Thanh Quang, phóng viên RFA
Một diễn biến gây nhiều chú ý tại nghị trường tân Quốc Hội VN là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời thẳng thắn về nhu cầu cấp thiết phải có Luật Biểu tình, đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của Quốc Hội.
Ghi điểm trước dân
Trong buổi đăng đàn hôm 25 tháng 11 ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng – nói theo lời blogger Nguyễn Quang Vinh – “đã nói rành mạch, rõ ràng, chắn chắn, dẫn chứng cụ thể, minh bạch những thông tin về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, “đã làm được một việc mà nhân dân phấn khích: Thẳng thắn nói rõ với đồng bào, với thế giới, VN đòi chủ quyền Hoàng Sa vì Hoàng Sa là của VN”…
Blogger Gocomay không quên nêu lên câu hỏi rằng “Dân sẽ được tự do biểu tình bày tỏ lòng yêu nước” hay không, rồi đưa ra nhận xét như sau:
“Như vậy, nếu thực lòng, ông Dũng đã ghi điểm son trước các đối thủ chính trị của ông khi ông khẳng định trước bá quan văn võ và đông đảo bàn dân thiên hạ rằng: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Những hoạt động vì mục tiêu, mục đích đó đều được hoan nghênh và khen thưởng thích đáng. Điều này hoàn toàn phủ định những gì mà Đài truyền hình Hà Nội (HTV) đã đưa tin vu cáo một cách vô căn cứ khi cho rằng những người đi biểu tình yêu nước là do bị các thế lực phản động xúi giục. Cũng như phủ định những gì mà ông Nghị Hoàng Hữu Phước và những kẻ a dua a tòng phát biểu hôm 17/11…”
Nhưng blogger Bùi Tín xem chừng như không an tâm, vì có dấu hiệu cho thấy việc làm “trái hẳn với lời nói của ông Dũng”:
“Tôi nghĩ đây là vấn đề mà chúng ta phải rất dè dặt, thận trọng. Bởi vì ngay sau khi ông Dũng phát biểu như thế, thì những người có kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình vào Chủ Nhật 27 tháng 11 vừa rồi để ủng hộ việc Thủ tướng đồng tình với chuyện thảo luận luật biểu tình, và Thủ tướng đã lên tiếng bảo vệ các hải đảo và lãnh thổ của ta. Nhưng rồi những người biểu tình đã bị bắt…
Do đó mọi động tĩnh về việc bắt người dân yêu nước biểu tình, và biểu tình rất ôn hòa để ủng hộ thủ tướng, để ủng hộ việc ra luật biểu tình, thì việc đó trái hẳn với lời nói của ông Dũng.”
Qua bài “Hiện tượng trên bảo dưới không nghe của Thủ tướng Dũng”, tác giả Châu Xuân Nguyễn nhận thấy “uy thế chính trị của Thủ tướng Dũng bị thách thức trầm trọng” qua những gì xảy ra trong 2 cuộc biểu tình hôm chủ nhật 27 tháng 11 tại Hà Nội và Sàigòn; “mệnh lệnh của TT Dũng bị thách thức lộ liễu trước công chúng” ngày hôm nay và độ tin cậy của nhân dân về những tuyên bố của ông ta là “con số zero to tướng”; và “những sự kiện này xảy ra như cái tát vào mặt Thủ tướng”.
Qua nhiều trang mạng nhật ký, bài tựa đề “Các ông các bà ‘nhà cầm quyền VN’ không biết đỏ mặt sao?” của tác giả Nguyễn Ngọc Già mô tả khá gay gắt, rằng
“Trời Saigon sáng thứ Hai (vừa rồi), dù hơn 10 giờ vẫn không có nắng, không khí oi bức, ngột ngạt như tâm trạng người dân bức xúc trước những nghịch lý ngày một nặng nề hơn bởi “cuộc hốt người” ngày 27/11/2011 tại Hà Nội. “Cuộc hốt người” vừa vô lý vừa vô duyên lạ lùng! Chẳng có một biểu ngữ, chẳng có một tiếng hô, chỉ mỗi lá cờ Tổ quốc của cậu trai trẻ tên Phương giăng ngang đầu, thế thôi! Sao quái lạ thế nhỉ?! Quái lạ và mỉa mai còn ở chỗ hốt gần 20 chục người đưa về “trại phục hồi nhân phẩm”!!! Ôi chao! Tự dưng đi ra Hồ Gươm là mất nhân phẩm làm người? Chỉ còn nước ngửa mặt mà rên:
Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu!
Quê hương non nước tôi ai gây tội tình?!”
Quê hương non nước tôi ai gây tội tình?!”
Người dân hoài nghi
Và tác giả không quên nhắc nhở rằng “lời phát ngôn của ông Thủ tướng trước diễn đàn toàn dân vẫn còn nóng hổi kia mà ?…Lẽ ra cũng chẳng cần cám ơn khi lời phát ngôn của ông Thủ tướng được xem là món nợ cho đến bây giờ Chính phủ mới chính thức nhận nợ, vậy thì người nợ còn phải xin lỗi chủ nợ mới phải đạo!”. Và tác giả Nguyễn Ngọc Già nêu lên câu hỏi rằng “Hiểu sao đây về lời phát ngôn của ông Thủ tướng?”. Theo tác giả, chỉ có 2 cách để hiểu:
“1. Thật lòng thấy món nợ với dân đã đến lúc phải trả, dù khá muộn màng. Nếu vậy, ông Thủ tướng… “lực bất tòng tâm”, lời nói của ông cấp dưới coi chẳng ra gì! Ông Thủ tướng nói thì cứ nói, “cấp dưới” làm như thế nào cứ làm?!…
2. Thủ tướng phát ngôn chẳng qua là… “hí ngôn”. Một thường dân có thể “hí ngôn” trong hoàn cảnh và câu chuyện nào đó, nhưng một Thủ tướng không thể “hí ngôn” trong những câu chuyện nghiêm túc và trong hoàn cảnh nghiêm trang. Nếu quả ông Thủ tướng “hí ngôn” thì không còn chữ nào khác để diễn đạt ngoài chữ… LOẠN. Quá loạn! Loạn từ trên xuống dưới. Loạn từ trong ra ngoài….
Xin thưa với toàn bộ Nhà cầm quyền (từ lớn đến nhỏ, từ cao đến thấp) rằng…làm ơn làm phước hiểu giùm các ông, các bà đang quản lý đất nước có diện tích hơn 330.000km2 cùng hơn 80.000.000 con người, đừng để thế giới từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây nhìn vào cái đất nước có (những) 4.000 năm văn hiến là… vô giáo dục, mất tôn ti trật tự, mất lớp lang thể thống.”
Qua bài “Đừng nghe những gì ông Dũng nói” của Người Hà Nội được blog Dân Làm Báo và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, tác giả giải thích lý do tại sao “Đừng nghe những gì ông Dũng nói”, là vì “ông thủ tướng của chúng ta nói rất hay nhưng mà làm thì hoàn toàn ngược lại”; và dựa vào những gì “tai nghe, mắt thấy”, tác giả dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể:
“1. Ông Dũng nói tại lễ nhậm chức của mình (kỳ đầu tiên) năm 2006: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.”. Các bạn thử nghĩ xem sau khi ông Dũng nhậm chức thủ tướng thì bao nhiêu nghìn tỉ đã đội nón ra đi theo những “quả đấm thép” của ngài thủ tướng khả kính? Có biết bao nhiêu Vinashin đang sắp sửa lộ diện? …
2. Ông thủ tướng đáng kính nói: “Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!”. Ông thủ tướng mà nói đơn giản như thế thì tôi có thể khẳng định ai cũng có thể làm thủ tướng được…
Và lần này trước QH, ngài thủ tướng lại phát biểu rất, rất nhiều cái hay, cái tốt của chính phủ nhưng kết luận lại vẫn là những lời lẽ quen thuộc với rất nhiều “Quyết tâm” mà chẳng “Tâm huyết” chút nào..!Blog Dân Làm Báo
3. Ông Dũng nói: “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở”. Vậy mà ông Thủ tướng cho dựng lên vụ án nổi tiếng “Hai Bao Cao Su” để mà bức hại Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vì tội “Chống phá nhà nước” mà đến nay những người yêu tự do, dân chủ trên khắp thế giới đều cho rằng là sự ô nhục của luật pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông thủ tướng còn làm ngơ cho công an và an ninh thi nhau bắt bớ người biểu tình ôn hòa, yêu nước chống Trung Quốc xâm lăng …
4. Ông Dũng hai lần tuyên bố rất hùng hồn về vấn đề biển đông và Hoàng Sa – Trường Sa. Lần đầu tiên ông thủ tướng cũng tuyên bố rất hùng hồn ở lễ hội biển Nha Trang về việc Việt Nam có đầy đủ chủ quyền, kiên quyết này nọ – một kiểu phát biểu chung chung, vô thưởng vô phạt, nói rất hay mà làm thì … Và lần này trước QH, ngài thủ tướng lại phát biểu rất, rất nhiều cái hay, cái tốt của chính phủ nhưng kết luận lại vẫn là những lời lẽ quen thuộc với rất nhiều “Quyết tâm” mà chẳng “Tâm huyết” chút nào..!”
Chữ “Tín” của thủ tướng
Có lẽ blogger Mẹ Nấm cũng mang tâm trạng hoài nghi về chữ TÍN của ông Thủ Tướng nên viết bài tựa đề “Thấy gì qua những phát ngôn”, với kết luận rằng “Đừng tin những gì Thủ tướng nói, hãy xem cách Thủ tướng làm – mỗi người sẽ rút ra được câu trả lời cho câu hỏi “Thấy gì qua những phát ngôn?”. Bài học Vinashin vẫn còn đó!”.
Khi tâm sự với Trịnh Kim Tiến và Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Trịnh Kim Tiến là con gái của ông Trịnh Xuân Tùng tử vong tức tưởi về tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở Hà Nội và Nguyễn Thị Thanh Tuyền là vợ anh Nguyễn Công Nhựt chết oan về tay công an huyện Bến Cát, Bình Dương, blogger Mẹ Nấm mô tả “Hà Nội đầu đông trời se lạnh, hình ảnh những người phụ nữ đơn độc trên đường đi tìm công lý, công bằng cho người thân mình, khiến khá nhiều người xúc động… Họ là những người vừa trải qua nỗi đau mất mát người thân, bởi sự tàn nhẫn, vô cảm, vô đạo đức của những người thừa hành pháp luật. Họ gặp nhau trên hành trình đi đòi công lý cho người thân của mình, sau một thời gian dài chờ đợi”.
Nỗi đau tột cùng mất mát ngươi thân trước sự tàn nhẫn, vô cảm, vô đạo đức của kẻ thừa hành pháp luật ấy, trước hết được Kim Tiến mô tả như sau:
“Lý do mà tôi treo băng rôn để kêu oan vì tôi muốn công lý được thực thi. Bố tôi có thể được yên lòng nhắm mắt. Khi bố mất, 3 lần bố mở mắt, và tôi là người vuốt mắt cho ông. Hình ảnh của ông những ngày cuối đời lúc nào cũng xuất hiện trong đầu óc tôi.
Bố tôi chết không được như người ta, ông ra đi trong sự đói khát. Mặc cho sự van xin khẩn cầu của tôi và gia đình ngày 28/02/2011, những người CA trực ban ngày hôm đó vẫn không cho phép tôi được vào cho bố ăn. Họ cầm bát phở trên tay, kiểm tra, rồi quăng lên bàn: ‘Dậy mà ăn đi!’.
Họ gọi một con người đang kêu rên đau đớn, liệt hết tứ chi, tay bị còng trên ghế với thái độ vô cùng dửng dưng. Vậy nên đến lúc vào được bệnh viện thì cũng đã quá muộn, bố tôi chỉ còn có thể được thở oxy, bằng ống dẫn, ông đã không còn có đủ khả năng để ăn nổi một thìa phở. Bố kêu khát, muốn đỡ dậy uống nước, thì ông Ninh – người đã đánh bố tôi còn đòi cho thêm vài tát. Nhìn thấy bố như vậy, nghe thấy họ nói như vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng chỉ biết nín nhịn mà van xin, mong sao họ động lòng, có chút tình người cho bố được đi cấp cứu. Nhưng 3 lần đến là 3 lần thất vọng…
Bố tôi mỗi lúc đau đớn hơn, đến mức nôn mửa, sùi bọt mép. Họ vẫn nói bố giả vờ. Tôi xin họ cho mời bác sĩ tư đến phường để khám, họ cũng không chịu. Chỉ đến khi tình trạng của bố đã chuyển biến khá nặng và người bạn của bố đến yêu cầu, họ mới đồng ý cho đi. Nhưng đến tận lúc đó, họ vẫn bảo là bố giả vờ, họ còng tay bố như một tên tội phạm đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Trong khi bố tôi là một người dân lương thiện, chưa bao giờ làm gì trái với pháp luật. Khi họ đưa bố lên xe thùng chuyển đến viện, họ còn không cho mẹ và em tôi đi cùng, họ bắt mẹ ở lại dọn dẹp, lau dọn phường rồi mới cho đi.”
Trước cái chết của chồng tôi thì tôi nhận ra một điều giữa xã hội yên bình này con người lương thiện cũng có thể chết oan bất cứ lúc nào.Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Theo Kim Tiến thì phía có quyền lực trong tay sống vô cảm, không tình người mà lại có vẻ tự tin rằng không chiụ sự chế tài của pháp luật, nên Kim Tiến muốn công lý phải được thực thi với mong mỏi rằng “sẽ không còn ai phải gánh chịu nỗi đau mất cha, mất người thân” như gia đình cô đang gánh chịu. Còn Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nguyễn Công Nhựt chết ở đồn công an Bến Cát, tâm sự với blogger Mẹ Nấm:
“Trước cái chết của chồng tôi thì tôi nhận ra một điều giữa xã hội yên bình này con người lương thiện cũng có thể chết oan bất cứ lúc nào. Hôm nay nó có thể xảy ra cho gia đình tôi nhưng ngày mai nó có thể xảy ra cho những con người vô tội khác. Cái chết chồng tôi chính là do nơi làm việc của anh ấy và cơ quan bảo vệ luật pháp đã gây ra.”
Nguồn lấy từ: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/vn-pm-word-not-match-deed-tq-11302011131246.html
0 comments:
Post a Comment