã được dân chúng hai nước Việt-Trung công nhận, như các cửa ải, con sông, ngọn núi… phần lớn chiều dài còn lại của nó thì chưa bao giờ được xác định rõ rệt. Chỉ sau khi toàn cõi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, năm 1884, đường biên giới lịch sử này mới trở thành đường biên giới qui ước, có giá trị pháp lý. Đó là nhờ ở các công trình phân định biên giới giữa nhà nước thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh, qua hai công ước Phân định biên giới năm 1887 và công ước bổ túc về biên giới năm 1895. Công trình phân định, phân giới và cắm mốc phải mất 12 năm, từ năm 1885 đến năm 1897. Việc phân định chia đường biên giới được chia thành ba đoạn, tương ứng với ba tỉnh Quảng Đông (đoạn 1), Quảng Tây (đoạn 2) và Vân Nam (đoạn 3). Đoạn 1 bắt đầu từ biển cho đến ải Bắc Cương, là giao điểm của ba biên giới Quảng Ðông, Quảng Tây và Việt Nam, có chiều dài khoảng 80km. Biên giới tỉnh Quảng Ninh nằm trong đoạn 1 này.

Đây là đoạn biên giới ngắn nhất, nhưng đã gây nhiều tranh chấp nhất, giữa Pháp và nhà Thanh trong thời gian phân định (từ tháng 12 năm 1886 đến tháng 6 năm 1887) cũng như trong thời kỳ phân giới (do hai ủy-ban: 1889-1890 và 1893-1894). Ông Chiniac de Labastide, chủ tịch Ủy ban Phân Giới phụ trách vùng Quảng Đông (tức đoạn 1) nhiệm kỳ 1889-1890 viết:

“Khi các ủy ban Pháp và Thanh được thành lập vào các năm 1886 và 1887 để phân định biên giới hai nước An Nam và Trung Hoa, đoạn biên giới đã có những cuộc thương lượng dài nhất, và phe Trung Hoa đã có những đòi hỏi căng nhất, đó là đoạn thuộc vùng Quảng Ðông. Chiều dài của đoạn biên giới này dầu vậy ngắn hơn rất nhiều so với hai vùng biên giới khác là Quảng Tây và Vân Nam. Ở hai vùng đó chỉ cần vài tháng là đủ để Ủy Ban hai nước đạt được thỏa thuận về đường biên giới, trong khi vùng Quảng Ðông, phải mất đến 8 tháng để hai bên ký kết biên bản phân định…

Nhờ vào sự kiên trì, người Hoa đã dành được của An Nam một vùng đất nghèo, nhưng rộng lớn, mà họ chờ đợi để lấy ra từ đó những ưu điểm quan trọng.

Đường biên giới vùng này được phân định, cắm mốc ra sao? “Vùng đất nghèo nhưng rộng lớn” mà người Hoa đã thành công “giành” của Việt Nam mà ông Chiniac de Labastide đã nói là vùng đất nào? Bài này sẽ trình bày lại một số dữ kiện tham khảo được từ Văn Khố Hải Ngoại của Pháp (Centre des Archives d’Outre Mer – Aix-en-Provence) với tham vọng soi sáng lại lịch sử thành hình đường biên giới Việt-Trung, những tranh chấp về lãnh thổ trong thời kỳ phân định và dĩ nhiên, về những vùng đất của Việt Nam đã bị mất cho Trung Hoa.

1/ Sơ lược quá trình phân định biên giới vùng giáp ranh tỉnh Quảng Đông:

Theo điều 3 hiệp ước Thiên Tân tháng 6 năm 1885[1], hai bên Pháp và nhà Thanh công nhận sự hiện hữu một đường biên giới lịch sử giữa hai nước Trung Hoa và Việt Nam (lúc đó Pháp và nhà Thanh gọi là An Nam). Công việc hành chánh của hai bên là ra thực địa, trong vòng 6 tháng, để nhìn nhận lại đường biên giới đó đồng thời đóng mốc giới ở những nơi không rõ rệt. Nguyên văn điều 3 như sau:

“Dans un délai de six mois à partir de la signature du présent traité, des commissaires désignés par les hautes parties contractantes se rendront sur les lieux pour reconnaître la frontière entre la Chine et le Tonkin ; ils poseront, partout où besoin sera, des bornes destinées à rendre apparente la ligne de démarcation ; dans le cas où ils ne pourraient se mettre d’accord sur l’emplacement de ces bornes ou sur les rectifications de détail qu’il pourrait y avoir lieu d’apporter à la frontière actuelle du Tonkin, dans l’intérêt commun des deux pays. Ils en référeraient à leurs gouvernements respectifs”.

Tạm dịch ra tiếng Việt: “Trong một khoảng thời gian 6 tháng, các ủy viên của hai bên sẽ ra thực địa để nhìn nhận đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ. Những người này sẽ cắm mốc ở mọi nơi thấy cần thiết để đường biên giới được rõ ràng. Trường hợp hai bên không thống nhất về vị trí những cột mốc hay nếu có những điều chỉnh trên đường biên giới hiện trạng, vì quyền lợi hai nước, việc này sẽ đưa về hai chính phủ để giải quyết”.

Việc “nhìn nhận” đường biên giới, như qui định, đáng lẽ được thực hiện trên thực địa. Nhưng đã không làm được, do trở ngại vì thời tiết và địa hình thì ít, mà do các cạm bẫy hiểm nghèo của phía người Hoa dựng lên thì nhiều, (ngoại trừ đoạn biên giới thuộc vùng Quảng Tây, vùng chung quanh ải Nam Quan). Thời gian dự trù 6 tháng đã phải kéo dài đến 12 năm. Việc “nhìn nhận đường biên giới” trở thành việc “phân định lại đường biên giới”.

Ủy ban phân định biên giới của Pháp được thành lập từ tháng 8 năm 1885, lúc đầu do ông Bourcier de Saint Chaffray làm chủ tịch. Ông này đã thành công việc “nhìn nhận đường biên giới trên thực địa” khoảng trên 300km đương biên giới, từ ải Nam Quan đến ải Bắc Cương và từ ải Nam Quan đến ải Bình Nhi, tức hai tiểu đoạn trong vùng biên giới Quảng Tây. Ông này sau đó từ chức vì lý do sức khỏe. Ông Dillon, nguyên tổng Lãnh Sự kiêm Thống Sứ tại Huế, được phong chức tương đương hàng thứ trưởng để thay thế ông Bourcier de Saint Chaffray. Ông Dillon đã từng đảm nhiệm công tác ở Trung Quốc trên 25 năm với chức vụ lãnh sự, thông hiểu tường tận ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa. Theo dự kiến, hai bên tiếp tục công trình của Bourcier de Saint Chaffray, sẽ nhóm họp tại Ðồng Ðăng từ tháng giêng đến tháng 4 năm 1886 để giải quyết biên giới vùng Quảng Tây, từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1886 tại Lào Cai cho biên giới Vân Nam và từ tháng 12 năm 1886 đến tháng 4 năm 1887 tại Móng Cái cho biên giới Quảng Ðông (và biên giới trong vịnh Bắc Việt). Nhưng dự kiến không thành hiện thực vì phía Trung Hoa đã nhận thấy những bất lợi cho họ qua kinh nghiệm “nhìn nhận đường biên giới trên thực địa” đã diễn ra từ tháng 8 năm 1885 đến tháng 3 năm 1886. Do đó họ tìm cảnh cản trở. Hai đoạn biên giới, từ Nam Quan – Bắc Cương Ải và Nam Quan – Bình Nhi, đường biên giới qui ước khá phù hợp với đường biên giới lịch sử.

Người Pháp mới đến VN, chưa rõ phong tục tập quán của dân VN cũng như không nắm vững địa hình địa vật của đất nước VN. Họ còn phải đối phó với những viên quan Trung Hoa vừa thông hiểu thực địa, lại vừa mưu mẹo, quĩ quyệt. Họ phải đối diện với những đe dọa đến từ các băng đảng cướp người Hoa (giặc Cờ Đen, Cờ Vàng…) hoành hành ở các tỉnh miền bắc và trên vùng biên giới cũng như sự bất hợp tác của quan lại Việt Nam. Trong khi quân đội Pháp, vì có chủ trương bỏ vùng Bắc Kỳ thuợng du và chỉ giữ vùng đồng bằng, cũng không đưa quân để bình định các vùng biên giới. Việc mất an ninh thường xuyên trên biên giới là do phía Trung Hoa đứng sau giật dây những đảng cướp Tàu. Quân đội chính qui Trung Hoa cũng đội lốt giặc cướp, dàn dựng những cuộc phục kích, cản trở ác ủy viên Pháp làm trắc địa trên thực địa. Một số nhân viên cùng binh lính Pháp bị thiệt khi làm các công tác này tại Lào Cai. Một số khác bị thiệt mạng do quân Tàu đánh úp vào Móng Cái.

Phía người Hoa tìm mọi cách để cản trở người Pháp trong việc “nhìn nhận đường biên giới trên thực địa”. Và họ đã thành công. Cuối cùng ủy ban Pháp phải “đề nghị” với Trung Hoa để hai bên hoạch định biên giới trên bản đồ. Đương nhiên phía người Hoa đồng ý. Và điều hiển nhiên các tấm bản đồ phân định đều do phía người Hoa thành lập. Một điểm chung: các bản đồ này đều vẽ rất sai so với thực tế. Người Hoa đã buộc người Pháp “chơi” trên “sân chơi” của họ.

Đường biên giới đoạn 1, cũng như phần còn lại của đoạn 2 và 3, được thành hình qua hai giai đoạn: giai đoạn phân định và giai đoạn phân giới, cắm mốc. Giai đoạn phân định chủ yếu ở việc tạo dựng hồ sơ sau đó so sánh, thương thuyết nhằm thống nhất quan điểm. Giai đoạn phân giới chủ yếu ở việc cắm mốc trên thực địa, lập biên bản và vẽ bản đồ.

2/ Nghiên cứu hồ sơ phân định của Ủy ban Pháp:

Hồ sơ của ủy ban Pháp, vùng Quảng Đông, phần lớn đặt căn bản trên sử liệu của phía Trung Hoa, do các tác giả dưới triều nhà Thanh biên soạn, như Đại Thanh nhứt thống chí, Đại Thanh hội điển đồ… Một số tài liệu Việt Nam như Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, các tập địa chí thời Nguyễn cũng như sổ bạ địa chính từ nha Kinh lược của triều đình… cũng được tham khảo. Công trình trắc địa của các nhà truyền giáo Dòng Tên (Jésuites) cũng được nhắc tới. (Công tác trắc địa lập bản đồ của các nhà truyền giáo Jésuites là do chủ trương của vua Khang Hi. Công trình này kéo dài 10 năm, bắt đầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1708 và kết thúc năm 1718. Kết quả đo đạt đã được đón nhận, về sau trở thành hồ sơ cơ bản về địa chí của nhà Thanh).

Trong vùng Quảng Đông, một chi tiết đáng chú ý trong hồ sơ của Pháp, dẫn từ hồ sơ của ủy ban Trung Hoa, là sự hiện diện của một con sông mang tên An Nam giang 安南江, được xem là con sông biên giới của hai nước Việt Trung. Chi tiết này lấy từ tài liệu của các nhà truyền giáo Jésuites. Tài liệu duy nhất của Trung Hoa có ghi « An Nam Giang » là bộ « Thủy Tiêu Ðề Cương 水逍提綱 », viết năm 1761, tác giả Tề Triệu Nam 齊召, công bố năm 1796. Sách này mô tả khu vực biên giới như sau: “Phía Tây Long Môn 龍門 có cửa khẩu « Phòng Thành Hà Khẩu », xa hơn là cửa sông Thiếp Lãng, xa hơn nữa là cửa sông An Nam, bờ Tây ngạn sông này là biên giới An Nam… Sông này chảy theo hướng Ðông khoảng vài chục dặm đến Tư Lặc Ðộng 思勒峒 thì chuyển hướng về phía Nam, sau đó chảy theo hướng Ðông-Nam, sau vài mươi lí theo hướng nầy thì đổ ra Nam Hải” (Thủy Tiêu Ðề Cương, q 20, tờ 19). Con sông, cùng với bản đồ dưới đây, thì có thể trùng hợp với con sông Bắc Luân (Ka Long), tức đường biên giới hiện nay. Bộ sách này thì không phải là bộ chính sử, mặt khác, nó hầu như là bản sao của công trình của các nhà truyền giáo Jésuites.

Hình trên là bản đồ Liêm Châu phủ (Lien-Tcheou Fou) theo các nhà truyền giáo Jésuites. Trên bản đồ có ghi Ngan-nan Kiang (An Nam Giang), “frontière annamite biên giới An Nam”, Thiếp Lãng giang (Tieh Lang), Pak-lung (tức mũi Bạch Long – Bailong), Khâm Châu (Kin-Tcheou).

Trong khi đó, Đại Thanh Nhứt Thống Chí, con sông chảy theo đường biên giới Việt-Trung là Thiếp Lãng Giang 貼朗江, cách Khâm Châu 240 dặm. Sông nầy bắt nguồn từ những ngọn núi về phía Tây-Bắc huyện Khâm Châu. Sông này nhận diện được trên các bản đồ hiện nay là con sông bắt nguồn từ núi, chảy vào huyện Phòng Thành. Tập địa chí chính thức của Thanh Triều không hề ghi tên An Nam Giang, mặc dầu phía nam sông Thiếp Lãng có vài con sông không đề tên.

Về địa chí của Việt Nam, cũng không có một sử liệu nào ghi tên một con sông gọi là An Nam Giang.

Nhưng sự hiện diện (trên giấy tờ) của con sông biên giới An Nam Giang đã làm cho vấn đề vốn đã mù mờ lại càng thêm phức tạp. Giả sử rằng con sông này có thật, ở về phía nam sông Thiếp Lãng. Nếu nhìn nhận sông này là biên giới, thì làm sao giải thích được các làng xóm người Việt hiện hữu khoảng giữa hai sông Thiếp Lãng và An Nam Giang, từ nhiều thế kỷ, như Trúc Sơn, Cương Bình (nay là huyện Giang Bình), Bạch Long, hay các đảo trong vịnh Vạn Xuân? Theo các tài liệu thời đó, dân tộc Hán chỉ mới sinh sống ở đây chỉ sống sau khi các biến động do dân Hồi hay Thái Bình Thiên quốc (hậu bán thế kỷ 19). Họ sống tụ tập thành từng làng nhỏ ở các vùng trù phú, bằng cách chiếm ngụ các vùng đất tốt của dân địa phương (thổ dân – Choang) và đuổi những người này vào rừng núi. Vào thời điểm phân định biên giới, người Hán đã tràn ngập từ Phòng Thành tới Móng Cái. Thành phố Móng Cái của VN hiện nay, hoàn toàn do người Hoa kiểm soát. Điều này tương tự ở Kỳ Lừa, đối diện với Lạng Sơn, ở khu vực Quảng Tây. Những người Hoa ở Móng Cái, đa số nếu không là cướp biển thì cũng là những lái buôn, có cửa hiệu trên con lộ chính Hòa Lạc (tên cũ của Móng Cái), chuyên buôn bán đồ ăn cướp của hải tặc, kể cả nô lệ.

Toàn vùng, ngoại trừ huyện Giang Bình (Jiangbing, ở phía bắc Đông Hưng hiện nay), các làng ở Bạch Long (Bailong) và các đảo trong vịnh Vạn Xuân (Sơn Tâm, Vu Đầu và Vạn Vĩ) thì do người Việt sinh sống.

Tuy vậy, hồ sơ của Ủy ban Pháp cho rằng: “dựa lên địa chí của Trung Hoa thì lãnh thổ An Nam mở rộng cho đến Long-men (Long-Môn)[2]“.

Để giải thích việc này, tài liệu viết rằng: khoảng từ 20 năm trước, bọn cướp Tàu đã chiếm vùng Bạch Long cũng như Long Môn để làm sào huyệt. Và đó là lý do mà vùng đất này đã ra ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Trên thực địa, đường biên giới khu vực này được cụ thể hoá qua những đồn canh (ải) của Trung Hoa đã dựng lên. Ðường nối các đồn ải này chừa ra huyện Giang Bình (bao gồm luôn Packlung – Bạch Long). Vì lý do này mà huyện Giang Bình mới trở thành một « enclave », tức một vùng đất của người Việt trên đất Trung Hoa[3].
Điều đáng chú ý là huyện Đông Hưng lúc đó chưa thành lập, mới chỉ là một trại lính nhỏ. Phồn thịnh nhất trong khu vực là Mang Nhai (tức Móng Cái – tên người Pháp gọi trại đi).
Những bằng chứng phía ủy ban Pháp đưa ra để chứng minh huyện Giang Bình thuộc về Việt Nam:

Thứ nhứt, huyện Giang Bình đã được triều đình Huế bổ một vị quan cùng gia đình về cai trị và thâu thuế dân chúng từ mấy chục năm trước. Nhưng người hậu duệ cuối cùng của viên quan đã bị quân cướp Tàu giết, thân xác bị chặt làm nhiều khúc qua biến cố tháng 11 năm 1886 (biến cố nầy làm thiệt mạng một số quân đội Pháp và ông Haitce, nhân viên của Ủy Ban Phân Ðịnh Biên Giới).

Thứ hai, những nhân chứng sống, là những người dân địa phương, người Hoa cũng như người Việt. Những người dân này đã hướng dẫn các ủy viên phân định vào tháng 11 năm 1886 và vào tháng 1 năm 1887 để làm công tác trắc địa. Những dữ kiện đo đạc thì phù hợp với những điều tra trước đó.

Thứ ba là sổ bạ ghi chép điền địa từ các huyện, phủ trong vùng. Thứ tư là bản đồ chính thức của An Nam.

Thứ năm là chứng nhận của nha Kinh Lược từ triều đình Huế.

Việc nầy xác định huyện Giang Bình, bao gồm bán đảo Pack-Lung (Bạch-Long) cũng như các đảo trong vịnh Vạn Xuân thì thuộc Việt Nam.

Đường biên giới Việt-Trung, theo hồ sơ của Ủy ban Phân định Pháp, dựa lên địa chí của Trung Hoa, xác định có đi qua các cửa ải: 1) Ải Na Tô 那蘇隘 , ở phía Tây Nam huyện Khâm Châu ; 2) Ải Nhẫm Quân 稔均隘 , cách ải Na Tô 70 lí về hướng Ðông Nam và 3) Ải Na Long 那隆隘 , cách ải Na Tô 10 lí về phía Ðông.

Đường biên giới được xác lập trên bản đồ: từ núi Phân Mao, qua các ải Na Tô, Nhẫm Quân và Na Long, sau đó theo sông Thiếp Lãng, trước khi đến biển khoảng 10 km, biên giới rời sông, đánh một vòng cung bao bọc Giang Bình và mũi Bạch Long, để chấm dứt tại gần Long Môn. Bạch Long (và các đảo trong vịnh Vạn xuân) cũng như Giang Bình thuộc về Việt Nam theo như sơ đồ dưới đây:

Ủy ban Trung Hoa không chấp nhận đề nghị của ủy ban Pháp về đường biên giới. Điều đáng tiếc là tác giả không tham khảo được hồ sơ phía bên Trung Hoa để biết thêm các lý lẽ của họ về đường biên giới lịch sử như thế nào. Họ bác bỏ đề nghị của ủy ban Pháp với những lý do gì? Trong khi hồ sơ của Pháp thiết lập phần lớn từ từ địa chí của Trung Hoa. (Nghi án Mạc Đăng Dung có thể sẽ sáng tỏ hơn nếu hồ sơ phía bên Trung Hoa được bạch hóa).

Do bất đồng của hai bên, nội vụ phải đưa về Bắc Kinh, do Tổng Lý Nha Môn và Đặc Sứ Pháp tại Bắc Kinh, giải quyết.

(còn nữa)

© Trương Nhân Tuấn

————————————-

[1] Hiệp ước Hòa Bình, Hữu Nghị và Thương mại (Traité de Paix, d’Amitié et de Commerce) được ký kết tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa Lý Hồng Chương và ông Patenôtre, được quốc hội Pháp thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1885. Ðiều 3 của Hiệp Ước dự trù việc xác định lại đường biên giới Việt-Trung và các điều 5 và 6 dự trù một công ước về thương mãi giữa Pháp và Trung Hoa.

[2] Trên bản đồ hiện nay thì Long Môn ở trong một cái mũi đất, tương tự như mũi Bạch Long, và ở phía Bắc của mũi Bạch Long. Giữa hai mũi đất nầy là Phòng Thành, có sông Phòng Thành Giang chảy ra biển.

[3] Một giả thuyết khác có thể giải thích vì sao huyện Giang Bình, một vùng toàn dân Việt sinh sống, trở thành một « enclave » trên đất Trung Hoa. Đó là « nghi án » Mạc Đăng Dung. Xét trong các biên bản phân định, ta thấy có địa phận mang tên « La Phù động », vị trí trên bản đồ thì ở kế cận Đông Hưng, phía nam Giang Bình. Địa phận này được giao cho Trung Hoa. Động La Phù là của Việt Nam, sử sách có ghi, đã bị Mạc Đăng Dung nhượng cho Trung Hoa. Xét trên bản đồ, nếu La Phù thuộc về Trung Hoa, thì đương nhiên vùng Giang Bình trở thành một « enclave ». Trong khi đó, theo biên bản phân định, phía người Hoa chấp nhận đường biên giới phải đi qua núi Phân Mao (thuộc động Cổ Sâm).

0 comments:

Powered By Blogger