Friday, August 1, 2014

Tại sao không là người khác mà là tôi?


Vì tôi ý thức được quyền và phẩm giá của mình. Vì tôi không im lặng chấp nhận những hành vi, những cáo buộc vô cớ đối với mình và tôi luôn nỗ lực để dành lại quyền con người mà lẽ ra mọi công dân Việt Nam đều phải được thụ hưởng một cách công bằng chứ không phải ban phát. Vì tôi ý thức được trách nhiệm của mình để lên tiếng với cộng đồng thế giới về những vi phạm về quyền con người đối với cá nhân tôi và với người khác.

*

Hai ngày sau khi bị câu lưu trái phép hơn 9 tiếng đồng hồ tại phòng họp của Đội An ninh Điều tra (PA92), công an tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 1 tháng 8, 2014 tôi chủ động quay lại đồn công an để làm rõ việc tạm giữ giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân) và tài sản cá nhân (điện thoại) của tôi.

Đại diện cơ quan ANĐT, Thượng úy Đỗ Bảo Liêm (378-117) đã trả lời: Cơ quan ANĐT vẫn tiếp tục tạm giữ tài sản cá nhân của tôi để phục vụ cho công tác điều tra, và hỏi xem tôi có ý kiến gì không.

Tôi trả lời nhẹ nhàng: Với tôi, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Những điều này được ghi rõ trong biên bản làm việc do cơ quan ANĐT cất giữ.

Cần quay trở lại việc tôi bị câu lưu ở trụ sở công an khi đang trên đường ra sân bay đi Hà Nội để tham dự hội thảo “Truyền thông phi nhà nước tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” do đại sứ quán Úc tổ chức. Đại diện cơ quan ANĐT đã phối hợp với Cảnh sát Giao thông chặn xe tôi ngay trên đường, không xuất trình giấy mời, giấy triệu tập hay bất kỳ văn bản nào thể hiện việc họ “mời” tôi về trụ sở làm việc.

An ninh cũng đã khống chế và tước điện thoại trên tay tôi ngay khi vừa áp sát xe. Đây là hành động mà cá nhân tôi đánh giá là vi phạm pháp luật, tự tung tự tác và lạm quyền.

Gia đình, người thân và bạn bè không ai biết tôi ở đâu, làm gì trong suốt gần 9 tiếng đồng hồ, và tôi lỗi hẹn với nhiều người, làm gián đoạn công việc, tổn thất tài chính, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những việc này?

Thượng úy Đỗ Bảo Liêm đã hỏi vì sao tôi không đến cơ quan ANĐT làm việc theo giấy triệu tập vào sáng ngày 30/07/2014?

Tôi đã trả lời rất rõ ràng việc câu lưu và tạm giữ giấy tờ tùy thân cũng như tài sản cá nhân của tôi trước đó là hành động không đúng luật vì thế không có lý do gì để tôi tuân thủ giấy triệu tập khi nó được ban hành trong tình huống ấy.

Ông Liêm cho biết: Mọi việc cơ quan ANĐT làm đều có báo cáo lên lãnh đạo và có chỉ đạo.

Nói như vậy, khác nào luật pháp ở đây là khái niệm có thể biến chuyển tùy tiện và áp dụng tùy lúc tùy theo ý muốn của lãnh đạo?

Tôi không tranh cãi, vì tôi hiểu áp lực các ông phải chịu khi nhận lệnh từ cấp trên, và cũng vì ngay chính một người đồng sự của ông cũng đã nói với tôi rằng tôi khác các ông vì tôi tự do, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm cũng như áp lực từ lãnh đạo.

Nhưng tôi cũng nhắc lại ở đây để các ông biết vì sao tôi phản ứng bằng cách bất tuân phục vào chiều ngày 29/07/2014 để phải bị khiêng vào phòng họp.

Tôi không chấp nhận cách hành xử vô lối và trái luật của lực lượng công an, và tôi chỉ có thể thể hiện thái độ của mình một cách cứng rắn như thế như là câu trả lời cụ thể cho những hành động không phù hợp với quy tắc ứng xử của những người văn minh.

Việc cơ quan ANĐT xáo tung đồ đạc của tôi, tịch thu trái phép (hay còn gọi mỹ miều là tạm giữ) khi chưa thông báo cụ thể lý do vì sao tôi bị câu lưu cũng là một cách hành xử tùy tiện thiết nghĩ cần phải thay đổi.

Phục vụ công tác điều tra gì khi tạm giữ giấy tờ tùy thân của công dân? Và điều tra gì với CMND của tôi khi hồ sơ, lý lịch tôi đã có ở phòng PA92 từ năm 2009 lúc bắt giữ tôi? Việc tạm giữ giấy tờ tùy thân của tôi đến lúc này có thể nói thẳng ra là để kiếm soát, hạn chế quyền tự do đi lại của tôi.

Hôm nay, một viên an ninh đã nói với tôi: Phải đặt câu hỏi vì sao tôi đang đi ngoài đường mà bị mời như vậy trong khi không một bà hàng rau, một người bất kỳ nào đó? Và việc tôi tham dự hội thảo do đại sứ quán Úc tổ chức là đúng đắn (hợp pháp) sao?

Tôi không trả lời vì không muốn mất thêm thời gian sau khi đã hoàn tất điều mình muốn biết.

Nay tôi trả lời ở đây: 

Việc "mời" tôi vô lối như vậy thể hiện sự tùy tiện của cơ quan công an, muốn mời ai là mời, bắt giữ ai là bắt giữ. Đã có nhiều cái chết, nhiều người tự vẫn trong đồn công an sau khi nhận lời mời chính thức hoặc không chính thức như vậy. Điển hình là nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa (Phú Yên) và đến giờ ông Lê Đức Hoàn (Phó trưởng Ca TP Tuy Hòa) vẫn đang chối bỏ trách nhiệm liên đới khi mời công dân từ sáng đến chiều đã chết.

Hội thảo do đại sứ quán Úc tổ chức không phải là cuộc gặp gỡ vi phạm pháp luật Việt Nam, bằng chứng là nó được tổ chức công khai ở đại sứ quán và thư mời được gửi rộng rãi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam. Nếu có bằng chứng đó là một hội thảo tổ chức trái phép, cơ quan ANĐT hãy công bố để tôi có thêm thông tin.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi ý thức được quyền và phẩm giá của mình.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi không im lặng chấp nhận những hành vi, những cáo buộc vô cớ đối với mình và tôi luôn nỗ lực để dành lại quyền con người mà lẽ ra mọi công dân Việt Nam đều phải được thụ hưởng một cách công bằng chứ không phải ban phát.

Tại sao là tôi mà không là người khác?

Vì tôi ý thức được trách nhiệm của mình để lên tiếng với cộng đồng thế giới về những vi phạm về quyền con người đối với cá nhân tôi và với người khác.

Bỏ qua tất cả những khác biệt về chính kiến, về vị trí công việc và nhiệm vụ, tôi và một số an ninh nữ vẫn là những người phụ nữ bình thường, là mẹ của những đứa con nhỏ. Và hẳn là tôi và quý vị luôn muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Chúng ta không có sự khác biệt khi ở vị trí là người mẹ, vì vậy, tôi không muốn có xung đột. Tôi tôn trọng công việc của quý vị, với một điều kiện duy nhất nó phải hợp lý và đúng luật.


0 comments:

Powered By Blogger