Trọng Nghĩa_RFI
Theo báo chí Nhật Bản và Ấn Độ vào hôm nay, 30/08/2014, chính quyền
Manila vừa công bố ảnh chụp từ trên không cho thấy Bắc Kinh đang gấp rút
xây dựng cơ sở có thể dùng vào mục đích quân sự trên một số rạn san hô ở
vùng quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Philippines không ngần ngại tố cáo thái độ nói một đằng, làm một nẻo của
Trung Quốc.
Một bức ảnh mới nhất của bãi Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South
Reef) chụp ngày 29/07/2014 là bằng chứng rõ rệt về việc Bắc Kinh đang
tăng tốc độ xây dựng cơ sở.
Bức ảnh cho thấy rõ đường xá đã làm xong, nhiều cây dừa mới được trồng,
cũng như một số công trình khác. Tờ báo Nhật Asahi Shimbun, đã so sánh
bức không ảnh trên với một bức chụp vào tháng Hai, chỉ cho thấy các công
trình cải tạo đất đai đang được tiến hành., chứ không phải là các cơ sở
gần như hoàn chỉnh.
Một quan chức quân sự cao cấp Philippines nhận xét : « Với việc xây
dựng một sân bay quân sự và một hải cảng, Trung Quốc có thể là đang nhằm
mục tiêu kiểm soát Biển Đông bằng võ lực ».
Theo báo Asahi, các bức ảnh do quân đội Philippines cung cấp còn cho
thấy các công trình xây dựng đang được tiến hành trên hai rạn san hô
khác trong vùng Trường Sa là Cụm Đá Gaven (Gaven Reefs) và Đá Châu Viên
(Cuarteron Reef).
Cả ba thực thể địa lý này đều là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam,
Trung Quốc và Philippines. Chính Bắc Kinh vào năm 1988 đã xua lực lượng
võ trang đánh chiếm Đá Gạc Ma, lúc đó ở trong tay Việt Nam, sát hại hàng
chục người lính Việt Nam và giành quyền kiểm soát Gạc Ma, cũng như Ga
Ven và Châu Viên từ đó đến nay.
Cũng hôm nay, đài truyền hình Ấn Độ NDTV cũng nêu bật sự kiện chính
quyền Philippines công bố không ảnh để tố cáo Trung Quốc đẩy mạnh tiến
trình chiếm đóng Trường Sa. NDTV tuy nhiên đã chú ý đến các công trình
mà Trung Quốc đang tiến hành trên rạn san hô Kennan (Đá Ke Nan) còn gọi
là Chigua.
Bức ảnh chụp hồi cuối tháng Bảy cho thấy các chiếc cần cẩu khổng lồ,
vật liệu xây dựng, container được sử dụng làm nơi ở cho người dân và một
phần công trình bằng xi măng mà Philippines xác định là một đường bay.
Trả lời đài NDTV, ông Charles C. Jose, một phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Philippines thẩm định : « Căn cứ vào kích thước của các công trình
xây dựng, có thể phỏng đoán đó là một căn cứ quân sự ».
Theo NDTV, các công trình xây dựng đang được Trung Quốc rốt ráo xúc
tiến vào lúc Philippines đã có công hàm ngoại giao phản đối và cáo buộc
Trung Quốc vi phạm bản Tuyên bố năm 2002 về ứng xử trên Biển Đông mà Bắc
Kinh đã ký với ASEAN, trong đó yêu cầu các bên tranh chấp không được
đưa người đến ở tại các nơi còn hoang vắng.
Trung Quốc đã bị tố cáo là có thái độ lá mặt lá trái trên Biển Đông,
một mặt hô hào đối thoại, nhưng một mặt khác thì tiếp tục áp đặt chủ
quyền bằng cách tiếp tục xây dựng trên các rạn san hô đang tranh chấp.
Ông Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoai giao Philippines đã khẳng định với
đài truyền hình Ấn Độ : « Người Trung Quốc nói một đằng và làm một nẻo
».
Và cũng chính vì lý do đó mà Philippines đã quyết định đưa vấn đề
Biển Đông ra trước Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc và yêu cầu là các
tranh chấp phải được giải quyết thông qua Công ước Liên Hiêp Quốc về
Luật Biển (UNCLOS).
0 comments:
Post a Comment