TTXVN (La Habana 17/10) Trang mạng BBC mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Abraham Zamorano, liên quan đến thoả thuận vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc về Biển Đông. Bài báo viết Bắc Kinh và Hà Nội vừa cam kết đảm bảo hoà bình tại Biển Đông, với những lời tốt đẹp nhưng rất khó trở thành hiện thực trong một khu vực hội đủ các yếu tố có thể châm ngòi kho thuốc nổ địa chính trị thế giới nay mai. Và đây sẽ là nơi – theo ý kiến của giới phân tích – diễn ra sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thoả thuận Trung Quốc-Việt Nam đưa ra một số giải pháp, như thiết lập một “đường dây nóng” đối với các trường hợp khẩn cấp hoặc cam kết gặp gỡ hai lần trong năm nhằm giải quyết những bất đồng, cũng như các thoả thuận về hợp tác khoa học và phân định ranh giới theo luật pháp quốc tế. Biển Đông là khu vực giao thương quan trọng của hàng hải quốc tế, là nơi – theo ước tính – có nguồn trữ lượng dầu khí khá lớn hiện chưa rõ thuộc về quốc gia nào, và là tâm điểm của sự đối đầu của Trung Quốc đối với quyền bá chủ của Mỹ.
Theo nhà phân tích Robert D. Kaplan, thế kỷ XXI có thể sẽ đánh dấu sự đụng độ về quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Biển Đông. Ông nhận định, nếu đó không phải là một cuộc chiến với qui mô lớn, thì cũng sẽ là một loạt cuộc chiến tranh lạnh. Cũng theo Kaplan, cuộc chiến giành vị thế trong khu vực không nhất thiết phải sử dụng giao tranh. Phương ngôn Trung Quốc có câu: “Người chinh phục vĩ đại nhất chính là người chiến thắng kẻ thù không cần một quả đấm”. Bắc Kinh là như vậy, tạm thời, họ áp dụng cái gọi là ngoại giao thương mại, tức là thắt chặt mối quan hệ kinh tế và luôn miệng tuyên bố rằng “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”. Thoả thuận vừa ký với Việt Nam là nằm trong định hướng đó.
Mặt khác, Trung Quốc đang khẩn trương cho một cuộc chạy đua hiện đại hoá công nghệ-vũ khí. Việc hạ thuỷ tàu sân bay đầu tiên, các cuộc bay thử của chiếc máy ba tàng hình là một vài ví dụ. Đồng nhất với quan điểm trên, giám đốc cơ quan Giám sát về Chính sách Trung Quốc của Tây Ban Nha, ông Xulio Rios cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một bên tham gia quốc tế là một vấn đề thách thức đối với Mỹ, bởi điều này có thể dẫn đến tranh chấp quyền lực bá chủ của họ trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ, mặc dù có lần tuyên bố rõ Biển Đông là khu vực “lợi ích quốc gia”, vẫn kêu gọi bất kỳ cuộc tranh chấp nào cũng cần được giải quyết bằng con đường đối thoại. Vấn đề là ở chỗ người Mỹ sẽ để cho Trung Quốc xiết dây thòng lọng đến đâu đối với người Việt Nam và Philippin trước khi họ can thiệp, nếu như điều đó có thể xảy ra.
Mối đe doạ từ Trung Quốc
Cách đây mười năm, thế giới dự báo với đà tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí nền kinh tế đứng thứ hai của thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo đó đã nhầm trong tình hình hiện tại. Cùng với đà phát triển trở thành siêu cường về kinh tế, Trung Quốc đã thực sự bước vào quá trình hiện đại hoá một cách sâu rộng các lực lượng vũ trang của mình. Ngân sách dành cho quốc phòng không ngừng tăng, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến Côxôvô đã chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của khả năng công nghệ trong lĩnh vực quân sự. Năm 2011, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ước khoảng 91,5 tỷ USD, tăng 12,7%, mặc dù còn xa mới đạt tới con số trên 140 tỉ USD mà Mỹ đã đầu tư cho chi phí quốc phòng.
Bắc Kinh luôn khẳng định sẽ giải quyết bằng con đường hoà bình các mối quan hệ quốc tế. Song, việc ráo riết đầu tư cho kho vũ khí của họ không ngoài mục đích đang nhắm tới ý nghĩa sâu xa trong câu thành ngữ Latinh nổi tiếng “Si vis pacem, para bellum” (Nếu người muốn hoà bình, thì hãy chuẩn bị chiến tranh). Một ví dụ mà ông Kaplan đưa ra là việc Trung Quốc đầu tư khá lớn cho tàu ngầm kể cả loại chạy bằng diezel và tàu ngầm hạt nhân. “Đây là một dấu hiệu cho thấy họ không chỉ nhằm bảo vệ các bờ biển của họ, mà còn muốn bành trướng ảnh hưởng xa hơn nữa trong khu vực Thái Bình Dương”, ông Kaplan nhận xét.
Vùng biển Đông từng là nơi diễn ra những biến cố giữa các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam, đồng thời là trung tâm nổ ra các cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa các bên có liên quan. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, tướng Trần Bính Đức từng phàn nàn trước các cuộc tập trận chung của Mỹ và Philippin trong khu vực. Ông nói: “Chín quốc gia trong khu vực Biển Đông ít nhiều đang cấu kết với nhau chống lại Trung Quốc, và vì thế, họ phụ thuộc vào sự hậu thuẫn về ngoại giao và quân sự của Mỹ”.
Thực vậy, việc nhìn nhận Trung Quốc như một mối đe doạ đã đẩy các nước trong khu vực tiến gần với Mỹ hơn. Điển hình là Việt Nam, từng một thời là kẻ thù của Oasinhton, thì giờ đây đang trở thành một đồng minh mới của họ. Nhân dịp diễn ra các cuộc tập trận chung giữa Việt Nam và Mỹ tháng 8/2010, ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư ngành Quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Mason (Mỹ), đã phát biểu rằng sợi dây nối liên minh này chủ yếu là dầu khí. “Mặc dù chưa ai có thể khẳng định liệu trữ lượng dầu có nhiều như ở Arập Xêút hay không, ngoại trừ nền khoa học chính xác” , ông Hùng nói. Còn theo nhận định của nhà phân tích gốc Hoa, ông Minxin Pei, thì sự phản ứng chính tức của Oasinhton trước căng thẳng ngày một leo thang ở Đông Nam Á cho đến thời điểm này là trung lập. Mặc dù Ngoại trưởng Hillary Clinton có lần đã chỉ rõ những gì đang diễn ra tại khu vực Biển Đông liên quan đến “lợi ích quốc gia” của Mỹ, nhưng theo ông Minxin, điều đó không thể tách rời lập trường mang tính lịch sử của họ.
Khởi chiến thì dễ, nhưng kết thúc thì khó
Theo giới phân tích, khởi chiến với Trung Quốc là điều khá dễ và có trăm nghìn lý do để châm ngòi thùng thuốc nổ, không chỉ vấn đề liên quan đến Đài Loan. Song, vấn đề đặt ra là sẽ kết thúc cuộc chiến đó như thế nào với cường quốc có trên 1,3 tỉ dân này? Michael Vickens, cựu nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hiện đang làm cho Trung tâm Cố vấn Chiến lược và Ngân sách tại Oasinhton, nói rằng để kết thúc một cuộc chiến đòi hỏi phải áp đặt một sự thay đổi chế độ, và điều này không đơn giản đối với người Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc có nhiều lý do để không muốn bùng nổ một cuộc đụng độ vũ trang với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Con số 230 tỉ USD trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên trong khối ASEAN là vô cùng lớn đối với cả hai bên, và là khu vực lớn thứ ba về thương mại tự do của thế giới. Chỉ tính riêng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước trong khu vực tới đầu năm 2011 đạt khoảng gần 118 tỉ USD, tăng 21,8% tính từ tháng 8/2010.
Tóm lại, dù nguồn lợi về buôn bán có lớn đến đâu, nếu các cuộc tranh chấp hải đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng lên tới mức độ nguy hiểm, thì Mỹ sẽ không thể tránh khỏi rơi vào một tình huống hết sức phức tạp. Và không ai nghĩ rằng sau những biến cố có tính nhạy cảm trong quan hệ hai nước, giờ đây Trung Quốc và Việt Nam đang bắt tay nhau để cùng chia sẻ nguồn dầu khí trong khu vực. Thoả thuận song phương vừa ký kết có thể là một điểm xuất phát đầy hứa hẹn./.
http://anhbasam.wordpress.com/2011/10/27/bien-dong-se-la-noi-doi-dau-giua-my-va-tq/#more-32530
http://anhbasam.wordpress.com/2011/10/27/bien-dong-se-la-noi-doi-dau-giua-my-va-tq/#more-32530
0 comments:
Post a Comment