Năm chuyện hoang đường về sức mạnh của Trung Cộng
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) – PBD dịch
Khi mà Trung Cộng hưởng lợi trên các nền kinh tế tân tiến nhất thế giới, nước này làm mọi người kinh ngạc lẫn sợ hãi — nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà nhiều người lo ngại là Trung Cộng sẽ thay thế Hoa Kỳ làm siêu cường của thế kỷ 21. Nhiều người hỏi làm thế nào mà Trung Cộng đã tăng trưởng nhiều và nhanh đến thế, liệu Đảng Cộng Sản có vẫn tại vị và ảnh hưởng đang bành trướng toàn cầu của Bắc Kinh có nghĩa gì đối với chúng ta. Nhưng muốn hiểu vai trò mới của Trung Cộng trên trường thế giới, cần phải nghĩ lại nhiều ý niệm sai lầm trong lối suy nghĩ của Tây Phương.
1. Tư thế đang vươn lên của Trung Cộng làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu.
Ngược lại là đàng khác. Dĩ nhiên sức mạnh của Trung Cộng tại Á Châu đang tăng dần; nền kinh tế của họ nay lớn nhất trong vùng này, và Trung Cộng là bạn hàng mậu dịch lớn nhất với tất cả các nước ở Á Châu. Và công cuộc tân tiến hóa quân sự của họ đã đưa Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân lên hàng một lực lượng chiến đấu nguy hiểm hơn.
Nhưng thay vì làm giảm hay thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ, sức mạnh đang bành trướng của Trung Cộng lại đẩy hầu hết những nước ở Á Châu lại gần Hoa Kỳ hơn — và nâng cao vị thế của Hoa Kỳ. Sự hiện diện của chú Sam vẫn được hoan nghênh vì ngăn ngừa được một cường quốc trong vùng khống chế các nước láng giềng cũng như phát huy thế quân bình chiến lược. Ngày nay, Trung Cộng càng gia tăng sức mạnh bao nhiêu thì mối cam kết gắn bó của Hoa Kỳ với vùng này lại càng quan trọng hơn, và Washington càng có nhiều ảnh hưởng hơn bấy nhiêu.
Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Obama hồi mới đây đã loan báo đổi trọng tâm chiến lược về hướng Á Châu, Trung Cộng bực bội, trong khi hầu hết những nước trong vùng cảm thấy an tâm trở lại và âm thầm vỗ tay hoan nghênh. Ngày nay, các liên lạc an ninh của Hoa Kỳ với các quốc gia chính tại Á Châu — Ấn Độ, Úc, Nhật, Triều Tiên và ngay cả Việt Nam — còn được củng cố nhiều hơn bao giờ hết.
2. Số dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Cộng giúp họ có thế lực rất lớn.
Trung Cộng cất giữ khoảng 2 ngàn tỷ đô la tiền trái phiếu Ngân Khố Hoa Kỳ và nợ được bảo đảm bằng địa ốc cùng với 800 triệu đô la trái phiếu Âu Châu. Số dự trữ khổng lồ này có thể khiến cho Tây Phương lo âu và đem lại cho Bắc Kinh nhiều uy tín và quyền khoe khoang — nhưng số dự trữ này đã không đem lại được nhiều ảnh hưởng ngoại giao cho Trung Cộng.
Trường hợp nhiều người đã sợ hãi là Trung Cộng bán đổ bán tháo nợ của Hoa Kỳ trên các thị trường thế giới hầu ép Washington phải chiều theo ý họ đã không xảy ra — và có lẽ sẽ không xảy ra. Quỹ dự trữ quốc gia của Trung Cộng, vốn đầu tư một phần dự trữ, đã chọn các loại tài sản ít rủi ro (chẳng hạn như mới đây mua cổ phần thiểu số trong một cơ quan thủy cục của Anh) và đã muốn tránh gây ra tranh cãi về địa lý chính trị. Và trong cuộc khủng hoảng nợ nần của Âu Châu, Trung Cộng đã tỏ ra im lặng thật rõ rệt.
Số ngoại tệ có giá của Trung Cộng không giúp tăng thêm được sức mạnh địa lý chính trị của họ vì số thặng dư này là kết quả của một sách lược tăng trưởng dựa vào việc họ cố ý dìm giá tiền tệ của họ để hàng xuất cảng của họ giữ được giá rẻ cạnh tranh với hàng khác. Nếu Trung Cộng đe dọa giảm bớt số đầu tư vào nợ của Hoa Kỳ, họ sẽ phải tìm các loại đầu tư khác thay thế (ngày nay không phải là dễ tìm) hoặc bớt xuất cảng sang Hoa Kỳ (tác hại đến các hãng chế tạo sản xuất của Trung Cộng). Hơn nữa, vì họ đã đầu tư quá nhiều vào nợ của Tây Phương, Trung Cộng sẽ bị lỗ vốn thảm hại nếu họ đe dọa các thị trường tài chánh.
3. Đảng Cộng Sản kiểm soát Internet của Trung Cộng.
Mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào lãnh vực kỹ thuật và nhân dụng, Đảng Cộng Sản vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát mạng điện toán sinh động của Trung Cộng. Tuy kỹ thuật thanh lọc Internet của Trung Cộng trở nên tinh vi hơn và các điều lệ của họ tạo khó khăn đàn áp hơn các chế độ toàn trị khác, số người sử dụng mạng điện toán của nước này vẫn gia tăng (nay lên hơn 500 triệu) và các tiến bộ về kỹ thuật (chẳng hạn như các microblogs kiểu Twitter) đã làm cho nỗ lực kiểm duyệt bị mất hiệu quả phần lớn. Nhà cầm quyền phải liên tục đuổi theo cho kịp; nỗ lực mới nhất của họ là buộc những người viết microblogs phải ghi danh bằng tên thật. Muốn thi hành các điều lệ như vậy thì thường là quá tốn kém, ngay cả cho một chế độ độc đảng.
Nhiều lắm thì đảng cộng sản chỉ có thể kiểm duyệt được một phần nào đó mà họ xem là “nhạy cảm” sau khi đã lan tràn trên mạng rồi. Bất cứ khi nào có tin mới ra lò — một vụ tai tiếng về tham nhũng, một biến cố nghiêm trọng về an toàn công cộng hoặc một cuộc biểu tình lớn chống nhà cầm quyền — tin tức đó và những lời phê bình chỉ trích nặng nề đã nhanh chóng lan tràn trên Internet. Đến khi cơ quan kiểm duyệt kiểm soát lại được phần nào thì đã bị tác hại chính trị rồi.
4. Chế độ của Trung Cộng đã mua chuộc được giới trung lưu.
Còn lâu. Ba thập niên tăng trưởng kinh tế hàng chục phần trăm đã đưa khoảng 250 đến 300 triệu dân Trung Hoa — phần chính là cư dân thành thị — lên tầng lớp trung lưu. Kể từ khi nhà cầm quyền dập tắt phong trào dân chủ tại Thiên An Môn vào năm 1989, giới trung lưu đã bận rộn kiếm tiền, chứ không đòi hỏi tự do chính trị. Nhưng điều này không có nghĩa là giới này ủng hộ cho đảng cầm quyền. Cần phải phân biệt rõ là thái độ thờ ơ lãnh đạm với chính trị hoàn toàn khác với lòng trung thành bền vững.
Nhiều lắm là giới trung lưu của Trung Cộng chịu đựng nguyên trạng vì đã cải tiến hơn nhiều so với lối độc tài toàn trị trước đây — và vì không có cách nào khác thực tế hoặc ngay lập tức. Nhưng như Mùa Xuân Ả Rập cho thấy, một biến cố duy nhất hoặc một hành động sai lầm của giới cai trị độc tài là đủ để có thể biến đổi giới trung lưu thờ ơ lãnh đạm này thành những người cách mạng cấp tiến.
Chuyện đó có thể xảy ra dù không có cuộc khủng hoảng kinh tế nào xảy ra trước. Ngày nay, giới trung lưu của Trung Cộng càng ngày càng bất mãn hơn với tình trạng bất bình đẳng, tham nhũng, gia cư đắt đỏ quá khả năng, ô nhiễm và dịch vụ nghèo nàn. Cách đây vài năm tại Thượng Hải, hàng ngàn người trung lưu đã tổ chức một “cuộc đi bộ tập thể” và chặn đứng kế hoạch nối dài thêm đường xe lửa, một dự án đe dọa đến trị giá bất động sản của họ. Một cuộc biểu tình tương tự hồi năm ngoái tại Đại Liên đã khiến phải đóng cửa một nhà máy hóa chất dầu hỏa gây ô nhiễm.
Đảng cộng sản biết là họ không thể dựa vào sức hậu thuẫn của giới trung lưu. Vì thế mà họ tiếp tục nặng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến.
5. Mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Cộng không có dấu hiệu gì là chậm lại.
Mức tăng trưởng này đang giảm lại phần nào — từ trên 10,3 phần trăm trong năm 2010 xuống 9,2 phần trăm hồi năm ngoái — và mức sụt giảm này sẽ nhanh hơn trong những năm tới.
Cũng như Nam Triều Tiên và Đài Loan, vốn đã tăng trưởng dữ dội trong ba thập niên nhưng đã giảm dần từ thập niên 1990, nền kinh tế của Trung Cộng sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt. Dân số đang già đi; công dân từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,5 phần trăm dân số trong năm 2010 và theo dự liệu sẽ lên đến 17 phần trăm vào năm 2020. Chiều hướng này sẽ làm giảm số tiết kiệm và công nhân, và gia tăng phí tổn hưu bổng và y tế. Nếu Trung Cộng muốn duy trì mức tăng trưởng cao thì phải phải chuyển sang chế tạo các sản phẩm kỹ thuật cao do Trung Cộng thiết kế và tăng thêm giá trị sản phẩm. Họ sẽ cần phải sáng tạo mới lạ nhiều hơn, mà muốn thế thì nhà cầm quyền phải giảm bớt mức kiểm soát và cho có nhiều tự do trí tuệ hơn.
Quan trọng nhất là mô hình kinh tế thiên về đầu tư và do nhà nước chỉ huy vốn đưa đến mức tăng trưởng nhanh chóng của Trung Cộng phải nhường chỗ cho một mô hình nhiều hiệu năng hơn, thiên về tiêu thụ và do thị trường quyết định. Sẽ không thể chuyển qua được một mô hình như vậy nếu không thu hẹp phạm vi nhà nước và đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm với người dân Trung Hoa.
Source: http://www.washingtonpost.com/opinions/five-myths-about-chinas-power/2012/01/20/gIQA3CFSTQ_story.html
0 comments:
Post a Comment