VRNs (29.10.2014) – Sài Gòn – “Công an Tp.HCM đã
“sáng tạo” ra kiểu bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và
thanh danh đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước?”. Đó là lời
nhận xét của tác giả Xuân Dương được đăng tải trên Báo Giáo dục Việt Nam, vào ngày 27.10.2014.
Hành
vi bôi tro trát trấu của công an Tp.HCM được tác giả bài viết khẳng
định đó là “công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp. HCM” đã “phát tờ
rơi cho khách du lịch”, với mục đích “để chống các tệ nạn trên đường
phố”, và “phải tự bảo vệ tài sản cá nhân khi đi lại nơi công cộng”.
Nội dung của các tờ rơi này được cho nhằm “cảnh báo tội phạm”: “Tội phạm
bạo lực rất hay xảy ra tại thành phố HCM. Hãy giữ túi xách của bạn luôn
bên người, không đeo các đồ trang sức quý và cố gắng không để lộ liễu
máy ảnh và điện thoại di động”. Hay, “đừng tin vào đồng hồ trên xe taxi.
Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe
không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và
Mailinh.”
Nhận định về nội dung của tờ rơi, tác giả Xuân Dương viết: “Đọc xong
những dòng chữ in trên tờ rơi này, người Việt đương nhiên cả người nước
ngoài buộc phải cho rằng Công an Tp.HCM đã “sáng tạo” ra phương cách
“tốt nhất” nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và cũng là
bôi nhọ thanh danh chính đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước.
Cảnh báo tội phạm không phải là hiếm tại các thành phố lớn trên thế
giới, nhưng công an sở tại lưu ý người nước ngoài rằng tại thành phố
mình đang quản lý “tội phạm bạo lực rất thường xảy ra”, còn đồng hồ đo
trên taxi đều “không thể tin được” thì mới thấy lần đầu tại Tp. HCM.
Không chỉ có thế, việc một cơ quan nhà nước khuyến cáo du khách chỉ sử
dụng dịch vụ của hai hãng taxi Vinasun và Mailinh còn là hành động vi
phạm luật cạnh tranh trong kinh doanh thương mại trên địa bàn thành
phố.”
Một số bạn đọc phê phán cách đánh giá thiếu khách quan của của tác giả Xuân Dương.
Hoàng Long phản bác: “Bôi nhọ gì mà bôi nhọ. Có thì nói, sai thì sửa.
Mỗi người nên tự lo cho chính mình chứ đừng ỷ lại vào người khác. Tôi
thấy đây là một cách làm hay. Có thể lời lẽ chưa được tế nhị lắm, nhưng
về tinh thần là đúng đắn.”
Ngược lại, nhiều bạn đọc rất đồng tình với ý kiến phản biện của tác
giả Xuân Dương và nhận xét, lực lượng công an đang trốn tránh trách
nhiệm khi đứng trước các tệ nạn xã hội, bởi họ bất lực trước các vấn nạn
này.
le van nói: “Nhiệm vụ của công an là bảo vệ xã hội và con người, mà
bây giờ để người dân tự bảo vệ. Thấy buồn cười cho công an Tp.HCM.” Du
lịch kiểu Việt nam tiếp lời: “Hóa ra công an Tp.HCM tự nói “nhiệm vụ của
chúng tôi chỉ là thông báo, phát tờ rơi” còn an ninh trật tự thì quý
khách “linh hồn ai nấy giữ”. honghy nói thẳng thắn và cụt lủn: “Nhiệt
tình cộng dốt nát = phá hoại”.
Binh Do đặt câu hỏi: “Sao không để thời gian phát tờ rơi mà đi bắt
cướp nhỉ?”. moonlight trả lời: “vì phát tờ rơi an toàn hơn bắt cướp
!!!”. Trương Long bổ sung thêm: “Công an lo đi hà hiếp dân và canh ai tỏ
ra bất đồng với đoảng là bắt thôi, vấn đề an ninh xã hội thì không quan
tâm.”
Hiện nay, có một lực lượng không nhỏ công an và an ninh suốt ngày đi
canh me, canh chừng những người bất đồng chính kiến bởi vì họ khác chính
kiến với đảng cầm quyền. Cũng như, tại VN càng ngày xảy ra nhiều vụ
công an đánh dân ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cần tra cứu cụm từ
“công an đánh dân” trên google thì có ngay khoảng 13.100.000 kết quả
trong 0,32 giây, hoặc tra “công an cướp của dân” thì có liền khoảng
773.000 kết quả trong 0,52 giây.
Trách nhiệm nhiệm vụ của lực lượng công an Việt Nam đã bị đảo ngược?
Nạn trộm cắp, cướp giật, giá cả chặt chém… là những món ‘thường thấy’
ở VN đã được nhắc đến trong nội dung tờ rơi của công an, nhưng vẫn còn
thiếu nhiều những cảnh báo cần thiết. Bổn Đình Nguyễn bổ sung:
“Tui có đọc và thấy cái tờ rơi này nói đúng chứ có sai đâu? Và nó còn
thiếu rất nhiều cảnh báo cần thiết cho du khách… Theo tui còn rất nhiều
cái thiếu cần cảnh báo, ví dụ như có thể viết thêm: “Nếu quí khách ra
đường vào ngày mưa, nên trang bị áo phao vì rất có thể quí khách sẽ chết
đuối trên đường phố của chúng tôi!”, hoặc: “Quí khách nên ăn tại những
hàng quán gần bệnh viện, bởi có khả năng ăn xong quí khách sẽ ra về bằng
xe cấp cứu!”.”
Cũng dẫn từ nguồn trên, tác giả Xuân Dương có vẻ thất vọng hơn khi
dẫn chứng ở Tp.HCM có “08 vị lãnh đạo gồm bốn thiếu tướng, bốn đại tá”.
“So sánh quân hàm và chức vụ công an với bên quân đội, bốn đại tá
tương đương bốn sư đoàn trưởng, bốn thiếu tướng tương đương bốn tư
lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính ủy binh chủng. Giả thiết một
quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo Công an Tp.HCM tương
đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!”.
Tác giả chất vấn: “Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như thế, bên dưới là
một lực lượng hùng hậu gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ
động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn
một trung đoàn cơ động (khoảng 600 chiến sĩ) từ Bộ Công an chi viện,
vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được cải thiện?”.
Trong một diễn biến khác về tình hình an ninh, trật tự của thành phố mang tên HCM, Vnexpress có bài viết: “Hoảng loạn vì người nghiện ở Sài Gòn”
với hàng chữ in đậm nổi bật trên cùng: “Giám đốc trung tâm cai nghiện
bị học viên xin “đểu”, chủ tịch thành phố không dám bước xuống xe khi
thấy người nghiện…”. Bài báo này viết: “Không chỉ người dân hoảng loạn
mà ngay cả Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cũng bất an khi đối
diện với người nghiện.”
Bài báo dẫn chứng tiếp: “Hôm đó tôi xuống quận 2 làm việc, ngay chỗ
cây cầu sắt. Thấy một anh người thì xăm trổ, tay cầm ống tiêm ngồi trên
cầu tôi cũng hoảng, không dám bước xuống xe”, ông Quân cho biết tại cuộc
họp với các sở ngành, quận huyện.”
Hay trước đó, cũng trong một buổi họp, vị giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thuật lại câu chuyện “giám đốc trung tâm cai nghiện bị con nghiện xin tiền”
khiến nhiều người giật mình. Tình huống xảy ra khi ông Hoàng Liên Sơn,
Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa về nhà. Ông Sơn
gặp một người từng là học viên cai nghiện ma túy ở trước cổng, ông dừng
lại hỏi thăm cuộc sống của người này thì nhận được câu trả lời: “Tái
nghiện hết trơn rồi. Chú cho con mượn năm chục (50.000 đồng)”.
Qua những diễn biến trên cho thấy, thứ nhất, trong cách đưa tin của
nhà nước, điều gì tỏ ra sạch, đẹp, tươm tất thì họ sử dụng Tp. HCM, ví
dụ như “mùa xuân trên thành phố HCM”; còn những gì bị xem là tệ nạn thì
họ gọi là Sài Gòn, điển hình như bài báo “hoảng loạn vì người nghiện ở
Sài Gòn”. Chỉ cái gì tươi, đẹp… truyền thông nhà nước mới cho mang tên
HCM, nhưng thực tế sau hơn 40 năm mà nhà cầm quyền cs gọi là ngày giải
phóng đất nước, thì sản phẩm của người cộng sản tạo ra được là ‘ông Chủ
tịch thành phố hoảng, không dám bước xuống xe’ vì bị con nghiện xin
tiền, và vào năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy ở mọi thành
phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức,
người lao động. Trong đó, đại đa số chiếm 74% ở độ tuổi 18-35 và có 1%
dưới 18 tuổi. Số thống kê này được trích dẫn từ nguồn báo Sài Gòn Giải Phóng. Báo này còn nhận định, “số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay”, và “trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 7.000 người nghiện ma túy“.
Thứ hai, ông chủ tịch thành phố còn hoảng hốt, không dám bước xuống
xe khi gặp người nghiện, thì công an phường, quận là cái đinh gì mà
không “hoảng”, mà dám bước xuống xe khi gặp tội phạm. Lực lượng công an
“chỉ biết còn đảng còn mình”, nên những thứ khác như: chống tội phạm –
không phải là tội phạm chống đảng; hay bôi nhọ hình ảnh đất nước; mạng
sống, an toàn cho du khách và người dân thì không ảnh hưởng tới công an.
Tội phạm, người nghiện ma túy gia tăng, du khách giảm, hình ảnh đất
nước bị bôi tro trát trấu nhưng đảng còn thì lực lượng công an còn khỏe
mạnh! Nên công an chỉ tấn công người vi phạm giao thông và dân oan , vì
họ không có vũ khí, không có tiền án, nhưng có “tiền mặt”. Còn nhóm tội
phạm có thể có vũ khí, có bơm kim tiêm thì làm sao mà chống lại được.
Chi bằng cảnh báo bằng tờ rơi, để du khách tự bảo vệ hoặc họ cảm thấy lo
sợ, không dám đến địa bàn công an quản lý nữa, thế là công an ngủ khỏe,
khỏi sợ bị “soi” do để xảy ra tội phạm trên địa bàn… “Còn đảng là còn
mình” mà, phải canh me, phải trừng trị, phải dùng mọi thủ đoạn trấn áp
những người đấu tranh đòi đa đảng, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi nhân
quyền, dân chủ, đòi ngang hàng với đảng kìa, đấy mới là “sống, còn” của
công an.
HT, VRNs
0 comments:
Post a Comment