TTXVN – Tài liệu Tham khảo đặc biệt-
Bài của học giả Dương Bá Giang, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế Trung cộng, đăng trên tạp chí “Hoàn cầu” số ra ngày 16/10, phân tích động cơ Nhật Bản can thiệp tình hình Biển Đông như sau:
Gần đây những động thái can thiệp tình hình Nam Hải (Biển Đông) của Nhật Bản ngày càng mạnh lên. Ngày 27/9 Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng với Tổng thống Philíppin Aquino đến thăm Nhật Bản ra Tuyên bố chung, trong đó vấn đề Nam Hải và việc hai nước tăng cường hợp tác trong vấn đề Nam Hải là nội dung chính.
Lãnh đạo hai nước xác nhận “Nam Hải là cực kỳ quan trọng vì vùng biển này nối liền thế giới với châu Á – Thái Bình Dương, hoà bình ổn định ở Nam Hải là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Tự do hàng hải, giao thông đường biển không bị cách trở, tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành và giải quyết hoà bình xung đột là phù hợp với lợi ích của hai nước và cả khu vực”, đồng thời nhấn mạnh đảm bảo an ninh đường biển ở Nam Hải là lợi ích chung của hai nước.
Hai bên quyết định nâng cấp đối thoại hiệp thương chính sách cấp thứ trưởng giữa Nhật Bản và Philíppin lên thành đối thoại chiến lược, hội nghị bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng “2+2” giữa Nhật Bản và Philíppin lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào nửa đầu năm 2012. Hai nước sẽ đẩy mạnh giao lưu và hợp tác phòng vệ, thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau giữa Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và Tư lệnh hải quân Philíppin; hạm đội của lực lượng phòng vệ trên biển sẽ đi thăm Philíppin; thành lập cơ chế thảo luận, tham mưu hải quân giữa hai nước. Tăng cường hợp tác cảnh sát biển, tàu tuần tra lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ đi thăm Philíppin, giúp Philíppin huấn luyện đội cảnh vệ bờ biển, nâng cao khả năng tác nghiệp của đội cảnh vệ này.
Tuyên bố chung không có chữ nào nhắc đến Trung cộng nhưng một số báo chí quốc tế, trong đó có cả báo chí Nhật Bản cho rằng ý đồ trong Tuyên bố chung nhắm vào Trung cộng là không thể bàn cãi. Báo “Nihon Keizai” của Nhật Bản cho biết Philíppin là nước Đông Nam Á thứ ba thiết lập “quan hệ chiến lược” với Nhật Bản, cũng giống như Việt Nam và Inđônêxia đều có tranh chấp về chủ quyền biển với Trung cộng. Trong ngoại giao châu Á, tỷ trọng xem xét vấn đề an ninh nhắm vào nước Trung cộng trỗi dậy đang tăng lên.
Việc lấy Nam Hải làm đề tài, xác định Trung cộng là mục tiêu để tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Philíppin, mỗi nước có tính toán riêng nhưng so với Philíppin, cách tính toán của Nhật Bản còn mang nhiều “tính chất không hạn định” hơn, đa dạng hơn, vượt ra ngoài phạm vi vấn đề Nam Hải, lại càng vượt ra ngoài khuôn khổ song phương Nhật Bản-Philíppin.
Trước hết, Nhật Bản lôi kéo các nước Đông Nam Á cùng đối phó với Trung cộng, ý đồ của Nhật Bản là hình thành chế độ phối hợp hai cánh giữa biển Hoa Đông và biển Nam Hải, tăng thêm con bài trong vấn đề Hoa Đông cũng như đảo Điếu Ngư (Senkaku), đồng thời phân tán áp lực trong nội bộ của nước mình. Trên bàn cờ chiến lược của Nhật Bản, các vấn đề về Nam Hải và Hoa Đông liên quan mật thiết với nhau. Nhật Bản muốn lôi kéo, rút ngắn khoảng cách với các nước Đông Nam Á để gây ảnh hưởng của mình ở khu vực. Để đảm bảo lợi ích an ninh ở trong và ngoài nước, biện pháp cơ bản của Nhật Bản không ngoài ba cách tính là tăng cường lực lượng phòng vệ tự chủ, củng cố liên minh Nhật-Mỹ và hợp tác khu vực. Ngoài việc xác nhận hai nước “có lợi ích chiến lược chung về đảm bảo an ninh hàng hải, Tuyên bố chung còn nhấn mạnh hai nước cùng có quan niệm giá trị cơ bản về tự do, dân chủ, nhân quyền, chính trị…, đồng thời cùng phát triển với tư cách là các nước kinh tế thị trường tự do và năng động”. Dụng ý của việc xác nhận như vậy là nhằm lợi dụng “ưu thế về quan niệm giá trị” để làm rõ hơn những điểm chung với các nước liên quan ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, Nhật Bản còn muốn tỏ rõ địa vị quan trọng của mình trong chiến lược khu vực của Mỹ. Tháng 7 năm ngoái, tại Hội nghị ngoại trưởng của Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton đã “bày tỏ quan tâm và hào hứng” đối với vấn đề Nam Hải, cho biết tranh chấp lãnh thổ các đảo ở Nam Hải liên quan đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ, đề xuất phương pháp giải quyết bằng phương thức đàm phán đa phương. Không lâu sau đó báo chí chính thống của Nhật Bản đăng xã luận cho biết phải “thông qua hợp tác quốc tế để ngăn chặn Trung cộng ra vào ở Nam Hải”. Trong tuyên bố chung lần này, Thủ tướng Noda đã cố ý nhấn mạnh Nhật Bản và liên minh Nhật-Mỹ phát huy vai trò không thể thiếu được trong việc ổn định và sự phồn vinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản phải chứng minh cho Mỹ thấy được rằng mặc dù “đã mất 20 năm”, lại vừa trải qua thảm hoạ hạt nhân do động đất, gọi là “thảm hoạ 11/3” nhưng Nhật Bản vẫn có ý nguyện kiên định và có đủ khả năng ủng hộ, phối hợp với Mỹ điều chỉnh chiến lược khu vực. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề như căn cứ Futenma, TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương)… đã dây dưa mãi chưa được giải quyết, Chính quyền Obama đứng trước cuộc bầu cử tổng thống đã “không dễ dàng kiên nhẫn” đối với Nhật Bản nên nội các của Noda đặc biệt cần thể hiện được mặt hợp tác, phối hợp với Mỹ.
Nhưng phối hợp với Mỹ, “bảo vệ an ninh hàng hải” lại không phải là toàn bộ động cơ để Nhật Bản can dự vào Nam Hải. Thời kỳ đầu sau chiến tranh Nhật Bản coi Đông Nam Á là bàn đạp để khôi phục kinh tế và trở lại với cộng đồng quốc tế, sau đó lại coi Đông Nam Á là chỗ dựa về địa chính trị và sân sau chiến lược để trở thành nước lớn chính trị, một thời gian dài trọng tâm viện trợ đối ngoại của Nhật Bản đã nghiêng về khu vực này. Tuyên bố chung Nhật Bản-Philíppin lần này xác nhận hai nước sẽ cùng nỗ lực, thúc đẩy sớm thực hiện cải tổ Liên hợp quốc trong đó có nội dung tăng thêm ghế của nước thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước sẽ tận dụng cơ hội của các hội nghị khu vực và đa phương để tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại cấp cao, đặc biệt là cơ hội “hợp tác chặt chẽ” tại Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ tổ chức vào tháng 11 tới đây. Liệu Nhật Bản có công khai ủng hộ lập trường của Việt Nam và Philíppin trong khung cảnh quốc tế bằng hành động tiếp theo, thúc đẩy tổ chức đàm phán đa phương giải quyết vấn đề tranh chấp Nam Hải hay không, vấn đề này sẽ trở thành chiếc hàn thử biểu để trắc nghiệm chính sách đối với Trung cộng của nội các Noda.
Tuy vậy, đứng trước các vấn đề như tái thiết sau sự cố hạt nhân, chấn hưng kinh tế, giảm thâm hút ngân sách, hoàn thiện chiến lược năng lượng, áp lực lớn nhất đối với nội các của Noda vẫn còn là tình hình trong nước. Các chính trị gia thuộc pháo chiến lược ở Tôkyô đều biết rõ rằng Trung cộng là một cơ hội trong việc giúp Nhật Bản loại bỏ suy thoái, giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nội các Noda không thể không tính đến lợi ích hiện thực. Bởi thế, việc Nhật Bản can dự vào vấn đề Nam Hải, phối hợp với Mỹ, kiềm chế Trung cộng, nâng cao giá trị của bản thân, lôi kéo ASEAN, liệu những việc làm đó của Nhật Bản có được như ý nguyện hay không, vấn đề này cũng đang đặt ra một câu hỏi bỏ ngỏ./.
0 comments:
Post a Comment