Chu Việt - Cách đây ít lâu, trên diễn đàn talawas, tác giả Nguyễn-Khoa Thái Anh có bình chọn ba người mà ông cho là cộng sản chân chính: nhà thơ Nguyễn-Khoa Điềm, bà Tôn Nữ Thị Ninh, và cô Đặng Thùy Trâm, bác sĩ. Thế nào là chân chính? Là hoàn toàn xứng với tên gọi: người cộng sản.
Nhưng, tại sao lại chỉ có ba người này? Còn các ông Sít, ông Lê, ông Mao, ông Hồ… không phải là cộng sản chân chính hay sao? Thật bất công cho các ông.
Nhưng, tại sao lại chỉ có ba người này? Còn các ông Sít, ông Lê, ông Mao, ông Hồ… không phải là cộng sản chân chính hay sao? Thật bất công cho các ông.
Trong ba người này, Đặng Thùy Trâm chỉ là một cô gái lãng mạn. Vì tình yêu, cô mơ ước được kết nạp vào đảng. Nhưng đảng chê cô vì gốc gác tiểu tư sản. Cô đã gặp cái chết trước khi ước mơ được thực hiện. Thât tội nghiệp. Chưa là cộng sản, nên chỉ có thể gọi cô là người lãng mạn chân chính.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, thật ra, bản chất cũng là người lắm mộng mơ. Bà là người thông minh, có học thức, giỏi biển báo. Cũng gốc gác tiểu tư sản, bà được đặc ân đi du học Pháp rồi Anh. Từ miền Nam của VNCH. Rồi lại trở về miền Nam dậy học tại Đại học Sư Phạm Saigon từ 1973. Theo cộng sản từ thời ở Pháp, sau 1975 bà được ban cho chức vụ Đại sứ tại mấy nước nhỏ ở Âu châu. Rồi Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội sau thành tích thông dịch cho những ông lớn như Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Bà được gửi đi “giải độc” ở bên Mỹ. Tại đây, bà gặp nhiều chống đối của người Việt tị nạn CS khi xác định quyết tâm theo đuổi “nền dân chủ độc đảng” (?) — ý nói ĐCSVN — hiểu cách khác là kiên định Điều 4 Hiến Pháp. Tiêu biều và ai oán là lời nói thổ ngữ của một bà người Huế: “Mần răng mà bà mần chuyện ốt dột (1) như rứa?” Từ bốn năm nay, bà Ninh không còn giữ chức vụ này nữa. Rảnh rang, bà có thì giờ tự soi gương thấy con người thật của mình, và bà bắt đầu mơ mộng. Bà mơ thành lập một đại học tư tầm cỡ Stanford, Harvard, Yale, lấy tên là Trí Việt. Và bà lại quyết tâm. Lần này thì bà quyết tâm “giành giật lại quyền giáo dục con người” sau khi nhận biết có nhiều sai lầm căn bản trong phương pháp đào tạo con người. Và bà cũng phản đối. Phản đối sự “bóp nghẹt tư duy sáng tạo của học sinh”. Ai bóp nghẹt, chắc bà thừa hiểu nhưng không nói ra. Đó là những lời nói của lương tri cá nhân. Tiếc thay, sao bà không làm sớm hơn khi còn là “người cộng sản chân chính”?
Chọn ông Điềm, người cùng họ Nguyễn-Khoa, là ứng viên cộng sản chân chính xem ra cũng dễ hiểu đối với ông Thái Anh. Nhưng không phải chỉ có thế. Ông Điềm có tuổi đảng cao, đã từng giữ những chức vụ lớn như Bộ trưởng Văn hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Văn hóa – Tư tưởng, nghĩa là người chỉ đạo tư tưởng cho toàn đảng, toàn dân. Ông thật sự là người cộng sản chân chính. Nay ông đã nghỉ hưu ở tuổi 67, về ở ần tại Huế, cuộc sống nhàn hạ, làm bạn với thơ phú. Có điều là nhàn cư nên ông có thì giờ giờ suy ngẫm lại cuộc đời và thấy rằng nó cũng không lấy gì làm “chân chính” cho lắm. Ngày xửa ngày xưa, những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, ông được giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ và cùng bọn anh em Hoàng Phủ, Xuân, lên danh sách những ác ôn Ngụy cần phải tiêu diệt rồi ra lệnh tiêu diệt họ. Sau 1975, là vụ “phần thư”, nói cường điệu chứ thật ra chỉ là việc nghiền ra bột cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn khi ông là Bộ Trưởng Văn Hóa. Rồi Nghị Quyết 36 năm 2004 — với mục đích kéo “khúc ruột ngàn dậm” về lại trong bụng mình — do ai soạn thảo? Là ai, ngoài Trưởng Ban Tư Tưởng – Văn Hóa, là ông chứ còn ai? Nghĩ lại thật không ngờ mình đã làm những chuyện đó. Cho nên ông lấy gương ra soi lại mình. Ông thấy gì? Cũng như con Pogo trong biếm họa Walt Kelly, ông nhìn thấy Kẻ Thù của mình và kẻ thù đó, bất hạnh thay, lại là chính ông.
Bây giờ thì ông thấy:
“Tình hình ta cứ làm văn hóa như thế này, ta còn đi xuống nữa. Lý tưởng xây dựng xã hội dân giầu nước mạnh còn lâu mới tới được. Việt Nam đã mất mát rất nhiều về văn hóa, do chính chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hóa, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Tôi lo là nhiều người hiện chỉ mới thấy hiện tượng mà chưa thấy được cái gốc sâu xa của vấn đề”. “Vấn đề nữa là hiện trong dân có một tâm lý rất phổ biến là người ta không thích guồng máy hành chính hiện tại. Người ta không thích và ngại tiếp xúc với chính quyền, bởi ‘những người đầy tớ của dân’ luôn vòi vĩnh, lạnh nhạt với dân. Đó là biểu hiện của sự xuống cấp về văn hóa giao tiếp, ừng xử. Làm sao đất nước phát triển khi thiếu sự tin cậy giữa chính quyền và người dân?”
“Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của ta đang chạy theo đồng tiền, ví dụ phim ‘Đường Tới Thăng Long’ mất cả trăm tỷ, những cuộc bán đấu giá trợ giúp người nghèo, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai…lại chỉ là những trò đùa…tiền cả.” “Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vô lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người.”(2)
Được hỏi là nói thế ông có sợ không, ông Điềm điềm nhiên nói: “Sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ, bởi điều phiền toái xuất hiện từ những phía mà mình không ngờ được, Thậm chí ngay cả quyền được nói của nhà báo cũng chưa được thể hiện đầy đủ.”
Đó là những ý nghĩ của một lương tri cá nhân. Chỉ vì soi lại gương mình, ông mới thấy nó. Trước kia, nó là kẻ thù. Giờ đây, nó là bạn. Có điều là tại sao ông không phát biểu như vậy khi còn quyền lực? Chỉ vì khi còn là người cộng sản chân chính, cá nhân ông đã bị thiêu cháy và tan biến trong tập thể. Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân. Đảng cộng sản không bao giờ chấp nhận cá nhân chủ nghĩa. Đảng chỉ có nghị quyết của một nhúm người gọi là Bộ Chính Trị, để mọi cá nhân tuân thủ, nói như ai đó “một đầu nghĩ cho mọi đầu”. Ông không thề nào làm khác. Ông không thể có lương tri cá nhân. Cho đến khi nghỉ hưu và tự soi gương thấy con người thật của mình. Dẫu sao chuyện ba người nói trên cũng đã là chuyện cũ rich.
Đó là một hiện tượng khá phổ biến. Chỉ khi không còn quyền lực hay vị thế người ta mới dám nói lên những sự thật cần nói. Của lương tri cá nhân. Chúng ta đã nghe cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt: “Khi nói đến chiến tranh Việt Nam, một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”. Sự thật là theo ông: “Tổ quốc thuộc về chúng ta, quốc gia thuộc về chúng ta, Việt Nam thuộc về chúng ta, chứ không thuộc về những người cộng sản hay bất cứ tôn giáo hay phe phái nào”. Chúng ta đây là dân tộc Việt Nam. Thật ra, lời ông nói cũng không có gì đặc sắc. Vì là sự thật, ai cũng có thể nghĩ và nói thế và còn hơn thế.
Rồi nhà thơ Chế Lan Viên (3): “Chưa cần cầm lên nếm/ anh đã biết là bánh vẽ/Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn/Cầm lên nhấm nháp/Chả là nếu anh từ chối/Chúng sẽ bảo anh phá rối.…Là đảng viên cộng sản, ông không thể làm khác hơn, tuy trong thâm tâm ông biết chỉ là tự dối mình. Rồi nhà văn Nguyễn Khải (4) về cuối đời mới có cơ hội bộc lộ tâm tư. Ông đã tìm thấy “cái tôi” đã mất. Cái tôi đó nói:
“Các cá nhân cũng là lòng người. Lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân ». Và sau hết: «Tự do được nuôi dưỡng tự nhiên trong môi trường dân chủ là tự do của cống hiến.”
Nghe như đâu đây tiếng nói cương trực, can đảm, bênh vực cho nhân quyền và tự do dân chủ của Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn văn Đài, Nguyễn văn Lý, những tiếng nói của lương tri cá nhân nói thay cho cộng đồng. Hẳn nhiên, không phải ai cũng có tài năng và đảm lược như Cù Huy Hà Vũ, dám ăn, dám nói, dám hành động, dám đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ cho phép Tàu khai thác bô-xít trên Cao Nguyên để phải trả giá với 7 năm tù. Xã hội Việt Nam dưới thể chế độc đảng chuyên chính hiện nay là một xã hội vô cảm. Đa số người dân không muốn bị phiền lụy, nhưng không phải thế mà họ không có một lương tri, một lòng yêu nước ngấm ngầm, và tinh thần chống ngoại xâm. Họ chỉ cần một cơ hội thuận lợi, một lãnh đạo. Luật Biểu Tình nếu được thông qua có thể là một bước đầu.
Mối đe dọa sống còn của dân tộc hiện nay đến từ phương Bắc, người anh em «môi hở răng lạnh». Ý đồ «thực dân mới » hay « đế quốc mới » của ĐCS Trung Hoa rõ ràng hiển lộ qua những hành động lấn chiếm kiểu tầm ăn rỗi. Đâu rồi thác Bản Giốc, rừng đầu nguồn, Hoàng sa, Trường sa, những mất mát đã trở thành như huyền thoại. Hãy cứ nhìn lá cờ của Công Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Ngôi sao lớn tượng trưng cho cái gì nếu không phải là ĐCSTH của dân tộc Đại Hán, và vây quanh là bốn vệ tinh, những khu tự trị, thật ra là những quốc gia có chủ quyền khi trước: Hồi [Ninh Hạ], Mông [Cổ], Mãn [Châu], [Tây]Tạng.
Việt Nam cũng có thể trở thành vệ tinh thứ năm nếu không cương quyết gìn giữ sự vẹn toàn lãnh thổ và lãnh hải. Biển Đông sẽ là nơi thử thách nghiêm trọng.
Mới đây, lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng –một người cộng sản chân chính–, đã công khai khẳng định là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam căn cứ trên những chứng cứ lịch sử ít nhất là có từ thế kỷ XVII. Cũng là lần đầu tiên ông thừa nhận VNCH đã bảo vệ Hoàng Sa của mình như thế nào để cùng một thể, ông cũng muốn vô hiệu hòa cái công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng. Chắc ông cũng đã tự soi gương và nhận ra ông cũng cùng một lương tri với những kẻ biểu tình mà trước đây ông còn coi là thù địch. Điều đáng khích lệ và bất thường là ông đang tại chức. Ông có thể làm hơn thế nữa vì quyền lực ông có tính bao trùm và hiệu quả tức thời. Ông có thể ra quyết định ngưng tụng kinh « diễn biến hòa bình » vì ông cũng biết rõ nó chỉ là một con ngáo ộp tự mình tưởng tượng ra. Cũng như đình chỉ việc đi tìm những « thế lực thù địch » ở đẩu đâu vì chính chúng nó là ông, là Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa…chừng nào còn ôm khư khư 16 chữ vàng : Láng giềng hữu nghị…Thì đấy, sững sững một Hữu Nghị Quan hoành tráng ở ngay trên phần đất nước ta trước kia. Đối với đảng CS đàn anh Trung Hoa, như thế là hữu nghị ổn định lâu dài. Chưa hết, họ còn muốn hướng tới tương lai… sau khi hợp tác toàn diện, thí dụ công trình khai thác bô-xít trên Cao Nguyên mà những nhà trí thức tâm huyết như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Cù Huy Hà Vũ, cực lực phản đối cùng với bản kiến nghị có 3,000 chữ ký trong và ngoài nước.
Một công việc tưởng chừng như vô cùng khó khăn, nhưng thật ra dễ ợt. Là cầm lấy cái gương mà tự soi mình rồi cương quyết hành động, sau khi nhận chân ra «Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư» mới đích thực là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước Việt Nam ta.
Chu Việt
www.vietthuc.org
(1) Ốt dột có nghĩa là xấu hổ (shameful, honteux)
(2) Phỏng vấn do Hoàng văn Minh thực hiện, trên mạng namtong.org
(3) Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989), ủy viên thường trực Hội Nhà Văn, ủy viên Ban Tuyên Huấn ĐCSVN
(4) Nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác phẩm “Gặp Gỡ Cuối Năm” và toàn bộ văn nghiệp của ông.
0 comments:
Post a Comment