Monday, October 31, 2011

Một cái chết “nổi tiếng” không ai ngờ

Bà Chen Xianmei (trên cùng), người giúp cháu Yueyue (phải, giữa) bị hai chiếc xe cán lên người, trong lúc 18 người đi ngang trước đó làm ngơ. Nguồn: weibo.com

Dẫu biết rằng đã sinh ra làm người thì ai cũng phải chết, cũng từ giã cõi đời nầy để về nơi vô định. Tuy nhiên có những cái chết thật êm thắm và bình thường mà ít người biết đến, và cũng có những cái chết làm bàng hoàng hay gây xúc động cho nhiều người trên thế giới. Và trong tháng Mười với lễ Haloween, là lễ Vong Hồn, đang sắp đến, chúng ta đã chứng kiến ba cái chết mà có thể cho là ba bi kịch của cuộc đời hay là rất “nổi tiếng”.

Cái chết thứ nhất là của một người nổi danh và được yêu chuộng của rất nhiều người trên thế giới đã lâu. Đó không ai khác hơn là Steve Jobs. Ông ta là một nhà khoa học đại tài, một kỹ sư tuyệt diệu, một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, một nhà thương mại rất thành công, và hơn hết là một tấm gương sáng chói cho tuổi trẻ trong việc sống và làm việc theo những ước vọng chính đáng của mình.

Steve Jobs đã góp phần không nhỏ trong việc ứng dụng những phát minh của khoa học để nâng cao đời sống, liên kết xã hội, cải tiến giáo dục, và làm cho cuộc sống con người được tốt đẹp và đáng yêu hơn. Ông ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và con đường sáng tạo còn nhiều hứa hẹn. Và sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương và đau buồn cho nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên những cái gì ông để lại quả là lớn lao. Không phải chỉ có những sản phẩm mà hàng triệu, hàng tỉ người đang yêu thích như iMac, iPod, iPhone, iPad, iTune, etc. mà còn là một tấm gương cho tinh thần say mê khoa học, tìm tòi, ứng dụng những cái mới, để cải tiến xã hội và phụng sự con người, và một tinh thần quả cảm trong việc chống chọi với bệnh tật và làm việc hăng say cho đến phút cuối của cuộc đời.

Cái chết thứ hai là của một người cũng có tiếng tăm không kém. Tuy nhiên cái chết của ông làm cho nhiều người thở phào nhẹ nhõm hay nhún vai coi như sự đã an bài vì cái nghiệp quả báo. Một cái chết đầy đớn đau, tủi nhục và không được một chút tiếc thương vì những hành vi tàn ác và thiếu lương tâm của ông khi còn sống. Đó chẳng ai khác hơn là Moammar Gadhafi, tổng thống 42 năm trị vì của đất nước Lybia.

Moammar Gadhafi đã có trong tay biết bao nhiêu quyền hành, danh vọng, tiền bạc, của cải mà ông đã vơ vét trong 42 năm dài độc quyền cai trị, nhưng đến giờ phút cuối ra đi, ông đã đem được gì và để lại được gì? Ông chẳng đem được gì ngoài một thân xác bị bầm dập và hôi thối vì bị thương tích và lôi lên từ cống rãnh. Ông chẳng để lại được gì ngoài một tiếng tăm bị nhiều người nguyền rủa. Không những của cải bị thu tóm, hoàn trả cho dân, mà đến gia đình con cái còn bị ly tán, bỏ mạng với ông.

Thế đó, với 42 năm cầm quyền, ông đã tự cho mình là bậc đế vương, nắm quyền sinh sát trong tay, Gadhafi đã tạo nên một guồng máy cai trị và đàn áp khổng lồ, chắc hẳn ông không ngờ rằng có ngày những người dân lặng căm và sợ sệt kia sẽ vùng lên và quyết tử với ông. Và khi đó thì công an, mật vụ, dùi cui, súng đạn, và sự tàn sát nhẫn tâm cũng không làm cho họ lùi bước. Cái chết của ông và sự tan rã của triều đại ông là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. Cái chết của ông quả không để lại được gì ngoài một tấm gương cho những kẻ cai trị của những chế độ độc tài vô nhân và tàn bạo trên trái đất nầy: nếu không sửa đổi và làm theo ý nguyện của toàn dân thì cái ngày nhân dân vùng lên sẽ đến và cái chết sẽ còn bi thảm hơn cả cái chết của Gadhafi.

Trái ngược với hai cái chết ở trên, người thứ ba ra đi là một người chẳng từng được ai nghe đến vì em chỉ mới có hai tuổi đời, nhưng cái chết của em cũng đã được truyền tải rộng rãi khắp năm châu, và để lại một sự xúc động vô cùng to lớn cho nhiều người trên thế giới. Đó là em bé Wang Yue, thường được gọi là YueYue.

YueYue đã ra đi vào ngày 22 tháng Mười, nhưng tai nạn xảy ra cho em là vào ngày 13 tháng Mười khi hai chiếc xe tải lần lượt cán qua người em, và không dừng lại để cứu giúp. Còn tệ hơn vậy, không một ai trong số 18 người đi ngang qua, đã dừng lại để cứu giúp hay đem em vô chỗ an toàn. Sự vô tâm và coi thường mạng sống của những người nầy đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ khắp thế giới, nhưng nhiều nhất là ở tại Trung Quốc. Trang mạng Sina Weibo, tương tự như Twitter, đã có hơn 45 triệu ý kiến đóng góp cho sự kiện nầy, và nói chung là nhiều người đã rất phẫn nộ vì tình trạng đạo đức suy đồi mà điển hình là sự nhẫn tâm làm ngơ của những người qua lại trước tình trạng một em bé hai tuổi đang nằm đau đớn với máu me và tiếng khóc vô vọng như vậy. Họ phẫn nộ vì thương cảm cho em bé, hay phẫn nộ vì chính họ đang phải sống trong một xã hội mà đạo đức và lương tâm không còn chỗ đứng?

Trong những ngày qua, thế giới không ngớt bình luận về nguyên nhân của sự tàn nhẫn của hai người tài xế xe tải, của sự vô cảm, của sự thờ ơ và ích kỷ của 18 người đi ngang qua chỗ em bé YueYue nằm ở Foshan, Guangdong. Có người cho là cái nguồn gốc là ở chỗ thiếu giáo dục, trẻ em không được dạy dỗ về môn đức dục ở nhà trường. Có người cho là tại vì sự mất niềm tin và sợ hãi vì đã có những trường hợp cứu người lại bị người kiện tụng để đòi bồi thường. Có người cho rằng xã hội Trung Quốc ngày nay chỉ chú trọng về vật chất và không coi trọng cái tình con người, nhất là những người không quen biết nhau. Và có rất nhiều ý kiến khác nhau mà ta không thể biết hết được. Tuy nhiên, có một ý kiến mà có vẻ bao trùm hết mọi khía cạnh và đáng làm cho chúng ta suy nghĩ:

Đảng Cộng Sản Trung Quốc không quan tâm đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác hơn sự sống còn của nó. Nó đã sát hại 80 triệu người dân Trung Quốc từ năm 1949 và đang giết hại hàng triệu người luyện tập Pháp Luân Công. Cái lý do cho cái chết của em bé YueYue chỉ vì Đảng Cộng Sản đã lấy mất những bản chất tốt đẹp và lòng tin vào các đấng bề trên của người Trung Hoa.”

Quả thật những đức tính tốt đẹp của người Trung Hoa khi xưa dựa vào những triết lý và nguyên tắc sống của đạo Phật, của Khổng Tử, của Mạnh Tử, và của Lão Tử đã không còn nữa. Ngày nay đa số người Trung Hoa sống trong sự cạnh tranh và đua đòi vật chất. Họ sẵn sàng làm những việc ghê ghớm nhất vì lợi nhuận ví dụ như sản xuất sữa và trứng với những vật liệu rẻ tiền và có hại cho sức khỏe để bán cho người tiêu dùng bất kể là trẻ thơ hay là người tàn tật. Họ làm ra những đồ chơi bắt mắt nhưng rẻ mạt và độc hại vì dùng sơn có chất chì để bán cho trẻ thơ. Họ thu gom dầu cặn từ cống rãnh và lọc lại để bán cho các nhà hàng. Vì đạo đức suy đồi và lòng tin con người với nhau đã vô cùng cạn kiệt, họ dửng dưng trước những khổ đau của đồng loại, và của một sinh vật bé nhỏ, đáng thương, và tuyệt vọng như YueYue.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc đã có một chuyện thương tâm làm động lòng trời, mà đã có biết bao những câu chuyện thương tâm khác. Ngày 15 tháng Chín năm nay một người 30 tuổi tên là Way Hongbin, đã dùng dao giết chết 6 người kể cả 2 trẻ thơ vô tội. Ngày 11 tháng Ba, một người ở Fujan dùng dao giết 8 học sinh và làm bị thương 5 người khác ở một trường học. Ngày 11 tháng Năm, Wu Huanming, 48 tuổi đã đâm chết 9 người, bao gồm 7 em bé ở một trường mẫu giáo. Những câu chuyện thương tâm ở trên không khỏi làm cho chúng ta suy nghĩ về chế độ “ưu việt” mà Trung Quốc đang theo đuổi và Việt Nam đang noi theo. Phải chăng đó là một con đường tốt đẹp cho chúng ta rập khuân và bắt chước?

Chắc hẳn rằng em bé YueYue cũng không ngờ rằng cái chết của mình lại được chú ý nhiều đến như vậy. Chắc hẳn rằng trước khi nhắm mắt bé YueYue cũng không hiểu tại sao đồng bào mình lại quá nhẫn tâm, lạnh nhạt với một bé thơ vô tội như vậy. Nhưng chắc hẳn ở bên thế giới bên kia, em cũng có một phần mãn nguyện vì cái chết của mình có thể làm mở mắt những con người vô cảm, hay có thể làm cho thế giới và đặc biệt hơn là những người Cộng Sản có thể tìm ra nguyên nhân của sự vô cảm mà nếu không khéo đổi thay thì nó có thể tiêu diệt cả thế giới loài người và ngay cả chính bản thân họ.

© Trần Việt Hoàng

0 comments:

Powered By Blogger