Một câu hỏi lột tả cả hệ thống
Nhiều năm nay, cả xã hội VN từ cấp quản lý nhà nước, hệ thống giáo dục,
các chuyên gia và người dân.., đều lên tiếng tình trạng xuống cấp toàn
diện của nền giáo dục nước nhà, và kêu gọi cải cách chính sách, đổi mới
tư duy, thay đổi phương cách giáo dục, xây dựng chiến lược giáo dục mới…
Nhưng đâu vẫn hoàn đấy, chỉ có đầu tư vào giáo dục là tăng cao trên
phạm vi toàn xã hội còn chất lượng thì cứ xuống cấp tiếp đến thảm hại
hơn nữa...
Ví dụ gần đây, trong một buổi đàm luận về giáo dục với các nhà giáo bậc
đại học, các cán bộ quản lý họ từ Bộ Giáo dục và Đại học, và các chuyên
gia giáo dục, diễn ra tại Hà Nội, một giáo sư hiệu trưởng một trường đại
học dân lập đã có “tiếng tăm” (cơ sở đầu tư mới khá “hoành tráng”) nêu
ra câu hỏi rất thật thà:
“Các trường/các thầy nên xử lý vấn đề chất lượng đào tạo đại học sao
đây, vì nếu cho điểm đúng chất lượng sinh viên thì nhà trường không chỉ
bị Bộ trừng phạt bằng mọi cách vì họ đã trung thực (“làm cho” tỷ lệ sinh
viên khá giỏi của trường mình rất thấp), mà các sinh viên khi tốt
nghiệp với bảng điểm rất thấp như thế càng khó có cơ hội xin được việc
làm hơn, trong khi đa số trường khác chọn giải pháp “cho điểm cao để
giúp các em dễ xin việc hơn bất chấp thực lực các em thế nào”, và đó là
điều “các em cũng mong muốn thế”?
Câu hỏi trên đã vô tình lột tả tình trạng bi hài với bản chất giả dối
của cả nền giáo dục VN hiện tại: Bộ thì chỉ quan liêu của quyền để kiểm
soát tất cả, các trường và các nhà giáo thì chỉ lo đối phó ngắn hạn
trước Bộ và chấp nhận giả dối, đẩy sinh viên vào bị động khi học và khi
ra xã hội - thay vì đào tạo cho họ chủ động trong cuộc sống khi ra
trường, còn xã hội thì nặng về hình thức và sính bằng cấp bất chấp giả
dối…
Vấn đề của giáo dục VN nằm ở đâu?
Hiện tượng đặc trưng thì như thế, vậy vấn đề gốc của giáo dục VN nằm ở đâu?
Ở sinh viên? Không. Lẽ ra tương lai của họ (thành công hạnh phúc) phải
là mục đích tối thượng và trung tâm của cả hệ thống giáo dục thì họ lại
sẽ phải trở thành công cụ tương lai của thể chế (sau khi đi qua hệ thống
giáo dục của thể chế CS này), nên ngay trong trường họ vẫn đứng ở vai
trò chầu rìa – hoàn toàn bị Bộ và nhà trương chi phối.
Ở nhà trường ư? Một phần thôi, vì họ đã bị tước mất mục tiêu chính đáng
để họ tồn tại là mục tiêu vì thành công và hạnh phúc của các thế hệ sau,
bị thay bằng mục tiêu vì nhiệm vụ được thể chế giao cho. Thay đổi mục
tiêu làm thay đổi bản chất hệ thống, thay đổi cả bản chất con người các
nhà giáo, hệ thống trở thành cỗ máy công cụ sản xuất con người mới XHCN
không được tự có suy nghĩ riêng…
Ở xã hội ư? Đúng một phần nhỏ thôi. Vì xã hội vẫn muốn các thế hệ sau
của mình thành công hạnh phúc nhưng hoàn toàn bất lực, vì bị thể chế
kiểm soát và không hề có khả năng ảnh hưởng lên hệ thống giáo dục của
thể chế…
Câu trả lời là: Vấn đề nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo hay ở chính thể chế
tạo nên hệ thống giáo dục của xã hội này. Bởi vì, họ đã đánh tráo mục
tiêu của cả hệ thống giáo dục bằng mục tiêu kéo dài toàn trị của thể
chế, họ ép ngành giáo dục phải phục vụ mục đích chính trị của đảng CS
của họ để đào tạo ra những con người phò “mới XHCN”!
Vậy thì vấn đề của Giáo dục VN là gì?
Theo tôi, đó là do mục đích của giáo dục đã bị bỏ qua hay đảo lộn hay
đánh tráo như trên. Mục đích muôn thuở của mọi hệ thống giáo dục trong
mọi xã hội luôn là vì sự thành công và hạnh phúc của các thế hệ sau,
nhưng mục đích của hệ thống giáo dục VN lại là làm sao kiểm soát hành vi
và tư tưởng thế hệ sau để họ có thể giúp vào hoặc không cản trở được
việc kéo dài thể chế cộng sản toàn trị. Và để làm được thế thì phải đào
tạo họ từ bé (mẫu giáo) theo khuôn đúc sẵn của thể chế cộng sản tạo ra,
chính là hệ thống giáo dục vô nhân tính hiện tại, mà cái đích thực sự là
khống chế con người thay vì phát triển con người.
Hệ thống giáo dục hiện tại của VN vì thế, từ vỡ lòng đến đại học sau đại
học, cùng với các nhà giáo trong hệ thống đó – từ cô nuôi dạy trẻ đến
các giáo sư, chỉ là công cụ thực hiện mục đích bẩn thỉu vô lương trên
của thể chế, mà không hề đoái hoài đến thành công hạnh phúc của các thế
hệ sau mà họ “phục vụ, cống hiến, hy sinh”– là điều các thế hệ sau và
trước (toàn xã hội), trong đó có họ, thực sự mong muốn.
Vấn đề của giáo dục VN có khắc phục được không?
Câu trả lời là có và không. Có, nếu người Việt thực sự muốn khắc phục nó
bằng một hệ thống giáo dục đích thực nhân bản khác. Không, nếu người
Việt muốn khắc phục nó bằng chính thể chế phi nhân tính đã đẻ ra vấn đề
đó và hệ thống giáo dục hiện nay như họ đang “cố gắng” làm.
Khi một hệ thống giáo dục có mục tiêu nhân bản chính trực của nó là vì
thành công và hạnh phúc của các thế hệ mai sau, hệ thống đó sẽ luôn biết
tự hoàn thiện, vì nó đặt quyền lợi và tương lai của thế hệ sau là trung
tâm tối thượng cho mọi hoạt động của nó. Khi hệ thống giáo dục có mục
tiêu phục vụ kéo dài thể chế như ở VN hiện nay thì nó phản giáo dục và
càng “cải cách, đổi mới” nó càng dẫn đến sụp đổ thê thảm hơn của hệ
thống mà thôi.
Kết: không phải là một góp ý
Vì nhìn bản chất các vấn đề của giáo dục Niệt Nam là do nó bị đảng cộng
sản chính trị hóa toàn diện như vậy vì mục đích chính trị - tồn tại thể
chế, tôi thấy giáo dục VN đã trở thành một dạng bạo lực mềm của CSVN
không thể đổi mới hay cải cách, chỉ có thể phá đi và làm lại từ đầu, nên
tôi coi mọi “đóng góp” cho cải cách giáo dục dù tâm huyết thế nào đi
nữa cũng là vô nghĩa.
Bài viết ngắn này, vì thế, không phải một “đóng góp” cho hệ thống giáo
dục của đảng CS như thế, mà là một cảnh báo và tuyên bố: Nhân dân Việt
nam sẽ phá bỏ và xây dựng lại hệ thống giáo dục từ đầu, khi thể chế dân
chủ vì dân sẽ sớm thay thế thể chế cộng sản đang khủng bố dân toàn diện,
cả và trước hết trong giáo dục, trên đất nước này.
0 comments:
Post a Comment