Saturday, April 30, 2011

Thư ngỏ gửi bạn Kami nhân ngày 30-4


Lê Quốc Tuấn

Bạn thân mến,

Tháng Tư, nơi tôi ở đang chuyển mùa, những cơn mưa đầu xuân đang xối bỏ từng mảng băng tuyết mùa đông. Trên đài truyền hình Việt ngữ và các báo chí ở đây, tràn ngập hình ảnh, tin tức, hồi ký, tưởng nhớ ngày 30/4. Một ngày khó quên của gần 50 triệu người Việt khi ấy. Một ngày đã khiến cả triệu người vui cùng một triệu người buồn như một nhà lãnh đạo CS quá cố từng nhận xét, mà kỳ thực, những người vui hay buồn, hoặc cụ thể bao nhiêu người vui bao nhiêu người buồn thực ra cũng khó có thể biết được tận tường, trong khuôn khổ của một cuộc sống mà người dân đã phải quen với sự giả dối che đậy suy nghĩ thật của mình để có thể tồn tại. Như chính bạn đang phải vất vả lựa từng lời từng chữ để cố thể hiện suy nghĩ của mình trong câu thúc của những ràng buộc. Đấy chẳng phải là điều đáng buồn hay sao phải không bạn ?

Từ khởi điểm ấy, nếu chỉ nói bàn đến người thua kẻ thắng, về hai chữ "thua trận" và những người “thua trận” ở đây, như lời mở đầu của bạn, kể cũng khó. Bởi vì chẳng hóa ra chúng ta lại chỉ giới hạn những chia xẻ này ở đấy, trong khi đã 36 năm qua kể từ ngày ấy, những ai từng trực tiếp cầm súng, có lý tưởng hay đặc quyền đặc lợi gì đó trong cuộc chiến ấy đã nay đã tuổi tác cả rồi.

Thành ra, để tôi nói bạn nghe, vấn đề chính là ở chỗ: chẳng phải chỉ có ngần ấy người vui, bằng ấy người buồn thôi đâu, bạn không thấy rằng, kể từ ngày 30/4 ấy, tất cả mọi người Việt Nam, dù ở đâu trên khắp hành tinh này, đều là những người buồn cả hay sao ? Nỗi buồn ấy là : những người ở trong nước phải chịu đựng một chính quyền độc tài, không được quyền nói thật, còn những kẻ tha hương buồn nhớ đất nước mình da diết. Và tôi cho rằng đấy là một nỗi buồn hết sức lớn. Lớn hơn tất cả những mất mát khác.

Bạn mến,

Bạn thích chia xẻ suy nghĩ về chính trị ? Cụ thể là chính trị Việt Nam, qua những "đấu tranh của người Việt ở Hải ngoại với chính quyền hiện tại ở trong nước", "công cuộc vận động cho nền dân chủ của Việt nam hôm nay của cộng đồng người Việt nam ở Hải ngoại" ...

Vậy ta sẽ bàn từ đó nhé.

Tôi bắt đầu từ nhận xét của bạn: “công cuộc vận động cho nền dân chủ của Việt nam hôm nay của cộng đồng người Việt nam ở Hải ngoại vẫn là con số không tròn trĩnh sau 36 năm đằng đẵng tranh đấu. Mặc dù tự do, dân chủ để tiến tới xoá bỏ độc tài… cái đích mà các bạn đang hướng tới là chính nghĩa, là phù hợp với xu thế tất yếu của xã hội loài người văn minh”.

Bạn ơi, trước tiên, phài nói ngay với bạn sự thực là không chỉ cộng đồng người VN ở Hải Ngoại vận động cho nền dân chủ ở VN, mà là cả biết bao con người trên toàn thế giới luôn vận động cho nền dân chủ ở VN và ở các nước thiếu dân chủ khác. Công cuộc vận động ấy, dù ở nhiều nơi, đã có kết quả khả quan, tốt đẹp như cuộc cách mạng nhung ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và cuộc "cách mạng hoa nhài" ở các nước Ả Rập gần đây, nhưng ở những nơi khác, cụ thể như ở VN của chúng ta vẫn là "con số không tròn trĩnh" như bạn nhận xét với một âm hưởng của sự thất vọng và chê trách.

Là một người sống ở hải ngoại, cá nhân tôi đón nhận sự chê trách và thất vọng này vừa bằng niềm vui, vừa bằng một nỗi buồn.

Niềm vui là vì thấy bạn thực sự có ước muốn dân chủ và bạn thất vọng khi thấy ước vọng ấy chưa đến được.

Nỗi buồn là khi thấy bạn chê trách không đúng người, đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào vài triệu người Việt ở hải ngoại. Bởi vì sư thực là không ai có thể mang đến dân chủ cho bạn được trừ chính bạn. Lịch sử của các nước cho thấy chỉ hành động chính trị của chính người dân mới mang lại cho họ một nền dân chủ đúng nghĩa và xứng đáng. Bởi vì dân chủ không phải là một ý thích, một đặc quyền, mà người khác có thể ban cho chúng ta, dân chủ là cuộc sống, hơi thở, khao khát của một con người, một tập thể muốn thực sự làm chủ cuộc sống của mình.

Những chuyển biến tích cực về xu hướng dân chủ hóa trên thế giới, và những phong trào, hội đoàn đấu tranh cho dân chủ của người Việt ở Hải ngoại hoàn toàn chỉ có thể là những hỗ trợ, góp phần thức tỉnh ý thức dân chủ và thúc đẩy nhu cầu dân chủ ở trong nước chứ không thể là yếu tố quyết định để mang lại dân chủ cho tuyệt đại đa số người Việt trong nước.

Do đó, "dù tự do, dân chủ để tiến tới xoá bỏ độc tài… là chính nghĩa, là phù hợp với xu thế tất yếu của xã hội loài người văn minh" nhưng ở Việt nam vẫn chưa có bóng dáng dân chủ, vẫn là "con số không tròn trĩnh" hoàn toàn không phải vì những người đấu tranh cho dân chủ ở hải ngoại là những "kẻ còn lạc trong rừng không biết lối ra, cho dù đã nhìn thấy chòm sao Bắc đẩu" mà chắc chắn từ hai nguyên nhân:

1. Vì đại đa số người dân trong nước chưa thực sự đói khát dân chủ.
2. Vì thế lực độc tài còn quá mạnh khiến hạt mầm dân chủ không thể bám rễ.

Tôi tin rằng không một ai lại không muốn làm chủ bản thân mình. Do đó nguyên nhân đầu tiên vừa nêu trên là không có thực. Và dưới một chế độ độc đảng, độc tài mà người dân trong nước phải "sống trong sự kìm kẹp, độc quyền thông tin hàng chục năm nay" khiến người dân trở thành một loại "phản xạ có điều kiện, ăn sâu vào máu thịt”như bạn đã mô tả thì nguyên nhân thứ hai (kể trên) đã quá rõ ràng, phải không ?

Bạn mến,

Trở lại nhận xét của bạn về những người ở hải ngoại. Bạn cho rằng, cuộc đấu tranh dân chủ ở hải ngoại là "hoàn toàn sai lầm ở mức nghiêm trọng" vì đã coi cuộc đấu tranh "chỉ là một ván cờ tranh giành quyền lực lãnh đạo đất nước, bằng cách thông qua việc xoá bỏ đảng CSVN, thông qua việc hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, để rồi xoá bỏ Cờ đỏ sao vàng để thay bằng Cờ vàng ba sọc đỏ", "các tổ chức chính trị hải ngoại đã lẫn lộn giữa công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt nam với công việc phục quốc (khôi phục chế độ VNCH)", khiến bạn phải lên tiếng chất vấn : "36 năm qua, phong trào của các bạn đã làm được những gì có thể đe doạ sự bất an của chính quyền cộng sản hay chưa"...

Tôi là một người ở hải ngoại, từng đóng góp chút khả năng của mình vào công cuộc vận động dân chủ và cá nhân tôi cũng quen biết trực tiếp , gián tiếp nhiều người cùng chí hướng như thế, nhưng tôi không hề thấy mấy ai coi cuộc đấu tranh là nhằm để "tranh dành quyền lực lãnh đạo đất nước". Còn việc hạ bệ thần tượng HCM hoặc xóa bỏ quyền lãnh đạo độc đảng của đảng CSVN là điều cần làm, bởi vì đảng CS chính là tổ chức đã gây nên tình trạng "kìm kẹp, độc quyền thông tin hàng chục năm nay" để áp chế chính người dân của mình và HCM chỉ đúng là kết quả của những "phản xạ có điều kiện, ăn sâu vào máu thịt của họ, làm cho đa số dân chúng luôn yêu quý sùng bái lãnh tụ Hồ Chí Minh" như bạn đã vạch ra.

Nghĩa là, qua nội dung lá thư ngỏ rất chân tình của bạn, tôi thấy rằng, bạn nhìn nhận dân chủ là cần thiết; chế độ là sai lầm là trói buộc; bưng bít thông tin; một bộ phận dân chúng trong nước không nhỏ, đủ loại thành phần, kể cả các cán bộ đảng viên trong đảng CSVN đã bắt đầu chán ghét chế độ hiện tại; thần tượng HCM chỉ là kết quả của phản xạ có điều kiện, ăn sâu vào máu thịt (nói cụ thể hơn là đã bị tẩy não) nhưng khi những người đấu tranh cho dân chủ ở hải ngoại hướng đến việc thay đổi những điều ấy thì bạn lại cho là sai mục tiêu do đó sẽ không có hiệu quả...

Vậy, nếu bạn muốn những người đấu tranh ở hải ngoại phải "sửa đổi tới tận gốc" những chủ trương ấy thì theo bạn, những người HN nên làm gì ???

Bạn thân mến,

Bạn nhắc đến những Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung v.v... và bạn sợ những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ này bị "mang tiếng khi người dân trong nước vơ họ vào chung một rọ với những kẻ có tham vọng khôi phục lại chế độ VNCH" ??? Là người từng đọc khá nhiều trang blogs của những tiếng nói trung thực trong nước, đây là lần đầu tiên, tôi mới thấy một người tự nhận là đấu tranh cho dân chủ ở trong nước có nhận xét giống các tiếng nói lề phải như thế.

Dĩ nhiên là còn nhiều điều nữa cần chia xẻ với bạn, về phương thức đấu tranh, tâm lý, vận động quần chúng, về thắng thua, thù hận, v.v... như bạn đã nêu ra, nhưng tôi xin tạm dừng ở đây. Khi khác sẽ trở lại với bạn nếu có dịp.

Lê Quốc Tuấn
(cuối tháng Tư 2011)

0 comments:

Powered By Blogger