Tống Văn Công - Tôi định ngưng viết thời sự chính trị để làm việc khác, bài tôi, thư anh cứ để bạn đọc chia sẻ. Nhưng sáng nay nhận nhiều meo các bạn già hỏi sao không trả lời anh Phạm Toàn; mở Anh Ba Sàm thấy quá nhiều bạn đọc hỏi, bác Phạm Toàn nói vậy, bác Công thấy sao. Thôi thì xin có đôi dòng!
Cám ơn anh gợi ra nhiều điều vui vui, bổ ích. Anh không thích nói chính trị, gây niềm tin, anh khuyên hoài nghi. Vâng, từ thượng cổ, các cụ đã khuyên hoài nghi là tinh thần khoa học, chống lại giáo điều kìm hãm con người. Nhưng tôi thích cách nói của Osho, triết gia Ấn Độ hơn, ông này sinh năm 1931, lứa tuổi anh em mình. Ông ta nói: “Người hoài nghi và người tin tưởng đều mù quáng, họ quay lưng lại nhau, nhưng lại cùng ngồi chung trên một con thuyền”. “Người tin tưởng thì sợ ai đó khêu gợi sự hoài nghi của mình; còn người hoài nghi thì luôn cảnh giác vì sợ bị thuyết phục bởi bất kỳ sự tin tưởng nào”. Osho cho rằng, “chỉ có sự Tin cậy mới vượt qua được cả hai trạng thái hoài nghi và tin tưởng. Tin cậy là sự tồn tại… sinh thành ra tất cả”.
Tôi đang đòi hỏi những điều để có thể Tin cậy và để có điều kiện vượt qua…!
Descartes nói nhiều về hoài nghi. Nhìn đoàn người đang diễu hành trước mắt, ông hỏi đoàn người kia là thật hay chỉ vì ta nằm mơ nhìn thấy? Làm sao phân biệt là mình đang mơ hay đang thức đây? Có trường phái bác lại sự hoài nghi đó, cho rằng: “Hãy trực tiếp đến gặp và hỏi chuyện những người trong đoàn diễu hành ấy, thì sẽ xác định được là mình đang chứng kiến sự thật rành rành chứ không phải trong mơ!”. Bắt chước trường phái này, tôi nói với bạn đồng tuế Phạm Toàn rằng: Chuyện các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Diện… đi biểu tình chống Trung Quốc là hoàn toàn có thật. Càng chắc chắn là có thật, vì các ông ấy đang kiện Đài truyền hình Hà Nội. Và không cần phải “hoài nghi khoa học” nữa, vì các ông ấy đã bị Tòa án Đống Đa bác đơn rồi!
Thư anh viết với danh xưng Phạm Toàn, tức là ông thầy giáo, ở cuối thư anh còn chua thêm câu “Viết khi nhớ đến các đồng nghiệp trong nhóm C.B.”. Tôi mới đọc bản Ý kiến của 14 vị trí thức yêu nước gửi Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ và bạn đọc cả nước, ở mục “3 - Về giáo dục”: “Ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục”. Bạn Phạm Toàn phê phán “sự quan tâm trên phương diện lý luận đều thuộc chính trị” ư? Hình như đó là ý kiến của nhà văn Châu Diên chứ không phải nhà giáo Phạm Toàn! Liệu công trình giáo dục của nhóm Cánh Buồm có được đưa vào quốc sách giáo dục hay không, nếu như vẫn còn bị “sự áp đặt” nào đó?
Ông bạn đồng tuế của tôi ơi, rồi sẽ đến một ngày gần đây thôi, bạn sẽ phải cám ơn tôi cho mà coi!
Chủ nhật, 30-10-2011
T.V.C.
0 comments:
Post a Comment