Đào Tuấn - Hôm qua, một chủ đề nhạy cảm đã được nói ra một cách bình thản từ người đứng đầu Chính phủ, và ngay sau đó nhận được sự đồng thuận, thậm chí tán thưởng của các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước: Đó là Luật biểu tình.
Có người gọi đây là Luật treo. Có người nói đó là một món nợ. Treo suốt từ năm 1946, khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi trang trọng quyền biểu tình như là một quyền cơ bản của nhân dân. Và món nợ, cũng kéo dài qua 13 khóa Quốc hội, suốt 55 năm qua.
Ngày 25-11-2011, sau cuộc tranh luận nảy lửa tại Quốc hội xung quanh Luật Biểu tình, Tạp chí Xây dựng Đảng, cơ quan của Ban Tổ chức TƯ có bài “Có cần Luật Biểu tình?”. Bài báo dẫn lại các quy định về quyền tự do dân chủ của người dân xuyên suốt trong cả 4 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980,1992) chỉ trích thẳng thừng đại biểu QH Hoàng Hữu Phước là “thể hiện nhận thức ấu trĩ, lệch lạc về biểu tình”. Bởi “Biểu tình là một quyền cơ bản của người dân mà Hiến pháp đã quy định, thể hiện tính tự do, dân chủ, nhân quyền của chế độ ta, không một ai có thể bác bỏ”.
Từ sau 11 cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước, chủ đề biểu tình nhạy cảm đến mức báo chí không hề có một dòng nhắc đến những sự kiện này, đến mức hai từ biểu tình được loại ra khỏi ngôn ngữ báo chí, hoặc bất đắc dĩ phải nói đến thì đó cũng chỉ là những cuộc “tụ tập tự phát”.
Ngay tại Quốc hội, nơi mà các đại biểu QH có quyền miễn trừ đối với tất cả các phát ngôn của mình, dường như cũng có sự ngần ngại nhất định khi nhắc đến hai chữ biểu tình. Nó nhạy cảm đến mức, đại biểu chất vấn về vấn đề này được xem như là dũng cảm. Và ngay đại biểu dũng cảm Lê Bộ Lĩnh cũng né hai chữ “Biểu tình” khi ông chất vấn thái độ, quan điểm người đứng đầu Chính phủ về việc người dân “Biểu thị lòng yêu nước”.
Thủ tướng sau đó nói rất rõ ràng Chính phủ đệ trình Dự án Luật biểu tình là để thực hiện Hiến pháp; để phù hợp với thực tế cuộc sống; để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Và để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Có người coi đây là một phát biểu mang tính cách mạng. Có người nhận xét phải xuất phát từ một sự tự tin ghê gớm, Thủ tướng mới có thể bình thản đến như vậy.
Sự bình thản của Thủ tướng trong một phát biểu quan trọng, được nói ra một cách giản dị trước sự chăm chú theo dõi qua truyền hình trực tiếp của quốc dân đồng bào không những là một bước tiến dài trong quá trình luật hóa quyền hiến định của công dân mà còn xua tan không ít tâm lý xã hội, loại bỏ không ít định kiến coi những quyền tự do dân chủ, hoặc nói đến quyền tự do dân chủ là tế nhị, nhạy cảm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất giản dị về khái niệm dân chủ. “…Dân chủ thật ra có nghĩa là: để cho dân được mở miệng. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”. Rất giản dị, rất dễ hiểu, nhưng sau đó đã trở thành bất hủ.
Phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Úc hôm 17-11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói: “…Lịch sử đã chứng minh rằng, qua quá trình lâu dài, dân chủ và phát triển kinh tế luôn cùng nhau đồng hành. Thịnh vượng mà không có tự do dân chủ thì chỉ là một hình thức khác của sự nghèo khó”.
Sự bình thản của người đứng đầu Chính phủ ngày hôm qua đang cho thấy Chính phủ, về hình thức, coi biểu tình là một điều bình thường, và quan trọng hơn, đặt quyền tự do dân chủ của người dân vào đúng vị trí bình thường của nó.
0 comments:
Post a Comment