Có những điều cần để suy nghĩ: Trung Quốc sợ gì ai ở Biển Đông? Cụ thể, chính phủ Bắc Kinh sợ thế lực của nước nào khi đã đưa hải quân đánh chiếm Hoàng Sa trong năm 1974, và chiếm một phần Trường Sa của Việt Nam trong năm 1988?
Nếu những năm đó, TQ đã không sợ gì ai, thì tại sao bây giờ Bắc Kinh phải lo sợ? Thực tế, trên Biển Đông hiện nay, về nguyên tắc, Hải Quân Trung Quốc không sợ gì ai, miễn là đừng cản trở tuyến hải hành mà Hoa Kỳ đã yêu cầu đừng ngăn trở lưu thông.
Còn nói về nỗi lo sợ, nhà cầm quyền Bắc Kinh chắc chắn là chỉ lo sợ nội bộ thôi, cũng y hệt như Liên Xô, Đông Âu, Đông Đức… đã chỉ sụp đổ vì lý do nội bộ. Thậm chí, đôi khi, chúng ta cũng cần tiên liệu rằng, khi nội bộ có dấu hiệu bất tường, Trung Quốc có thể dấy binh, gây chiến với Việt Nam để dân chúng Hoa Lục không bận tâm về Tây Tạng hay Tân Cương, không quá lo về lạm phát hay thất nghiệp, không quá quan tâm về họa sĩ Ngải Vị Vị hay Pháp Luân Công. Thêm nữa, những dấu hiệu Trung Quốc đưa ra có khi hai mặt, lúc lộ diện như Ông Thiện để vuốt ve Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, và lúc hiện thân Ông Ác để buộc Hà Nội cứng rắn với những người biểu tình đòi giữ đảo, giữ biển.
Đó là lý do chúng ta thấy Trung Quốc có khi đi quá đà để thực sự khiêu khích Việt Nam, không chỉ là cho tàu vào biển VN cắt dây cáp taù thăm dò dầu VN, mà gần đây nhất là biến Hoàng Sa thành khu lầu xanh kiểu mới. Cần nhắc rằng Hoàng Sa là một nhóm 120 đảo, đã bị Hải Quân TQ chiếm toàn bộ vào năm 1974, sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH lúc đó.
Bị bêu xấu như thế, VN đã lên tiếng công khai, không còn giữ kiểu đóng cửa trong nhà như thường lệ. Bản tin thông tấn nhà nước VTC News hôm 24-11-2011 viết, trích:
“Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa
Mọi hoạt động của nước ngoài tại Trường Sa và Hoàng Sa không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tại cuộc họp báo thường kỳ vào hôm nay.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đưa ra trước đề nghị bình luận về thông tin trên báo chí Trung Quốc ngày 22/11 cho biết Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phê duyệt cho phép một công ty của Trung Quốc mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.
“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tại hai khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần DOC.” – Ông Lương Thanh Nghị nói…”(hết trích)
Hà Nội đòi Bắc Kinh tôn trọng Bộ Quy Tắc Ửng Xử Biển Đông? Sao lại có chuyện ngây thơ tin tưởng như thế? Không phải VN đã cam kết tôn trọng nhân quyền, tôn trọng Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ, nhưng rồi có tôn trọng bao nhiêu đâu? Giữa nói và làm là 2 chuyện khác nhau, Hà Nội tất nhiên biết Bắc Kinh cũng cùng một môn võ Ngôn Hành Dị Biệt như thế.
Tuy nhiên, giây phút này nhà nước VN biết là có im lặng là sẽ hỏng. Bởi vì thời buổi Internet, không giấu gì được thông tin quan trọng đó, dù có muốn giấu. Thêm nữa, chính phủ Hà Nội đã thấy cần gây một tiếng vang cho an định lòng dân.
Báo Dân Trí hôm 25-11-2011 ghi lời ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội, rằng “Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.” Thực tế, giây phút này, nếu ông Dũng không nói gì, thì sẽ đi vào lịch sử muôn đời như một kẻ lặng lẽ chấp nhận cắt bỏ đảo Hoàng Sa để được bảo kê chế độ.
Báo Dân Trí viết: “Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và thực tế chúng ta đã làm chủ từ cách đây vài thế kỷ…
… chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam có đủ căn cứ, pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, năm 1956, Trung Quốc chiếm các đảo phía đông đảo Hoàng Sa. Năm 1974 Trung Quốc đem quân chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa. Chính quyền miền Nam Việt Nam đã phản đối tới Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng bày tỏ sự phản đối tại thời điểm đó…”(hết trích)
Như thế, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành vị Thủ Tướng đầu tiên của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN ghi công cho “Chánh quyền miền Nam Việt Nam đã phản đối tới Liên Hiệp Quốc” hồi năm 1974. Đúng là VNCH có công phản đối như thế, sau trận hải chiến thảm bại năm 1974. Tuy nhiên, có một điểm hình như không đúng sự thật là lời ông nói thêm, “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng bày tỏ sự phản đối tại thời điểm đó…” Không rõ có bản văn nào từ VNDCCH phản đối như thế không? Hay bản văn từ cánh tay nối dài của Hà Nội lúc đó là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam? Hay chỉ riêng có nhà nước VNCH lên tiếng, còn mọi phe khác đều im lặng?
Tuy nhiên, một điểm để suy nghĩ, rằng ông Dũng yêu cầu Quốc Hội làm Luật Biểu Tình, vì theo ông, “Chính phủ căn cứ vào điều 69 Hiến pháp, quy định công dân được biểu tình theo pháp luật.” Sau đó, ông Dũng nói lời ca ngợi về các nhà trí thức xuống đường phản đối TQ xâm chiếm Biển Đông. Đúng là chuyện lạ. Trong khi công an Sài Gòn và Hà Nội dùng bạo lực, phi thân kẹp cổ người biểu tình, đứng từ xe buýt đạp chân vào mặt người biểu tình, ông Dũng lại “Về quan điểm, chủ trương ứng xử với những người tụ tập biểu thị lòng yêu nước, Thủ tướng khẳng định luôn luôn trân trọng, biểu dương và có khen thưởng xứng đáng với tất cả những hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia….” Đúng là, có phảỉ VN chơi kiểu 2 mặt Thiện-Ác để làm người dân hoang mang?
Báo Asia Sentinel trong bài viết của Jens Kastner hôm Thứ Ba 22-11-2011 đã phân tích độc chiêu của chính phủ Bắc Kinh là Song Thủ Hỗ Bác, Thiện Ác Nan Phân…
Báo Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), trụ sở ở Bắc Kinh, in trong cả tiếng Anh và tiếng Tàu, được bảo bọc của Đảng CSTQ, đang có những bài bình luận hung hăng, đòi đưa quân tấn công các nước láng giềng TQ, trái nghịch với ngôn ngữ chính thức của nhà nước TQ.
Có phải Đảng CSTQ đóng vai Ông Thiện, để Hoàn Cầu Thời Báo thủ vai Ông Ác, nhằm làm cho VN hoa mắt?
Trong 2 tháng qua, báo này đòi tấn công hệ thống vũ khí Hoa Kỳ nếu Đàì Loan được mua các vũ khí mới này, cũng như đã có những bài chỉ trích VN vô ơn và đòi tát vỡ mặt VN, và rồi có những bài đòi cùng lúc tiến đánh VN và Phi Luật Tân một trận để giữ an cho Biển Đông lâu dài…
Theo Asia Sentinel, tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong bản tiếng Tàu thiết lập từ năm 1993, bây giờ in 1.5 triệu ấn bản hàng ngày, tất cả độc giả đều có khuynh hướng bảo thủ cứng rắn, trong khi ấn bản tiếng Anh in 100,000 bản và xuất bản từ năm 2009.
Steve Tsang, giám đốc Viện Chính Sách Trung Quốc tại đại học University of Nottingham (ở Anh Quốc), nói rằng đúng là quan điểm trên Hoàn Cầu Thời Báo có chỗ trái nghịch quan điểm chính thức của Đảng CSTQ, nhưng báo này là thuộc về tờ Nhân Dân Nhật Báo và thuộc quyền của Đảng CSTQ, không phải tiếng nói độc lập, và, theo ông, chính phủ TQ dùng Hoàn Cầu Thời Báo làm một công cụ trên bàn thương lượng quốc tế, kiểu y hệt như Ông Thiện/Ông Ác.
Theresa Fallon, một nhà nghiên cứu ở viện European Institute of Asian Studies, chỉ ra một điểm cho thấy Hoàn Cầu Thời Báo thích hợp với chính sách ngoaị giao của TQ, “Mục bình luận [trên báo này] có mục tiêu trực tiếp là hù dọa các công ty dầu Tây Phương để họ bỏ chạy khỏi VN và Phi Luật Tân, và nhằm ngăn cản họ ký kết làm ăn với 2 nước này,” theo lời bà dẫn từ báo Taipei Times.
Dẫn từ các công điện ngoaị giao Mỹ trên WikiLeaks, bà Fallon nói TQ đã có nỗ lực từ 2006 là áp lực các công ty dầu như Exxon Mobil, BP, Chevron và Petronas sau khi họ thương lượng với VN.
Fallon nói với báo Asia Sentinel rằng vài tuần sau khi Hoàn Cầu Thời Báo đòi hải chiến ở Biển Đông, chính phủ TQ xuất hiện và cảnh cáo các hãng dâu phảỉ rời xa VN.
Câu hỏi của chúng ta bây giờ còn là, có phải đạị biểu Hoàng Hữu Phước xuất hiện, chống phá Luật Biểu Tình cũng là để đóng vai Ông Ác, nhằm làm nổi bật vai trò Ông Thiện của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông Dũng đưa ra Luật Biểu Tình để cứu xét?
Môn võ Song Thủ Hỗ Bác quả nhiên là độc chiêu. Khả dĩ làm khắp thiên hạ hoa mắt, từ tranh chấp dầu Biển Đông, cho tới biểu tình ở Bờ Hồ?
Tuesday, November 29, 2011
Đóng Vai Thiện, Ác?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment