Monday, November 28, 2011

Thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có tự do biểu tình

Phạm Quế Dương - Vừa qua, ở Hà Nội và Sài Gòn có nhiều cuộc biểu tình đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và phản đối những hành động gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc. Những cuộc biểu tình này đều bị trấn áp, nhiều người bị bắt giữ, đánh đập.

Vì dư luận sôi động cả trong nước và nước ngoài về vụ việc này nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho xây dựng Luật biểu tình và giao Bộ Công An chủ trì soạn thảo. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công An) nhắc lại rằng các Hiến pháp năm 1959,1980,1992,2001 đã ghi rõ các quyền tự do của công dân, trong đó có tự do biểu tình. Nhưng phần cuối ông nói "đi biểu tình phải báo cáo cho chính quyền 10 ngày đối với các nội dung như biểu tình về vấn đề gì, tuyến đường và lượng người; dự kiến, biểu ngữ ra sao …" (Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/10/2011).

Như vậy tức là thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sỹ công an cũng đồng ý có Luật biểu tình và cho biểu tình. Vậy mà có ông đại biểu Quốc hội nào đó phát biểu lăng nhăng, nhảm nhí quá! Thiết nghĩ, đối với loại cuồng ngôn loạn ngữ này thì chả nên thảo luận với họ làm gì.

Ai cũng biết thời thực dân Pháp, dân ta đã tự do biểu tình đòi độc lập. Nhưng ít ai biết thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ở Sài Gòn cũng có tự do biểu tình.

Xin trích cuốn hồi ký không tên của tác gỉa Lý Quý Chung do nhà xuất bản Trẻ (của ta) xuất bản theo giấy phép xuất bản số 1666/CXB cấp ngày 18/11/2004, khổ lớn 15,5 x 23 cm dầy 487 trang viết về một cuộc tự do biểu tình ở Sài Gòn. (Lý Qúy Chung là một nhà báo, là nghị sĩ Quốc Hội thời Nguyễn Văn Thiệu nhưng không phải là Việt Cộng, là phái thân Dương Văn Minh, chống đối Nguyễn Văn Thiệu. Khi Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống thì Lý Quý Chung là Bộ trưởng Bộ Thông tin cùng tham dự cuộc đầu hàng của Dương Văn Minh ngày 30/4/1975. Sau đó tiếp tục làm cộng tác với 8 tờ báo Cộng sản, trong đó có làm Tổng thư ký báo Lao động tại Hà Nội. Và sau đó vẽ nhiều tranh, tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Sài Gòn, Hà Nội).

Dưới đây là trích bài viết về một cuộc biểu tình tự do ở Sài Gòn thời Nguyễn văn Thiệu, trong cuốn sách đó:

“Ngày ký giả đi ăn mày” là một cuộc xuống đường lớn nhất và được quần chúng công khai ủng hộ đông nhất trong thời kỳ chống Mỹ và chính quyền Thiệu. Về mặt công khai xuống đường như đã nói có bốn tổ chức báo chí khởi xướng nhưng chỉ cần nhìn vào những nhân vật dẫn đầu cuộc biểu tình thì biết ai đứng sau lưng sự kiện lịch sử của báo chí miền Nam; Ngoài chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải Thanh Tâm cải lương) còn có nhà văn – nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Quốc Phượng, nhà thơ, nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà đều là nhà báo cộng sản chính cống!

Chính quyền Thiệu biết trước cuộc xuống đường này vì trong làng báo có nhiều ký giả giả, ký giả chỉ điểm, ký giả làm việc cho trung ương tình báo. Nhưng chính quyền vẫn không thể ngăn chặn hoặc phá vỡ cuộc tổ chức xuống đường. Cuộc xuống đường lấy hình ảnh “ký giả ăn mày”. Để tố cáo sắc luật 007/72 đã khiến cho nhiều ký giả phải chịu cảnh thất nghiệp do nhiều tờ báo bị đóng cửa vì không có tiền đóng ký quỹ. Chính vì vậy nên mỗi ký giả tham dự cuộc xuống đường đều được Ban tổ chức phát cho một nón lá, một bị đệm của người ăn xin (đeo vào cổ) và một cây gậy. Lực lượng chính hỗ trợ cho các nhà báo là các dân biểu – nghị sĩ đối lập, trong đó có nhiều người đồng thời là nhà báo như anh Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và tôi. Cuộc xuống đường diễn ra ngày 10 tháng 10 năm 1974, xuất phát từ trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, nằm trên đường Lê Lợi, giáp đường Tự Do (nay là Đồng Khởi). Lộ trình dự định của đoàn biểu tình là tuần hành trên đại lộ Lê Lợi, nhắm thẳng vào chợ Bến Thành nơi có đông đảo quần chúng chờ đợi. Tôi nói với người cảnh sát đứng trước mặt tôi với cái khiên che chắn ở giữa: “Anh có nhiệm vụ của anh là ngăn chặn biểu tình, tôi có nhiệm vụ của tôi với tư cách đại biểu của dân. Giữa tôi và anh chẳng có thù ghét gì. Tôi đẩy tới, anh lui lại có sao đâu.” Thật sự trước các nhà báo, các dân biểu – nghị sĩ và nghệ sĩ – trí thức rất hiền lành, lực lượng cảnh sát cũng không hăng hái lắm để ra tay đàn áp nếu họ không bị khiêu khích hoặc kích động làm mất đi sự bình tĩnh. Do đó khi đám đông “ký giả đi ăn mày” rướn tới một cách quyết liệt là hàng rào cảnh sát tự vỡ ra và dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ.

Ra đại lộ Lê Lợi như dòng sông đổ ra biển. Người dân hai bên đường hoan hô người biểu tình, nhiều người hào hứng nhập vào đoàn, nhất là thanh niên học sinh. Đến chợ Bến Thành, những người buôn bán trong chợ ào ra “bố thí”. Các ký giả ăn mày, nhét vào bị của chúng tôi đủ thứ bánh trái và quà tặng khiến cho hình ảnh ký giả đi ăn mày càng đậm nét.

Rất mong rồi đây người dân nước CHXHCNVN có nền dân chủ gấp triệu lần tư bản cũng được biểu tình như thời Pháp thuộc, Thiệu thuộc.

37 Lý Nam Đế - Hà Nội ĐT: 04 62 700 002

0 comments:

Powered By Blogger