Hành trình 1 người tỵ nạn Việt Nam, từ 1 thuyền nhân thành Phó Toàn quyền Nam Úc
Tờ The Advertiser tường trình rằng nghị viện tiểu bang Nam Úc hôm 17 tháng 10 đã thảo luận việc đề cử ông Lê văn Hiếu thay thế cho Toàn quyền Kevin Scarce, khi nhiệm kỳ của ông Scarce kết thúc vào năm 2012.
Đây là một chức vụ phần lớn có tính cách nghi thức, nhưng có lẽ nhiều người chưa quên rằng dựa trên Hiến Pháp Australia, Toàn quyền liên bang có quyền cách chức Thủ tướng, điều đã xảy ra chỉ một lần duy nhất hồi năm 1975, khi Tổng Toàn quyền John Kerr bãi nhiệm Thủ tướng Gough Whitlam, trong một vụ gây tranh cãi vô cùng sôi nổi trên chính trường nước Úc.
Toàn quyền tại mỗi tiểu bang cũng có các quyền và trách nhiệm tương tự như Tổng toàn quyền, tuy ở cấp tiểu bang. Mặc dù tờ The Advertiser nêu rõ rằng một số giới chức cao cấp khuyến cáo rằng tin này chưa thể xác nhận, vì ngoài ông Hiếu Lê, tên tuổi của một số nhân vật khác cũng đang được đề cập đến, nhưng ông Hiếu được coi là có nhiều triển vọng, nhờ chức vụ Phó Toàn quyền ông đang nắm giữ, và những thành tích rất đáng kể của ông từ khi vợ chồng ông và nhóm người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất liền ở cảng Darwin, cách đây 35 năm về trước.
Thuyền vượt biên (photos.com )
Vợ chồng ông Hiếu đào thoát khỏi Việt Nam giữa đêm khuya trên một chiếc tàu cũ kỹ. Như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác, họ chấp nhận rủi ro có thể phải đổi mạng sống trong cuộc hành trình tìm tự do, theo làn sóng tỵ nạn của những năm cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980.
Ông kể lại cuộc hành trình này trong một bài phát biểu năm 2009: “Chiếc tàu của chúng tôi bị sóng đánh dạt, trồi lên trồi xuống trong nhiều ngày... Khi chúng tôi tìm cách lên bờ, chúng tôi bị dí súng buộc phải trở ra biển trở lại bởi đội tuần duyên của đất nước không chấp nhận cho chúng tôi ẩn náu. Chúng tôi đã gặp cướp, gặp cá sấu, và cả một núi lửa đang hoạt động. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi bị đưa vào một trại tỵ nạn vô cùng tệ hại.”
Ông Hiếu, lúc đó còn là một thanh niên 21 tuổi, và những người đồng hành, quyết định tiếp tục cuộc hành trình sóng gió, vượt biển Timor tìm đường đến Úc.
Như một phép lạ sau một tháng trời với muôn vàn khó khăn, chiếc tàu ọp ẹp cuối cùng đưa nhóm người tỵ nạn vào cảng Darwin ở Bắc Úc, vào một buổi sáng còn mờ sương.
Sự xuất hiện của con tàu tỵ nạn tại Darwin đã gây nhiều tranh cãi, cả ở địa phương lẫn tại thủ đô Canberra.
Lúc bấy giờ, phong trào phản chiến chống đối chiến tranh Việt Nam vẫn còn mạnh, có lẽ đó là một trong các lý do một số người, kể cả các chính khách, chưa sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón người tỵ nạn từ Việt Nam.
Trong cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền liên bang Úc, Thủ tướng lúc bấy giờ, ông Malcolm Fraser cuối cùng đã thắng thế và nhóm người tỵ nạn Việt Nam được phép định cư ở Úc, mở đường cho sự hình thành của một trong những cộng đồng người Việt hải ngoại năng động nhất và hội nhập thành công nhất vào xã hội chính mạch.
Và cựu Thủ tướng Malcolm Fraser trở thành vị ân nhân của cộng đồng người Việt Úc châu.
Ông Lê văn Hiếu là một trường hợp điển hình về sự thành công của người Việt tỵ nạn. Định cư ở Adelaide, ông tiếp tục theo đuổi học vấn, tốt nghiệp cử nhân kinh tế và kế toán, rồi sau đó đoạt bằng Cao học Quản trị Hành chính tại Đại học Adelaide.
Ông kể rằng ngay từ ngày đầu tiên, ông đã hăng hái sinh hoạt cộng đồng và sau đó tham gia các hoạt động với cộng đồng chính mạch, vì muốn xóa bỏ những thành kiến của một số người Úc về người tỵ nạn Việt Nam, sau khi trải nghiệm thái độ kỳ thị của một thiểu số, thể hiện qua những chữ vẽ nguệch ngoạc trên những bức tường trong lối xóm, chẳng hạn như “Asians Out!”, xua đuổi người Á Châu đi nơi khác, không lâu sau khi nhóm tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến định cư tại Adelaide.
Theo lời ông Lê văn Hiếu thì trong hơn 3 thập niên vừa qua, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong xã hội Úc.
Cho dù mới đây cũng có một số dấu hiệu tiêu cực về cách đối xử với làn sóng tỵ nạn mới nhất, nước Úc nói chung được đánh giá là một xã hội cởi mở, đa sắc tộc, đa văn hóa.
Australia đã đón nhận nhiều làn sóng tỵ nạn đến từ nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho các nhóm văn hóa khác nhau hội nhập và đóng góp làm phong phú thêm xã hội Úc.
Người di tản ngày nào, ông Lê văn Hiếu giờ đây thường xuyên được mời phát biểu về những vấn đề hệ trọng đối với quốc gia, trong cương vị Phó Toàn quyền Nam Úc.
Ông chia sẻ những nhận định và nhân sinh quan của ông trong một bài diễn văn mà chúng tôi xin trích vài đoạn tiêu biểu sau đây:
“Về câu hỏi điều gì là quan trọng nhất cho đất nước chúng ta hiện nay, câu trả lời của tôi rất đơn giản và thẳng thắn. Đó là nhân dân. Đó là văn hóa, là sức khỏe, là giáo dục và sự an sinh của nhân dân. Đó là quyền tự do của người dân được thực hiện tiềm năng của chính họ, là mong muốn của mỗi công dân được tôn trọng và tôn trọng người khác, trong khi tìm cách cân bằng các quyền cá nhân và những trách nhiệm của mình. Đó là thái độ sẵn sàng nhận thức và trải nghiệm giá trị của tính đa dạng văn hóa và sự hài hòa xã hội, và khả năng của người dân thủ đắc và duy trì thái độ cởi mở, hướng ra với thế giới bên ngoài.”
Ông đưa ra một thước đo để đánh giá sự thành công của một quốc gia như sau:
“Khi người dân không thực hiện được tiềm năng của họ, khi mà họ không thể vận dụng đầy đủ óc sáng tạo và năng lực của mình, khi họ không thực hiện được ước mơ của họ, thì trong tư cách một quốc gia, chúng ta đã thất bại, và trong tư cách một xã hội, chúng ta đã thoái bộ. Và như thế, thì không còn điều gì khác là quan trọng nữa.”
Về chính sách đa văn hóa của Australia, khuyến khích các nhóm sắc tộc khác nhau duy trì nền văn hóa, ngôn ngữ riêng, trong khi vẫn hội nhập hài hòa với cộng đồng chính mạch, ông nhận định:
“Chính sách đa văn hóa hiện hữu như một đặc tính của tập thể, một chính sách chủ yếu nhằm trao quyền và làm phong phú thêm đời sống chúng ta, cả về mặt cá nhân lẫn cộng đồng. Chính sách ấy tạo điều kiện cho phép chúng ta tận dụng năng lực để khai thác các kỹ năng, chia sẻ các ý kiến, và quan trọng hơn cả, để tìm ra những giải pháp mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt.”
Ông còn nhắc nhở cử tọa về ý nghĩa của sự hiện hữu của mỗi người chúng ta.
“Nếu chúng ta không làm điều gì để cuối cùng có thể cải thiện đời sống của người dân đất nước chúng ta và loài người nói chung, thì cần phải đánh một dấu hỏi về chủ đích và sự tồn tại lâu dài của chúng ta trên hành tinh này.”
Trong 35 năm từ khi chiếc tàu người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên cập bến Darwin, Australia rõ rệt đã có nhiều thay đổi, từ một xã hội ngay ngáy lo sợ về “hiểm họa da vàng”, nơi mà dư âm của “Chính sách nước Úc Da trắng-White Australia Policy” hãy còn ảnh hưởng đến tư duy của một bộ phận đáng kể trong dân chúng, để trở thành một xã hội đa văn hóa và đa sắc tộc, cung cấp cơ hội công bằng cho tất cả.
Câu Chuyện về người tỵ nạn Lê văn Hiếu ngày nào, người đang có triển vọng được bổ nhiệm vào chức Toàn quyền Nam Úc, có thể được viện dẫn như bằng chứng hùng hồn nhất về những thay đổi tích cực đó.
Hoài Hương - VOA
30 tháng 10 2011
0 comments:
Post a Comment