Việt Nam ký 'ghi nhớ' hợp tác quốc phòng với Nhật
BẮC KINH (TH) - Tháng 11, 2011 tới đây, Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda sẽ đi Hoa Thịnh Ðốn để giải thích với TT Barack Obama về dự tính nới lỏng quyết định không xuất cảng võ khí của nước Nhật.
BẮC KINH (TH) - Tháng 11, 2011 tới đây, Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda sẽ đi Hoa Thịnh Ðốn để giải thích với TT Barack Obama về dự tính nới lỏng quyết định không xuất cảng võ khí của nước Nhật.
Ðây là một quyết định từng có thời Chiến Tranh Lạnh và được giữ tới bây giờ dù mấy năm gần đây chính phủ Nhật đã nhiều lần bàn cãi để nới lỏng hay hủy bỏ.
Một hỏa tiễn phòng không của Nhật Bản. (Hình: Internet)
Quyết định liên quan tới nhiều lý do, từ muốn phá thế bí của kỹ nghệ quốc phòng tới các tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực, kể cả khu vực Biển Ðông theo cách gọi của Việt Nam và Nam Hải theo các gọi của Trung Quốc.
Một tướng lãnh Trung Quốc, Phó Ðô Ðốc Ân Châu (Yin Zhou) không tin rằng ông Obama sẽ hậu thuẫn cho Nhật.
Quyết định (không phải là luật mà chỉ là quyết định của chính phủ Nhật năm 1967 dưới thời Thủ Tướng Eisaku Sato) gồm 3 điểm chính yếu:
1. Không xuất cảng võ khí tới các nước cộng sản.
2. Không xuất cảng tới các nước đang hay có thể dính vào các tranh chấp quốc tế.
3. Không bán cho các nước bị LHQ cấm vận.
Vì không phải là luật, chính phủ Nhật có thể rút lại bất cứ lúc nào.
Lý do Nhật muốn nới lỏng hay hủy bỏ vì sẽ mở đường cho nước này tham gia các chương trình phát triển võ khí mới tự sản xuất hay hợp tác đa quốc gia, theo giới phân tích thời sự. Các chương trình nghiên cứu và sản xuất võ khí tối tân vô cùng tốn kém, đòi hỏi những ngân khoản thật lớn. Nếu không được phép xuất cảng để thu hồi vốn phần nào, Nhật thiệt thòi rất nhiều về tài chính vì xuất cảng võ khí là thị trường béo bở nhất trong khi các dự án nghiên cứu không có đà để phát triển.
Tuy nhiên, Ðảng Dân Chủ của Nhật, trước các dự tính của chính phủ, đề ra ba tiêu chuẩn để kiểm soát xuất cảng võ khí.
Thứ nhất, chỉ bán các sản phẩm hoàn tất hay chuyển giao kỹ thuật chỉ là những sản phẩm cho các dự án nhân đạo và xây dựng hòa bình.
Thứ hai, các dự án liên doanh chỉ giới hạn liên doanh với Hoa Kỳ và các nước thuộc khối Bắc Ðại Tây Dương (NATO).
Thứ ba, tiêu chuẩn và hệ thống được thiết lập để cấm chuyển giao kỹ thuật sang một nước thứ ba.
Theo báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 15 tháng 10, 2011 khi đưa tin ông Noda sẽ thông báo quyết định của Nhật với ông Obama, Hoa Kỳ từng muốn sử dụng kỹ thuật của Nhật vào các dự án phát triển liên doanh. Ông Noda tin rằng nói lỏng quyết định trên sẽ đóng góp thêm cho sự gia tăng hợp tác giữa hai nước đồng minh.
Với Phó Ðô Ðốc Ân Châu, theo bản tin của báo Quân Ðội Nhân Dân của Bắc Kinh ngày 25 tháng 10, 2011, ông cho rằng Nhật khó lòng xuất cảng các loại võ khí hoàn tất vì kẹt với Mỹ. Hầu hết các võ khí tối tân của Nhật đều là sản xuất theo bản quyền sáng chế của các công ty Mỹ. Ông này cho rằng: “Nhật rất yếu về sản xuất máy bay chiến đấu, tàu chiến và các hình thức võ khí cỡ lớn, mà hầu như các bộ phận chính yếu như điều khiển tác chiến, radar, căn bản là của Hoa Kỳ.” Bởi vậy, ông không tin là Nhật có khả năng “xuất cảng võ khí trọn bộ.”
Bài phân tích của Phó Ðô Ðốc Ân Châu, giám đốc Sở Nghiên Cứu của Hải Quân Trung Quốc, đưa ra sau bản tin của nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 10, 2011 báo động Nhật dự tính bỏ quyết định cấm xuất cảng võ khí.
Khác với ý kiến của Tướng Ân Châu, Nhân Dân nhật báo tin rằng Nhật sẽ chiếm tới 60% thị phần xuất cảng tàu chiến của thế giới, 40% thị trường hệ thống trang bị điện tử quân sự và từ 25% đến 30% thị trường không quân.
Báo này còn cho rằng nếu Nhật xuất cảng võ khí sẽ “đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương” cũng như có thể vi phạm “Ba nguyên tắc phi hạt nhân” về không sản xuất, sở hữu hay cho phép giới thiệu võ khí hạt nhân vào nước Nhật.
Bài báo của Quân Ðội Nhân Dân ra cùng một ngày với bài bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa Việt Nam “chuẩn bị tinh thần nghe tiếng đại bác” nếu muốn tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Trước đó chỉ một ngày và chỉ 2 ngày trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Philippines ký kết hiệp ước hợp tác hải quân liên quan đến khu vực Trường Sa, Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phùng Quang Thanh đến Tokyo ký bản ghi nhớ hợp tác và trao đổi quốc phòng Việt-Nhật.
Bản tin TTXVN ngày 24 tháng 10, 2011 viết rằng: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa nhấn mạnh với việc ký kết biên bản ghi nhớ này, phía Nhật Bản ‘rất mong’ mối quan hệ hợp tác và trao đổi quốc phòng giữa hai nước được thúc đẩy sang giai đoạn phát triển mới.”
Nếu Nhật Bản bãi bỏ quyết định không xuất cảng võ khí sang các nước cộng sản, Việt Nam có thể là một khách hàng cộng sản đầu tiên? Nước Nhật viện trợ hàng năm nhiều nhất trong số các nước yểm trợ cho Việt Nam xóa đói giảm nghèo suốt nhiều năm qua.
Ngày 30 tháng 10 tới đây, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Tokyo thăm viếng trong một chuyến đi kéo dài đến ngày 2 tháng 11, 2011 “trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA, du lịch, lao động, văn hóa giáo dục,... đồng thời thúc đẩy và đạt được cam kết cụ thể trong việc triển khai các nội dung và dự án hợp tác kinh tế mang tầm chiến lược,” theo tin TTXVN. (TN)
0 comments:
Post a Comment